Khám phá thế giới: Djenne, nhà thờ Hồi giáo xây bằng gạch bùn lớn nhất thế giới
Ra đời vào năm 800 sau công nguyên, thị trấn Djenne ở miền trung Mali là một trong những thành phố cổ nhất của vùng cận Sahara, châu Phi. Tọa lạc trên một hòn đảo ở vùng đồng bằng sông Niger, Djenne không chỉ là nơi giao thương sầm uất mà còn là trung tâm học thuật hồi giáo. Và một trong những biểu tượng nổi tiếng của nó là nhà thờ Hồi giáo bằng gạch bùn rất độc đáo.
Được xây dựng vào năm 1907, nhà thờ Hồi giáo Djenne là một trong những thành tựu lớn nhất của kiến trúc Sudan – Sahelia, một phong cách chịu ảnh hưởng rất lớn của Hồi giáo. Đây cũng là nhà thờ được xây bằng gạch bùn lớn nhất trên thế giới. Thực ra, trước đây ở khu vực này có một nhà thờ hồi giáo lâu đời được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ 13, nhưng đến thế kỷ thứ 19 nó hư hỏng nặng và bị bỏ hoang để hàng ngàn con chim nhạn bay tới làm tổ. Thời chiến tranh Tukulor, Seku Amadu đã chinh phục Djenne và ra lệnh đóng cửa nhà thờ cũ nát để xây một nhà thờ Hồi giáo khác ở bên cạnh. Khi quân Pháp do Louis Archinard lãnh đạo đánh chiếm Djenne vào tháng 4.1893, ông cho phá hủy nhà thờ của Seku Amadu, xây lại nhà thờ cũ và nó đã tồn tại cho tới ngày nay.
![]() |
![]() |
Hàng năm, việc sửa chữa nhà thờ được tiến hành như một lễ hội, lôi kéo toàn thể cộng đồng dân cư sống ở Djenne tích cực tham gia. Khi bắt đầu lễ hội, một cuộc đua sẽ được tổ chức để xem ai sẽ là người đầu tiên mang được bùn đến để trát cho nhà thờ. Trong quá trình sửa chữa, những vị cao niên sẽ ngồi túm lại với nhau bên ngoài ngoài quảng trường để theo dõi trong tiếng nhạc rộn ràng đầy khí thế và những mâm đồ ăn được bày biện thịnh soạn.
Trước đây, nhà thờ Djenne mở cửa cho cả những người ngoại đạo nhưng đến năm 1996, khi tạp chí thời trang Pháp Frecnh Vogue được phép vào đây chụp hình, những bức ảnh phụ nữ bán khỏa thân đã khiến các giáo sĩ Hồi giáo thất kinh. Kể từ đó, những ai ngoại đạo không được phép đặt chân vào đây.
Thị trấn cổ Djenne cùng với nhà thờ Hồi giáo đất bùn nổi tiếng của nó đã được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 1988 và trở thành niềm tự hào vô bờ của người dân Mali.