Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước - tín hiệu từ 2014 - 2015

Nguyễn Văn Trình 30/09/2014 08:25

Chủ trương đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế (2011) của Đảng và Nhà nước chủ yếu tập trung trên các mặt: tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống các ngân hàng thương mại; và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước. Cần nhìn nhận quá trình tiến hành cải cách doanh nghiệp nhà nước một cách toàn diện, trên cơ sở đó đánh giá những mặt đạt và chưa đạt nhằm đẩy mạnh hơn quá trình này trong những năm trước mắt.

 Nguồn: tapchitaichinh.vn
Nguồn: tapchitaichinh.vn

Chủ trương đổi mới doanh nghiệp nhà nước xuyên suốt kể từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986) đến nay có thể phân chia thành các giai đoạn sau:

Giai đoạn 1986 – 1990: đây là giai đoạn thực hiện hạch toán kinh doanh, tính đúng, tính đủ chi phí giá thành sản phẩm trong các doanh nghiệp quốc doanh. Quyết định 217-HĐBT ngày 14.11.1987, Quyết định 50/HĐBT ngày 22.3.1988 và sau đó là Quyết định 195/HĐBT ngày 2.12.1988 bổ sung Quyết định 217-HĐBT đã ban hành và quy định quyền chủ động trong tổ chức sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp quốc doanh. Tuy nhiên, trong thực tế quyền tự chủ của doanh nghiệp quốc doanh vẫn bị hạn chế, cơ chế bao cấp, xin cho vẫn chi phối các hoạt động của doanh nghiệp quốc doanh. Đến cuối năm 1989 cả nước có khoảng trên 12.000 doanh nghiệp quốc doanh, với quy mô chủ yếu là vừa, nhỏ, vốn ít, công nghệ lạc hậu, hiệu quả hoạt động thấp.

Giai đoạn 1990 - 2000: đây là giai đoạn đẩy mạnh cải cách doanh nghiệp quốc doanh theo hai hướng: giao khoán, bán, cho thuê, cho phá sản và cổ phần hóa các doanh nghiệp quốc doanh làm ăn không hiệu quả, doanh nghiệp nhà nước không cần giữ sở hữu 100% vốn và xây dựng, củng cố các doanh nghiệp nhà nước làm ăn hiệu quả, tạo sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Số lượng doanh nghiệp quốc doanh đã giảm mạnh từ 12.000 đơn vị (năm 1990) xuống còn khoảng 7.000 đơn vị vào năm 1995. Trong giai đoạn này đã có 548 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa. Tuy nhiên, tỷ trọng GDP của doanh nghiệp quốc doanh đã tăng từ 32,5% năm 1990 lên 42,2% GDP vào năm 1995 đã thể hiện sự lấn át của doanh nghiệp nhà nước đối với các doanh nghiệp của các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế ngày càng gia tăng.

Giai đoạn 2000 – 2010: đây là giai đoạn Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Trong giai đoạn này đã tiến hành cổ phần hóa gần 3.300 doanh nghiệp nhà nước, gấp gần 6 lần so với giai đoạn 1990 - 2000. Do đó, tỷ trọng của khu vực kinh tế nhà nước trong GDP cũng đã giảm mạnh so với giai đoạn trước, năm 2010 kinh tế nhà nước chỉ còn chiếm tỷ trọng 33,74% GDP so với 42,2% GDP năm 1990.

Giai đoạn 2011 đến nay: với quyết tâm đẩy mạnh tái cấu trúc nền kinh tế với ba trụ cột là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ đã phê duyệt “Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 - 2015”, với ba mục tiêu: 1) Tái cơ cấu về tổ chức; 2) Tái cơ cấu về tài chính; 3) Tái cơ cấu về quản trị. Theo số liệu thống kê trong giai đoạn 2011 - 2013 cả nước đã tổ chức sắp xếp được 180 doanh nghiệp. Trong đó, đã tiến hành cổ phần hóa được 99 doanh nghiệp; tiến hành sắp xếp dưới các hình thức khác được 81 doanh nghiệp.

Nhìn chung, việc thực hiện cổ phần hóa trong giai đoạn này đã diễn ra quá chậm. Trong hai năm 2014 - 2015 theo đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phải thực hiện cổ phần hóa 432 doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong ba tháng đầu năm 2014 chỉ thành lập được Ban chỉ đạo cổ phần hóa ở 146 doanh nghiệp, 26 doanh nghiệp được phê duyệt giá trị doanh nghiệp, đã tiến hành IPO được 13 tổng công ty (9 doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông - Vận tải và 4 doanh nghiệp thuộc Bộ Xây dựng).

Nguyên nhân quá trình tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước Trung ương còn chậm được xác định như sau: việc phê duyệt đề án tái cơ cấu còn chậm; cơ chế, chính sách chưa ban hành kịp thời; thị trường chứng khoán suy giảm sâu; tình hình kinh tế - xã hội khó khăn; các đơn vị doanh nghiệp nhà nước chưa tập trung cho cổ phần hóa doanh nghiệp mình; năng lực quản trị của đội ngũ cán bộ quản lý tại các doanh nghiệp còn yếu; thiếu nguồn tài chính để thực hiện tái cơ cấu; công tác sắp xếp lao động còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn…

Song, ngay từ đầu năm 2014, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương đã thể hiện quyết tâm đẩy mạnh tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ ban hành Nghị quyết 15/NQ-CP  ngày 6.3.2014 về một số giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước đã quy định kiên quyết truy xét trách nhiệm đối với các lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, đơn vị thực hiện không đúng tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp và đồng ý cho các doanh nghiệp nhà nước được thoái vốn với giá thấp hơn mệnh giá hoặc bán cổ phần dưới giá trị sổ sách.

Trên tinh thần triển khai Nghị quyết 15/NQ-CP của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các doanh nghiệp nhà nước đã thể hiện quyết tâm đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước trong các đơn vị thuộc mình quản lý. TP Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch cổ phần hóa 29 doanh nghiệp lớn thuộc quản lý của Thành phố và vào ngày 13.3.2014 lãnh đạo 29 doanh nghiệp này đã ký cam kết hoàn thành cổ phần hóa trước 12.2015. Thành phố Hà Nội cũng đã đặt mục tiêu sắp xếp, cổ phần hóa 27 doanh nghiệp thuộc Thành phố quản lý trong năm 2014. Trong đó, cổ phần hóa 11 doanh nghiệp, 9 bộ phận doanh nghiệp, bán 2 doanh nghiệp, sáp nhập 2 bộ phận doanh nghiệp và cho phá sản 2 doanh nghiệp.

Để đẩy mạnh tiến trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp Nhà nước một cách có hiệu quả, trong thời gian tới cần thiết giải quyết một số vấn đề sau:

Thứ nhất, QH cần thiết nhanh chóng ban hành lại Luật Doanh nghiệp Nhà nước (trước đây đã có luật riêng về doanh nghiệp quốc doanh, sau đó đã bỏ luật này khi xây dựng luật doanh nghiệp chung như hiện nay), nếu không ban hành một luật riêng để điều chỉnh các hoạt động của doanh nghiệp nhà nước thì nhất thiết phải sửa đổi Luật Doanh nghiệp, theo đó phải bổ sung các điều luật riêng quy định việc điều chỉnh hoạt động và quản lý các doanh nghiệp nhà nước cho phù hợp với tính chất đặc thù của chế độ sở hữu trong doanh nghiệp nhà nước, các mục tiêu, vị trí, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.

Thứ hai, các bộ, ngành nhanh chóng ban hành các quyết định hướng dẫn triển khai Nghị quyết 15/NQ-CP để làm cơ sở triển khai đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Đồng thời, Chính phủ cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách làm cơ sở pháp lý cho việc quản lý doanh nghiệp nhà nước như: quy chế quản trị công ty TNHH một thành viên sở hữu nhà nước, quy chế về nhà quản trị tại doanh nghiệp nhà nước 100% vốn sở hữu, doanh nghiệp nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, quy định về cổ phần hóa bộ phận các doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa.

Thứ ba, Chính phủ ban hành quy định rõ nhiệm vụ của doanh nghiệp nhà nước: nhiệm vụ kinh tế - xã hội và nhiệm vụ kinh doanh. Từ đó, xây dựng hai bộ tiêu chí để đánh giá kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước. Hiện nay, do chưa phân biệt rõ hai chức năng này nên trong hạch toán dễ dẫn đến các tiêu cực, làm méo mó thị trường.

Thứ tư, Chính phủ cần nhanh chóng thay đổi cơ chế quản lý, giám sát, kiểm tra đối với doanh nghiệp nhà nước. Xóa bỏ ngay cơ chế bộ chủ quản đối với doanh nghiệp nhà nước, nhanh chóng thành lập cơ quan ngang bộ, chuyên trách quản lý các doanh nghiệp nhà nước. Tái cấu trúc SCIC thành một cơ quan ngang bộ, đảm nhận việc quản lý các doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, SCIC với tư cách một cơ quan thực hiện chức năng chủ sở hữu, đánh giá hiệu quả sử dụng vốn ở doanh nghiệp và qua đó sẽ giám sát lại hoạt động của hội đồng quản trị (hội đồng thành viên) của các doanh nghiệp nhà nước này.

Thứ năm, Chính phủ cần ban hành chính sách cho phép các địa phương được tiếp nhận vốn thu hồi được từ việc tiến hành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước thuộc địa phương quản lý và thành lập để địa phương tăng cường nguồn thu ngân sách địa phương phục vụ sự nghiệp đầu tư phát triển địa phương mình. Hiện nay, Chính phủ quy định các doanh nghiệp nhà nước ở địa phương khi cổ phần hóa đều phải chuyển phần vốn thu hồi do bán cổ phần cho SCIC quản lý, mặc dù vốn này trước đây do ngân sách địa phương đầu tư. Đây là một vướng mắc trong cơ chế quản lý vốn sau cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước địa phương mà các địa phương đều lấn cấn khi tiến hành cổ phần hóa. Do đó, thời gian qua, nhiều địa phương không mặn mà lắm với việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước do địa phương mình quản lý và đầu tư.

Bên cạnh đó, hiện tổng vốn chủ sở hữu hiện nay của khu vực doanh nghiệp nhà nước cả nước hơn 1 triệu 100 nghìn tỷ đồng, nhưng trong đó, riêng 32 doanh nghiệp của khối doanh nghiệp trung ương quản lý đã chiếm đến 94% vốn chủ sở hữu, và chiếm đến 95% tổng doanh thu của cả khu vực doanh nghiệp nhà nước cả nước. Như vậy, vốn nhà nước ở các doanh nghiệp địa phương rất nhỏ. Do đó, trong thời gian tới, Chính phủ nên cho phép phần vốn thu hồi sau cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước địa phương sẽ do địa phương quản lý. Các địa phương nên hình thành công ty đầu tư tài chính nhà nước giống như mô hình SCIC ở địa phương...

Nguyễn Văn Trình