Quy định về Hội đồng bầu cử quốc gia phải thể hiện đúng tinh thần của Hiến pháp
Thẩm quyền thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia theo quy trình nào; các quy định về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng bầu cử quốc gia cần phải thể hiện đúng tinh thần của Hiến pháp; dự thảo luật cần lồng ghép vấn đề bình đẳng giới để bảo đảm tỷ lệ ĐBQH nữ không quá thấp… là ý kiến của các Ủy viên UBTVQH trong phiên họp cho ý kiến về dự án Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND chiều 23/9.
Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng: Quy định về Hội đồng bầu cử quốc gia phải thể hiện đúng tinh thần của Hiến pháp
Về Hội đồng bầu cử quốc gia trong dự thảo Luật, các quy định cần thể hiện đúng theo như tinh thần của Hiến pháp. Cần phải thiết kế cụ thể vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng bầu cử trong việc phối hợp với UBTVQH và HĐND, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đối với cơ cấu tổ chức bộ máy của Hội đồng bầu cử, tôi cho rằng cơ bản là thành viên UBTVQH. Cũng cần suy nghĩ thêm, có giữ lại mô hình Hội đồng bầu cử Trung ương cũ không? Chưa rõ vai trò của UBTVQH, của HĐND và Mặt trận tổ quốc của địa phương trong việc phối hợp hoạt động với Hội đồng bầu cử này. Mặt khác, trong 5 năm của nhiệm kỳ QH và HĐND, Hội đồng bầu cử không hoạt động trở lại nhưng thi thoảng vẫn có bầu cử, chẳng hạn như chia tách, xác lập các đơn vị hành chính. Trong trường hợp này thì bầu cử thế nào. Luật này giao cho cơ quan nào đứng tổ chức bầu cử? Cần phải có cơ chế, không thể triệu tập Ủy ban bầu cử cũ được...
Về hồ sơ ứng cử đại biểu, Dự thảo Luật đã bổ sung thêm vào hồ sơ ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND 2 loại giấy tờ là Giấy khám sức khỏe của tổ chức y tế có thẩm quyền và Phiếu lý lịch tư pháp đối với người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND cấp tỉnh và cấp huyện. Tôi tán thành với ý kiến của cơ quan thẩm tra, không nên bổ sung thêm các loại giấy tờ phức tạp thêm, nên theo mẫu chung của Nhà nước. Các cơ quan, tổ chức trong quá trình làm giấy tờ giới thiệu cũng đã cân nhắc kỹ càng. Về việc tổ chức cho người Việt ở nước ngoài bầu cử, Tờ trình và báo cáo thẩm tra thống nhất chưa thể tổ chức để công dân Việt Nam ở nước ngoài thực hiện quyền bầu cử ở nước ngoài vì nhiều lý do. Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra cho rằng, đây là các vấn đề cần được tiếp tục tổng kết, nghiên cứu để có thể sớm có cơ chế thích hợp nhằm bảo đảm quyền bầu cử của một bộ phận công dân đang sinh sống, lao động, học tập ở nước ngoài, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân và tăng cường mối liên hệ gắn bó với quê hương, đất nước. Theo tôi, đừng có vẽ ra bức tranh mà không thấy đâu, khi trình ra QH không nên nói như vậy, đây là việc rất khó.
Đối với quy định chương trình vận động bầu cử, theo tôi luật chỉ cần quy định ngắn gọn các hình thức tuyên truyền vận động, cách thức tổ chức tuyên truyền. Các đối tượng chịu sự điều chỉnh cứ thế mà thực hiện. Cách diễn giải như Tờ trình dễ hiểu thành không cho người ta tuyên truyền vận động bầu cử, cấm hoạt động bầu cử. Chỉ cần quy định ngắn gọn, cụ thể hoạt động này do Mặt trận tổ quốc tổ chức, trình tự thế nào, các bước tổ chức vận động như thế nào, và không được làm các việc khác.
Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân: Chưa thấy vấn đề bình đẳng giới được đề cập trong dự thảo luật
Tôi xin tham gia vào nội dung lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào trong dự thảo Luật. Suốt Chương V và các chương liên quan đến hiệp thương và lập danh sách, không có chương nào đề cập đến vấn đề bình đẳng giới. Đối với các nước đang hướng đến phát triển, người ta có hẳn một luật thường gọi là luật quota, tức là Luật quy định tỷ lệ của các vị ĐBQH nữ giới không được vượt quá 60%, không được thấp hơn 40%. Tại các nước phát triển, các nước Bắc Âu, Phần Lan người ta không cần quy định như vậy nữa. Chính phủ các nước này quy định theo tỷ lệ 5:5. Nếu Chính phủ có 20 bộ thì cứ 10 nam, 10 nữ làm bộ trưởng.
Qua nghiên cứu, tôi cho rằng Việt Nam chưa cần một luật riêng, chỉ cần có một điều quy định trong một chương từ quá trình hiệp thương đến lập danh sách bầu cử trong dự thảo Luật. Chúng ta có chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, đưa ra chỉ tiêu QH Khóa XII có 30% là đại biểu nữ trong QH. Khóa XI thấp hơn khóa X, Khóa XII thấp hơn khóa XI. Khóa X là 27%, khóa XI là trên 25% đến khóa XII chỉ còn 24%. Và lần này ra luật, nếu không quy định cứng tỷ lệ trong nội dung, tôi e rằng tỷ lệ đại biểu nữ sẽ còn thấp hơn nữa.
Tôi tha thiết đề nghị, lần này trình dự thảo Luật ra QH cần có một điều khoản cứng từ chương V, tức tỷ lệ ĐBQH nữ tùy theo địa phương, không được vượt quá 65% và không được thấp hơn 35% tổng số đại biểu. Như thế bảo đảm cho tinh thần bình đẳng giới. Rồi dần dần, nhận thức về bình đẳng giới sẽ được nâng lên. Từ quy định trong luật, khi tổ chức hiệp thương, quá trình giới thiệu ứng cử, người ta xắp xếp danh sách thế nào, ai ứng cử, và người được giới thiệu ứng cử có đủ tư cách, phẩm chất, trình độ thế nào để cử tri có thể bầu.
Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: Thẩm quyền thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia theo quy trình nào?
Tôi cho rằng, cần phải làm rõ việc thực hiện thẩm quyền thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia theo quy trình nào? Luật Tổ chức Quốc hội không đề cập, Luật này không đề cập thì Luật nào sẽ đưa ra vấn đề này? Đề nghị cần nghiên cứu về vấn đề này, đưa vào luật quy trình thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia.
Về câu chữ, Điều 4 dự thảo Luật quy định về trách nhiệm của Hội đồng bầu cử quốc gia, trong khi tại chương 3 lại dùng từ nhiệm vụ. Tôi đề nghị thống nhất lại theo Hiến pháp, ghi là nhiệm vụ của Hội đồng bầu cử quốc gia. Về nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng bầu cử quốc gia là công bố danh sách những người ứng cử ĐBQH và nhiệm vụ tại Điều 19 của Ủy ban bầu cử ĐBQH tại HĐND các tỉnh là lập danh sách những người ứng cử ĐBQH. Như vậy, tôi hiểu ý tứ ở đây là Ủy ban bầu cử các tỉnh lập danh sách trình cho Hội đồng bầu cử quốc gia quyết định. Mặt khác, Hội đồng bầu cử quốc gia cũng có nhiệm vụ lập danh sách ứng cử. Nếu như hai đơn vị này cùng lập danh sách thế thì xử lý tranh chấp như thế nào. Tôi đề nghị cân nhắc phương án giao cho Ủy ban bầu cử ĐBQH của HĐND các tỉnh xây dựng báo cáo gửi Hội đồng bầu cử Quốc gia xem xét công bố theo danh sách này.
Về nguyên tắc lập danh sách, dự thảo luật đã đưa ra một số nguyên tắc, tôi cho rằng, cần phải tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn về các nguyên tắc xây dựng danh sách. Chẳng hạn, nguyên tắc bình đẳng giới. Bình đẳng trong lập danh sách rất là quan trọng, tính công bằng khách quan khách quan trong lập danh sách rất quan trọng. Nếu không bảo đảm được yếu tố này thì trong danh sách ứng cử viên có thể là có một số ứng cử viên rơi vào thế không bình đẳng, không công bằng. Tôi đề nghị nghiên cứu về mặt thiết lập nguyên tắc, trong đó phải có một điều liên quan đến nguyên tắc lập danh sách các ứng cử viên.