Nhân quả (Phần 2)
Truyện của Nguyễn Trí
Nên chi thằng du côn đang thì làm ăn được hóa ân nhân của Tám Lượng. Chả biết ông ta có hối không khi xưa kia không gả con gái cho thằng khốn nầy. E là có. Vì thằng con trai lớn của ông đã có lần than thở rằng, biết vầy hồi kia đừng học chữ đi học cái nghề gì đó thì nay đâu có thiếu đói như vầy. Chúng cũng tạc thù chén chú chén anh với Chột. Thiếu thốn vậy nên nhân cách cũng ít nhiều bỏ người mà đi huống chi của cải. Của tích lũy hết nhưng cái mà Tám Lượng cho là quý nhất vẫn giữ được. Đó là bộ đồ thờ trong phòng khách. Những hoành phi, liễn, đối tam và ngũ sự vẫn y nguyên. Thời khó cơm áo chạy toát mồ hôi ai rảnh mà đi ngắm liễn với hoành phi. Mua hả? Bị khùng chắc. Vậy nên Tám vẫn còn giữ được. Nói thiệt tình ngộ nhỡ nhà có biến kêu bán liệu có ai mua không?
![]() Minh họa của Thúy Hằng |
Mà rồi biến đến thiệt. Con bé Huỳnh Diệu, con ông thiếu tá và Thu Dung tức cháu ngoại của Tám Lượng đổ ra sốt. Mẹ cha ơi. Tuổi già của Lượng chỉ còn một chút cục cưng nầy để an ủi, nó mà có mệnh hệ gì thì Lượng chết theo cho khỏe. Toàn bộ dồn hết lực đưa bé con đi viện. Nhưng tiền? Tiền đâu trời hỡi? Và may sao vẫn còn có Chột để nương nhờ. Hóa móc túi đưa tiền cho nàng ẵm con đi viện. Chao ôi anh tốt quá. Nàng rưng rưng nước mắt nhìn anh. Nhưng em thôi đó nghe còn thằng khác thì đừng hòng. Lòng nhân ái cũng đặt cho đúng vị trí của nó, của cải làm ra bằng mồ hôi chứ đâu phải trên trời rơi xuống. Lần thứ hai Tám Lượng lại xin Hóa gia ân cho ông mượn vì cháu gái vẫn mê man. Có luôn cả lần thứ ba. Và tất nhiên sĩ diện không cho phép hỏi mượn thêm lần nữa. Ông kêu bán bộ đồ thờ.
Hóa biết tay già nầy cùng kiệt lắm rồi. Ai đời đồ thờ mà đem bán. Hóa cũng biết ba cái bóng loáng xanh đỏ tím vàng kia quý lắm. Thằng khốn cũng mê. Cái nhà cha nội Tám nầy chả phải mê hoặc nó là Thu Dung và mấy tấm liễn đó sao? Nhưng mà mua về biết để đâu trong cái cơ sở sạc bình toàn chì và đủ thứ độc tố. Không nhanh tay lỡ có thằng nào phỗng mất thì tiếc lắm, nhưng mà bây giờ ra mặt mua thì cũng khó coi. Hóa sai một tay em dặn rằng khứa lão kêu bao nhiêu trả bấy nhiêu. Rõ ràng thằng khốn vì nhan sắc tuy trễ tràng nhưng vẫn còn ngọt mê hoặc mất rồi. Nếu không, mua thì phải ngã giá chứ. Vậy rồi toàn bộ những thứ mà theo lão gia Tám gần một đời được đưa về dựng đứng buồn rầu, úp mặt vô vách như trẻ thơ bị phạt. Vậy là bé Huỳnh Diệu tươi tắn về nhà, nó ôm lấy chú Hóa mà hôn chùn chụt. Má nó cũng nở một nụ tươi thắm chào anh.
Vậy mà không vô một cặp thì còn lạ nào hơn.
Nhưng thiên hạ thì nhếch mép mà rằng:
- Sư cha nó cái cuộc đời. Vợ thiếu tá nay sánh duyên cùng đạo tặc.
Rồi ngợi rằng cầm vàng mà lội qua sông, vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng.
Rồi chuyện cũng qua. Sau sáu năm không tăm dạng ba hồn, không thư tờ tin tức. Ta bà phán rằng mười phần ông thiếu tá chết cả mười. Thu Dung cũng tin vậy. Bản năng buộc cô phải xác định chồng đã vong rồi. Và như Tám Lượng nói thánh dạy có chờ thì cũng chỉ ba năm. Ai rồi cũng phải lo cái hậu duệ cho đời mình. Con gái lớn lấy chồng lúc ấy Thu Dung nương vô ai? Và quan trọng là trong tâm tình cô. Cô có thật yêu chồng không nhỉ? Có lẽ không. Thử hỏi một cô bé mười tám tuổi vì cha mà vợ chồng với một ông tá trên bốn mươi thì yêu cái chỗ nào? Thì trong nghĩa vợ chồng, bên một từng trải chiếu giường cô có mê đắm vì chồng đưa cô lên đến được vu sơn. Nhưng chỉ hai năm thì chao ôi mặn mà phai nhạt cấp kỳ. Sáu năm ròng chờ đợi không là một thiệt thòi cho cô sao?
Còn với Hóa cô ra sao? Cái đầu đời chỉ rung chứ đâu có động. Vì sao? Vì Hóa Chột tuy ba trời bảy búa, chuyện đàn bà hắn biết rất sớm, nhưng đó chỉ là đàn bà. Với Thu Dung thì Hóa yêu, yêu thiệt. Xưa nay thiệt thọ của tình yêu thì chỉ yêu mà chả dám gì. Hóa cũng vậy. Yêu thật lòng nên khi nàng ôm cầm theo thuyền khác Hóa chỉ còn biết hận mà thôi. Cái hận ấy đốt cháy tâm tư thằng khốn. Nó ôm đàn bà để thỏa mãn bản năng chứ nào có yêu thương chi. Người đàn bà mà nó xem là vợ đã bỏ đi vì sự vô cảm ấy. Tiềm tàng trong Hóa cái tình với Thu Dung vẫn hiện hữu. Nên khi Dung gật đầu chắp lại sợi tơ đã đứt Hóa làm một đám cưới cũng có màu sắc lắm:
- Em à - Hóa nói - Sạc bình là nghề độc hại. Anh tính vầy em nghe thử được không.
- Anh tính làm sao? - Nàng nũng nịu.
- Anh bán căn nhà của anh, lấy tiền tu bổ lại căn nhà của em rồi mở một quán tạp phẩm cho em buôn bán được không?
- Vậy cũng được.
Thuận vợ thuận chồng tát bể đông còn lâu mới đau lưng. Nhà của ông thiếu tá được sửa sang thành quán xá rất chi hoành tráng. Quả là con người có số. Đã ăn mày thì có ở Mỹ cũng ăn mày, mà làm bà thì trước sau cũng bà. Bà chủ hiệu tạp hóa lại bảnh như ngày nào. Ông chủ hiệu sáng ung dung ra quán cà phê đấu láo cùng bè bạn. Trong khi cả thiên hạ ăn bo bo độn mì thì con bé Huyền Diệu đến trường như công chúa. Cả Tám Lượng cũng đổi đời. Ông còn hãnh diện khi những hoành phi câu đối vẫn yên vị trong nhà chứ không đi đâu cả, thì nhà con gái ông cũng như nhà ông thôi. Không phải sao? Cái nhà thiệt thọ là con gái ông và chồng trước của nó. Ông có ra vô cũng chẳng chi phải ngại, chả phải là con gái ông gánh tàu hũ kiếm cơm ông chả ở nhà quét dọn đấy sao? Và mọi chuyện êm trôi. Êm ái nhất là nhũng ngày Thu Dung nghe mỏi mệt chán cơm, nghe mùi cá là ọi mửa. Hóa Chột chưa bao giờ thấy đời đẹp thế. Trời ơi vui quá đi. Bạn bè bè bạn nâng ly chúc tụng đến đâu Hóa theo đến đó. Vợ Hóa lại sanh con trai mới là trên cả tuyệt vời. Sau đầy tháng Thu Dung phải trở mình ngồi dậy mà lo cho tạp phẩm. Xưa nay điều hành cái quán nầy chỉ có cô, chồng thì cứ ngoài đường mà đấu láo. Không ra tay có mà sạt nghiệp. Cha ruột và con gái mới tám tuổi đương một tí nào thôi chứ đảm làm sao được.
Nhưng rồi bình an và hạnh phúc trôi qua nhanh lắm. Rượu sớm trà khuya sớm muộn cũng đổi thay tâm tình người. Mười anh nghiện rượu hư hao hết cả mười. Bản chất côn đồ của Hóa Chột không lẫn vào đâu trên ô trọc cuộc đời. Có rượu vào nó thẳng tay bạt tai con gái vợ. Ông ngoại Tám Lượng quý con bé nầy lắm. Những năm gian khó ông chăm nó chứ ai. Nóng mũi ông ra miệng, chưa dứt câu thì thằng khốn đã dằn thẳng mặt:
- Ê, ông già. Ông về nhà ông dùm cái. Tui nuôi nó, dạy nó một chút không được sao?
- Được rồi mày đã đánh nó thì tao đưa nó về tao nuôi.
- Cái thân ông còn lo chưa xong lấy gì lo cho nó. Hai thằng con trai ông hả? Hê hê hê. Bọn nó mà lấy một lon gạo cho ông là vợ nó lột quần trùm lên đầu liền. Ông nên nhớ thằng què nhà ông còn ăn cơm nhờ của tui à. Mà được rồi. Ông cứ dẫn cháu ông về đi, Tui còn phải lo cho con tui. Ông rõ chưa? Rõ rồi thì biến.
Chao ôi là ngậm ngùi và chua xót cho Tám Lượng. Ông ngoại dẫn cháu về nằm vắt tay lên trán. Làm sao bây giờ hỡi thế gian ơi? Thế gian cũng bấn, mấy ai nhúng mũi vô chuyện đời. Thu Dung cũng không can thiệp được chuyện chồng xử tệ với cha và con riêng. Với cô mà nó còn tệ nói chi ai. Nó ghen. Trời ơi nó giầy vò thân xác cô. Nó hỏi cô có còn nhớ thằng thiếu tá già hay không? Thật là khốn kiếp. Rồi nó kể lể, nó lên án cha cô là tham tiền tham danh nên khinh chê nó. Có rượu nó huỵch tẹt rằng cha cô cũng có ra cái ôn dịch gì… Thu Dung chua chát đến xé lòng. Kể lể chửi bới lên án chán, nó đè cô ra làm cái nó cần rồi lăn ra ngủ khoèo. Thật là ghê tởm. Cái miệng nồng nặc mùi hèm vục lên má cô mà hôn hít, chao ôi gái điếm còn tởm nói chi cô. Vậy chứ sáng hôm sau khi mùi hèm đã hoai nó lại trở thành người, cũng anh anh em em ngọt như mật. Nó còn hỏi vậy chớ ba đâu rồi em? Huỳnh Diệu đâu mà anh không thấy. Thu Dung biết thằng khốn đang trong vai Tôn Tẫn giả điên. Nhưng biết làm sao. Thôi kệ đi ba ơi ổng có rượu nên vậy ba chấp làm chi. Ừ vậy đi.
Vậy đi thì vậy đi. Thu Dung lớn bụng lần thứ hai và lại vẫn con trai. Đường đến trường của Huyền Diệu tắt lịm ở ngưỡng lớp năm. Học hành chi được khi cái hũ hèm luôn chệnh choạng và chửi bới. Ai chăm em cho má bán buôn? Ông dượng ghẻ thì có làm chi ngoại trừ hằn học, ưng lên còn chửi cả cha con bé. Ban ngày Diệu phụ mẹ, tối về cùng ông ngoại. Đời con bé tối đến cái độ tha nhân phải thở dài mà rằng:
- Mõm con chó còn sáng hơn tương lai của mày Diệu ơi.
Nhưng đời đâu có đơn giản. Năm con bé mười ba tuổi cha nó trở về sau mười một năm cải tạo.
Cả thiên hạ vểnh tai căng mắt xem thăng trầm của thế sự sẽ về đâu.
Thuở ông thiếu tá tại vị cả ta bà nầy ông chỉ giao du với người đồng trang phải lứa. Nay trang lứa kẻ chết người lưu vong nào có còn ai. Ông ta xuống xe. Khoác trên người cái túi dết và phăm phăm đi. Trông có vẻ nhanh nhẹn chứ không như ngày xưa với cái bụng bia. Đen đúa và đầy nét phong trần. Khi đi ông bốn ba tuổi giờ tròm trèm năm lăm. Mười một năm trong cải tạo cho ông một mái tóc bạc như bạch kim. Tướng tá trông cũng tàm tạm, tướng nầy tút tát lại còn ngon lành chán.
Ông ta gặp Tám Lượng ở chợ và nhận ra ngay bố vợ, còn bố vợ thì phải năm phút sau mới biết đây là thằng từng là rể của mình. Chớ sao, bụng bia và mặt thịt hoàn toàn khác má xương và sáu múi. Ông cha kéo ông con vào quán và ngay lập tức ngài cựu thiếu tá biết vật đổi sao dời rồi. Biết rồi thì cười chứ khóc làm chi:
- Không sao đâu ba. Cả một chế độ mà còn sụp nói chi chuyện cỏn con. Ba khỏe không?
- Ba không sao. Con hút điếu thuốc đi.
- Con ngưng hút mười một năm rồi. Bây giờ nhà con đã không còn nhưng con con đã lớn. Tất nhiên con không thể vươn tay kéo trời xanh lại. Ba có thể cho con tạm ở nhà ba một thời gian rồi tính được không ba?
Tám Lượng sa nước mắt. Làm sao mà không sa khi nhà mình mà mình không được ở.
- Không sao đâu ba à. Của cải chỉ là phù du, Con hiểu lắm.
Trong khi hai cha con dắt nhau về nhà thì trên mười tám La Hán nhiều chuyện bay ngay đến Hóa Chột. Hắn đang khề khà chén chú chén anh với một mã diện một ngưu đầu. Nghe kể Hóa buông ly rời bàn thấp cao về nhà.
Sự kiện nầy thì xin đừng trách tha nhân lắm chuyện:
- Mụ nội thằng Chột chuyến nầy đội chuối khô đi âm phủ chắc. Cái nhà cha thiếu tá lấy lại thì có nước nó ra hè mà ở.
- Mày đừng giỡn chơi. Nhà đó bây giờ thằng chột chủ hộ. Cha thiếu tá chào thua thôi.
- Tao không giỡn. Rõ ràng cha tá là chủ nhân hợp pháp của căn nhà đó. Chỉ cần một lá đơn là cố vật hoàn khổ chủ liền.
- Chủ nhân hợp pháp phải có giấy tờ xác nhận. Mười một năm đằng đẵng. Cứt trâu hóa bùn từ khuya rồi con ơi.
- Bỏ chuyện đó đi. Nghĩ đến con vợ thằng chột tao nhớ đến sự tích táo quân quá.
- Nó sẽ đối diện với chồng cũ làm sao đây ta?
- Tao thấy rối như tơ. Thằng chột bỏ ngang bữa nhậu đi về là không lành đâu.
- Mệt mỏi quá. Uống đi. Đời việc gì đến sẽ đến suy làm chi cho mệt. Vậy là con Diệu có cha rồi. Hy vọng hai cha con kéo nhau ra khỏi cái tối tăm nầy. Theo tao thì Hóa Chột không lo bị mất nhà đâu. Thế nào cha Tám Lượng cũng dành cho ông tá một chỗ nằm. Ăn nhiều chớ ở thì bao nhiêu. Cha tá về không chừng miếng sống cho thằng xi cà que được cải thiện. Tao nói bây nghe có lý không? Cha tá không lẽ chia hai với vợ căn nhà?
- Xưa chả là tá còn nay là bần cố nông thứ thiệt rồi. Mày nhớ xưa kia cha Tám Lượng mở miệng ra là thánh nhơn có câu ra chiều đạo cao đức trọng, khi đói cũng nâng bi Hóa Chột để kiếm ly rượu miếng thịt. Phú quý sinh lễ nghĩa bần cùng sinh đạo tặc. Ông tá cũng là người phàm như bọn mình. Giờ hai tay trắng trở về. Như mày, mày có đòi lại nhà không? Còn tao hả? Không trả là tao giết cả cặp rồi ra sao thì ra. Nhưng kệ cha thằng chột và ông tá… Nào dzô đi bạn hiền.
(Số sau đăng hết)