Làm rõ nguyên tắc tranh tụng trong xét xử dân sự

Hà An - Văn Thăng lược ghi 14/03/2015 15:13

Cho ý kiến về dự thảo Bộ luật Tố tụng Dân sự (sửa đổi), đa số các thành viên UBTVQH cho rằng, dự thảo Bộ luật đã cụ thể hóa được nhiều quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, cơ bản bảo đảm sự thống nhất đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật khác. Các ý kiến cũng cho rằng, dự thảo Bộ luật cũng cần phải làm rõ các điều kiện bảo đảm tranh tụng, trình tự, thủ tục tranh tụng trong các giai đoạn xét xử.

Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu: tán thành quy định mở rộng thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm được sửa bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị

Tôi cho rằng, đây là Bộ luật đã được chuẩn bị khá công phu. Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị đề nghị phải tổng kết, đánh giá sâu sắc hơn, đầy đủ hơn một số chế định ở trong Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành để đưa ra được các căn cứ xác đáng khi sửa đổi, bổ sung ở đây. Vì đây là Luật sửa đổi, bổ sung cho nên mỗi sửa đổi, bổ sung một chính sách, một quy định cần phải thuyết minh rất thuyết phục, phải minh bạch, rõ ràng để hiểu được lý do tại sao lại phải sửa đổi.

Về nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự, tôi tán thành với báo cáo thẩm tra. Cần phải làm rõ hơn nguyên tắc tranh tụng không chỉ ở giai đoạn sơ thẩm mà kể cả các giai đoạn tố tụng khác như phúc thẩm, tái thẩm...

Về quyền thủ tục kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, tán thành với báo cáo thẩm tra và dự thảo là phân định quyền của Chánh án tòa án nhân dân cấp cao và thẩm quyền của Chánh án tòa án nhân dân Tối cao để phân định rõ thẩm quyền kháng nghị giám đốc thẩm. Về thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm, tôi tán thành với báo cáo thẩm tra và dự thảo là quy định mở rộng thẩm quyền của Hội đồng xét xử giám đốc thẩm được sửa bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị. Đây là vấn đề mà chúng ta nhằm xử lý các vấn đề giám đốc thẩm cứ vòng vèo, tốn kém thời gian, tiền bạc.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý: Dự thảo luật chưa thể hiện rõ nguyên tắc tranh tụng được bảo đảm theo quy định của Hiến pháp

Đây là dự án Luật quan trọng, vấn đề nào cũng quan trọng, đề nghị cần phải rà soát kỹ để tập trung giải quyết bất cập của Luật hiện hành, tất nhiên, ưu tiên sửa khi quy định của Luật hiện hành không phù hợp với Hiến pháp, sau đó ưu tiên giải quyết bất cập hiện hành. Hiện bất cập hiện hành là xét xử các vụ án dân sự, trong đó cần nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết, khắc phục được tình trạng tồn đọng án và xét xử lòng vòng, xử đi xử lại nhiều lần nhưng cũng không có hồi kết. Đây là điểm mấu chốt, cần tập trung để sửa. Cần rà soát lại những vấn đề này đã tập trung sửa chưa, sửa thì sửa mức độ thế nào, và sửa thì có rõ hơn cái hiện hành không? Cần phải rà soát lại để có phương án khả thi hơn.

Một trong những bổ sung rất quan trọng của Hiến pháp là trong hoạt động xét xử, nguyên tắc tranh tụng được bảo đảm nhưng dự thảo chưa thể hiện rõ. Dự thảo mới chỉ quy định rõ ràng về tranh tụng ở giai đoạn xét xử sơ thẩm. Xét xử sơ thẩm thì dùng khái niệm “tranh tụng” nhưng ở giai đoạn phúc thẩm lại không dùng khái niệm tranh tụng mà chỉ quy định cung cấp thông tin, có tranh luận, có giải thích, có hỏi đáp. Vậy ở giai đoạn phúc thẩm có dùng khái niệm “tranh tụng” không, hay ở giai đoạn khác, xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm có tranh tụng không? Đề nghị Ban soạn thảo làm rõ, tại sao ở phúc thẩm, tái thẩm, giám đốc thẩm tranh tụng lại không thể hiện rõ. Nếu không thể hiện rõ hoặc không dùng khái niệm tranh tụng thì có phù hợp với Hiến pháp không vì Hiến pháp đã quy định, trong hoạt động xét xử, nguyên tắc tranh tụng được bảo đảm, xét xử ở đây không phân biệt giai đoạn xét xử nào cả. Điều này phải lý giải như thế nào để không trái với Hiến pháp, phù hợp với Hiến pháp...
 
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: Cần xem xét để đưa thêm vào một số hòa giải ngoài tòa án vào trong dự thảo luật

Tôi đồng ý với ý kiến phương án 1 bảo đảm nguyên tắc tranh tụng, thẩm quyền của hội đồng giám đốc thẩm, thủ tục đặc biệt để xem xét lại thủ tục rút gọn, thẩm quyền tòa án trong thi hành án dân sự. Tôi tán thành với việc chúng ta đưa vào công nhận kết quả hòa giải ngoài tòa án. Kết quả hòa giải của UBND cấp xã phải được nâng tính pháp lý lên để nâng cao trách nhiệm và tham gia vào quá trình của một số cơ quan. Nếu đưa vào và công nhận hòa giải của UBND cấp xã trong luật này thì tôi rất tán thành. Hiện nay UBND cấp xã phạm vi hòa giải cũng rất là hẹp, đất đai, môi trường cho nên cũng không cần mở rộng.

Tuy nhiên, tôi đề nghị cần xem xét để đưa thêm vào một số hòa giải ngoài tòa án như hòa giải về lao động đã được quy định trong Bộ luật Lao động. Ở đây có hòa giải viên lao động, trọng tài lao động người ta còn tham gia hòa giải trước khi tới tòa án. Tôi nghĩ những cấp này cũng hoàn toàn có đủ năng lực để xem xét các vấn đề để hòa giải. Nếu mà chúng ta xem xét họ là hòa giải ngoài tòa án để làm một thủ tục đưa vào Luật này, ngoài UBND cấp xã hoặc là trung tâm trọng tài theo quy định pháp luật thì hòa giải viên lao động, trọng tài lao động theo Điều 198, Điều 199 Bộ luật Lao động rất khả thi và hoàn toàn phù hợp.

Hà An - Văn Thăng <i>lược ghi</i>