Giấc mơ Bắc Cực
Trong nhiệm kỳ thứ 3 của mình, Tổng thống Vladimir Putin coi việc tăng cường hiện diện quân sự của Nga ở Bắc Cực là một trong những ưu tiên quan trọng. Mục đích chính của ông là tăng cường sự kiểm soát của Moscow đối với các vùng lãnh thổ của nước này ở Bắc Cực, tạo tiền đề cho Nga hiện thực hóa giấc mơ khai thác các nguồn tài nguyên khổng lồ ở đây.
Trở lại Bắc Cực
Phát biểu tại cuộc họp với các tướng lĩnh quân đội ngày 10.12.2013, Tổng thống Putin nhấn mạnh: Tôi yêu cầu cần phải đặc biệt chú ý đến việc triển khai các đơn vị quân đội, cơ sở hạ tầng tại Bắc Cực.
Thực hiện chỉ thị đó của vị Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Nga, ngày 6.9.2014, Hạm đội phương Bắc đã điều 6 tàu, trong đó có tàu săn ngầm Admiral Levchenko, tàu chở dầu Sergey Osipov và hai tàu đổ bộ cỡ lớn St George và Kondopoga, chở các binh sỹ và trang thiết bị từ cảng Severomorsk, miền Bắc nước Nga, tới một căn cứ quân sự của Liên Xô cũ trên quần đảo New Siberia ở Bắc Cực. Đây là một trong những bước đi mới nhất của Moscow nhằm tăng cường sự hiện diện quân sự của Nga ở khu vực có điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhưng lại quan trọng về mặt chiến lược này.
![]() |
Nga đã bỏ hoang căn cứ quân sự trên đảo Kotelny, đảo lớn nhất thuộc quần đảo New Siberia, từ năm 1993. Tuy nhiên, gần đây, Moscow đã quyết định hồi sinh căn cứ này. Năm ngoái, quân đội Nga đã cử một đội tàu đầu tiên thuộc Hạm đội phương Bắc do tuần dương hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân Pyotr Veliky dẫn đầu, vận chuyển thiết bị tới quần đảo New Siberia để khôi phục sân bay Temp ở đây.
Chỉ hai ngày sau khi phái 6 tàu tới quần đảo New Siberia, quân đội Nga tiếp tục thông báo họ đã chuyển vật liệu tới đảo Wrangel và mũi Cape Schmidt ở Bắc Băng Dương để xây dựng hai căn cứ quân sự mới. Đại tá Alexander Gordeev, phát ngôn viên Quân khu miền Đông, xác nhận hai khu phức hợp hình ngôi sao sẽ được lắp ráp ở đảo Wrangel và mũi Cape Schmidt trong vòng một tháng. Các khu phức hợp này sẽ giúp các binh sỹ Nga đồn trú ở đây không phải tiếp xúc nhiều với điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở Bắc Cực.
Đảo Wrangel được Chính phủ Nga xác định là khu bảo tồn thiên nhiên và chưa bao giờ được Liên Xô cũ sử dụng như một căn cứ quân sự. Hồi tháng 8 năm ngoái, Hải quân Nga đã thực hiện chuyến thám hiểm và treo cờ trên hòn đảo này, báo hiệu việc Nga sẽ hiện diện quân sự ở đây. Trong khi đó, mũi Cape Schmidt đã từng được sử dụng như một căn cứ cho các máy bay ném bom chiến lược tầm xa trong thời Chiến tranh lạnh.
Theo hãng tin RIA Novosti, Nga hy vọng khôi phục toàn bộ hạ tầng quân sự của Liên Xô cũ ở Bắc Cực trước năm 2015. Trong khi đó, theo tờ Thời báo Moscow, Nga dự định sẽ xây dựng 6 căn cứ quân sự mới ở Bắc Cực để cho các lực lượng bộ binh có thể đồn trú ở khu vực khắc nghiệt này.
Cùng với việc điều binh tới đồn trú ở Bắc Cực, hãng tin TASS dẫn một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Nga sẽ thành lập sở chỉ huy chiến lược hỗn hợp phương Bắc trên cơ sở Hạm đội phương Bắc vào cuối năm nay để điều phối các hoạt động quân sự của nước này ở Bắc Cực. Ngoài Hạm đội Phương Bắc và các bộ phận khác được chuyển giao từ Quân khu phía Tây, sở chỉ huy trên sẽ bao gồm cả các nhóm đang được triển khai ở khu vực Bắc Cực, bao gồm các nhóm trên bán đảo Novaya Zemlya, quần đảo New Siberia, bán đảo Franz Josef Land và đảo Wrangel.
Theo Thượng tướng Oleg Salyukov, Tư lệnh Lục quân Nga, trong giai đoạn 2015 - 2016, Nga sẽ đưa vào hoạt động hai lữ đoàn bộ binh cơ giới ở Bắc Cực, trong đó một lữ đoàn sẽ được triển khai ở khu vực Murmansk và một lữ đoàn khác sẽ được thiết lập ở khu tự trị Yamal-Nenets. Các đơn vị được huấn luyện và trang bị đặc biệt này sẽ đảm nhận nhiệm vụ tuần tra và bảo vệ các chủ thể và lãnh thổ dọc bờ biển phía Bắc và Bắc Băng Dương, bảo đảm lưu thông hàng hải và tháp tùng tàu thuyền theo Tuyến đường biển phương Bắc cũng như phô trương sự hiện diện quân sự của Nga ở Bắc Cực.
Giấc mơ sẽ dang dở?
Có thể nói, Bắc Cực có tầm quan trọng cả về mặt kinh tế lẫn an ninh đối với Nga. Về mặt an ninh, Bắc Cực là con đường ngắn nhất mà Nga có thể vươn tới Mỹ. Về mặt kinh tế, ngoài nguồn lợi thủy sản, người ta tin rằng ẩn giấu dưới những lớp băng dày ở Bắc Cực là những nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng to lớn chưa được khai thác.
Theo ước tính của cơ quan Thăm dò Địa chất của Mỹ, Bắc Cực chiếm tới 13% trữ lượng dầu và 30% trữ lượng khí đốt tự nhiên chưa được khai thác của thế giới. Bên cạnh đó, đây cũng là nơi có nhiều khoáng sản quan trọng đối với các nền kinh tế công nghệ cao. Nếu các núi băng ở Bắc Cực tan chảy vào tháng 9. 2030 theo đúng như dự báo của nhiều nhà khoa học do ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí hậu, các nguồn tài nguyên đó sẽ được lé hộ. Cùng với đó, một tuyến đường vận tải biển chiến lược mới sẽ hình thành, có khả năng làm thay đổi dòng chảy thương mại hiện nay giữa Đông và Tây.
Trong thời Liên Xô cũ, phần lãnh thổ của Nga tại Bắc Cực đã bị đóng cửa đối với nước ngoài. Chỉ tới thập kỷ 1990, sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh đã làm tình hình thay đổi. Tuyến hàng hải Biển Bắc cuối cùng đã được mở ra cho tàu bè nước ngoài, trong khi các công ty năng lượng quốc tế đã được mời để phát triển các dự án năng lượng ở vùng cao của Bắc Cực thuộc Nga.
Kể từ năm 2011, các tập đoàn năng lượng quốc doanh Gazprom và Rosneft đã bắt đầu các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ở khu vực này. Tuy nhiên, cả Gazprom và Rosneft đều gặp nhiều khó khăn trong việc khai thác do thiếu công nghệ khoan thăm dò ở các vùng biển bị đóng băng. Do đó, Gazprom đã liên doanh với tập đoàn Shell của Hà Lan, trong khi Rosneft hợp tác với các tập đoàn ExxonMobil và Statoil để tiến hành các dự án khai thác dầu khí ở Bắc Cực.
Do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Ukraine, quan hệ hợp tác giữa Nga và phương Tây trong lĩnh vực năng lượng đã bị gián đoạn. Kể từ giữa tháng 9.2014, các tập đoàn của Nga gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn của phương Tây cũng như nguồn cung cấp các thiết bị phục vụ cho việc khai thác dầu khí ở Bắc Cực. Trong bối cảnh đó, nhiều người lo ngại giấc mơ về việc khai thác dầu khí của Nga ở Bắc Cực sẽ dang dở.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia phân tích, các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ không tác động ngay lập tức tới các dự án năng lượng của Nga ở Bắc Cực bởi vì, mùa khoan thăm dò (thường kéo dài khoảng 3 tháng) đã kết thúc và sẽ chỉ bắt đầu trở lại vào đầu tháng 6 năm sau. Hơn thế nữa, trước khi các biện pháp trừng phạt của phương Tây có hiệu lực, Rosneft đã có các bước đi khôn khéo nhằm duy trì sự tiếp cận tới các công nghệ phức tạp này. Rosneft dự kiến sẽ hoàn tất thương vụ mua 30% cổ phần trong tập đoàn North Atlantic Drilling của Nauy để sở hữu các giàn khoan có thể sử dụng ở Bắc Cực của tập đoàn trên.
Hồi tháng 8, ông Igor Sechin, Chủ tịch Rosneft, khẳng định các biện pháp trừng phạt của phương Tây sẽ không ngăn cản tập đoàn này theo đuổi các kế hoạch ở Bắc Cực. Rosneft dự định sẽ chi 400 tỷ USD để khai thác thềm lục địa ở Bắc Cực trong thời gian từ nay đến năm 2030. Tập đoàn này đã đề nghị Chính phủ Nga hỗ trợ 1.500 tỷ rúp (40,6 tỷ USD) để đối phó với hậu quả của các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga.
Dĩ nhiên, ông Sechin và giới lãnh đạo chóp bu của Nga hiểu rõ việc khai thác dầu khí và các nguồn tài nguyên ở Bắc Cực không dễ nhưng chắc chắn, không gì có thể ngăn cản giấc mơ Bắc Cực của người Nga.