Muốn cứu không gian văn hóa 36 phố phường
Hà Nội phải giãn dân
Muốn giữ không gian văn hóa Hà Nội cổ với 36 phố phường xưa: Rủ nhau chơi khắp Long thành/Ba mươi sáu phố rành rành chẳng sai/Hàng Bồ, hàng Bạc, hàng Gai... phải giãn dân phố cổ. Giãn dân là để cứu phố cổ.
![]() Nguồn: ITN |
Khu phố cổ nằm trên địa bàn quận Hoàn Kiếm được đánh giá là khu di tích đặc biệt về mặt không gian văn hóa truyền thống vật thể và phi vật thể, độc đáo từ lịch sử, kiến trúc đến văn hóa đặc trưng của Hà Nội. Sự tồn tại của phố cổ Hà Nội là một tất yếu khách quan của Hà Nội. Tuy nhiên, cùng với thời gian và sự phát triển của đời sống xã hội, khu phố cổ Hà Nội đối mặt với tình trạng xuống cấp trầm trọng. Theo báo cáo triển khai thực hiện Đề án giãn dân phố cổ, quận Hoàn Kiếm, có tới 1.653 nhân khẩu đang sinh sống trong các công trình di tích là đình, đền, chùa, miếu và các di tích cách mạng; chưa kể 97 nhân khẩu sống trong công sở và 106 nhân khẩu sống trong các trường học tại 10 phường trên địa bàn quận.
Chỉ với diện tích khoảng 100ha, do quá nhiều người sinh sống, dân cơi nới diện tích cũng như thay đổi chức năng sử dụng khiến cho các công trình kiến trúc tại khu phố Hà Nội không giữ được nét đẹp cổ kính vốn có của 36 phố phường xưa. Với chủ trương của Thành ủy và UBND TP Hà Nội nhằm giảm mật độ dân cư khu vực phố cổ từ 823 người/ha xuống còn 500 người/ha đến năm 2020 theo Đề án giãn dân phố cổ, quận Hoàn Kiếm hy vọng việc giãn dân sẽ là cứu cánh của các di tích văn hóa, lịch sử nơi đây. Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hồ Quang Lợi nhấn mạnh, giãn dân phố cổ là trách nhiệm của mỗi người dân để bảo tồn, tôn tạo các di tích, công trình kiến trúc cổ cho hôm nay và mai sau.
![]() | |
Phố Tạ Hiện được trùng tu năm 2012 | Nguồn: nguoidothi.vn |
Tại tọa đàm trực tuyến về triển khai Đề án giãn dân phố cổ mới đây, câu hỏi đặt ra với Đề án giãn dân phố cổ không chỉ là giải phóng mặt bằng mà quan trọng hơn, phải xác lập lại các không gian văn hóa 36 phố phường Hà Nội xưa. Theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn, ngay khi thực hiện xong công tác di dời, quận sẽ có dự án trùng tu, tôn tạo các di tích văn hóa, lịch sử để trả lại không gian vốn có của khu phố cổ như: phục dựng các ngôi đình, đền, chùa và cửa ô theo kiến trúc khu phố cổ là kiến trúc xây dựng kiểu truyền thống của Việt Nam, kiến trúc theo kiểu tân cổ điển thời Pháp thuộc và phong cách nghệ thuật trang trí hiện đại. Ông Dương Đức Tuấn khẳng định, khu phố cổ Hà Nội với bề dày lịch sử, mang đậm bản sắc văn hóa, được bảo tồn, gìn giữ chính là sự bảo đảm cho phát triển bền vững, cải thiện đời sống gắn với phát triển các ngành thủ công chất lượng cao.