Vẽ là nhu cầu tự thân, bản sắc thể hiện tinh thần

Ng. Anh ghi 12/02/2015 14:27

Cùng theo đuổi tranh sơn mài - đỉnh cao của nghệ thuật Việt Nam, nhưng cả họa sĩ Trương Bé (Thừa Thiên Huế) và họa sĩ Hồ Hữu Thủ (TP Hồ Chí Minh) đều cho rằng, chất liệu chỉ là một lợi thế, mỗi họa sĩ phải tạo ra ngôn ngữ riêng biệt, độc đáo, để cho ra đời những tác phẩm đẹp, mang đậm tinh thần, bản sắc dân tộc Việt.

Không cứ áo dài, đình chùa mới là Việt Nam

- Gần đây người ta bàn nhiều về bản sắc trong mỹ thuật Việt Nam, cho rằng bản sắc là thứ mà một quốc gia không nên đánh mất. Theo họa sĩ, bản sắc Việt được thể hiện trong mỹ thuật Việt như thế nào?

Họa sĩ Trương Bé: Bản sắc là hồn cốt của một dân tộc, được bộc lộ, thể hiện thông qua ngôn ngữ tạo hình. Bản sắc là cái riêng biệt, chỉ Việt Nam mới có, ví dụ như tranh sơn mài. Nhưng đó mới là phần chất liệu. Họa sĩ phải tạo ra ngôn ngữ riêng biệt, độc đáo trong tranh sơn mài. Chẳng hạn như trước đây vẽ hiện thực, nay chuyển sang siêu thực, trừu tượng - một ngôn ngữ hoàn toàn mới. Ngôn ngữ mới đó cần có thời gian để người ta tiếp cận, làm quen, cảm thụ, rồi mới trở thành bản sắc. Nói như thế để thấy bản sắc không có sẵn mà là một quá trình tiếp nối, kế thừa và phát huy.

Họa sĩ Hồ Hữu Thủ: Bản sắc thuộc về tinh thần chứ không phải cái mình thấy. Bản sắc ẩn chứa trong con người Việt Nam, trong mỗi nghệ sĩ, phát lộ ra bằng những ẩn ngữ của âm nhạc hay hội họa. Có người ngoại quốc nhìn tranh của tôi, nhận xét: tranh sơn mài trừu tượng ông vẽ đầy tính dân tộc Việt Nam. Mặc dù tôi không vẽ áo dài, đình chùa, miếu mạo... nhưng màu sắc hài hòa trộn vào tác phẩm và đẩy ra bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam. Vậy, bản sắc không thuộc hình thức, mà thuộc về tinh thần, nội dung tác phẩm. Nhiều người thường nhầm lẫn điều này. Các họa sĩ Indonesia thường sử dụng hình ảnh những mô típ cổ, nghệ thuật biểu diễn, nên nhìn vào thấy liền, nhưng với các họa sĩ Việt Nam, nó phát lộ trong tinh thần của tác phẩm.
Trừu tượng Sơn mài của Hồ Hữu Thủ
Trừu tượng Sơn mài của Hồ Hữu Thủ
Họa sĩ Trương Bé: Có người nói xem sơn mài trừu tượng không hiểu gì cả, nhưng sơn mài có phải để hiểu đâu, mà phải cảm nhận bằng tâm hồn, cảm xúc, trong vô thức sâu thẳm. Một cô gái đẹp là đẹp chứ không cần giải thích gì hết. Cái đẹp là mẫu số chung. Bản sắc cũng như vậy, tôi tạo ra cái đẹp, cái đẹp ấy dần dần trở thành sắc thái riêng biệt của ngôn ngữ đó, của dân tộc đó. Sơn mài Việt Nam hoàn toàn khác sơn mài của Nhật, của Trung Quốc, rất sâu, thắm, đượm, thô mộc. Cùng ngôn ngữ đường nét màu sắc, nhưng chất tạo hình hoàn toàn hiện đại.
Vẽ là nhu cầu tự thân, bản sắc thể hiện tinh thần ảnh 2
Họa sĩ Hồ Hữu Thủ sinh năm 1940, trước năm 1975 giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Sài Gòn. Ông từng giành Huy chương Bạc cuộc thi Mỹ thuật do ESSO tổ chức năm 1960, giải Nhì Giải thưởng Mỹ thuật Quốc gia năm 1990. Từng triển lãm tại các nước: Singapore, Pháp, Nhật Bản, Mỹ, Indonesia...

Họa sĩ Hồ Hữu Thủ: Nếu đặt vấn đề phải hiểu, chính tôi, tôi cũng không hiểu hội họa của mình là gì. Nghệ thuật là cảm nhận. Tôi không chờ đợi sự hiểu, nhưng tôi tin vào cảm nhận. Tác phẩm phải đẹp và rung động lòng người, chứ không chỉ dừng ở cái lạ không mỹ cảm, hoặc đánh đố, lừa bịp người thưởng ngoạn. Nghệ thuật phải lấy nhân bản, mỹ cảm làm gốc chứ không phải ý tưởng.

Một số nước ở châu Á cũng có sơn mài, nhưng chỉ dừng ở sản phẩm gia dụng, chưa nâng lên thành nghệ thuật như Việt Nam. Nhưng sơn mài chỉ là chất liệu. Bản sắc thể hiện tinh thần, chứ không phải vật chất. Ví dụ, các tiền nhân như Lê Lợi, Quang Trung, tinh thần nổi dậy chống xâm lăng, đó là tính dân tộc không muốn lệ thuộc. Đem tinh thần đó, vẽ bằng chất liệu nào cũng được.

- Phải chăng vì thế mà mỹ thuật được coi là một trong những kênh dễ nhất giúp khám phá bản sắc văn hóa của một cộng đồng, một dân tộc?

Họa sĩ Trương Bé: Hội họa là ngôn ngữ không lời, cho mọi người, trừ người khiếm thị, nên nó vượt qua không gian, thời gian, tồn tại mãi mãi với con người. Tiếp xúc với hội họa là tiếp xúc với cái đẹp. Hơn thế, hội họa là ngôn ngữ tương đối dễ tiếp thu, tiếp cận, thưởng thức, vì nó là hình ảnh cụ thể. Có điều, trong hội họa có nhiều khuynh hướng sáng tác, có nhiều trường phái, nhiều loại hình, thể loại, phong cách, người nào cảm nhận được khuynh hướng, trường phái nào thì cảm nhận theo lối đó. Con người cũng phải được rèn luyện, giáo dục về mặt thẩm mỹ mới cảm nhận được cái họa sĩ vẽ ra. Có câu: Thượng đế tạo ra em, em sẽ chết. Ta tạo ra em, em sẽ sống muôn đời. Thượng đế tạo ra em, một lúc nào đó em sẽ mất đi, nhưng họa sĩ tạo ra em trên tấm toan thì em sống mãi với thời gian. Đó là khả năng to lớn của hội họa, đáp ứng nhu cầu thưởng thức của con người.

Khải huyền Sơn mài của Trương Bé
Khải huyền Sơn mài của Trương Bé

Họa sĩ Hồ Hữu Thủ: Tất cả những điều họa sĩ Trương Bé nói chính là văn hóa của dân tộc Việt. Hội họa là một biểu hiện cho nền văn hóa của xứ sở. Vì thế, trách nhiệm của nghệ sĩ rất nặng nề. Nghệ sĩ chỉ làm một thứ là nghệ thuật, vì vậy làm sao phải tạo ra cái đẹp. Đó là điều rất cần thiết cho cuộc sống, cho thế giới này. Bởi đúng như nhà văn Liên Xô Dostoyevsky từng nói: Cái đẹp cứu rỗi thế giới.

Với họa sĩ chân chính, vẽ là nhu cầu tự thân

- Một nhà sưu tập từng mua tranh Việt Nam triển lãm ở nước ngoài, phàn nàn: “Khi mới đến Việt Nam, tôi thấy thích gì thì mua nấy, còn các họa sĩ Việt Nam thích gì thì vẽ nấy. Bây giờ, tôi thấy các họa sĩ chỉ vẽ những gì tôi thích”…

Họa sĩ Hồ Hữu Thủ: Mỗi họa sĩ đều có nhu cầu phát triển, nếu chỉ dựa theo ý định của nhà sưu tập thì chỉ là buôn bán. Họa sĩ chân chính vẽ bằng tâm hồn, nhu cầu, mỹ cảm của họ, không phải vẽ tranh để bán.

Vẽ là nhu cầu tự thân, bản sắc thể hiện tinh thần ảnh 4
Họa sĩ Trương Bé sinh năm 1942, là Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật Huế 1996 - 2000. Ông đã tham gia nhiều triển lãm trong và ngoài nước, được nhiều giải thưởng mỹ thuật, có tranh trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh, Bảo tàngMỹ thuật Singapore...

Họa sĩ Trương Bé: Họa sĩ đích thực say mê nghề nghiệp, luôn sáng tạo ra cái mới, không lặp lại, không vẽ lại tranh người khác, không vẽ lại tranh của chính mình, cũng không chỉ vẽ tranh để kiếm tiền. Tạo ra cái mới hấp dẫn là nhu cầu của người sáng tạo.

- Nhưng có thực tế, nếu họa sĩ chỉ vẽ theo nhu cầu tự thân, thì không phải lúc nào tranh cũng đắt khách?

Họa sĩ Trương Bé: Thị hiếu người mua có nhiều cấp độ. Người thích trừu tượng, hiện thực, người thích tranh dạng souvenir. Tuy nhiên, người vẽ phải biết được thế nào là nghệ thuật đích thực, tránh những thứ nửa vời, làm đến nơi đến chốn, hết mình cho nghệ thuật. Vốn liếng cạn quá, chép của người khác hay vẽ tranh lại của chính mình thì nghệ thuật đó chưa cao.

Họa sĩ Hồ Hữu Thủ: Họa sĩ vẽ tranh, trước hết là nhu cầu của họ, nhu cầu phát triển, luôn đổi mới. Khi đó, người mua tranh bị dẹp qua một bên, không phải vì có người mua mới vẽ. Người mua tranh phải chạy theo cái mới, mua cái mới, chứ không phải vẽ lại cái cũ để họ tiếp tục mua. Người sưu tập tranh rất ghét họa sĩ vẽ lại cái cũ, na ná. Họ muốn họa sĩ vẽ cái khác để họ sưu tập cái mới hơn. Vì thế, không phải vẽ tranh cũ mà bán được, ngược lại, phải vẽ luôn luôn mới thì mới bán được. Đó là nhu cầu không chỉ của nghệ sĩ, mà của cả người sưu tập. Với họa sĩ, vẽ là hơi thở, là cuộc sống, là khát vọng cháy bỏng, là tình yêu, vẽ là đạo, là tu, là thiền, không phải có người mua mới vẽ. Họa sĩ luôn sống trong tinh thần đó.

- Xin cám ơn hai họa sĩ!

Ng. Anh <i>ghi</i>