Làng thuốc nam Đại Yên

TÂN AN 28/09/2014 08:26

Làng cổ Đại Yên vốn có tên là trại Đại Bi, nằm trong vùng đất Thập Tam Trại của Thăng Long xưa. Hàng ngàn năm trước, người Đại Bi đã chuyên trồng, hái cây lá để chữa bệnh.

 
Vùng đất Thập Tam Trại của Thăng Long xưa đã được khai lập, mở mang từ rất lâu đời. Khi Lý Thái Tổ định đô, vùng đất này đã đông dân cư, vườn tược xanh tốt, có tất cả 13 làng như 13 trang trại, nên có tên là Thập Tam Trại. Những thôn trại thuộc Thập Tam Trại tạo nên vành đai trù phú, cung cấp từ lương thực, thực phẩm, rau quả, quà bánh cho đến thuốc chữa bệnh cho quan quân và dân chúng trong kinh thành… Khi ấy, làng cổ Đại Yên có tên là trại Đại Bi, liền kề những thôn trại như Kim Mã, Thủ Lệ, Ngọc Hà, Hữu Tiệp, Liễu Giai, Thụy Chương, Yên Phụ… Hàng ngàn năm trước, người Đại Bi đã chuyên trồng, hái cây lá để chữa bệnh.

Nghề trồng, hái cây lá và tạo thành thuốc nam là do Bà chúa Ngọc Hoa khởi lên thành thịnh vượng. Tương truyền, thời Lý có giặc Mana tràn sang xâm lấn nước Đại Việt ta. Khi ấy, trại Đại Bi có nhiều người tòng quân dưới trướng quan Thái úy Lý Thường Kiệt để chống giặc, trong đó có Ngọc Hoa cũng quyết theo cha vào quân ngũ. Ban đầu Ngọc Hoa giúp việc cơm nước trong quân doanh, sau thường giả làm người bán trầu cau đi dò la tin tức quân địch. Việc đó thực sự giúp quân dân nhà Lý đánh thắng nhiều trận. Và ngay trong các trận chiến, Ngọc Hoa cùng cha dùng các loại cây cứu chữa cho thương binh. Đất nước yên bình, vua Lý phong nàng làm Ngọc Hoa Công chúa. Song nàng đã xin vua cho trở về quê nhà Đại Bi sinh sống và cùng dân làng gây dựng nghề trồng cây thuốc và chữa bệnh bằng thuốc Nam trở nên thịnh đạt nổi tiếng thiên hạ. Từ đó, trại Đại Bi cũng được đổi gọi là làng Đại Yên. Khi Ngọc Hoa hóa, dân làng Đại Yên lập miếu thờ, sau xây đình làng thờ Bà chúa Ngọc Hoa làm thành hoàng để ghi nhớ công ơn.

Đại Yên xưa nhiều vườn ruộng, nhà nhà cấy lúa, và cả trồng hoa như làng Ngọc Hà liền kề. Nhưng đặc biệt, người Đại Yên dành nhiều đất canh tác để trồng cây thuốc. Nhà nào cũng tươi tốt um tùm cây lá làm thuốc, ngay rào dậu cũng kín dày lá mơ lông, kim ngân, sắn dây, dành dành, lá duối, thầu dầu… Đường làng, ngõ xóm quanh năm thơm hương thiên lý, hương nhu, cúc tần, ngải cứu, lá xả, lá nếp, tía tô…

Ở Đại Yên, các bà, các cô cho đến các em bé gái quanh năm chuyên chú việc trồng, hái là thuốc, ngày ngày tất bật các việc từ chọn lựa, sơ chế, phơi phóng lá thuốc cho đến việc bán buôn thuốc Nam tại chợ làng tới các chợ gần xa. Hầu như các bà, các cô bán thuốc Nam ở các chợ lớn, nhỏ tại Hà Nội đều là người có gốc gác từ làng Đại Yên. Người bán hàng lá nào cũng thạo nghề dùng lá thuốc trị bệnh. Chẳng hạn, mùa hè nắng, trong nhà có người bị lở ngứa, mụn nhọt, ra bất cứ hàng lá thuốc ở chợ nào đó, sẽ được các bà hàng bốc cho thang thuốc với các vị tương tự như nhau, gồm: kim ngân hoa, ké đầu ngựa, bồ công anh, bông mã đề… Nếu để ý, cùng bài thuốc trị mụn nhọt lở ngứa, có cô hàng cho thêm nắm râu ngô, có bà cho thêm vài lát cam thảo, có chị cho thêm dúm nhân trần, ấy là do tình trạng bệnh của mỗi người, hoặc là theo kinh nghiệm gia truyền của mỗi nhà.

Nghề lá thuốc Đại Yên được truyền cho con, cháu ngay từ khâu trồng, hái cây lá trong vườn, đến việc chế biến, phơi thuốc; lại truyền cả chỗ ngồi bán hàng tại chợ. Như bà cụ Tài, thời con gái tên Mơ, có gần nửa thế kỷ ngồi bên quầy hàng lá cổng chợ Hàng Bè. Vào tuổi 80, bà truyền quầy bán lá thuốc ấy cùng hàng trăm khách hàng quen cho con gái là Đỗ Thị Ngoạn, để quay về ngôi nhà nhỏ với mảnh vườn đầy cây lá ở làng Đại Yên. Từ nhiều năm trước, chị Ngoạn đang thì con gái đã theo mẹ đi bán hàng thuốc Nam, giờ con gái chị đã vào tuổi đôi mươi cũng thường ra quầy lá thuốc chợ Hàng Bè vừa giúp mẹ, vừa học nghề gia truyền. Chợ Hàng Bè chuyển tới chỗ mới, quầy lá thuốc của chị Ngoạn cũng chuyển theo… Có hàng trăm quầy hàng lá của các bà, các chị Đại Yên ở nhiều chợ nội, ngoại thành Hà Nội, nhiều bà hàng mát tay hay thuốc, được người ta rất tín nhiệm như cụ Cả Miên, cụ Trưởng Cần, bà Sính, bà Minh, bà Hai Luận, bà Diêm…

Có thể nói, nửa cuối thế kỷ XX sang những năm đầu thế kỷ XXI, tây dược và đông dược tràn đầy thị trường Hà Nội, nhưng vẫn có nhiều người, nhiều gia đình quen dùng thuốc Nam. Ngày nay, Đại Yên có nhiều người chuyên tới các vùng quê xa, tận trung du và miền núi, gom lá thuốc về bán ở chợ làng. Cứ quãng xế chiều, các bà các chị hàng lá từ nhiều chợ Hà Nội lại về đây để cất hàng cho buổi chợ sớm hôm sau. Chợ lá Đại Yên họp ngay đầu làng, nên đường vào làng, dưới vòm cổng cổ kính, đầy cỏ hoa, cây lá; nào cúc tần, mơ chanh, hương nhu, dành dành, lá nếp... làm thơm mát cả chợ chiều. Đó là một nét văn hóa đặc biệt của riêng làng Đại Yên!

TÂN AN