Rừng Trần Hưng Đạo - cội nguồn của Quân đội nhân dân Việt Nam

Hương Sen 18/12/2014 08:52

Ngày 22.12.1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo, nay thuộc xã Tam Kim, Nguyên Bình, Cao Bằng, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam ra đời. Đúng vào dịp kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, đã diễn ra lễ công bố Quyết định xếp hạng rừng Trần Hưng Đạo là Di tích quốc gia đặc biệt.

 Nguồn: baocaobang.vn
Nguồn: baocaobang.vn

Theo Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam Trần Ngọc Long, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chọn rừng Trần Hưng Đạo làm nơi tổ chức lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, bởi nơi đây hội đủ các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Khu rừng nằm giữa hai tổng Trần Hưng Đạo và Hoàng Hoa Thám thuộc núi Dền Sinh, dãy Khâu Giáng, có nhiều cổ thụ và đỉnh Slam Cao, rất tiện cho việc bố trí quan sát. Đó là nơi thuận tiện cho những người hoạt động cách mạng, nhưng bất lợåi cho địch. Phía Bắc khu rừng có đường từ Kim Mã qua châu Trần Phú, khi có biến có thể rút sang Trung Quốc. Phía Đông có đường mòn sang châu Phùng Chí Kiên, dãy núi Kim Hỷ về Bắc Sơn (Lạng Sơn), Đình Cả (Thái Nguyên). Phía Tây khu vực này trông sang ngọn núi phía Bắc, Khao Sơn và phía Nam tiến thẳng xuống núi Cứu Quốc. Ngoài ra, khu rừng nằm trên dải núi giáp giới ba tỉnh Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn và ở giữa Quốc lộ 3 và 4. Đây là địa điểm nằm ngoài sự kiểm soát, khống chế của địch và cũng là lối thoát an toàn cho các chiến sĩ của ta khi chúng khủng bố. Lựa chọn khu rừng Trần Hưng Đạo làm nơi thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân còn bởi yếu tố con người. Châu Nguyên Bình là địa danh luôn có sự hòa thuận của lòng người, nơi có phong trào cách mạng phát triển sớm và mạnh nhất tại Cao Bằng.

Khu Di tích rừng Trần Hưng Đạo phân bố trên địa bàn hai xã Tam Kim và Hoa Thám (Nguyên Bình), là trung tâm các di tích lịch sử cách mạng liên quan đến sự kiện thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, gồm 5 điểm di tích: rừng Trần Hưng Đạo; hang Thẳm Khẩu; đồn Phai Khắt; Vạ Phá, xã Tam Kim và Di tích đồn Nà Ngần, xã Hoa Thám. Những địa danh này còn lưu giữ nhiều hiện vật gắn liền một giai đoạn lịch sử, có giá trị đặc biệt quan trọng đối với cách mạng Việt Nam; gắn liền với sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đây cũng là nơi chứng kiến diễn biến hai trận đánh đầu tiên của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là đồn Phai Khắt và Nà Ngần. Riêng Di tích rừng Trần Hưng Đạo - khu rừng nguyên sinh với diện tích 201,7ha, gồm 4 điểm di tích: địa điểm thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân; lán nghỉ và bếp ăn của Đội; mỏ nước phục vụ nước sinh hoạt và đỉnh Slam Cao - nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Ban Chỉ huy Đội đặt trạm quan sát, đưa ra các phương án đánh đồn Phai Khắt.

Cao Bằng định hướng xây dựng khu di tích rừng Trần Hưng Đạo thành địa chỉ đỏ về giáo dục lịch sử truyền thống cho các thế hệ người Việt Nam; đồng thời là địa điểm tham quan nghỉ dưỡng. Chủ tịch UBND huyện Nguyên Bình Bế Xuân Tiến cho biết, với khí hậu quanh năm ôn hòa, địa hình có núi, rừng, sông, suối trải dài hùng vĩ, bao la, thiên nhiên còn nhiều nét hoang sơ, rừng Trần Hưng Đạo rất lý tưởng cho các chương trình nghiên cứu; phù hợp phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. “Mỗi năm, khu di tích đón khoảng 6.000 khách. Con số này chưa thực sự ấn tượng nhưng hy vọng, với ý nghĩa và tầm vóc của địa danh lịch sử này, nơi đây sẽ thu hút khách nhiều hơn thời gian tới”. Để phát huy giá trị khu di tích, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Đại tá Nguyễn Xuân Năng góp ý: bên cạnh bảo tồn di tích quốc gia đặc biệt này, cần làm tốt công tác tuyên truyền, tiếp tục sưu tầm hiện vật, hình ảnh để làm phong phú thêm nội dung của di tích; phối hợp chặt chẽ và gắn kết giữa các công ty du lịch để tạo ra sản phẩm du lịch mới; xây dựng tuyến du lịch lịch sử nối liền Di tích rừng Trần Hưng Đạo với Pác Bó và ATK Thái Nguyên...

Nhân kỷ niệm 70 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 25 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân, nhiều hạng mục, công trình tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo đã được đầu tư nâng cấp, cải tạo với kinh phí trên 100 tỷ đồng, trong đó có tuyến đường từ đèo Cao Bắc vào khu rừng Trần Hưng Đạo dài khoảng 21,7km và đường từ tỉnh lộ 34 vào khu di tích dài 17km. Công trình Nhà trưng bày tại Khu Di tích cũng đã được khánh thành và đưa vào sử dụng đúng dịp kỷ niệm này nhằm tôn vinh và tri ân thế hệ đi trước, đồng thời góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ...

Hương Sen