Về miền ví, dặm

Lê Thủy 26/12/2014 08:42

Lễ đón bằng của UNESCO ghi danh Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ được tổ chức vào 19h30 ngày 31.1.2015, tại Quảng trường Hồ Chí Minh, TP Vinh, Nghệ An. Sự kiện này nhằm vinh danh, quảng bá, đồng thời khẳng định giá trị đặc sắc của dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh.

Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong phiên họp ngày 27.11, tại Paris, Pháp. Tại cuộc họp báo sáng 25.12 ở Hà Nội, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Đinh Thị Lệ Thanh cho biết: “chương trình Lễ đón bằng của UNESCO vinh danh Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ gồm 2 phần: phần lễ đón bằng của UNESCO và phần biểu diễn nghệ thuật với chủ đề Về miền ví, dặm. Phần biểu diễn nghệ thuật sẽ tập trung khẳng định nét độc đáo của dân ca ví, dặm, góp phần trả lời cho câu hỏi vì sao dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh. Bên cạnh đó, chương trình còn có ý nghĩa kết nối các miền di sản, giúp lan tỏa giá trị của di sản”. Trong dịp này, Nghệ An và Hà Tĩnh sẽ tổ chức nhiều hoạt động như: giao lưu với các nhà quản lý văn hóa, nghệ nhân về giá trị của dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh; tôn vinh nghệ nhân lưu giữ, truyền bá dân ca ví, dặm…

Trong buổi lễ cũng sẽ công bố chương trình hành động quốc gia về bảo tồn và phát huy giá trị dân ca ví, dặm. Thực tế, ngay sau khi UNESCO ghi danh, việc bảo tồn và phát huy giá trị dân ca ví, dặm đã được hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đặc biệt quan tâm. Theo Giám đốc Sở VH, TT và DL Hà Tĩnh Bùi Đức Hạnh, ví, dặm là hai lối hát dân ca không nhạc đệm do cộng đồng người Nghệ Tĩnh sáng tạo ra từ hàng trăm năm nay được thực hành trong lao động và đời sống thường nhật như lúc ru con, khi làm ruộng, quay tơ, dệt vải… Các lối hát được gọi tên theo hoạt động như: ví phương cấy, ví phường vải, ví đò đưa, dặm ru, dặm kể, dặm vè… Tuy vậy, ngày nay không còn ai ngồi kéo tơ dệt lụa như trước; việc cày cấy cũng được thay bằng máy, không thể vừa cấy vừa cất tiếng hát… Do vậy, không gian trình diễn dân ca ví, dặm phải vận động theo thời cuộc, nhưng cái bất di bất dịch là nhân dân là chủ thể của di sản. Do vậy, cần phát huy vai trò của nhân dân, không gian hát phải diễn ra ngay tại thôn, xóm, nơi họ sinh sống. Đồng tình với ý kiến trên, Phó giám đốc Sở VH, TT và DL Nghệ An Phạm Tiến Dũng chia sẻ: “Sân khấu hóa cũng là một giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, giúp bảo tồn các làn điệu cổ, từ đó nhân dân có thể phát triển, sáng tác làn điệu, dựng lời mới. Nhưng quan trọng là di sản phải trở lại cộng đồng, do nhân dân sáng tạo và hưởng thụ”.

Thời gian tới, Nghệ An và Hà Tĩnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, kiểm kê, tư liệu hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu dân ca ví, dặm; tổng kết quá trình nghiên cứu, thể nghiệm sân khấu hóa dân ca, đề ra những giải pháp đưa sân khấu hóa dân ca tiếp tục phát triển trên cơ sở bảo tồn nguyên vẹn các giá trị của di sản. Bảo tồn, khôi phục một số bài bản, điệu hát truyền thống đã bị mai một; một số không gian văn hóa, môi trường diễn xướng của di sản. Bảo tồn, phục hồi một số quy tắc và thủ tục hát, các làn điệu lẫn lời ca hát ví, dặm nguyên gốc cũng như một số không gian văn hóa, môi trường diễn xướng của di sản, hướng tới như bảo tàng sống về dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh. Theo kế hoạch, hai tỉnh cũng sẽ xây dựng và phát triển các CLB đàn và hát dân ca ở cơ sở, đặt mục tiêu năm 2015 có 30 - 40% xã có CLB Dân ca Nghệ Tĩnh; tổ chức các hình thức truyền dạy trực tiếp, nghe băng hình, bằng nhạc cho các học viên CLB; nâng cao năng lực tổ chức hoạt động và quản lý của các CLB. Định kỳ tổ chức thi đàn và hát dân ca ở cơ sở 2 năm/lần, ở tỉnh 5 năm/lần. Mở rộng và phát triển chương trình giảng dạy dân ca ví, dặm trong trường phổ thông và trên truyền hình, duy trì chương trình Dạy hát dân ca và chuyên mục 15 phút dân ca sáng thứ hai, thứ tư, thứ sáu trên truyền hình và 30 phút dân ca trên sóng phát thanh ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Đồng thời, quảng bá và phổ biến giá trị của dân ca ví, dặm tới đông đảo công chúng qua các giao lưu, liên hoan giữa cộng đồng ở trong nước và quốc tế; đưa ví, dặm vào nội dung sinh hoạt lễ hội, chương trình văn hóa, văn nghệ trong các ngày lễ lớn; xuất bản tài liệu về ví, dặm…

Tại Nghệ An và Hà Tĩnh hiện có 803 nghệ nhân lưu giữ, truyền dạy dân ca ví, dặm. Hai tỉnh đã lập hồ sơ đề nghị Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho 12 nghệ nhân và đang tiếp tục đề nghị 12 nghệ nhân. “Từ chính sách vinh danh, đãi ngộ nghệ nhân sẽ khuyến khích họ sinh hoạt và truyền dạy tại cộng đồng cũng như trong khoảng 100 CLB Dân ca tại hai tỉnh, để từ các hạt nhân đó, dân ca ví, dặm được lưu truyền rộng rãi và có sức sống mạnh mẽ trong cộng đồng” - ông Bùi Đức Hạnh khẳng định.

Lê Thủy