Làm phim hoạt hình doanh thu cao
Một bộ phim hoạt hình thành công nhờ kịch bản hay, song xây dựng nhân vật hoạt hình là điều kiện tiên quyết. Đây cũng là yếu tố thúc đẩy sự phát triển của thị trường sản phẩm ăn theo phim hoạt hình, đem lại doanh thu.
Ra mắt khán giả năm 2003, bộ phim hoạt hình Pororo - Giải thưởng của Tổng thống cho hạng mục Nhân vật hoạt hình Đại hàn Dân Quốc 2008 - trở thành hiện tượng mang tính toàn cầu, được trẻ em thế giới yêu thích. Sau 10 năm công chiếu, giá trị của thương hiệu này lên tới hơn 700 triệu USD, sản phẩm từ bộ phim được bán rộng rãi trên thế giới với doanh thu mỗi năm hơn 30 triệu USD. Ước tính, số tiền thu về từ bán phim đã đạt 1,7 tỷ USD và không ngừng tăng 30 - 40%/năm. Phim mang tới động lực cho làng hoạt hình đang gặp nhiều khó khăn của Hàn Quốc. Với nội dung khuyến khích trẻ em làm việc tốt cũng như những bài học đạo đức, loạt phim Pororo được so sánh như “Disney Junior của châu Á”.
Bộ phim thành công đúng như tiêu chí đánh giá phim hoạt hình của Hàn Quốc khi hội tụ hai yếu tố: phát sóng rộng rãi và bán được nhiều sản phẩm ăn theo nhân vật hoạt hình. Ngay khi Pororo phát hành, trên 1.500 sản phẩm ăn theo nhân vật hoạt hình này, từ đồ ăn, đồ chơi, học phẩm, đồ dùng gia đình, truyện tranh, trò chơi cho tới các loại hình nghệ thuật biểu diễn và hợp đồng bảo hiểm... lần lượt được tung ra thị trường. Trong đó, đem lại doanh thu cao nhất là công viên chủ đề. Tại Hàn Quốc hiện có 8 công viên chủ đề quy mô 2.000m2/cái, Trung Quốc và Mỹ mỗi nước sở hữu 2 cái. Hàng năm có khoảng 600.000 người đến thăm 8 công viên Pororo tại Hàn Quốc. Những công viên theo mô hình này là nguồn thu nhập ổn định cho doanh nghiệp, được mở ra ở nhiều nơi, hướng tới nhiều đối tượng, từ quy mô nhỏ như quán nước dành cho trẻ em đến công viên đa nhân vật.
Theo Viện trưởng Viện Phát triển Văn hóa thông tin Gangwon, Gs Park Hong Su, để cho ra đời một bộ phim hoạt hình thành công, nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến lựa chọn nhà biên kịch. Điều này Hàn Quốc học hỏi từ Mỹ, nước có nền công nghiệp phim hoạt hình sớm nhất và mạnh nhất thế giới. Trước đây, Hàn Quốc cũng có cách làm phim như Việt Nam, sản xuất 20 tập hay 200 tập cũng chỉ dùng 1 nhà biên kịch. Nhưng ở Mỹ không thế, họ dùng nhiều nhà biên kịch, cùng xây dựng một cốt truyện, sau đó đưa ê kíp duyệt cuối cùng. Cách làm này mở rộng ý tưởng, đem lại những bộ phim hấp dẫn. Lấy ví dụ từ bộ phim Bánh mỳ mây của Hàn Quốc, lúc đầu nhà đầu tư sử dụng 2 biên kịch để lên ý tưởng, sau đó quảng cáo, thu hút nhiều nhà biên kịch khác cho ý tưởng và ý kiến. Kết quả, chọn được 6 nhà biên kịch và nhận được 78 ý tưởng cho phim. Xét cho cùng, kinh phí để sản xuất ý tưởng không cao nhưng lại có được nhiều ý tưởng đặc sắc, phong phú, không bị khô cứng, lối mòn như chỉ dùng một nhà biên kịch - Gs Park Hong Su nói.
Giám đốc Lee Jin Hui của Công ty Atoonz, nơi cho ra đời tác phẩm Xin chào Jadoo! (Giải thưởng lớn cuộc thi Hạng mục văn hóa Đại hàn Dân Quốc 2013) cho rằng, bên cạnh lựa chọn nhà biên kịch thì việc sử dụng chất liệu để sản xuất phim hoạt hình cũng quan trọng. Trong quá trình phát triển kịch bản phim Xin chào Jadoo!, Atoonz đã cân nhắc sản xuất một bộ phim không chỉ khiến trẻ em ưa thích mà còn thu hút sự quan tâm của các thành phần khác. Công ty này đã tìm ra cuốn truyện Xin chào Jadoo!, có tuổi đời gần 20 năm đã được phổ biến rộng rãi, rất gần gũi và quen thuộc với công chúng Hàn Quốc.