Quyết định đúng của Bộ Tài chính
Quyết định không tăng thuế suất nhập khẩu xăng, dầu của Bộ Tài chính ngay trước giờ G đã giúp người tiêu dùng và nền kinh tế được hưởng giá xăng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Dường như, thay vì chăm chăm lo cho ngân khố quốc gia, Bộ Tài chính đã thấy được hậu quả của việc tăng thuế quá mạnh, đồng thời, có cái nhìn xa hơn - vì quyền lợi của cả nền kinh tế.
Chiều 20.1, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 06/2015/TT-BTC sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số mặt hàng xăng, dầu. Theo đó, thuế nhập khẩu xăng, dầu hỏa, dầu mazut, dầu diesel... tăng 5 điểm phần trăm.
Trước đó, ngày 6.1, Bộ Tài chính đã điều chỉnh tăng thuế nhập khẩu xăng từ 27% lên 35%; dầu hỏa từ 26% lên 35%; dầu mazut từ 24% lên 35%; dầu diesel từ 23% lên 30% tại Thông tư 03/2015/TT–BTC. Theo lý giải của Bộ Tài chính, việc này nhằm giúp doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu chủ động xây dựng kế hoạch, phương án kinh doanh. Hơn nữa, các mức thuế này phù hợp với khung thuế suất UBTVQH đã thông qua và phù hợp với cam kết của nước ta với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là 0 - 40%.
Tuy nhiên, chỉ một ngày sau khi ban hành Thông tư 06, ngày 21.1, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 07/2015/TT-BTC bãi bỏ Thông tư số 06. Điều này có nghĩa, các mặt hàng xăng dầu tiếp tục thực hiện theo mức thuế suất thuế nhập khẩu quy định tại Thông tư 03. Bộ Tài chính cho biết, Bộ tiếp tục giữ nguyên các mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với các mặt hàng xăng dầu để có dư địa cho điều hành giá, giúp giảm các chi phí đầu vào của nền kinh tế. Nhờ quyết định không tăng thuế của Bộ Tài chính, giá xăng dầu đã có mức giảm kỷ lục trong tuần này, qua đó, người tiêu dùng và nền kinh tế đang được hưởng giá xăng dầu thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
![]() Nguồn: xangdau.net |
Nước ta xuất khẩu ròng dầu thô và nhập khẩu ròng xăng dầu thành phẩm. Do đó, tăng thuế nhập khẩu xăng dầu hầu như chỉ làm tăng giá xăng dầu trong nước; đổi lại, ngân sách sẽ được bù đắp một khoản lớn dự kiến sẽ mất đi do hụt thu thuế nhập khẩu xăng dầu do giá xăng dầu tụt giảm mạnh. Bởi vậy, động thái nâng thuế nhập khẩu xăng dầu của Bộ Tài chính thực chất là nhằm ngăn chặn giảm thu ngân sách. Tăng hoặc bảo đảm thu ngân sách thông qua tăng thuế là một giải pháp nhanh, gọn và tiện lợi nhất cho cơ quan nắm giữ túi tiền quốc gia. Vì thế, có chuyên gia kinh tế cho rằng, Bộ Tài chính đã có một cái nhìn ngắn hạn và vị kỷ khi sẵn sàng hy sinh quyền lợi của cả nền kinh tế đến từ hưởng thụ giá dầu thấp, chỉ cốt sao cho thu ngân sách không bị hụt đi.
![]() Nguồn: vcmedia.vn |
Trong một chỉ đạo về điều hành xăng dầu vừa được Văn phòng Chính phủ phát đi chiều 20.1, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Công thương theo dõi sát biến động giá dầu thô trên thế giới để kịp thời có biện pháp xử lý về thuế nhập khẩu và giá bán lẻ xăng dầu cho phù hợp, để vừa bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng, đồng thời góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô. (Có thể đây cũng là một áp lực dẫn tới quyết định không tăng thuế của Bộ Tài chính vào ngay ngày hôm sau). Ai cũng hiểu rằng, chỉ khi lợi ích của Nhà nước - doanh nghiệp - người tiêu dùng hài hòa, kinh tế vĩ mô ổn định thì nguồn thu nội địa mới được nuôi dưỡng hiệu quả và đây chính là cái gốc bền vững của ngân sách quốc gia.
Ngành hải quan ước số thu đến hết năm 2014 đạt 251.500 tỷ đồng, đạt gần 113% dự toán năm. Một trong những nhân tố giúp số thu ngành này vượt chỉ tiêu đề ra là thuế nhập khẩu xăng dầu cao. Thuế suất thuế nhập khẩu nhóm hàng xăng dầu trong 5 tháng đầu năm 2013 ở mức: 12% đối với xăng, 8% với dầu DO và 10% với dầu FO, sau đó tăng lên mức lần lượt là 18%; 14% và 15% và kéo dài đến hết tháng 11.2014. Trong năm 2014, xăng dầu nhập khẩu 5 tháng đầu năm có thuế suất năm cao hơn 5 tháng đầu năm 2013 từ 5 đến 6 điểm phần trăm góp phần tăng thu ngân sách nhà nước. Và từ 5.12, thuế nhập khẩu xăng dầu đã lên các mức 27%; dầu diesel là 23% và dầu hỏa là 26%. |