Ở đâu có UBND thì ở đó phải có HĐND
Hiến pháp đã ghi, chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND. Như vậy, đã là chính quyền thì cấp nào cũng phải có HĐND. Ngay từ đầu, tôi vẫn theo đuổi một suy nghĩ là ở đâu có UBND thì ở đó phải có HĐND. Quyền lực thì phải có cơ chế giám sát về quyền lực.

Có ý kiến nói là HĐND cấp trên giám sát, theo tôi, đây là điều không thực tế, không khả thi. Vậy thì, nếu không trả lời chất vấn tại HĐND thì các vị này trả lời chất vấn ở đâu? HĐND quận không còn, HĐND phường không còn. Nếu không bầu ra HĐND thì ở trên quận và ở trên phường sẽ không còn cơ quan nào là do nhân dân bầu. Cấp ủy cũng không phải do nhân dân bầu, MTTQ cũng không phải do nhân dân bầu, ban chấp hành các đoàn thể càng không phải do nhân dân bầu. Như vậy không còn cơ chế nào để bầu ra người đại biểu của mình trên địa bàn của mình sinh sống nữa. Còn nếu lý luận theo kiểu đã có HĐND cấp tỉnh để làm đại diện cho quyền lợi và ý chí nguyện vọng của người dân trên địa bàn thì tôi chỉ cần có QH. QH là trung tâm cả nước. Theo tôi, lập luận đã có HĐND cấp trên để làm đại diện cho ý chí nguyện vọng cho nhân dân không thuyết phục.
Tôi cho rằng, vấn đề mấu chốt ở đây không phải là vấn đề bỏ hay không bỏ HĐND mà vấn đề là phải cải tiến lề lối, phương thức làm việc của HĐND; xem xét lại quyền hạn, trách nhiệm để nâng cao hiệu quả của bộ máy này. Nếu chúng ta bỏ HĐND hai cấp này có thể có cái lợi là tinh giảm bộ máy, giảm được chi tiêu ngân sách, nhưng nó không đáp ứng đúng tinh thần Hiến pháp. Chúng ta xây dựng một chính quyền của dân do dân vì dân. Đã gọi là của dân do dân và vì dân thì nó phải có những cơ chế để bảo đảm tinh thần đó được thực hiện trong thực tiễn của cuộc sống mà HĐND chính là cơ chế để thực hiện phương châm chính quyền của dân, do dân và vì dân.
Về quy định tên gọi đơn vị hành chính tương đương, tôi thấy không ổn. Nếu gọi là thành phố, trong Tờ trình của Chính phủ có nói là chưa có tiền lệ, đó chỉ là một chuyện thôi. Chuyện khó hơn là gây chồng chéo, gây không rõ ràng về mặt khái niệm. Về quy định này, tôi đề xuất chỉ có hai phương án: một là cứ gọi là quận. Nếu không gọi là quận được với lý do là nó chưa thành một khu đô thị hoàn chỉnh thì cứ coi nó là thị xã. Bây giờ sinh ra thành phố trong thành phố, về mặt quản lý là không ổn, sau này có thể dẫn đến sự lạm dụng.
Về quy định cụ thể điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính, dự thảo Luật xây dựng hai phương án: phương án 1 là giao cho Chính phủ quy định; phương án 2 là giao cho UBTVQH. Hiến pháp đã quy định thẩm quyền này thuộc UBTVQH chứ không thể thuộc Chính phủ. Thật là vô lý nếu UBTVQH lại quyết định dựa trên tiêu chí do một cơ quan khác quy định. Ngay như chuyện quy hoạch bây giờ, quy hoạch chúng ta giao cho Chính phủ thực hiện. Dự án lại dựa trên quy hoạch trong khi thẩm quyền quyết định những dự án lớn thuộc QH. Thế mà Chính phủ cứ trình làm cái này đúng với quy hoạch, tôi thấy không ổn. Cần phải sửa đổi lại quy định này, không nên giao cho Chính phủ thẩm quyền duyệt những quy hoạch lớn. UBTVQH có thẩm quyền quyết định việc giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính nhưng tiêu chuẩn, tiêu chí thì lại giao cho Chính phủ quyết định, suy cho cùng UBTVQH vẫn quyết định trên cơ sở mà Chính phủ đã quyết định rồi. Dứt khoát dự án Luật phải giao cho UBTVQH quy định nội dung này. Nói chung tất cả các Luật cần phải theo nguyên tắc này, thẩm quyền thuộc cơ quan nào, tổ chức nào thì để cho cơ quan đó, tổ chức đó quy định tiêu chí, không nên để cho cơ quan khác.