Khi giới trẻ Nhật Bản hài lòng với cuộc sống

Minh Phương
Theo EAF
20/09/2014 08:45

Giới trẻ Nhật Bản đang phải đối mặt với một tương lai khá ảm đạm: thâm hụt ngân sách nghiêm trọng, dân số già và hệ thống an sinh xã hội mong manh... Mặc dù vậy, theo số liệu được đưa ra vào cuối năm ngoái, thanh niên nước này có một thái độ tích cực đáng ngạc nhiên trong quan điểm sống của họ.

Theo cuộc khảo sát ý kiến dư luận do Chính phủ tổ chức về lối sống của công dân, mức độ giới trẻ hài lòng với cuộc sống đạt tới 78,4 %,  cao nhất kể từ năm 1967 và  cao hơn cả thời kỳ Nhật Bản bùng nổ kinh tế bong bóng.

Hơn nữa, trong một cuộc khảo sát của hãng tin NHK về thái độ của giới trẻ hiện nay, người ta thấy rằng hơn 90% học sinh trung học cảm thấy hạnh phúc và phần lớn học sinh trung học cơ sở cảm thấy rất hạnh phúc, tăng lên gấp đôi trong vòng 30 năm qua.

Thông tin này thực sự là một tín hiệu rất đáng lạc quan. Bởi, từ năm 2000, các phương tiện thông tin đại chúng Nhật thường đưa nhiều tin bài về sự không hài lòng, không hạnh phúc của giới trẻ kém may mắn của nước này. Khả năng tìm được một việc làm ổn định đã trở nên ngày càng khó khăn, thậm chí có người phải nộp đến 100 hồ sơ xin việc trong hành trình tìm kiếm việc làm của mình. Thuật ngữ công ty đen đã trở nên phổ biến để chỉ các công ty hay vi phạm Luật về tiêu chuẩn lao động và sử dụng nhân công rẻ mạt. Những công ty này thường bóc lột những thanh niên tuyệt vọng, buộc họ phải làm việc nhiều giờ liền mà chẳng có bất cứ bảo đảm việc làm nào.

Hồi tháng 9 năm ngoái, Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi đã phát hiện 4.189 doanh nghiệp trong số 5.111  doanh nghiệp bị điều tra, đã vi phạm pháp luật lao động. Chính vì vậy, từ năm 2015, Bộ Lao động sẽ yêu cầu các công ty cung cấp dữ liệu doanh nghiệp cho các sinh viên tốt nghiệp nhằm ngăn chặn những hành vi lạm dụng trong công việc.

Thật khó khi cho rằng Nhật Bản là một đất nước hạnh phúc hay hài lòng khi nhìn vào tỷ lệ thâm hụt ngân sách ở mức cao nhất trong số các nước phát triển hay vụ rò rỉ phóng xạ ở nhà máy Fukushima, thái độ bài ngoại, tình trạng dân số già bóp nghẹt hệ thống phúc lợi. Thêm nữa, Nhật Bản đưa ra mức an sinh xã hội khá thấp đối với thế hệ đang làm việc.

Vậy tại sao bất chấp những bất lợi đó, phần lớn giới trẻ đất nước mặt trời mọc vẫn cảm thấy hài lòng và hạnh phúc với cuộc sống? Điều này có thể giải thích ở nhiều khía cạnh.

Nhật Bản là một quốc gia thịnh vượng và hòa bình, với tỷ lệ tội phạm thấp, trình độ giáo dục cao cùng cơ sở hạ tầng lối sống được thiết lập tốt. Có nhiều điều mà Nhật Bản ngày nay cần phải cám ơn các thế hệ đi trước. Nhờ họ, Nhật Bản mới có được sự thịnh vượng chưa từng có ngày hôm nay.

Giờ đây, Nhật Bản đang trở thành một chốn dễ chịu cho người trẻ sinh sống. Tình trạng giảm phát tiếp diễn kể từ những năm 1990 đã  khiến cho các sản phẩm chất lượng cao được bán với giá phải chăng nên người tiêu dùng không phải chi quá nhiều tiền, giúp cuộc sống trở nên dễ thở hơn. Bên cạnh đó thời trang nhanh cũng góp phần làm cuộc sống con người thuận tiện hơn với các nhãn hiệu như Uniqlo, H&M hay ZARA. Và thậm chí, việc sở hữu điện thoại thông minh cũng giúp con người đỡ cáu kỉnh và giết thời gian một cách vui vẻ.

Ngoài ra, phúc lợi gia đình là một yếu tố quan trọng khiến giới trẻ cảm thấy hạnh phúc. Ở Nhật Bản, cũng giống ở Italy, tỷ lệ người chưa kết hôn và sống cùng cha mẹ rất cao. Cả phái nam và nữ thường sống với cha mẹ cho tới khi kết hôn. Năm 2012, có 48,9% số người chưa lập gia đình trong độ tuổi từ 20 đến 35 sống với cha mẹ. Thậm chí ngay cả khi một thanh niên chưa có lương mà phải cần sự hỗ trợ của cha mẹ thì họ cũng chẳng nghĩ mình là người nghèo.

Mối quan hệ bạn bè tốt ngay trong giới trẻ cũng giải thích phần nào cảm giác hài lòng của họ. Ví dụ, trong 16 sở thích của giới trẻ mà NHK đã khảo sát được có tới 55% chọn ra ngoài đi chơi với bạn bè. Tình yêu gia đình, bạn bè, quê hương đã khiến số thanh niên Nhật Bản từ chối rời khỏi đất nước cũng đang tăng lên, ngược lại hoàn toàn với xu thế của thế giới. Cho tới gần đây, giới trẻ Nhật Bản được miêu tả là uchimuki (hướng nội), nhưng sẽ là sai lầm khi nói rằng họ không biết nhận thức những giá trị xung quanh và gần gũi với họ.

Hưởng thụ hôm nay, ngày mai đang đến đã gói gọn tâm lý của nhiều thanh niên Nhật Bản ngày nay. Điều này có nghĩa giới trẻ thiên về lối sống vui vẻ, hưởng thụ ngay và luôn chứ không phải quá phấn đấu để đạt mục tiêu dài hạn. Không như các thế hệ trước, được chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng về mức sống trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế trong suốt những năm 80, giới trẻ Nhật Bản ít có động lực hướng vào tương lai tương sáng hơn khi các điều kiện của họ hiện nay đã rất tốt.
Điều này có nghĩa là sự hài lòng đối với cuộc sống không có nhiều ý nghĩa tích cực lắm.

Cuộc khảo sát về lối sống do Chính phủ thực hiện đối với những người ở độ tuổi trên 20 cũng cho thấy, số người lo lắng về tương lai đang tăng lên. Trong thời kỳ kinh tế bong bóng, số người trẻ cảm thấy lo lắng đứng ở mức 40% trong khi đến năm 2009 tỷ lệ này đã lên tới 67,3%. Như vậy, khi nghĩ về tương lai, bản thân giới trẻ Nhật Bản cảm thấy lo lắng nhưng dường như điều đó không ngăn cản họ cảm thấy hạnh phúc với hiện tại cũng như chịu đựng được tương lai.

Hiện nay, có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc của giới trẻ. Trước hết, họ sẽ sớm không thể dựa vào nguồn phúc lợi từ gia đình. Trong vài thập kỷ gần đây, các bậc cha mẹ vẫn hỗ trợ con em mình. Nhưng dưới gánh nặng của chi phí chăm sóc người già, các khoản tiền tiết kiệm của họ sẽ ít dần, thậm chí không có. Bên cạnh đó, già hóa dân số khiến hệ thống an sinh xã hội Nhật Bản trở nên thiếu ổn định. Hệ thống hiện tại được thiết lập từ thời hậu chiến, vốn dựa rất nhiều vào những người trẻ tuổi. Nhưng hiện nay, dân số lao động cần thiết để hỗ trợ cho hệ thống này đang giảm mạnh. Điều đó dẫn đến gánh nặng không nhỏ cho những người trẻ tuổi.

Trong khi đó, trở ngại quan trọng để giải quyết những vấn đề trên là giới trẻ hiện đang rất thiếu đại diện ở những vị trí quyền lực. Các lãnh đạo Nhật Bản, chủ yếu là đã có tuổi, thường có xu hướng quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề có thể ảnh hưởng đến các cử tri đầu bạc. Hiện nay tỷ lệ bỏ phiếu của những người trong độ tuổi từ 65 - 69 tuổi gần như gấp đôi số người ở độ tuổi 20.

Có thể sự thịnh vượng của Nhật Bản hiện vẫn vững nhưng những vấn đề nói trên sẽ gây tác động tiêu cực trong những thập kỷ tới. Vì vậy, tương lai của giới trẻ không chỉ là việc của riêng họ mà là của mỗi công dân Nhật Bản.

Minh Phương<br>Theo <i>EAF</i>