Gái đảm (Phần cuối)
Truyện ngắn của Trần Thanh Cảnh

23/09/2014 08:46

>> Gái đảm (Phần 1)

Một dạo, có tay đại gia, chuyên buôn bán sà lan than đi lại trên sông, nghe tiếng ghé vào bến sông gần làng, hỏi thăm mò đến. Thật là không hổ danh trai giang hồ gặp gái thuyền quyên, bập vào nhau tức khắc. Chàng bèn mua đất, xây nhà, lại đứng ra phụng dưỡng song thân của nàng chu đáo, những mong lập tổ ấm với nàng. Nàng thì từ đó đuổi hẳn bọn thanh niên hoi, vớ vẩn, không tiếp.

 Nhưng sự đời chả ai biết hết khúc quanh. Có dạo bẵng đi sáu bảy tháng không thấy đại gia ngành than qua lại hay tin tức. Yên buồn lắm. Nàng buồn đến độ… muốn đi lấy chồng. Trai quanh vùng thì chả có mặt nào dám ỏ ê đến nàng. Gia đình nào cứ có con trai lớn lớn một tí, biết đi ve gái là các bà mẹ đã đe ngay: “Mày đi tán tỉnh ở đâu thì được chứ vào chỗ con Yên là tao chặt chân”. Bố mẹ nàng thấy con gái ngỏ ý muốn lấy chồng thì cũng mừng, cũng muốn lo cho nàng yên bề gia thất, không thì nó cứ chòng chành như nón không quai, chết mình chả nhắm được mắt. Bèn nhờ người mối lái gả tắp lự Yên về mạn Dũng Tiến bên tỉnh Bắc, một vùng gọi là chiêm khê mùa thối, nghèo lắm.

Minh họa của Đặng Hồng Quân
Minh họa của Đặng Hồng Quân

Cưới xong được vài hôm thì đại gia ngành than ở đâu lại lù lù về. Thì ra đợt mới rồi đại gia vướng mắc với chính quyền khu mỏ, nay đã giải quyết xong, về tìm, thì hồng nhan đã đi lấy chồng. Đại gia khóc trách ông bố vợ hờ mà mình vẫn cung phụng ít lâu: “Sao bố không giữ em Yên cho con”, “Thì mày đi mấy tháng không về tao biết đằng nào mà giữ?” Đại gia đấm ngực than tiếc hồi lâu rồi nhảy luôn xuống sông, bơi ra sà lan đang đỗ giữa dòng, xuôi thẳng, từ đó không thấy về qua sông này nữa.

 Yên lấy chồng về mạn trên, đẻ liền hai thằng con trai. Quê chồng nàng thuần nông nghèo lắm, so với quê mình như trời với vực. Chỉ được cái tay chồng lành như đất, bảo gì làm nấy. Riêng cái khoản cày cuốc thửa ruộng ba bờ của vợ thì không bảo cũng làm hùng hục cả đêm. Nhưng Yên vẫn buồn. Ở quê, nàng quen đong đưa tung tẩy hát xướng, về đây buồn chết đi được. Dạo này kinh tế thị trường phát triển, mỗi lần về thăm quê Yên lại càng buồn hơn. Làng Ngọc quê Yên vốn là một cái làng có truyền thống buôn bán lâu đời. Gặp thời mở cửa, mọi người đua nhau làm ăn, kinh tế phát triển rầm rộ, đời sống vượt hẳn lên. Nhà cửa xây san sát như biệt thự ngoài thành phố. Mỗi dịp lễ lạt hội hè, ô tô con đỗ chật ních đường làng. Thế mà về đến quê chồng, như là thế giới khác, cứ như là nơi đã bị bỏ quên. Vẫn mấy bụi tre vàng vọt cong cong khắc khổ rìa làng. Vẫn mấy con trâu chậm rãi kéo cày ngoài cánh đồng sâu. Vài nếp nhà còn lợp rạ xám xịt u tối mê man. Yên bảo chồng: “Cứ nghèo đói mãi thế này tôi không chịu được, thôi bố con anh ở nhà trông nhau để tôi đi kinh doanh”.

 Gái làng Ngọc nổi tiếng khắp vùng Kinh Bắc là đảm đang, buôn bán giỏi giang, một tay nuôi chồng nuôi con. Đàn ông trong làng hầu như chỉ có việc ở nhà trông con cho vợ chạy chợ, hàng ngày đi đánh tổ tôm chắn cạ và đợi vợ mang tiền về. Thỉnh thoảng đóng vai “trụ cột” trong mấy việc giỗ chạp hiếu hỉ. Yên về quê tìm chị em cùng trang lứa tính đường chợ búa bán buôn. Xa quê đã gần chục năm trời. Vốn liếng thì không có. Cách làm ăn thì chưa bắt nhịp được. Đang buồn, vào dịp đi giao lưu văn nghệ cùng với chị em trong làng ngoài thành phố, Yên gặp một đại gia buôn bán bất động sản tuổi khoảng ngoài sáu mươi đang cô đơn. Vì bà vợ già hết khấu hao, lão đại gia có nhu cầu tuyển “phòng nhì” làm chỗ san sẻ. Năm ấy, Yên ngoài ba mươi tuổi. Nhưng nàng vẫn đẹp và óng ả. Đặc biệt, đôi mắt đa tình của nàng vẫn ướt như thuở mười lăm. Còn giọng hát thì mặc dù đã bao năm xa quê, nhưng vẫn mê đắm, nồng nàn, da diết, tình tứ khôn nguôi. Lão đại gia say lắm, một lòng xin kết bạn. Yên cũng ngập ngừng vài lần cho phải phép rồi tâm sự “thực lòng” với đại gia rằng, vì tình duyên trắc trở nên giờ này vẫn cô đơn. Một mình nuôi bố mẹ già ở quê. Thân gái bon chen chốn thương trường chả biết ra sao. Đại gia thương, đưa tiền chu cấp bố mẹ ở quê. Mua cho Yên căn nhà nhỏ ngoài thành phố làm tổ ấm đôi ta, cho thuận tiện kín đáo mỗi khi ghé về thành phố. Tổng công ty của lão đại gia vào loại to, dự án trải dài khắp nước, lan cả sang mấy nước bên cạnh. Nhưng lão đại gia cũng cẩn thận, về tận làng Ngọc để ra mắt ông bố vợ hờ và cũng là kiểm tra hiện trường. Bố mẹ Yên già rồi, cứ ừ hữ mặc kệ cái sự đời, miễn là cụ có thằng cung phụng là được. Thế nên mọi việc ổn cả, Yên cứ “kinh doanh” ngoài thành phố. Thỉnh thoảng, tháng đôi lần báo cho ông chồng già cử lái xe đưa mình về thăm bố mẹ. Vài hôm xe lại về đón ra phố. Xe vừa ra khỏi đầu làng là Yên vẫy tắc xi ngược tỉnh Bắc về thăm chồng con chính thức của mình. Dân làng Ngọc biết cả, nhưng chỉ lắc đầu mà cười: “Thật đúng là liệt nữ của làng, gái đảm hai chồng”. Họ chả rỗi hơi mà tham gia vào việc nhà ấy. Ngày xưa, cái đận Yên vừa tự tử hụt xong, tự dưng sinh ra đổ đốn, trai nào cũng tiếp. Suốt ngày đêm, xe pháo cứ rầm rộ như diễu binh trên đường làng. Hàng xóm ngứa mắt bèn góp ý với bố mẹ Yên, nói vừa phải thôi, còn để đường mà lấy chồng. Đã chả được câu gì thì mẹ Yên còn ra đầu ngõ chửi xéo: “Này nhé, cơm ai thì người nấy ăn. Nhà này không khiến ai giữ hộ, nhé”. Kể từ đó, mọi người trong làng coi như là mũ ni che tai, miễn tham gia.

 Thế là nghiễm nhiên Yên có hai chồng liền một lúc. Xưa nay, ở cả cái vùng Kinh Bắc này, chỉ có đàn ông năm thê bảy thiếp chứ đàn bà chưa bao giờ lấy hai chồng một lúc, thế mà Yên làm được. Kể là tài, diễn rất khéo, mọi việc cứ như không, ổn cả. Ông chồng già bận bịu thì yên tâm con mèo bé nhỏ của mình rất ngoan, có hiếu, chăm sóc bố mẹ đẻ chu đáo. Còn tay chồng nông dân trên Dũng Tiến thì cũng yên tâm ở nhà trông con, trông nhà, trông ruộng cho vợ đi buôn bán đảm đang trên thành phố. Khổ thân mợ nó vất vả. Lần nào về cũng sấp sấp ngửa ngửa, ôm chồng hôn con được buổi tối rồi đi. Mà kể thấy mợ nó đi cũng tiếc. Dạo này tắm nước máy trên thành phố về da thịt thơm nức, lôi ngay vào buồng chén, cứ ngọt như đòng đòng, chả lẽ giữ lại để nhà dùng. Nhưng mợ nó đã bảo rồi, thôi cố nhịn, em đi kiếm ăn vài năm, kiếm ít tiền làm vốn rồi về cho chồng con đỡ khổ. Mà anh có kém miếng nào đâu mà lo thiệt. Mà dạo này Yên bận kinh doanh thật. Nàng xin ông chồng già lập cho mình một cái “Trung tâm xuất khẩu lao động”, để môi giới đưa người đi lao động nước ngoài ăn hoa hồng. Dân làng Ngọc thì hay có tính xét nét bảo đấy là bọn buôn người. Thì chả mang con nhà người ta ra nước ngoài bán lấy tiền là gì? Nhưng cũng nhiều người nói lại, không có xuất khẩu lao động thì làng Ngọc và các làng quanh vùng, nhiều nhà nông dân đói rã họng chứ đừng nói đến chuyện xây nhà và mua sắm cả đống đồ đạc. Yên làm ăn tấn tới. Bao nhiêu lờ lãi, Yên cứ cho hết vào tài khoản cá nhân. Còn vốn của ông chồng già giao cho, vẫn còn nguyên. Ông chồng lão đại gia của Yên cũng yên tâm, vợ mình làm cho vui là chính, lấy tiền đi mua sắm khỏi phải ngửa tay xin chồng.

 Nhưng ông chồng lão đại gia của Yên là một tay lão luyện mọi mặt. Làm nên một cái cơ nghiệp khổng lồ như vậy ở thời buổi này thì, rõ là một tay có đầu óc không đơn giản. Khi mà mọi sự si mê đã lắng xuống, cái đầu của một doanh nhân lạnh lùng và lý trí lập tức lên tiếng trước những biểu hiện đáng ngờ của cô vợ trẻ. Chỉ cần vài động tác đơn giản là lão đại gia bóc mẽ được màn kịch bấy nay Yên dựng ra để lừa cả hai thằng đàn ông. Như mọi lần, Yên gọi lái xe đưa về làng Ngọc thăm bố mẹ, sau đó lại bắt tắc xi lên Dũng Tiến. Có ngờ đâu, ông chồng già cũng theo sát. Yên vừa bước xuống sân thì xe lão đại gia cũng trườn tới. Nghe dân Dũng Tiến nói lại, có một màn bi hài kịch diễn ra trên sân nhà chồng “chính thức” của Yên. Nhưng mà, cả hai ông chồng đều biết mình là kẻ bị lừa nên không có màn huyết chiến nào nổ ra như mong đợi của đông đảo khán giả làng. Kết cục, hai tay chồng chia tay trên tinh thần ngán ngẩm. Chả tay nào đoái hoài đến cô vợ hiếm có nữa.

 Những tưởng lần này Yên mất hết. Nhưng không, Yên bế thẳng hai đứa con về làng Ngọc, mua đất làm nhà dựng xưởng may. Dịp vừa rồi, làm xuất khẩu lao động kiếm ăn cũng khá, chả cần đến ông chồng già thì nay Yên cũng một mình dựng được cơ đồ. Yên lớn rồi.

 Thế là Công ty may xuất khẩu Hòa Yên ra đời. Yên nghe tư vấn nói, mình giờ là doanh nhân rồi, nên đệm thêm chữ Hòa cho nó sang. Làng Ngọc và các làng xung quanh, bị thu hồi hết đất ruộng để làm dự án nên trai gái thất nghiệp nhiều, Yên tha hồ tuyển công nhân. Gặp dịp các nước âu Mỹ nhập hàng nhiều, công ty ăn nên làm ra, rất khí thế.

 Vào dịp làng Ngọc tổ chức đón nhận bằng di tích cho đình làng, ban tổ chức cho mời tất cả con em trong làng thành danh các nơi về dự. Vịnh có cái thẻ hội viên Hội X, coi như có danh, nên cũng được mời. Hôm ấy, Vịnh vừa bước chân vào đình, thì gặp ngay Yên trong ban tổ chức ra đón tiếp. Vịnh như chết đứng, không nói được lời nào, mãi mới lắp bắp: “Yên… Yên… Khỏe không?”, “Anh Vịnh còn nhớ tên em à?” Cũng may, hội làng nườm nượp những người là người, nên chả ai có đủ thì giờ mà nhắc lại chuyện xưa. Và cũng chả ai xoi mói xem Vịnh và Yên gặp nhau thế nào hôm ấy, sau mấy chục năm của vụ giếng làng. Thế mà Ngân, vợ Vịnh, không hiểu sao lại biết. Lập tức lệnh cấm được ban ra: “Từ nay, anh không được về quê một mình”. Sau đận ấy, Vịnh cũng buồn, hẫng hụt mất một thời gian. Nhưng rồi Vịnh cố chôn chặt những hình ảnh xưa cũ vào ký ức sâu thẳm. Chiều chiều, Vịnh ra Tăng Bạt Hổ nhâm nhi mấy vại bia hơi với đồng nghiệp, tự nhủ mình bằng lòng với cuộc sống hiện tại.

*
*    *

 Tối nay trên kênh 13-Y, doanh nhân thành đạt Hòa Yên đang nói về những gian lao vất vả khi lập nghiệp. Những nỗi cô đơn khi một mình thân gái chốn thương trường. Những khát vọng được mang sức mình xây dựng quê hương, được làm “trách nhiệm xã hội” của một doanh nhân. Và, cả những niềm vui khi thấy doanh nghiệp của mình, đã mang lại cơm áo cho hàng trăm gia đình.

 Nhà đài chiếu một cái clip minh họa cho chương trình, doanh nhân thành đạt Hòa Yên đứng trên con đê đầu làng. Mắt xa xăm nhìn ra phía dòng sông, ý là muốn vươn ra biển lớn. Phía sau khuôn hình, thấp thoáng những mái nhà lô nhô. Những cây cối. Những bóng người. Một mảng lấp lóa, lấp lóa sáng của cái giếng làng. Rồi ống kính quay cận cảnh khuôn mặt đầy ưu tư của Hòa Yên. Trong vài giây, khuôn hình như dừng lại trên đôi mắt đen rợp sâu thẳm của nàng. Và thốt nhiên, Vịnh lại cảm thấy như mình đang đi trên đường, bỗng bước hụt xuống một cái hố sâu.