Lịch sử Nghị viện Singapore: sự gắn bó với mô hình Westminster

Quốc Đạt 12/12/2014 08:44

Trước thế kỷ XIV, Singapore được biết đến với tên gọi Temasek - Thành phố biển và là một phần của đế quốc hùng mạnh Sri Vijayan. Vào thế kỷ XIV, hòn đảo nhỏ nhưng có vị trí chiến lược này mang tên gọi mới là Singa Pura (Thành phố Sư tử). Truyền thuyết kể rằng khi đặt chân lên hòn đảo, Hoàng tử Palembang của Đế quốc Sri Vijayan đã nhìn thấy một con thú mà ngài tin là con sư tử, nên sư tử đã trở thành biểu tượng của Singapore cho đến nay.

Đến năm 1819, Singapore thuộc sở hữu của Quốc vương xứ Johor (nay là một bang của Malaysia). Năm 1824, theo hiệp định giữa Anh và Johor, Singapore được nhượng lại cho Vương quốc Anh và dưới quyền quản lý của Công ty Đông ấn thuộc Anh quốc.

Nhà cầm quyền đầu tiên của Singapore Stamford Raffles mong muốn xây dựng quốc đảo này trở thành trung tâm thương mại. Chính sách mậu dịch tự do được áp dụng ngay từ buổi đầu đã thu hút thương nhân từ các quốc gia trong khu vực châu Á, thậm chí từ Trung Đông và các vùng đất xa xôi như Mỹ. Năm 1826, Anh quốc lập Các vùng thuộc địa ở các eo biển (Straits Settlements), thống nhất ba vùng thuộc sở hữu của họ tại Malaysia gồm Penang, Malacca và Singapore. Năm 1832, Singapore trở thành Chính quyền Trung ương của Các vùng thuộc địa ở eo biển (Straits Settlements). Straits Settlements nằm dưới quyền quản lý hành chính của Công ty Đông Ấn tại Calcutta. Tuy nhiên, do phản ứng chậm chạp của Ấn Độ với các vấn đề ở thuộc địa, vào năm 1867, quyền quản lý được chuyển giao cho Văn phòng Thuộc địa tại London. Cuối cùng, ngày 1.4.1867, Straits Settlements được tách ra khỏi Ấn Độ và trở thành vùng thuộc địa độc lập.

Theo bản khế ước ngày 4.2.1867, Straits Settlements được cấp bản Hiến pháp thực dân, theo đó, quyền lực tập trung trong tay Thống đốc. Thống đốc là người cai trị toàn vùng với sự hỗ trợ của Hội đồng Hành pháp và Hội đồng Lập pháp. Cơ quan này bao gồm Hội đồng Hành pháp, người đứng đầu tòa án (họ là những thành viên chính thức) và 4 thành viên không chính thức khác do Thống đốc chỉ định. Mặc dù Hội đồng Lập pháp được trao quyền làm luật, nhưng mọi dự luật ở Vùng đều do Thống đốc đề xuất. Thống đốc cũng có quyền thông qua hoặc bác bỏ các dự luật. Các thành viên phi chính thức trong Hội đồng Lập pháp có thể hỗ trợ Thống đốc về chuyên môn và pháp lý, song họ không có tiếng nói thực sự và cũng không đại diện cho dân chúng.

Năm 1924, hệ thống này được thay đổi, theo đó 2 thành viên không chính thức của Hội đồng Lập pháp do Thống đốc bổ nhiệm được phép có mặt trong Hội đồng Hành pháp. Ngoài ra, số lượng thành viên của Hội đồng Lập pháp tăng lên 26 người với 13 thành viên chính thức và 13 không chính thức.

Năm 1942, quân đội Nhật Bản chiến thắng Anh quốc và chiếm đóng Singapore trong suốt thời gian diễn ra Thế chiến II. Kết thúc Thế chiến II, Các vùng thuộc địa ở eo biển bị giải tán, Penang và Malacca thuộc Liên bang Malaysia, Singapore trở thành một nước thuộc địa riêng biệt thuộc Anh quốc. Do đòi hỏi ngày càng tăng của người dân Singapore trong việc tự quản các công việc nội bộ, một bản Hiến pháp thuộc địa mới được thông qua, theo đó, Hội đồng Lập pháp là cơ quan bầu cử bán phần với 6 thành viên không chính thức được bầu cử. Tuy nhiên, Thống đốc vẫn giữ quyền phủ quyết và gần như kiểm soát quyền lập pháp.

Tuy nhiên, Hiến pháp này bị chỉ trích là không tạo điều kiện cho người dân địa phương tham gia giải quyết các vấn đề của họ, do vậy, Thống đốc Franklin Charles Gimson đã đưa ra các đề xuất sửa đổi, trong đó có việc thành lập Hội đồng Lập pháp với 4 thành viên đương nhiên, 5 thành viên chính thức, 4 thành viên không chính thức do Thống đốc chỉ định, 3 thành viên do Phòng Thương mại Singapore đề cử, 3 thành viên do Phòng Thương mại Trung Quốc đề cử, 3 thành viên do Phòng thương mại Ấn Độ (đại diện cho châu Âu) đề cử và 6 thành viên không chính thức được bầu theo hình thức phổ thông đầu phiếu. Đây cũng là lần đầu tiên, số lượng các thành viên không chính thức chiếm đa số trong cơ quan lập pháp. Bản Hiến pháp mới với những sửa đổi chính thức có hiệu lực ngày 1.3.1948. Và cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên ở Singapore diễn ra ngày 20.3 cùng năm. Tuy nhiên, chỉ có những người có quốc tịch Anh mới được bỏ phiếu. Trong số 200.000 cử tri hợp lệ, chỉ có khoảng 23.000 người tham gia bỏ phiếu. Đảng Tiến bộ là đảng duy nhất tham gia tranh cử và giành 3 trên tổng số 6 ghế.

Năm 1951, Thống đốc Franklin Charles Gimson tuyên bố Singapore là một thành phố, đồng thời Hội đồng Lập pháp Singapore có thêm 3 ghế được bầu trực tiếp, nâng tổng số nghị sỹ được bầu trực tiếp lên 9 người.

Năm 1954, Ủy ban sửa đổi Hiến pháp được thành lập để xem xét việc sửa đổi Hiến pháp thuộc địa Singapore, theo đó, Singapore sẽ có Hội đồng Lập pháp với đa số thành viên được bầu trực tiếp và Chính phủ được thành lập trong số các nghị sỹ. Các đề xuất trên được Chính quyền Anh quốc chấp nhận và trở thành cơ sở cho Hiến pháp mới của Singapore, trao cho người Singapore quyền tự quản lớn hơn. Trụ sở Tòa án Tối cao được sửa lại để làm Tòa nhà Nghị viện. Nghị viện chính thức sử dụng tòa nhà này từ ngày 7.7.1954.

Năm 1955, cuộc tổng tuyển cử để bầu Hội đồng Lập pháp đầu tiên diễn ra với số lượng cử tri đăng ký lên tới 300.000 người. Đây cũng là lần đầu tiên, số lượng lớn cử tri thuộc cộng đồng người Hoa tham gia bỏ phiếu. Công đảng giành 10 ghế và lãnh đạo đảng này, David Marshall trở thành người đứng đầu Nội các.

Sự lớn mạnh của chủ nghĩa dân tộc đã giúp Singapore giành được quyền tự trị vào năm 1959, thành một quốc gia độc lập trong Khối thịnh vượng chung với Chính phủ độc lập và Hội đồng Lập pháp gồm 50 thành viên được bầu trực tiếp. Trong cuộc bầu cử năm 1959, đảng Hành động nhân dân giành chiến thắng và ông Lý Quang Diệu trở thành Thủ tướng đầu tiên của Singapore độc lập.

Năm 1962, người dân Singapore đi bỏ phiếu trưng cầu dân ý để sáp nhập vào Malaysia. Từ năm 1963 - 1965 Singapore là một bang trong Liên bang Malaysia. Trong cơ quan lập pháp liên bang Malaysia, Singapore có 15 trên tổng số 127 ghế. Tuy nhiên, do những khác biệt lớn về chính trị, Singapore tách ra khỏi Liên bang và từ ngày 9.8.1965 trở thành nước Cộng hòa độc lập với hệ thống chính trị tam quyền phân lập. Từ lúc tuyên bố độc lập đến nay, Đảng Hành động Nhân dân liên tục cầm quyền. Có khoảng 20 đảng phái khác được đăng ký chính thức ở Singapore nhưng các đảng phái này không có vai trò đáng kể trong đời sống chính trị của đất nước.

 Nghị sỹ nào có mặt trong tất cả 12 khóa Nghị viện Singapore?

Trên tường dọc hành lang Nghị viện có treo ảnh thành viên toàn bộ 12 khóa Nghị viện Singapore từ khi độc lập tới nay. Người ta dễ dàng nhận ra một nghị sỹ có mặt ở tất cả 12 bức ảnh này - nghị sỹ, cựu Thủ tướng Lý Quang Diệu. Do Singapore không có quy định về độ tuổi tối đa đối với nghị sỹ nên mặc dù năm nay đã 91 tuổi, ông Lý Quang Diệu vẫn giữ một ghế danh dự trong cơ quan lập pháp.

Lịch sử Nghị viện Singapore: sự gắn bó với mô hình Westminster ảnh 1
Là Thủ tướng đầu tiên của nước Cộng hòa Singapore, ông đảm nhiệm chức vụ này từ năm 1959 đến năm 1990. Mặc dù đã rời vị trí Thủ tướng, ông vẫn được xem là một chính trị gia có ảnh hưởng nhất tại đảo quốc này. Ông tiếp tục phục vụ trong Chính phủ của Thủ tướng Goh Chok Tong với cương vị Bộ trưởng Cao cấp. Hiện nay Lý Quang Diệu giữ một chức vụ được kiến tạo riêng cho ông, Bộ trưởng Cố vấn (Minister Mentor) dưới quyền lãnh đạo của con trai ông, Lý Hiển Long, Thủ tướng thứ ba của Singapore (nhậm chức năm 2004).

Qua ba thập kỷ nắm quyền của Lý Quang Diệu, Singapore từ quốc gia đang phát triển nay đứng trong hàng ngũ những quốc gia phát triển nhất thế giới, dù dân số ít ỏi, diện tích nhỏ bé và tài nguyên thiên nhiên nghèo nàn. Lý Quang Diệu thường nói rằng tài nguyên duy nhất của Singapore là người dân và tinh thần làm việc hăng say của họ. Ông nhận được sự kính trọng của nhiều người Singapore với tư cách là kiến trúc sư cho sự phú cường của Singapore ngày nay.

Quốc Đạt