Giá dầu đẩy Venezuela vào khủng hoảng

Ngọc Điệp
Theo FP
14/12/2014 09:19

Giá dầu xuống thấp đe dọa nhiều quốc gia có nguồn thu từ dầu, trong đó Venezuela có thể là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất.

Tuần này, giá dầu thô tiếp tục đà trượt dốc, khoảng trên 60 USD/thùng tại New York và khoảng 65 USD/thùng tại London. Giá dầu thô toàn thế giới đã giảm 40% kể từ mức cao nhất vào tháng sáu năm nay và đã chạm mức thấp nhất trong 5 năm qua.

95% nguồn thu của Venezuela đến từ dầu, và Chính phủ phụ thuộc vào việc xuất khẩu dầu để nhập khẩu nhiều hàng hóa từ ô tô đến thực phẩm. Vì thế, giá dầu thấp dẫn tới lạm phát tăng và sự thiếu hụt hàng hóa nghiêm trọng. Tuần trước, Chính phủ Venezuela tuyên bố cắt giảm chi tiêu 20%. Điều này chứng tỏ Venezuela chưa tìm được nguồn thu thay thế trong bối cảnh nền kinh tế suy yếu, lạm phát tăng cao, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu và tỷ lệ thất nghiệp thực tế ở mức đáng kể. Yếu tố bất lợi khác là hệ thống quy đổi tiền tệ phức tạp, trong đó tỷ giá chính thức lớn của đồng nội tệ bolivar lớn gấp nhiều lần tỷ giá chợ đen. Ví dụ, Chính phủ bán dầu và thu về USD, sau đó bán lại USD với giá chính thức được ấn định là 6,3 bolivar/USD. Nhưng trên thị trường chợ đen, 1 USD có giá tới 100 bolivar. Điều này có nghĩa là Chính phủ bị tổn thất hàng chục lần. Thu nhập ít ỏi từ dầu mỏ của Venezuela lại càng trở nên ít ỏi. Trong trung hạn, Venezuela có thể phải đối mặt với thách thức lớn là mất đi khách hàng lớn Mỹ. Phe Cộng hòa tuyên bố sẽ tìm cách thông qua dự án đường ống dẫn dầu Keystone XL khi Quốc hội Mỹ họp lại vào tháng 1. Nếu dự án được thông qua, Canada sẽ thay thế Venezuela thành nhà cung cấp cho Mỹ.

Mặc dù Chính phủ khẳng định sẽ trả nợ, nhưng trái phiếu Chính phủ đang bị bán phá giá. Giá trái phiếu Venezuela tới hạn vào năm 2027 đã rớt 5,5 cent xuống còn 51 cent, mức thấp nhất kể từ năm 2009. Lãi suất bảo đảm để nhà đầu tư chấp nhận mua trái phiếu Venezuela thay vì mua trái phiếu Mỹ đã tăng 2,14%, theo số liệu của hãng JPMorgan Chase. “Thị trường đang định giá dựa vào khả năng Venezuela tuyên bố phá sản” - chuyên gia Kevin Daily thuộc Quỹ Quản lý tài sản Aberdeen đánh giá. Bằng chứng là một số ngân hàng bắt đầu chào bán hợp đồng hoán đổi, cho phép nhà đầu tư xác định giá trị thu về trong trường hợp nợ quốc gia bị tái cơ cấu. Loại hợp đồng này từng xuất hiện ngay trước khi Hy Lạp tái cơ cấu nợ tháng 3.2012 và Argentina tuyên bố phá sản hồi tháng 7. Một tin tức chưa được kiểm chứng cho thấy dường như Chính phủ của Tổng thống Maduro đang cạn tiền. Wall Street Journal dẫn lời một người giấu tên, cho hay Venezuela đang đàm phán với tập đoàn Goldman Sachs để thu lại khoản nợ trị giá 4 tỷ USD của Cộng hòa Dominica với giá 1,7 tỷ USD bằng tiền mặt. Tuy nhiên, các bên chưa đạt được thỏa thuận nào.

Giá dầu giảm chỉ là yếu tố bên ngoài, vấn đề của Venezuela đã tồn tại từ lâu. Người dân tranh cướp nhau giấy vệ sinh ở siêu thị ngay cả khi dầu thô được giao dịch ở mức 115 USD/thùng. Nhiều cuộc biểu tình lớn làm rung chuyển Caracas và các thành phố lớn khác đầu năm nay, phản ánh sự mất lòng tin ngày càng tăng với việc Maduro có thể gìn giữ ngọn lửa của tư tưởng Chavismo. Theo các cuộc thăm dò dư luận gần đây, sự ủng hộ dành cho ông Maduro đã giảm còn khoảng 25%. Thiếu ngân sách, Chính phủ sẽ buộc phải tăng thuế, kiểm soát giá cả, và rất có thể bỏ trợ cấp nhiên liệu. Giá nhiên liệu tăng chính là nguyên nhân dẫn đến các cuộc biểu tình và xung đột đẫm máu Caracazo năm 1989. Khả năng các phe phái đối lập lợi dụng tình trạng hỗn loạn để lật đổ chính quyền là hoàn toàn có thể. Pedro Burelli, cựu thành viên hội đồng quản trị tập đoàn dầu khí quốc gia Petroleos de Venezuela cho rằng, sẽ khó diễn ra giai đoạn chuyển tiếp tương đối êm ả như từng xảy ra ở Chile.

Như vậy, với những quốc gia xuất khẩu dầu mỏ lớn như Nga, Iran hay Iraq, giá dầu giảm đem tới khó khăn tài chính ngắn hạn, nhưng với Venezuela đó lại là nguy cơ sụp đổ. Tại thời điểm này, phong trào đối lập vẫn còn chia rẽ. Nhưng ngay cả khi phe đối lập có thể thay thế Tổng thống Maduro, chẳng có gì bảo đảm là những khó khăn của người dân sẽ được giải quyết. Câu hỏi không phải là ai hay đảng phái nào sẽ điều hành Venezuela, mà là đất nước này sẽ đi về đâu? - ông Burelli nói. Trong kịch bản xấu nhất, rất có thể Venezuela sẽ thành Libya thứ 2.

Ngọc Điệp<br>Theo <i>FP</i>