Chấn chỉnh chữ viết trong di tích

Minh Thiều 27/12/2014 08:44

Hiện tượng loạn chữ, dùng sai chữ ở nhiều di tích, thậm chí các di tích được xếp hạng quốc gia đang gây nhức nhối. Sau việc di dời các linh vật, hiện vật ngoại lai khỏi các di tích, có lẽ cũng cần tính đến những giải pháp ứng xử phù hợp với chữ Hán, chữ Nôm dùng sai ở các di tích.

Việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong, mỹ tục người Việt Nam vừa được xử lý xong, trả lại không gian nguyên vẹn cho các di tích thì mới đây, một số nhà nghiên cứu văn hóa lại đề cập đến thực trạng dùng sai chữ ở nhiều di tích quốc gia. Trong đó không ít câu đối, hoành phi (được coi là hiện vật thiêng được thờ cúng ở không gian thiêng) sai cả về văn phong lẫn ngữ nghĩa, hỏng từ mỹ thuật, thư pháp cho tới cả sai chính tả.

Chẳng ở đâu xa, năm 2013, các lỗi sai chữ Hán trên hoành phi, câu đối ở Đền Hùng và Đền Mẫu âu Cơ cũng được các chuyên gia, nhân dân và báo chí phản ánh. Bức hoành phi ở Đền Trung Triệu Tổ Nam Bang ( nghĩa là Vị tổ đầu tiên của nước Nam Việt) viết thừa nét trong chữ Tổ, về cú pháp chưa chuẩn xác, phải viết là Nam Bang Triệu Tổ. Bức đại tự thứ hai tại Đền Mẫu Âu Cơ bao gồm bốn chữ Quyết Sơ Dân Sinh, chữ bị viết thiếu một nét phẩy. Với Hán tự, viết sai như vậy là bất thành văn. Khu di tích lịch sử Đền Hùng và Đền Mẫu âu Cơ là những khu di tích lịch sử cấp Quốc gia, trong đó khu di tích lịch sử Đền Hùng là nơi thờ tự tổ tiên chung của cả nước, việc viết sai, thừa nét, thiếu nét, câu đối bị đặt sai quy tắc là sơ suất không được phép có.

Hay như tại đền thờ Nguyễn Trãi (Hải Dương) dùng chữ Nhân giả thọ (nghĩa là người sống lâu) nhưng Nguyễn Trãi lại bị chết chém, bị tru di tam tộc mà lại đưa câu Nhân giả thọ vào thì không đúng lịch sử, khác nào nhạo báng người xưa. Đền thờ Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hải Phòng) có câu Hối nhân bất quyện (nghĩa là dạy người không biết mỏi) thì lại viết nhầm chính tả. Hối có nghĩa là dạy dỗ thì lại bị nhầm thành chữ hối trong hối hận, khiến cả câu bị hiểu thành hối hận không biết mệt mỏi.

Mặc dù các di tích đều có ban quản lý và được quản lý theo luật, trong đó có cả quy định không phải ngẫu hứng muốn đưa gì vào di tích thì đưa nhưng với những đóng góp dạng công đức như ghế đá, sư tử đá, câu đối, hoành phi... thì nhiều nơi vẫn tiếp nhận mà không kiểm định rõ vật đóng góp có bảo đảm về thẩm mỹ hay không, nếu có in chữ thì nội dung có phù hợp với di tích hay không. Cùng với việc Ban quản lý di tích nhiều nơi biết rất ít hoặc không biết chữ Hán, trong khi chữ Hán vốn phức tạp, có nhiều chữ đồng âm, đọc giống nhau, nhưng viết khác nhau, nghĩa khác nhau hoàn toàn dẫn đến nhiều từ bị viết sai, kể cả ở những di tích cấp quốc gia.

Trên thực tế, do điều kiện khách quan, nhiều bức hoành phi, câu đối cổ có tuổi đời cách đây hàng trăm năm bị thất lạc, thay đổi hoặc bị mất một bản vế làm cho văn bản không còn nguyên giá trị. Do vậy, nhiều địa phương đã tự ý xây dựng lại các hoành phi, câu đối bằng nhiều nguyên vật liệu khác nhau, thậm chí là vôi cát để khôi phục bản thể đã mất hoặc đã bị hư hại. Tuy nhiên, việc sửa lại các hoành phi, câu đối này không có ý kiến của các nhà chuyên môn mà chỉ là thuê thợ mang tính thủ công, nên khi sửa chữa xong hầu như là không đúng với nguyên bản.

Trước phản ứng của các chuyên gia và nhân dân, một số di tích đã kịp sửa sai. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những nơi được các nhà nghiên cứu phát hiện. Hiện nay, trên cả nước còn có rất nhiều bức hoành phi, câu đối sai nghiêm trọng nhưng chưa được sửa chữa. Giới học giả, nhà khoa học kiến nghị, phải căn cứ vào Luật Di sản văn hóa để rà soát lại các di tích. Những hiện vật lạ không có trong hồ sơ xếp hạng di tích thì phải đưa ra. Những yếu tố gây phản cảm cho di tích càng cần được khẩn trương xử lý, tránh tình trạng cứ thấy chữ Hán là đưa bừa mà không hiểu ngữ nghĩa có phù hợp với di tích hay không. Theo đó, cần có một quy chuẩn cần thiết, một cơ chế giám sát, quản lý tổng hợp, thay vì chỉ thực hiện những biện pháp sửa chữa tạm thời, sai đâu, sửa đó. Thứ trưởng Bộ VH, TT và DL Đặng Thị Bích Liên cho biết, tới đây, Bộ sẽ tính toán và có những quy định đối với việc sử dụng chữ viết tại các di tích đình, đền, chùa. Nếu không kịp thời điều chỉnh, kiểm soát thì vô cùng đáng lo ngại. Tuy nhiên, những quy định cụ thể như thế nào sẽ tiếp tục cần đến một quá trình rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, với sự tham vấn và đóng góp ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học.

Minh Thiều