Bảo tồn di sản phải gắn với lợi ích của cộng đồng

Anh Thơ thực hiện 22/11/2014 08:48

Khẳng định vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn di sản là rất quan trọng, PGS.TS ĐẶNG VĂN BÀI - Phó chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa Quốc gia nhấn mạnh rằng, hoạt động bảo tồn di sản văn hóa nhất thiết phải có sự tham gia trực tiếp của người dân, phải gắn với lợi ích của dân, chỉ có thể mang lại hiệu quả và thành công khi có sự tham gia tự nguyện của người dân.

- Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23.11 tổ chức hàng năm được xem là dịp để huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc bảo tồn di sản. Đây có phải là một trong những giải pháp quan trọng để bảo tồn di sản bền vững, thưa Ông?

- Ngày 24.2, Thủ tướng đã ký quyết định chọn ngày 23.11 hàng năm là Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, nhằm mục đích tôn vinh giá trị di sản văn hóa dân tộc, phát huy truyền thống và ý thức trách nhiệm của những người làm công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam. Đây cũng là dịp để động viên các tầng lớp xã hội tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc.

Nguồn: ITN
Nguồn: ITN

Có thể khẳng định rằng hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, nhất thiết phải có sự tham gia trực tiếp của người dân và phải gắn với lợi ích của họ. Đây được xem là một giải pháp quan trọng để bảo tồn di sản bền vững. Thực tế là, mọi hoạt động bảo tồn di sản văn hóa chỉ có thể mang lại hiệu quả và thành công khi có sự tham gia tự nguyện của người dân, thu hút và huy động tối đa mọi nguồn lực của chủ thể văn hóa. Người dân, với vai trò là chủ thể sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, họ có đủ năng lực và thẩm quyền để đánh giá các giá trị của di sản văn hóa, quyết định lựa chọn các hiện tượng văn hóa nào là cần thiết để bảo tồn.

- Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chủ yếu làm cho công tác bảo tồn chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, đó là khâu tổ chức - thực hiện chưa có sự tương thích giữa bảo vệ, giữ gìn và phát huy, phát triển. Quan điểm của Ông về việc này?

- Phải khẳng định rằng, các di sản văn hoá chỉ có thể được bảo vệ và khai thác hợp lý nếu có sự phối hợp đồng bộ của các ngành, các cấp và nhân dân. Mỗi người, mỗi tổ chức đều có trách nhiệm trong vấn đề này. Tuy nhiên, nhiều khi việc phối hợp liên ngành, đa ngành giữa cơ quan quản lý - doanh nghiệp - cộng đồng chưa thật hoàn hảo đã làm hạn chế hiệu quả, chứ không phải là không có hiệu quả. Cả ba bên chưa thực sự gắn bó chặt chẽ với nhau, chưa có chiến lược phát triển chung, chưa có những dự án chung để những hoạt động đó vừa bảo tồn di sản văn hóa vừa mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương nơi có di sản. Thường chúng ta chỉ mới quan tâm đến lợi ích là nguồn thu khai thác từ di sản cho phát triển và du lịch là chính, nên sự tham gia nguồn lực từ cộng đồng chưa phát huy hết được. Vì vậy, chúng ta cần sớm nghiên cứu và ban hành một cơ chế tổng hợp, có hiệu quả nhằm khai thác tốt hơn các di tích, di sản văn hóa như cơ chế phân công, phân cấp quản lý; cơ chế định mức và các quy chuẩn về công tác bảo tồn di sản.

- Có ý kiến cho rằng, chúng ta không nên lập hồ sơ đề nghị công nhận di sản một cách ồ ạt mà nên tập trung vào những di sản đã được công nhận để bảo tồn, phát huy giá trị cho tốt. Ý kiến của Ông về vấn đề này như thế nào?

Vấn đề này tôi lại có ý kiến hoàn toàn ngược lại. Đề nghị công nhận di tích, di sản chính là một biện pháp quản lý nhà nước, đặt di sản dưới sự bảo hộ của pháp luật. Có sự bảo hộ của Nhà nước và hướng dẫn nghiệp vụ của cơ quan chuyên môn thì công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích mới đạt kết quả tốt nhất, hiệu quả nhất. Nhiều người cho rằng chúng ta đang mắc hội chứng xếp hạng nhưng theo tôi hiểu như vậy là chưa đúng. Việc xếp hạng cũng phải đến khảo sát, nghiên cứu, xây dựng hồ sơ khoa học. Từ đó, chúng ta có cơ sở để quy hoạch chi tiết và đề án đầu tư, tu bổ, phục hồi, tôn tạo những di tích đã bị xuống cấp. Như ở Hà Nội, nhiều chùa hiện nay nhờ xếp hạng, được công nhận mới có thể giải tỏa vi phạm. Như vậy, xếp hạng là một hình thức, một hoạt động quản lý góp phần tôn vinh giá trị di sản, góp phần bảo vệ di sản bằng khoa học và pháp lý.

- Tuy nhiên, không ít di tích - di sản sau khi được công nhận đã bị khai thác theo kiểu tận thu gây ra nhiều hệ lụy đối với di sản (làm thay đổi, biến dạng; ô nhiễm môi trường…). Thực tế, Vịnh Hạ Long hay cố đô Huế cũng đã từng bị UNESCO đánh giá công tác bảo tồn là thiếu và yếu, thưa Ông?

- Tôi đồng ý rằng không phải di tích, di sản nào sau khi được công nhận cũng làm tốt công tác bảo tồn. Vì nhiều lý do khác nhau, trong đó ý thức tự chủ, ý thức thị dân, đôi lúc, đôi nơi còn hạn chế, một số chạy theo lợi nhuận trước mắt nên dẫn đến tình trạng xâm hại di tích, xâm hại môi trường du lịch, chưa thể hiện đầy đủ trách nhiệm trước di sản mà mình đang sở hữu và hưởng thụ.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn vào mặt tích cực của các di sản sau khi được công nhận đa số là làm tốt công tác bảo tồn. Giá trị của mỗi di sản sau khi được công nhận thực sự là niềm tự hào của quốc gia và việc đề nghị công nhận di sản là một việc làm hết sức cần thiết. Thực tế, nếu Vịnh Hạ Long không thành di sản được bảo vệ, không được UNESCO nhắc nhở thì giờ còn bị san đồi, lấn biển, ô nhiễm hơn thế này nhiều; cố đô Huế cũng sẽ không được đầu tư hàng ngàn tỷ đồng trong những năm qua để quy hoạch tổng thể, tôn tạo, trùng tu.

Vì vậy, việc tiếp tục lập hồ sơ khoa học cho các di sản để đệ trình lên UNESCO công nhận là việc cần thiết bởi Việt Nam còn rất nhiều loại hình nghệ thuật đạt đủ tiêu chí để được thế giới công nhận. Tuy nhiên việc quan trọng là chúng ta phải làm gì để di sản được công nhận không đơn giản chỉ tồn tại mà còn được phát huy hết các giá trị trong đời sống.

- Nhân ngày Di sản Văn hóa Việt Nam 23.11, Ông có khuyến nghị gì đối với hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam hiện nay?

Thứ nhất, phải kiểm kê, đánh giá, phân loại, lựa chọn những di tích nào có giá trị xếp hạng di sản văn hóa ngay để tạo căn cứ pháp lý cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng có hiệu quả hơn.

Thứ hai, phải sử dụng được thế mạnh của truyền thông đa phương tiện, bằng những hình thức phù hợp, có tính hấp dẫn để quảng bá di sản văn hóa đến được với nhân dân một cách sâu rộng nhất. Tạo điều kiện cho công chúng tiếp cận với di sản văn hóa, huy động được nguồn lực từ họ. Trong đó, ưu tiên hai đối tượng chính là thế hệ trẻ và doanh nghiệp bởi hoạt động của hai đối tượng sẽ có tác động thuận và nghịch tới di sản.

Thứ ba, tiếp tục chủ trương xã hội hóa, không khoán trắng cho người dân, nhưng đồng thời cũng không ỷ lại vào Nhà nước. Muốn tổ chức xã hội hóa tốt thì Nhà nước phải tăng cường đầu tư vào việc đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo bộ máy quản lý nhà nước mạnh, vững vàng về chuyên môn và có đạo đức về nghề nghiệp. Từ đó chúng ta có thể huy động nguồn lực xã hội rất tốt.

Thứ tư, hưởng ứng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam nên có một chương trình nhằm vinh danh những cá nhân, tập thể, cộng đồng tiêu biểu có những đóng góp lớn trong việc bảo vệ, bảo tồn di sản. Ví dụ như cộng đồng nhân dân làng Đình Bảng (thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) đã giữ được đền Đô, hoặc như cộng đồng làng Núi Sam bảo vệ miếu Bà Chúa Xứ (Châu Đốc, An Giang) góp phần phát triển và bảo tồn di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch.

- Xin cám ơn Ông!

Anh Thơ <i>thực hiện</i>