Báo chí với các vấn đề dân số và phát triển ở Việt Nam

03/12/2014 16:50

Ngày 3/12, tại Hải Phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức Hội nghị Báo chí với các vấn đề Dân số và phát triển ở Việt Nam với dự tham dự của gần 100 cơ quan báo chí Trung ương và địa phương. Hội nghị nhằm định hướng cho các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và một số địa phương về công tác dân số trong thời gian tới.


Hiện nay, Việt Nam đang ở trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng. Số liệu năm 2012 cho thấy, số người trong độ tuổi lao động (từ 15 - 64 tuổi) chiếm tới 68,9%, trong khi số người trên 65 tuổi chỉ chiếm 7% dân số. Các chuyên gia cho rằng thời kỳ cơ cấu dân số vàng chỉ xảy ra duy nhất một lần trong lịch sử nhân khẩu học của mỗi quốc gia.
 
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo thời kỳ cơ cấu dân số vàng ở Việt Nam sẽ không kéo dài và quá trình già hóa dân số sẽ diễn ra nhanh chóng từ năm 2040 trở đi. Để có thể tận dụng được tối đa cơ hội từ thời kỳ dân số vàng, theo các chuyên gia, Việt Nam phải bảo đảm tạo ra được cơ hội việc làm cho lực lượng lao động trẻ và dân số trong độ tuổi lao động phải được trang bị đầy đủ kỹ năng và kiến thức đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
 
Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe các diễn giả trình bày về các nội dung: những thay đổi trong dân số Việt Nam như hàm ý chính sách dân số; nhu cầu chuyển hướng từ Dân số - kế hoạch hóa gia đình sang Dân số - phát triển; tầm quan trọng của công tác lồng ghép dân số vào kế hoạch và chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tham gia thảo luận về các vấn đề dân số nổi bật gần đây như: già hóa dân số và bảo trợ xã hội cho người cao tuổi; đầu tư cho sức khỏe sinh sản và tình dục cho thanh thiếu niên và vị thành niên; mất cân bằng giới tính khi sinh…
 
Ý kiến của các chuyên gia tại Hội thảo cho rằng, Việt Nam đang thời kỳ cơ cấu dân số vàng nhưng với sự suy giảm mức sinh nhanh chóng và tuổi thọ trung bình ngày càng tăng cao, dân số Việt Nam đang già hóa rất nhanh và sẽ bắt đầu vào giai đoạn được gọi là “giai đoạn dân số già”. Vì vậy Việt Nam cần phải chú trọng đầu tư vào thế hệ trẻ ngay từ bây giờ. Bên cạnh đó, Việt Nam cần bảo đảm tiếp cận phổ cập tới sức khỏe sinh sản và tình dục toàn diện, có chất lượng, đặc biệt là ở những vùng xa, những dân tộc thiểu số và những nhóm dân số có trình độ học vấn thấp. Đặc biệt, Luật Dân số sắp tới cần phải giải quyết các cơ hội và thách thức của việc chuyển đổi nhân khẩu học duy nhất này nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người; đồng thời trong Luật nên đưa vấn đề dân số vào các chiến lược phát triển tổng thể, chứ không chỉ tập trung vào mức sinh…