Anh hiệu giữ hồn bài chòi

Cao Sơn thực hiện 25/02/2015 08:37

Gs Hoàng Chương, cố vấn xây dựng hồ sơ Nghệ thuật bài chòi dân gian miền Trung Việt Nam trình UNESCO đề nghị công nhận bài chòi là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ông cho rằng, phải đẩy mạnh bảo tồn, phát triển nghệ thuật bài chòi, trong đó đặc biệt quan tâm đào tạo anh hiệu, bởi đây là người giữä nhịp và ứng tác, tạo nên sức hút của hội bài chòi.

- Bài chòi được coi là nghệ thuật dân gian độc đáo của miền Nam Trung bộ. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đặt câu hỏi có phải bài chòi sinh ra ở đất ấy không?

- Bình Định chính là cái nôi của nghệ thuật bài chòi. Điều này được khẳng định dựa trên một truyền thuyết dân gian. Theo đó, khi Đào Duy Từ (thế kỷ XVI) từ Thanh Hóa vào Bình Định ngoài dạy tuồng đã nghiên cứu dạy dân cả nghệ thuật bài chòi. Khi ấy, ở Bình Định, để chống thú rừng phá nương rẫy, mùa màng dân phải dựng chòi và cắt cử nhau canh giữ. Đêm, thú rừng ra, người canh gõ mõ, gõ trống, đánh phèng la đuổi. Để làm vui khi thức đêm đuổi thú, họ tự ứng tác hô hát với nhau. Ông Đào Duy Từ đã đưa bài chòi về nông thôn, phát triển bài chòi thành một hình thức giải trí, môn nghệ thuật biểu diễn. Như vậy, nghệ thuật bài chòi đã ra đời rất lâu và phát triển từ hàng trăm năm trước. Đến giờ hội đánh bài chòi vẫn tồn tại, phát triển ở Bình Định và một số tỉnh, thành Nam Trung bộ. Ở mỗi địa phương có cách chơi bài chòi khác nhau nhưng bài bản nhất ở Bình Định. Tại hội thảo về nghệ thuật bài chòi tổ chức năm 2013, các nhà nghiên cứu đã khẳng định: bài chòi là nghệ thuật dân gian đặc sắc, độc đáo, tồn tại hàng trăm năm không bị lai tạp.

- Điều gì làm nên sự độc đáo và đặc sắc của nghệ thuật bài chòi, thưa Ông?

Nguồn: chinhphu.vn
Nguồn: chinhphu.vn
- Nghệ thuật bài chòi là nghệ thuật ứng tác tài tình. Nghệ thuật ngẫu hứng, rất hồn nhiên. Bài chòi có bốn làn điệu chính là xàng xê, cổ bản, hò Quảng và xuân nữ, với nhiều cách hô hát khác nhau, muốn học bài bản phải mất mấy năm. Nghệ thuật bài chòi không bắt trước tuồng và cải lương. Tuy nhiên, vì sinh ra trên đất tuồng nên bài chòi có học tập một số nét của nghệ thuật tuồng như khi diễn một số vai đi ngựa, đánh thương... Còn cải lương cũng hầu như không ảnh hưởng tới bài chòi bởi có hình thức hô hát khác, nhịp khác. Bài chòi trữ tình, thâm thúy nhưng không bi lụy. Âm nhạc của bài chòi độc đáo từ việc sử dụng nhạc cụ truyền thống của dân tộc: đàn nhị, trống chiến, đàn bầu, mõ, phèng la…, dẫu cùng nhạc cụ với các loại hình nghệ thuật truyền thống khác nhưng được chơi theo nhịp bài chòi.

- Nghệ thuật bài chòi hiện tồn tại và phát triển thế nào thưa Ông?

- Hiện nay, bài chòi có hai luồng phát triển là hội bài chòi dân gian và bài chòi trên sân khấu chuyên nghiệp. Hội bài chòi thu hút đông đảo nhân dân tham gia, có khi lên đến nghìn người. Tất cả quây quần bên anh hiệu, chị hiệu (người hô hát, diễn trò) tạo nên không khí sôi động, tươi vui trong những ngày xuân. Trong hội thảo quốc tế về bài chòi tổ chức ở Bình Định cuối năm 2014, nhiều nhà nghiên cứu ngoài nước cũng khẳng định đây là một loại hình nghệ thuật độc đáo, có sức hút lớn. Khách quốc tế tham dự hội bài chòi ngồi cùng và hòa cùng dân bản địa. Vì thế, đây là môn nghệ thuật có tính quần chúng rất cao. Mối quan hệ giữa nghệ sĩ và người xem hòa quyện với nhau. Hiện chỉ còn ba đoàn bài chòi chuyên nghiệp ở Khánh Hòa, Quảng Nam, Bình Định, trong đó Đoàn Ca kịch bài chòi Bình Định phát triển mạnh nhất và đoạt nhiều giải thưởng cao trong các liên hoan toàn quốc. Gần đây, bài chòi được các địa phương quan tâm tổ chức nhiều hoạt động để phát triển, quảng bá. Đầu quý III.2015, tại TP Quy Nhơn, Bình Định sẽ diễn ra liên hoan bài chòi với sự tham gia của các địa phương có nghệ thuật bài chòi trên toàn quốc.

- Theo Ông, trong bảo tồn, phát triển nghệ thuật bài chòi hiện nay cần quan tâm nhất đến việc gì?

- Cái khó nhất của phục hồi, phát triển bài chòi là đào tạo anh hiệu. Sức hút của nghệ thuật bài chòi là từ anh hiệu. Anh hiệu, chị hiệu là linh hồn của hội bài chòi. Nghệ thuật độc diễn, ứng tác của họ, không hiệu ứng sân khấu nào có thể thay thế. Một nhà nghiên cứu Hàn Quốc nói với tôi, Hàn Quốc có nghệ thuật hát kể Pansori (đã được UNESCO ghi danh) nhưng tính hấp dẫn không thể sánh với anh hiệu - người có thể đóng nhiều vai trong bài chòi. Một cuộc diễn bài chòi có thể có nhiều anh hiệu thay nhau biểu diễn từ sáng đến tối, tạo nên sự đa dạng, phong phú cho buổi biểu diễn. Quê tôi, xã An Hòa, An Lão, Bình Định, đã xây dựng mọi thiết chế để khôi phục bài chòi nhưng khó khăn nhất là tìm anh hiệu. Không phải cứ thuộc, hát hay các làn điệu bài chòi là trở thành anh hiệu, mà phải có nghệ thuật ứng tác, biểu diễn để tạo sức hấp dẫn. Mới đây, có lãnh đạo địa phương mời tôi giúp đào tạo anh hiệu, tôi trả lời tôi không thể đào tạo anh hiệu được. Muốn có anh hiệu, phải tìm từ các hội chơi bài chòi dân gian để xem ai có năng khiếu thì chọn ra đào tạo, chứ không thể đào tạo trong nhà trường. Tôi biết, ở TP Quy Nhơn hiện có cả chục anh hiệu, chị hiệu, trong khi các nơi khác tìm mỏi mắt không có.

- Xin cám ơn Ông!

Cao Sơn <i>thực hiện</i>