Người tiêu dùng cần địa chỉ kiểm nghiệm rau, quả đáng tin cậy
Việc cơ quan chức năng công bố 280 tấn rau, củ, quả nhập khẩu từ Trung Quốc tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép được đưa vào tiêu thụ tại nước ta; Và mới nhất là thông tin cơ quan kiểm định quốc gia cũng chỉ xác định được 600/2.000 loại hóa chất bảo vệ thực vật đã được định danh, thì rõ ràng người dân không thể tự mình trở thành người tiêu dùng thông minh.
Để thực hiện khẩu hiệu trở thành người tiêu dùng thông minh, thì người dân chỉ có thể mua hoa, quả về và chờ sau 1 tuần hoặc hơn để xem hàng hóa có bị hư hỏng hay không mới được sử dụng. Tuy nhiên, ăn uống là những nhu cầu thiết yếu hàng ngày, người tiêu dùng không thể chờ đợi từng ấy thời gian mới có thể sử dụng thực phẩm mà phải dựa vào sự kiểm soát rau, củ, quả bày bán trên thị trường của cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, việc tiến hành kiểm định hoa quả nhập khẩu tiểu ngạch hiện được đánh giá là có cũng như không. Bởi lực lượng kiểm định ở cửa khẩu chỉ lấy mẫu ngẫu nhiên 10% tổng số hàng hóa và phải chờ sau 10 ngày hoặc lâu hơn mới có kết quả kiểm định xem có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép và có tồn tại những loại chất độc hại hay không. Năng lực xét nghiệm tại các phòng thí nghiệm ở địa phương, ở cửa khẩu cũng hạn chế, nên phải mang hàng hóa đến Trung tâm Kiểm định và Kiểm nghiệm phía Bắc ở Hà Nội. Rau, củ, quả cũng không được chuyển đi ngay, mà phải nằm chờ thêm một số mẫu khác mới được chuyển. Điều nguy hiểm là theo quy định hiện hành, các xe sau khi lấy mẫu hàng kiểm định có thể di chuyển vào nội địa nên khi có kết quả kiểm định, có lẽ lượng rau, củ, quả tồn dư chất bảo vệ thực vật cao đã được tiêu thụ hết.
![]() |
Một cách khác để giảm nguy cơ mua rau, củ, quả không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm là mùa nào dùng thức nấy. Song, cách thức này chỉ phần nào giảm thiểu thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng, còn lượng thuốc có vượt ngưỡng cho phép hay không thì lại không thể chắc chắn. Trong khi đó, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia Phạm Xuân Đà cho biết, phòng xét nghiệm, thử nghiệm của Viện chỉ xác định được 600/2.000 hóa chất bảo vệ thực vật đã được định danh. Các hóa chất bảo quản, bảo vệ thực vật chưa được định danh thì khó có thể kiểm định vì phương pháp thử khác, chất chuẩn khác cũng có thể cho ra kết quả khác nhau. Ngay cả cơ quan kiểm định có quy mô lớn nhất cả nước cũng không thể kiểm soát được hết mọi chất bảo vệ thực vật, thì người tiêu dùng có cách nào để tự bảo vệ mình?
Ngược lại với yêu cầu kiểm định rau, củ, quả nhập khẩu có phần đơn giản của nước ta, loại hàng hóa này khi xuất khẩu đến nhiều thị trường trên thế giới phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm khắt khe. Và chỉ các sản phẩm trồng ở vùng có đăng ký, gắn mã, được chiếu xạ mới được xuất khẩu. Các loại rau, củ, quả khi nhập khẩu vào những thị trường này cũng được kiểm định chặt chẽ, chỉ một lượng hàng hóa nhỏ không bảo đảm yêu cầu là toàn bộ lô hàng sẽ bị trả lại.
Nếu rau, củ, quả nhập khẩu vào nước ta cũng có chất lượng tương đương với thực phẩm được xuất khẩu ra nước ngoài sẽ là tin vui với người tiêu dùng. Nhưng có lẽ, chỉ cần bảo đảm các tiêu chuẩn được cơ quan chức năng đưa ra hiện nay cũng đã giúp bảo vệ sức khỏe của người dân. Vì thế, các cơ quan chức năng cần tổ chức lại hệ thống trung tâm kiểm nghiệm, không nên duy trì hệ thống phòng kiểm nghiệm chồng chéo như hiện nay, khiến nguồn vốn đầu tư bị phân tán, khó có thể hình thành trung tâm có đủ năng lực. Người dân cần có địa chỉ tin cậy để có câu trả lời chính xác về chất lượng rau, củ, quả.