Palestine đợi một bước ngoặt

Ngọc Điệp
Theo FP
25/01/2015 08:34

Gần đây, Palestine liên tiếp đưa ra nhiều động thái cứng rắn. Bắt đầu từ việc liên tiếp đệ trình các dự thảo Nghị quyết lên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc yêu cầu công nhận Nhà nước Palestine, đến việc xin gia nhập Tòa án Hình sự quốc tế (ICC). Bế tắc trong đàm phán với Israel có thể là một nguyên nhân, nhưng tình hình nội bộ đảng Fatah cầm quyền Palestine có lẽ mới là nhân tố quan trọng nhất.

Với tình hình Israel hiện tại, dường như Washington không muốn đầu tư thêm thời gian và nỗ lực ít nhất cho đến sau cuộc bầu cử Nghị viện Israel vào tháng 3 tới. Giải thích về lập trường cứng rắn của Palestine, Đại sứ Palestine tại Liên Hợp Quốc Riyadh Mansour cho biết: Người dân Palestine và thế giới không thể đợi thêm.

Nhưng ai mới thực sự là người không đợi được? Theo kết quả thăm dò dư luận gần đây, mức ủng hộ dành cho Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas ở Dải Gaza và Bờ Tây chỉ còn 35%, thấp hơn nhiều mức 50% trước khi diễn ra cuộc xung đột Israel – Hamas ở Dải Gaza mùa hè vừa qua. Sau cuộc xung đột đó, nhiều thách thức đổ dồn về Chính phủ Palestine. Công cuộc tái thiết ở Dải Gaza chậm chạp khiến người dân nghi ngờ chính quyền tham nhũng và quản lý kém. Trong khi đó, các nhà tài trợ quốc tế chậm thực hiện các cam kết hỗ trợ cho Palestine. Israel tiếp tục là đối tác thiếu nhất quán và thiếu hợp tác, ngoại trừ kêu gọi đàm phán thì hầu như không có động thái thiện chí nào. 

Gần đây bắt đầu xuất hiện nhiều tin đồn về sức khỏe của ông Abbas. Thêm vào đó, nhiều đối thủ trong đảng Fatah của ông Abbas đang tăng cường hoạt động. Ví dụ như chính trị gia bị khai trừ khỏi Fatah năm 2011 Mahammad Dahlan. Dù sống tại Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) suốt 4 năm nay, ông này vẫn có ảnh hưởng khá lớn tại quê nhà. Ngày 12.1 vừa qua, ông tiết lộ trên trang Facebook cá nhân rằng đang tham gia đàm phán với nhà chức trách Ai Cập để mở lại cửa khẩu Rafah. Nếu nỗ lực này thành công, đây sẽ là tin xấu với tương lai chính trị của ông Abbas.

Ông Dahlan không phải cái tên duy nhất đang được nhắc đến với tư cách ứng viên thay thế ông Abbas. Một cái tên khác là cựu Thủ tướng Salam Fayyad, chuyên gia kinh tế được đào tạo tại Mỹ và là cựu nhân viên của Quỹ Tiền tệ quốc tế, người thường được khen ngợi với nỗ lực không biết mệt mỏi nhằm cải cách phương thức quản lý kinh tế và an ninh của chính quyền Palestine. Ông Fayyad lại là nhân vật được cộng đồng quốc tế tin tưởng, nên nếu ông lên nắm quyền thì Palestine có lẽ sẽ dễ nhận viện trợ hơn. Năm 2012, ông Fayyad đã tiết lộ ý định tranh cử Tổng thống.

Mâu thuẫn nội bộ chính là nguyên nhân đại hội đảng Fatah bị hoãn, thay vì diễn ra vào ngày 17.1 theo kế hoạch. Trước mỗi đại hội đảng, Fatah đều tổ chức cuộc bầu cử nội bộ. Theo một thành viên giấu tên của Fatah, cuộc bầu cử này không thể diễn ra vì xung đột giữa những người ủng hộ ông Dahlan và người ủng hộ ông Abbas. Một lý do là vì e ngại sẽ có thành viên đề cập đến vấn đề nhạy cảm hiện nay, đó là việc ông Abbas tiếp tục giữ vị trí thủ lĩnh Fatah, cũng có nghĩa là đứng đầu chính quyền Palestine, hay tìm người thay thế.

Trong bối cảnh hiện tại, ít ai còn lạc quan đến mức tin rằng đàm phán sẽ đem lại kết quả tích cực. Vì thế, theo nhà phân tích người Palestine Ramzy Baroud, ông Abbas cần một động thái gây ấn tượng mạnh, có thể trấn an người ủng hộ và ít nhất giúp ông có thêm thời gian. Vì thế, bất chấp những hậu quả có thể hứng chịu từ sự phản đối của Israel, Palestine vẫn xin gia nhập ICC, yêu cầu tòa án này điều tra các hành vi tội ác chiến tranh tính từ cuộc xung đột mùa hè năm ngoái tới nay. Hành động cứng rắn của Palestine được đáp trả bằng động thái cứng rắn không kém của Israel. Mới đây, Israel tuyên bố phong tỏa số thuế thu hộ Palestine tại Bờ Tây. Điều đó có thể ảnh hưởng tới thu nhập của khoảng 160.000 người lao động cho chính quyền Palestine.

Tuy nhiên hãy nhìn vào di sản của ông Abbas, nếu rút lui ở thời điểm hiện tại. Sau 20 năm tham gia tiến trình đàm phán do Mỹ làm trung gian, số người định cư Israel đã lên tới nửa triệu người, còn dân Palestine bị chia rẽ đã 8 năm. Tiếp tục phụ thuộc vào đàm phán ông Abbas sẽ vấp phải sự phản đối của các đảng phái, của dân Palestine, và nội bộ đảng Fatah.

Ông Abbas tuyên bố sẽ tiếp tục đệ trình dự thảo nghị quyết đề nghị công nhận Nhà nước Palestine lên Hội đồng Bảo an Liên Hợåp Quốëc, thậm chí là đến lần thứ 3 hay thứ 4. Thật khó để tin rằng ông Abbas, hiện sắp bước sang tuổi 80, ở thời điểm này quyết định thay đổi phương thức đòi độc lập cho Palestine từ đàm phán sang kêu gọi áp lực từ cộng đồng quốc tế. Thêm nữa, Israel không tỏ vẻ gì sẽ khuất phục trước áp lực của cộng đồng quốc tế, mà ngược lại đang tỏ ra cực đoan hơn. Giới phân tích cho rằng, việc ông Abbas tích cực đem vấn đề Palestine ra cộng đồng quốc tế, ngoại trừ nhằm vãn hồi hình ảnh trong mắt dân chúng còn nhằm kéo dài thời gian đợi một bước ngoặt. Nhưng bước ngoặt đó là gì thì có lẽ chính ông Abbas cũng chưa chắc chắn.

Ngọc Điệp<br>Theo <i>FP</i>