Tiếng trúc, tiếng tơ, tiếng lòng
“Nốt nhạc cuối cùng tan vào không gian, cả khán phòng hòa nhạc tại Bảo tàng Guimet (Paris) như lặng đi, rồi vỡ òa trong những tràng vỗ tay và cả những giọt nước mắt. Nhiều người đã khóc. Khoảng cách giữa nghệ sĩ và khán giả, sự khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa dường như không tồn tại” - NSƯT Xuân Hoạch kể.
Ấn tượng Paris
Sau một thời gian chuẩn bị, đầu tháng 11.2014, đoàn nghệ sĩ gồm: NSND Thanh Hoài, NSƯT Công Hưng, NSƯT Thanh Bình, NSƯT Vũ Ngọc, NSƯT Xuân Hoạch và nghệ sĩ Thanh Hà rời Hà Nội lên đường sang Pháp. Đến Paris, khá đông kiều bào ta ở Pháp ra chào đón khiến các thành viên trong đoàn cảm thấy phấn khởi.
Ngay hôm sau đặt chân đến Paris, các nghệ sĩ Thanh Bình, Thanh Hoài, Công Hưng và tôi (Xuân Hoạch) đã nhận lời tham gia buổi tọa đàm xoay quanh chương trình Tiếng trúc, tiếng tơ kéo dài suốt hai giờ đồng hồ tại Đài Phát thanh quốc tế Pháp (RFI). Họ hỏi về những tiết mục trong chương trình biểu diễn tại Bảo tàng Guimet (Paris). Nghệ sĩ Thanh Bình khẳng định: chúng tôi sẽ mang đến cho khán giả Paris những gì tinh túy nhất của âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Họ cũng quan tâm đến cây đàn hồ do tôi chế tạo từ quả bầu khô, tre trúc và dây tơ. Tôi giảng giải cho họ về quả bầu của người Việt, rồi quá trình thử nghiệm làm vỏ quả bầu thành nhạc cụ, kết hợp với các sợi tơ để tạo ra những âm thanh độc đáo. Tôi làm nhạc cụ trước hết là để thỏa đam mê trong cuộc chơi âm nhạc của mình, sau đem giới thiệu với khán giả. Tôi làm nhạc cụ để nói chuyện với nó và nó đã đáp lại tôi. Tiếng trúc, tiếng tơ rất gần với tiếng tâm hồn, tiếng lòng người.
![]() Tờ giới thiệu Tiếng trúc tiếng tơ tại Paris |
Hơn 400 vé xem chương trình Tiếng trúc, tiếng tơ đã được bán hết. Thế nhưng, ngay trước buổi biểu diễn ngày 7.11.2014, nhiều người đến thăm bảo tàng biết thông tin vẫn hỏi mua vé, khiến Ban tổ chức phải xếp thêm ghế dọc lối đi. Tuy vậy, có những người chẳng cần ghế mà ngồi ngay bậc lên xuống hai bên sân khấu, háo hức hướng lên sân khấu chờ tiết mục mở màn. Các nghệ sĩ đều vui và cảm thấy hứng khởi trước sức nóng của khán phòng hòa nhạc tại Bảo tàng Guimet.
Chinh phục khán giả
Sân khấu Tiếng trúc, tiếng tơ trang trí mộc mạc, đậm chất dân gian Việt Nam. Các nghệ sĩ đem sang 5 dải lụa màu nâu, để buông xuống từ trên cao làm hậu cảnh. Phía trước các dải lụa là giá để nhạc cụ, vừa mang tính chất trưng bày trang trí, vừa để nghệ sĩ tiện sử dụng trong biểu diễn... Tôi đệm đàn đáy, mở màn chương trình bằng câu ngâm dâng hương theo lối hát cửa đình. Nối tiếp là làn điệu chèo cổ Sa lệch chênh đượm chất trữ tình hoài niệm, được thể hiện qua giọng hát của nghệ sĩ Thanh Bình. NSND Thanh Hoài trưng được chất giọng vàng khi ngâm những vần thơ của Nguyễn Duy. Với chất giọng quyến rũ ma mị, ngón đàn nguyệt long lanh, nghệ sĩ Công Hưng đưa người nghe vào cõi tâm linh huyền bí của thể hát chầu văn. Nghệ thuật ca trù hát khuôn với bài Thét nhạc hát theo lối cửa đình do Thanh Bình thể hiện đã làm toát lên phong thái trang nghiêm đĩnh đạc mà trữ tình kín đáo của thể nhạc này. Tiếp đó, tôi thể hiện bài ca Anh xẩm của thi sĩ Tản Đà, tiếng đàn hồ đậm chất dân gian như đưa người nghe về chốn quê xưa. Những câu hò Huế, điệu lý tình tang hay tâm sự sâu sắc của bài Dạ cổ hoài lang qua chất giọng Hương Thanh đem đến ấn tượng về miền quê Nam bộ... Trong suốt một tiếng rưỡi đồng hồ, không cần lời giới thiệu, những câu ca, tiếng nhạc đầy sức mạnh nội tâm của các nghệ sĩ cứ thế đưa người nghe đi hết cuộc viễn du vượt thời gian về với âm nhạc Việt cổ.
![]() |
Dư âm
Sau chương trình biểu diễn tại Bảo tàng Guimet, nhiều kiều bào vì ở cách xa hàng trăm cây số, hoặc sức khỏe không cho phép, đã gọi điện đến Ban tổ chức và nghệ sĩ, bày tỏ sự tiếc nuối khi không thể tham dự chương trình. Tuy nhiên, họ đều theo dõi buổi biểu diễn qua đài phát thanh... Sau buổi biểu diễn chính thức, cộng đồng người Việt ở Pháp còn tổ chức cho đoàn 4 buổi giao lưu, các nghệ sĩ không biểu diễn theo chương trình Tiếng trúc, tiếng tơ mà trình diễn theo yêu cầu của khán giả. Chiều chủ nhật, 9.11.2014, chúng tôi biểu diễn phục vụ cộng đồng người Việt ở Espace Salvador Allende, tại Palaiseau, ngoại ô phía Nam thành phố Paris. Chỗ biểu diễn rất nhỏ, ngay tại gia đình của kiều bào. Họ tự nguyện đóng góp kinh phí để hỗ trợ chủ nhà và các nghệ sĩ. Khi giao lưu, có khán giả hỏi tôi, lâu nay chỉ thấy anh đánh đàn, nay lại thấy anh hát, mà hát hay đến thế? Tôi bảo, tôi sinh ra ở Thái Bình, hát chèo đã ngấm vào máu. Thế là mấy Việt kiều quê ở Thái Bình ùa đến. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau, kể chuyện, hỏi han... rất xúc động. Mọi người nói, xem chương trình xong cảm thấy thêm yêu quê hương, đất nước mình hơn.
Trước khi chia tay, tôi tặng cây đàn bầu do chính tay mình chế tạo từ chất liệu truyền thống tre, trúc và dây tơ tằm cho Bảo tàng Guimet. Giám đốc Bảo tàng Guimet nói cổ vật châu Á trưng bày ở Bảo tàng rất nhiều thứ đẹp và quý giá, nhưng Việt Nam hiện chỉ có một pho tượng Phật bằng gỗ. Chúng tôi sẽ nghiên cứu để trưng bày cây đàn này bên dưới pho tượng Phật như một sự trân trọng đối với âm nhạc truyền thống Việt Nam. Chúng tôi đề nghị, trong năm 2015 sẽ phối hợp với các nghệ sĩ tổ chức biểu diễn Tiếng trúc, tiếng tơ kết hợp với chiếu phim giới thiệu các cổ vật của Bảo tàng tại Việt Nam, để người Việt biết về các hiện vật quý của Bảo tàng.