Đến hiện đại từ truyền thống

Ths Nguyễn Huy Phòng
Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
07/02/2015 08:45

Với bản tính khiêm nhường, cốt cách thanh cao, trí tuệ uyên bác, lối hành xử “dụng chi tắc hành, xả chi tắc tàng” của ông đồ xứ Nghệ, Gs Trần Đình Hượu lặng lẽ cống hiến trọn đời mình cho sự phát triển của nền học thuật nước nhà trên phương diện nghiên cứu tư tưởng, văn hóa và con người Việt Nam. Đến hiện đại từ truyền thống là định đề khoa học về văn hóa và con người Việt Nam, là câu chuyện không chỉ riêng Trần Đình Hượu mà là vấn đề lớn của cả dân tộc trong bối cảnh hiện nay.

Bàn về văn hóa dân tộc trong bước chuyển mình, hội nhập quốc tế, Trần Đình Hượu quan tâm đến việc xác định cái “vốn văn hóa” - cái mà hôm nay chúng ta gọi là bản sắc văn hóa dân tộc, vì theo ông chỉ khi nào biết được những cái gì là của mình, do mình sáng tạo ra ta mới có cơ sở để trân trọng, tự hào, để bảo tồn, phát huy và tiếp thu cái mới của thế giới. Ông viết: “Trong sự sáng tạo văn hóa, mỗi dân tộc hình như từ lâu đã có những thói quen, những ưa thích, những sở trường, những khuyết tật làm nên đặc sắc của nó. Nắm vững những cái đó, bước đi ở hiện tại sẽ ít mù quáng hơn và cũng nhờ thế có thể phần nào dự đoán để định hướng cả bước đi trong tương lai”. Như vậy, văn hóa dân tộc có vai trò quan trọng đối với sự phát triển xã hội, bởi nó là sự hội tụ, kết tinh những phẩm giá, bản lĩnh, cốt cách, tâm hồn dân tộc. Vì đặc sắc dân tộc của văn hóa làm cho mỗi dân tộc hiện ra với những nét độc đáo, phân biệt với các dân tộc khác.

Một lưu ý khi tìm hiểu về văn hóa dân tộc, cần tránh lối tuyên truyền, hô hào bằng những khẩu hiệu mà chưa hiểu đúng bản chất đối tượng. Tìm đặc sắc dân tộc, nếu không muốn là suy đoán chủ quan, thay thế kết luận khoa học bằng những mục tiêu tuyên truyền, như khi kháng chiến thì nói đặc tính của dân tộc ta là yêu nước, bất khuất, khi xây dựng xã hội chủ nghĩa thì là cần cù lao động, khi gặp khó khăn thì lại là lạc quan yêu đời… Điều quan trọng là phải có sự nghiên cứu, đánh giá khách quan, dựa trên những chứng cứ cụ thể thuyết phục để có thể chứng minh, gọi tên được nét đặc sắc riêng, độc đáo của dân tộc mình.

Gs Trần Đình Hượu và các thế hệ học trò Ảnh: Tư liệu
Gs Trần Đình Hượu và các thế hệ học trò Ảnh: Tư liệu
Nghiên cứu, tìm hiểu vốn văn hóa dân tộc cần phải quan tâm đến những ảnh hưởng, tác động của môi trường tự nhiên, điều kiện sinh hoạt đến việc hình thành những thói quen và phương thức ứng xử linh hoạt của con người với môi trường sống. Trần Đình Hượu cho rằng: “Chắc chắn là văn hóa Việt Nam - văn hóa của dân tộc chủ thể là người Kinh - và phần đặc sắc của nó chịu sự chi phối của vùng đất cư trú làm môi trường thiên nhiên, làm điều kiện sống cho nó”.

Khi so sánh giữa văn hóa của dân tộc mình với dân tộc khác cần tránh tâm lý cho rằng nền văn hóa của ta là đồ sộ, có những cống hiến lớn lao cho nhân loại, hay có những đặc sắc nổi bật. Vì theo Trần Đình Hượu ở nước ta do những đặc điểm về điều kiện tự nhiên, lịch sử xã hội nên những vấn đề về tôn giáo, tư tưởng triết học, khoa học, âm nhạc, hội họa chưa có những bước phát triển đột phá, đạt đến trình độ cao, chưa có sự ảnh hưởng và chi phối lâu dài đến toàn bộ văn hóa. Ông viết, ở ta thần thoại không phong phú, tôn giáo hay triết học cũng đều không phát triển. Không có một ngành khoa học, kỹ thuật, giả khoa học nào phát triển đến thành có truyền thống. Âm nhạc, hội họa, kiến trúc đều không phát triển đến tuyệt kỹ... Chưa bao giờ trong lịch sử dân tộc, một ngành văn hóa nào đó trở thành đài danh dự, thu hút, quy tụ cả nền văn hóa.

Từ việc phân tích, nhận định những đặc điểm của văn hóa Việt Nam trong truyền thống và hiện tại, Trần Đình Hượu đã khái quát lên một nhận định mang tính thuyết phục về văn hóa và con người Việt Nam: “Người Việt Nam sống có văn hóa, người Việt Nam có nền văn hóa của mình. Những cái thô dã, những cái hung bạo đã bị xóa bỏ để có cái nền nhân bản. Tinh thần chung của văn hóa Việt Nam là thiết thực, linh hoạt, dung hòa. Không có khát vọng để hướng đến những sáng tạo lớn mà nhạy cảm, tinh nhanh, khôn khéo gỡ các khó khăn, tìm được sự bình ổn”.

Và cũng theo Trần Đình Hượu những cái đó là những cái đã lắng đọng, đã ổn định, chắc chắc là kết quả của sự dung hợp của cái vốn có, của văn hóa Phật giáo, văn hóa Nho giáo, cái được dân tộc sàng lọc, tinh luyện để thành bản sắc của mình.

Vì vậy khi nghiên cứu văn hóa, tìm về bản sắc văn hóa dân tộc, cần quan tâm đúng mức đến những sắc thái đặc trưng, mang tính ổn định, chi phối sâu sắc đến tâm lý, tính cách con người Việt Nam, nhất là trong quá trình đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, đi lên xã hội chủ nghĩa, việc hiểu và thấy được những nét đặc sắc của dân tộc là cần thiết. Ông viết: “Chúng ta xây dựng văn hóa xã hội chủ nghĩa từ cái vốn văn hóa truyền thống có tính nông nghiệp, làng xã và “phương Đông”. Quãng cách phải khắc phục thật xa. Các vấn đề phải giải quyết để xây dựng cái mới hết sức nhiều, hết sức phức tạp. Trong các vấn đề đó có chuyện tìm đặc sắc văn hóa dân tộc”.

Tuy nhiên khi tìm hiểu đặc sắc văn hóa dân tộc và xây dựng một nền văn hóa xã hội chủ nghĩa có đặc sắc dân tộc cần tránh coi việc làm này trở thành sùng cổ, thành dân tộc chủ nghĩa, làm cho đặc sắc dân tộc trở thành một thứ hàng rào ngăn cản cái hiện đại, cái thế giới. Cái hiện đại, cái thế giới không phải hay cả, nhưng nếu dùng cái dân tộc đóng cửa chính lại thì cái dở nhất của nó sẽ chui vào cửa sổ. Đây là một quan điểm đúng đắn, tiến bộ thể hiện tầm nhìn xa của Trần Đình Hượu đối với vấn đề bảo tồn, phát huy tinh hoa văn hóa dân tộc, đồng thời không ngừng tiếp thu cái mới, cái tiến bộ của văn hóa thế giới để làm giàu thêm vốn văn hóa dân tộc mình.

Một điều kỳ vọng của Trần Đình Hượu hay cũng có thể coi đây là những dự báo của ông về xu thế phát triển của văn hóa Việt Nam trong tương lai, ông nhấn mạnh: “Hiểu đặc sắc văn hóa dân tộc còn là giải phóng cho sức sáng tạo, nói đúng hơn là tìm phương hướng vun xới cho sức sáng tạo. Trong nền văn hóa cũ, sức sáng tạo của ta không khỏi có khuynh hướng tiểu kĩ, ứng dụng, thiếu những sáng tạo lớn. Đó là con đẻ của tinh thần thiết thực. Trong tương lai đó là một nhược điểm. Đổi thay được nhược điểm đó chắc chắn không phải là dễ dàng. Cũng khó mà kế hoạch việc sáng tạo. Ta chỉ có thể chờ đợi điều đó ở những nhà tư tưởng, những nghệ sĩ, và ở nền sản xuất. Tổ chức xã hội xã hội chủ nghĩa mang sẵn khả năng sản sinh ra họ”.

Không chỉ đi sâu tìm hiểu, khảo sát những yếu tố thuộc phương diện đời sống tinh thần cấu thành nên bản sắc văn hóa dân tộc, Trần Đình Hượu còn đặc biệt nhấn mạnh đến vấn đề con người, trong đó người trí thức, trí nhân quân tử, nhà Nho và cả những người phụ nữ (vốn bị nhà Nho xem nhẹ), thanh niên cũng được ông hết sức quan tâm nghiên cứu. Xuất phát từ những quan niệm của học thuyết Nho giáo - một học thuyết đặc biệt coi trọng con người, coi con người cùng với trời đất là “tam tài”. Con người có vai trò tham phối với Trời Đất, góp phần vào sự hóa dục của Trời Đất. Từ thời Khổng Tử, Nho giáo đã coi trọng cõi người, quan hệ giữa người với người và việc tu dưỡng thành người. Vì thế trong các bài viết của mình, Trần Đình Hượu luôn đề cao vai trò của con người trong việc kiến tạo, tổ chức đời sống và điều hành xã hội, làm nên một quan hệ gắn bó thân tình cố hữu giữa Nhà - Làng - Nước. Tuy nhiên trước những ngã rẽ của việc lựa chọn mô hình xã hội và việc tìm kiếm những mô hình nhân cách mới đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của xã hội, Trần Đình Hượu đã đưa ra một luận điểm khoa học mang tính triết lý sâu sắc, đúc kết từ chính kinh nghiệm thực tiễn nghiên cứu về xã hội và tư tưởng văn hóa phương Đông. Ông viết: “Đối với thực tế lịch sử phương Đông, cải tạo xã hội chủ nghĩa là dân chủ hóa, là xã hội hóa, là phát triển văn hóa đô thị, khắc phục “tính nông thôn” về mặt xã hội, văn hóa và con người”.

Có thể nói, quan điểm tư tưởng của Trần Đình Hượu về văn hóa và con người Việt Nam là rất cấp tiến, thể hiện tầm nhìn xa của một nhà khoa học nặng tình với văn hóa dân tộc. Ngày nay những tư tưởng của ông vẫn luôn là vấn đề mang tính thời sự, thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.

Hiểu đúng truyền thống, phát huy những giá trị của văn hóa dân tộc là cơ sở, nền tảng để hội nhập, đi lên chủ nghĩa xã hội. Đây cũng là những trăn trở, là bài học kinh nghiệm rút ra từ chính cuộc đời và sự nghiệp nghiên cứu lịch sử tư tưởng, nghiên cứu Nho giáo của Gs Trần Đình Hượu. Hãy bay lên từ đôi cánh của truyền thống dân tộc, từ sức mạnh nội sinh của văn hóa và con người Việt Nam, bám rễ vào mạch nguồn văn hóa cha ông để không đánh mất mình trong bối cảnh thời đại đầy diễn biến phức tạp như hiện nay. Đến hiện đại từ truyền thống là định đề khoa học, là câu chuyện không chỉ riêng Trần Đình Hượu mà là vấn đề lớn của cả dân tộc trong bối cảnh hiện nay.

<I>Ths</I> Nguyễn Huy Phòng<br><i>Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh</i>