Indonesia phấn đấu trở thành cường quốc internet

Linh Anh
Theo Diplomat
22/11/2014 08:49

Chính phủ Indonesia đã có kế hoạch tăng gấp đôi số lượng người sử dụng internet lên 150 triệu vào năm 2015. Nếu như lĩnh vực công nghệ của nước này có thể khai thác được thị trường khổng lồ đó, nền kinh tế Indonesia sẽ được hưởng lợi không nhỏ.

Indonesia, quốc gia đông dân thứ 4 trên thế giới, có thể tự hào về 70 triệu dân sử dụng Facebook và là một trong những thị trường Twitter năng động nhất trên thế giới (Facebook và Twitter là hai mạng xã hội lớn nhất thế giới hiện nay).  Theo như khảo sát của Nhóm tư vấn Boston, tầng lớp trung lưu của Indonesia đang hứa hẹn là một thị trường mua sắm trực tuyến cũng như sử dụng các dịch vụ trên internet khác trong tổng số 250 triệu dân của nước này.

Tháng trước Indonesia đã trở thành tít lớn trên các tờ báo kinh doanh khắp thế giới khi tập đoàn đầu tư Nhật Bản SoftBank và công ty Sequoia đầu tư 100 triệu USD vào công ty thương mại điện tử PT- Tokyopedia có trụ sở ở Indonesia. Điều này có nghĩa là Indonesia đang là mảnh đất có tiềm năng đối với những nhà đầu tư lớn vào các công ty liên quan đến Internet trong những năm tới nếu như nước này có những chính sách ưu đãi hấp dẫn.

Còn nhớ hồi năm 2010, Yahoo cũng mua lại mạng xã hội địa phương Koprol gây ra tiếng vang lớn. Tuy nhiên sau đó ánh hào quang lụi dần bởi vì cả thị trường lẫn các doanh nghiệp công nghệ  đều tỏ ra chưa sẵn sàng. Bên cạnh đó, chính phủ lại tỏ ra không mấy quan tâm. Tuy nhiên lần này, mọi chuyện có vẻ tốt hơn.

Trong những năm gần đây, khu vực viễn thông Indonesia đã thiết lập được nhiều trung tâm phát triển và ươm mầm tài năng công nghệ. Cách đây vài tuần, một trang web trung tâm chuyên cung cấp các dữ liệu dành cho những doanh nghiệp công nghệ mới bắt đầu và các nhà đầu tư đã được ra mắt và sẽ nhận được nguồn hỗ trợ từ Bộ Truyền thông nước này. Hãng viễn thông Telkom Indonesia cũng mới  dành 200 triệu USD để đầu tư công nghệ thông qua nỗ lực liên doanh với Fenox VC, một công ty đầu tư mạo hiểm ở Thung lũng Silicon.

Nhờ các công ty Internet lớn như Rocket Internet, Yahoo và Google đã thuê  nhân công địa phương và đưa văn hóa làm việc của họ đến với Indonesia, nhiều người dân nước này hiện đã sẵn sàng tích lũy kinh nghiệm và tri thức để tạo ra sản phẩm của chính mình.

Thêm nữa, đầu tư toàn cầu trước đây thường nhắm vào Trung Quốc nay lại được tái phân bổ tới Đông Nam Á. Indonesia đang có một vị thế tốt để có thể giành được miếng bánh ngon mặc dù họ cũng phải cạnh tranh với nhiều nước trong khu vực khác.

Hơn nữa, Giám đốc điều hành Facebook Mark Zuckerberg tháng trước đã đến thăm Indonesia để thúc đẩy Internet.org, một chương trình xúc tiến kết nối internet. Nhiều người hy vọng chuyến thăm này sẽ  khuyến khích chính phủ Indonesia nhanh chóng triển khai kế hoạch mở rộng Internet để tăng tốc nền kinh tế.

Tuy nhiên, để xây dựng một ngành công nghệ đẳng cấp thế giới thực sự, Indonesia cần phải bảo đảm rằng trẻ em được tiếp cận với máy tính. Vì để đạt được mức độ như ở Thung lũng Silicon, Indonedia cần một thế hệ trẻ được lớn lên với máy tính ở nhà và sau đó được đào tạo trong một nền giáo dục công nghệ cao. Điều bất lợi là, hiện nay không một trường đại học nào ở nước này lọt vào bảng xếp hạng 50 trường đại học hàng đầu thế giới, trong đó có những trường rất mạnh về công nghệ như Đại học Stanford, Viện Công nghệ Georgia hay Viện Công nghệ Massachusetts của Mỹ.

Mặc dù, người Indonesia vẫn có thể tiếp cận nền giáo dục công nghệ tương đối rẻ như các chương trình trực tuyến của Khan Academy và Codecademy. Song, các dịch vụ giáo dục công nghệ trực tuyến như vậy lại có trụ sở tại Hoa Kỳ, do đó người Indonesia cũng cần phải trau dồi tiếng Anh tốt hơn để có thể hưởng lợi từ sự bùng nổ loại hình học tập qua mạng nói trên.

Ngoài ra, theo nhiều chuyên gia, ngành công nghiệp công nghệ cao của Indonesia đang áp dụng tất cả mọi thứ cùng một lúc, bỏ qua tất cả các giai đoạn cần thiết để đạt được phát triển bền vững hơn của thị trường. Kết quả là, nhiều nỗ lực đang đổ vỡ  khi nhiều nhà tiêu dùng tỏ ra không sẵn sàng cho các sản phẩm mà nhiều nhà phát triển trong nước đưa ra.

Niềm tin cũng là một vấn đề đáng lưu tâm. Có tới 60% người Indonedia được hỏi cho biết, việc cung cấp thông tin thẻ tín dụng của họ trực tuyến là mối quan tâm chính. Theo báo cáo mới đây của công ty Nielson, trong khi người Philippines, Việt Nam và Singapore có xu hướng mua hàng trực tuyến, người tiêu dùng ở Indonesia, Malaysia và Thái Lan lại tiếp cận internet chủ yếu là lướt web. Nhiều người Indonesia không thích mua qua mạng vì họ không tin tưởng vào dịch vụ của các nhà cung cấp.

Thực vậy, có một thực tế đáng buồn là nhiều người Indonesia hiện vẫn xem Internet như một món đồ chơi mà không nhận ra tiềm năng vô tận của công nghệ. Do vậy, chính phủ cần phải nắm rõ và khắc phục những yếu điểm đó để thương mại điện tử thực sự cất cánh, tạo đà cho phát triển kinh tế. Bởi người sử dụng internet nhiều hơn đồng nghĩa với việc số người có thể mua bán những sản phẩm, phương tiện truyền thông cũng như các dịch vụ vui chơi, giải trí trực tuyến cũng được tăng thêm.

Linh Anh<br>Theo <i>Diplomat</i>