Giáo dục định hình lịch sử Do Thái
Người Do Thái chủ yếu cư trú ở đô thị, làm việc trong các lĩnh vực thương mại, tài chính, ngân hàng, luật và nghiên cứu khoa học. Mô hình cư trú và nghề nghiệp này từ lâu là đặc trưng của người Do Thái, bởi những tác động to lớn mà giáo dục đem lại.
Người Do Thái biết đọc, biết viết, có trình độ giáo dục cao hơn so với phần còn lại của thế giới trong suốt thiên niên kỷ đầu tiên. Đây là khẳng định của hai nhà nghiên cứu Maristella Botticini và Zvi Eckstein tới từ Italy và Israel, sau hơn một thập kỷ tìm hiểu về lịch sử hình thành của người Do Thái từ thế kỷ I - XV, được đưa ra trong tác phẩm Số ít được lựa chọn - Giáo dục định hình nên lịch sử Do Thái như thế nào (70 - 1492). Kho tài liệu khổng lồ mà các thế hệ sử gia và học giả Do Thái xây dựng, và kết quả khảo cổ học đã cho thấy, trong thế kỷ thứ I trước CN (khoảng năm 65 trước CN), một số học giả Do Thái và lãnh tụ tôn giáo đã thúc đẩy việc thành lập trường phổ thông miễn phí cho học sinh 16 - 17 tuổi. Một thế kỷ sau, một sắc lệnh tôn giáo đã được ban hành yêu cầu tất cả các ông bố Do Thái phải gửi con trai 6 - 7 tuổi đến trường để học đọc và nghiên cứu kinh Torah bằng tiếng Hebrew. Chức năng cốt lõi của kinh Torah là dạy tôn giáo cho cả người lớn và trẻ em. Một người Do Thái mộ đạo là người đọc, nghiên cứu kinh Torah và đưa con mình tới trường để học kinh Torah. Từ đó, giáo dục (học đọc và nghiên cứu kinh Torah) đã trở thành một chuẩn mực tôn giáo.

Một nhóm bằng chứng ấn tượng từ các phát hiện khảo cổ học và văn bản cổ cho thấy người Do Thái ở xứ Israel và Mesopotamia - hai trung tâm chính của đời sống Do Thái - tuân thủ nghĩa vụ giáo dục con trai do tôn giáo họ đặt ra. Những từ như: lương giáo viên, nghĩa vụ của giáo viên, học sinh, thời gian học ở trường, trường học, sách, thuế giáo dục… xuất hiện dày đặc trong bộ luật Talmud (thế kỷ III - VI). Bộ luật này ghi lời một học giả có tên Raba: số lượng học sinh giao cho một giáo viên là 25. Nếu có 50 học sinh, chúng ta chỉ định 2 giáo viên. Nếu có 40 học sinh, chúng ta chỉ định một trợ lý, chi phí thị trấn trả… Người dạy bọn trẻ… bị cho nghỉ ngay lập tức nếu làm việc không hiệu quả… Không nền văn minh nào cùng thời kỳ có các cuộc thảo luận tương tự liên quan đến tổ chức hệ thống giáo dục tiểu học. Những người không tuân thủ quy định tôn giáo về việc học hành, giáo dục con cái sẽ bị gạt ra ngoài xã hội Do Thái. Bằng cách này, giáo dục đã lan ra cộng đồng Do Thái ở xứ Israel và những nơi có người Israel di cư sinh sống trên thế giới từ thế kỷ thứ IV. Từ đó, Do Thái biến thành tôn giáo dành cho người biết đọc, biết viết.
Trong thế giới của những người không biết đọc, không biết viết, khả năng biết đọc, biết viết hợp đồng, lập thư từ giao dịch, sổ sách kế toán sử dụng bảng chữ cái thông dụng mang lại cho người Do Thái lợi thế. Người Do Thái cũng lập ra bộ quy tắc pháp luật thống nhất (bộ luật Talmud) và hệ thống các thiết chế (như tòa án giáo sỹ, thư từ phúc đáp) khuyến khích mọi người làm việc thông qua hợp đồng, mở rộng mạng lưới quan hệ nghề nghiệp, trọng tài tranh chấp ở những nơi cách xa nhau. Tỷ lệ biết đọc, biết viết cao cộng với sự tồn tại của các thiết chế giám sát việc thực thi giao ước đã trở thành đòn bẩy cho người Do Thái.
Có quan điểm rằng, người Do Thái cũng giống như thành viên các cộng đồng tôn giáo, sắc tộc thiểu số bị đàn áp khác, thích đầu tư vào giáo dục hơn là đầu tư vào đất đai, vì nguồn vốn con người dễ mang đi và không thể bị tịch thu. Không đầu tư vào đất đai nên người Do Thái không làm nông dân nữa; đầu tư vào giáo dục cho phép họ chuyên sâu làm nghề thủ công, buôn bán, ngân hàng, tài chính, luật, y… Tuy vậy, Maristella Botticini và Zvi Eckstein cho rằng: Quyết định đầu tư vào học hành, giáo dục của người Do Thái (thế kỷ I - VI) diễn ra hàng thế kỷ trước khi họ di cư khắp thế giới (từ thế kỷ IX trở đi). Như vậy, đầu tư cho giáo dục, cho con người dẫn tới việc họ tự nguyện từ bỏ đầu tư cho đất đai và làm nông nghiệp để tham gia các công việc thành thị, từ đó họ trở nên cơ động, rồi di cư, chứ không phải chiều ngược lại.
Theo Đại sứ Israel tại Việt Nam Meirav Eilon Shahar: Người Do Thái rất chú trọng giáo dục, và kết quả giáo dục có vai trò quyết định của gia đình. Trẻ con Do Thái biết đọc, biết viết và biết noi theo truyền thống của cha ông mình. Bên cạnh đó, đây còn là hệ thống giáo dục có mục đích, hướng tới sự sáng tạo và kết nối… Có lẽ bởi vậy mà dù chỉ có tổng cộng 13 triệu người, nhưng người Do Thái lại có sức ảnh hưởng lớn. Các sản phẩm trí tuệ của họ hiện diện khắp nơi, đặc biệt tại những đô thị hiện đại nhất thế giới.