Thay đổi để thánh đường sáng đèn
Theo PHÓ GIÁM ĐỐC NHÀ HÁT TUỔI TRẺ, NSƯT CHÍ TRUNG, quan điểm sân khấu là thánh đường vẫn đúng. Nhưng nếu coi sân khấu là thánh đường và tự nhiên khán giả phải tìm đến, thì sân khấu sẽ vắng khách, bởi hiện nay khán giả có thể lựa chọn nhiều thánh đường. Vì thế, các nhà hát phải chuyển mình, từ chất lượng vở diễn đến phương thức tiếp cận khán giả.
- Vừa qua, Nhà hát Tuổi trẻ đã quyết định thành lập Tiểu ban Truyền thông để quảng bá nhiều hơn các chương trình của mình. Tại sao lại có quyết định đó ở thời điểm này, khi lâu nay Nhà hát Tuổi trẻ vẫn được đánh giá là một trong những đơn vị nghệ thuật chú trọng đến truyền thông?
- Quan điểm sân khấu là thánh đường vẫn đúng. Thánh đường thì phải có tín đồ, và sân khấu cần có khán giả. Nhưng nếu coi sân khấu là thánh đường và tự nhiên khán giả phải tìm đến như lẽ thường phải thế, thì sân khấu sẽ vắng khách. Bởi hiện nay khán giả có thể lựa chọn nhiều thánh đường và nhiều trò vui tại nhà hay trên internet. Nếu sân khấu không chuyển mình, không cảm thấy phải thay đổi thì sẽ không kéo được khán giả đến rạp. Thay đổi ở đây không chỉ chất lượng, nội dung vở diễn, mà còn phải thay đổi phương thức bán hàng và tiếp cận khán giả. Xuất phát từ quan điểm ấy, Nhà hát Tuổi trẻ đã quyết định thành lập Tiểu ban Truyền thông. Bởi có chương trình tốt và lượng khán giả cố định là chưa đủ, chúng tôi phải quảng bá nhiều hơn để khán giả biết về các sản phẩm của Nhà hát, đồng thời nhận phản hồi của khán giả về những sản phẩm đó. Chúng tôi biết chúng tôi đang có rất nhiều vàng, nhưng nếu không được phát lộ, không giới thiệu cho mọi người biết, muôn đời nằm trong lòng đất thì nó chỉ như bùn đất mà thôi.
- Cụ thể, truyền thông nghệ thuật sẽ bắt đầu từ đâu, thưa Ông?
- Tiểu ban Truyền thông gồm 17 người, do tôi phụ trách, gồm trưởng, phó các đoàn nghệ thuật trong Nhà hát, các họa sỹ, diễn viên nhanh nhạy trong khả năng tiếp cận thị trường. Hơn ai hết, đây là những người làm ra sản phẩm và cần bán sản phẩm, nắm bắt tất cả sở trưởng, sở đoản của Nhà hát. Chúng tôi hoạt động theo khẩu hiệu: Chung xây ý tưởng, sẻ gánh âu lo. Đến nay chúng tôi đã thay đổi giao diện trang web của Nhà hát, lập fanpage trên facebook, đưa lên youtube trailer các chương trình của Nhà hát... Sắp tới chúng tôi sẽ xây dựng lại bộ nhận diện của Nhà hát, từ logo, email, thẻ đeo tên... Tiểu ban Truyền thông được phép chõ mũi vào tất cả hoạt động, dự án nghệ thuật của Nhà hát, được xem trước và bình luận, góp ý...
- Theo Ông, nếu thuê công ty chuyên về truyền thông có hiệu quả hơn không và khi đó diễn viên sẽ được toàn tâm toàn ý vào chuyên môn? Hay phải chăng Nhà hát muốn trực tiếp đưa sản phẩm đến khán giả, tránh tình trạng treo đầu dê bán thịt chó?
![]() Cảnh trong Lời thề thứ 9 của Nhà hát Tuổi trẻ |
- Không hẳn. Chúng tôi không thuê công ty làm truyền thông bởi Nhà hát Tuổi trẻ là một đơn vị nghệ thuật nhà nước, không có kinh phí để làm việc này, mà chỉ có thể tận dụng khả năng của nhau. Tất nhiên, Nhà hát cũng có một công ty bên cạnh (Đông Đô show), hỗ trợ những chương trình dịp lễ, tết hay các dự án lớn. Tuy nhiên, nếu nhìn rộng ra, trong gần 20 nhà hát nhà nước ở phía Bắc, hiện nay không nhà hát nào có bộ phận truyền thông, chỉ có phòng tổ chức biểu diễn.
- Trong lĩnh vực này, hẳn chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm từ các đơn vị nghệ thuật phía Nam…?
- Ở phía Nam, các đơn vị nghệ thuật làm truyền thông tốt bởi di truyền và thổ nhưỡng. Thổ nhưỡng là khí hậu chỉ có mùa mưa và khô chứ không 4 mùa như ngoài Bắc, đặc biệt là mấy tháng mùa đông khắc nghiệt, chả ai muốn ra ngoài vào buổi tối trong cái rét căm căm, mưa phùn gió bấc. Di truyền là dân miền Nam có nhu cầu đi xem. Có cầu mới có cung. Các đơn vị nghệ thuật đã đáp ứng được nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của mọi đối tượng khán giả. Hoạt động sân khấu được chuyên nghiệp hóa, mỗi sân khấu một kiểu. Có thể sân khấu phía Nam là tấm gương cho miền Bắc ở khía cạnh này, nhưng chúng ta cũng phải học một cách có lựa chọn.
- Thực tế, người trong nghề trực tiếp làm và đưa sản phẩm đến khán giả cũng có thuận lợi, thưa Ông?
- Vấn đề ở đây là lương tâm của người bán hàng và người quản lý. Họ phải hiểu sản phẩm đó là cái gì, có sản phẩm phải bóp chết từ trong trứng. Nếu chúng ta thỏa hiệp, vì điều kiện kinh phí, thời gian, nể nang nhau đưa ra thị trường những sản phẩm chưa thành hình, dị dạng, cố bán lấy được, thì đó sẽ là khả năng tự sát cao nhất. Đẩy ra thị trường một sản phẩm hời hợt, vớ vẩn thì chỉ 1 giây là mất hết, trong khi để lấy lại được thị trường phải mất 10 năm. Với các nhà hát, mất lòng tin của khán giả sẽ mất hết. Chúng tôi hiểu điều ấy và luôn cố gắng để tránh. Riêng Nhà hát Tuổi trẻ, mỗi sản phẩm phải được Hội đồng đánh giá thống nhất mới đưa tới khán giả, sản phẩm không đạt tiêu chuẩn sẽ cho nghỉ, kể cả mất công, mất sức, mất tiền.
![]() Series hài kịch Xóm hóng của Nhà hát Tuổi trẻ sẽ lên sóng truyền hình từ 1.2015 |
- Vậy, chiến lược truyền thông thời gian tới của Nhà hát Tuổi trẻ sẽ thế nào?
- Với một nhà hát thì trước hết phải có chiến lược phát triển nghệ thuật, từ đó sẽ kéo theo tất cả. Chúng tôi đang dừng lại việc làm hàng, vì chất lượng là thước đo của mọi giá trị, nghệ thuật cũng vậy. Hiện nay, chúng tôi mới bán hàng ở mức độ vừa phải, song song với bảo đảm chất lượng sản phẩm. Nếu xây dựng chiến lược quảng bá lớn lao mà chất lượng các vở diễn không song hành thì rất nguy hiểm.
Nhu cầu giải trí của khán giả cả nước, đặc biệt ở miền Bắc là có thật, nhưng hiện nay khán giả đến rạp rất ít. Sau một ngày làm việc căng thẳng, cộng thêm việc nhà, nhiều người mệt mỏi, không muốn đến rạp nữa. Đấy là sự thật phải đối diện và chúng tôi đang xây dựng series hài kịch Nhà hát truyền hình, dự kiến ngày 2.1.2015 sẽ lên sóng truyền hình số đầu tiên. Đẩy chương trình lên truyền hình, nếu hay khán giả nhớ lâu, nếu không họ sẽ chuyển kênh ngay. Nhưng tôi tin rằng với sự cẩn trọng và tập luyện tử tế, chúng tôi sẽ đem đến cho khán giả những tác phẩm hài phong vị Bắc, mang hơi thở Nhà hát Tuổi trẻ.
- Xin cám ơn nghệ sỹ!