Giấy chứng minh nhân dân hay Thẻ căn cước công dân? - Rõ ràng, con số 12 hay là 9?

Nguyễn Vũ ghi 14/09/2014 08:53

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dữ liệu gốc, tập hợp thông tin cơ bản về công dân. Đây là căn cứ để cấp thẻ căn cước công dân thay thế cho chứng minh nhân dân hiện nay. Vì thế, thảo luận về dự án Luật Căn cước công dân, các ĐBQH cho rằng, việc bổ sung cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào phạm vi điều chỉnh của Luật này là hợp lý. Tuy nhiên, vì thẻ căn cước công dân sẽ kết nối đến cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với rất nhiều thông tin mang tính cá nhân của công dân nên các ĐBQH cũng đề nghị, cần phải có quy định cụ thể, phân cấp rõ ràng về việc khai thác, sử dụng các thông tin này để vừa bảo đảm yêu cầu quản lý của Nhà nước vừa bảo đảm quyền đối với các thông tin cá nhân của công dân.

ĐBQH Nguyễn Anh Sơn (Nam Định): Dùng giấy chứng minh nhân dân để né tên thẻ căn cước công dân là không hợp lý

Dự thảo Luật Căn cước công dân lần này đã tiếp thu rất cơ bản các nội dung được ĐBQH thảo luận tại Kỳ họp thứ Bảy. Có những nội dung rất quan trọng và nhiều ĐBQH băn khoăn cũng đã được tiếp thu theo hai hướng: một là sửa đổi nếu thấy phù hợp; hai là giải trình một cách cụ thể để bảo vệ ý kiến ban đầu của cơ quan soạn thảo. Ví dụ, về phạm vi điều chỉnh tại Điều 1, những quy định có liên quan đến yếu tố nước ngoài, người không có quốc tịch sinh sống ở Việt Nam; bổ sung một chương về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và nhiều nội dung khác... Nhìn tổng thể, dự thảo Luật lần này có thể đủ điều kiện để QH xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Tám. Tuy nhiên, còn một số nội dung, tôi thấy cần được thảo luận để nghiên cứu thêm.

Hiện nay, một số ý kiến cho rằng, phải lấy lại tên thẻ là chứng minh nhân dân nghe có vẻ nhân văn hơn, có người nói từ thẻ căn cước liên quan đến chế độ cũ, có cái gì đó xấu. Cá nhân tôi thấy không có gì xấu. Tên thẻ là Thẻ căn cước công dân mới đúng bản chất vấn đề và đúng với tên luật. Không lẽ, hình thức chúng ta ghi là Luật Căn cước công dân nhưng mai mốt lại cấp giấy chứng minh nhân dân, giống như mở một quyển tiểu thuyết, tên tiểu thuyết khác, nhưng nội dung tiểu thuyết lại khác. Theo tôi, chữ căn cước xuất phát từ từ Hán Việt chính là nói đến căn cứ vân tay. Thế giới hàng bao nhiêu tỷ người, có thể cao, thấp, tóc đen, vàng giống nhau nhưng vân tay là hoàn toàn khác nhau. Nên mới gọi là thẻ căn cước, tức là căn cứ để phân biệt giữa người này với người kia. Do vậy chữ căn cước là đúng. Dùng giấy chứng minh nhân dân để tên thẻ căn cước công dân là không hợp lý. Do vậy tôi đề nghị vẫn giữ Thẻ căn cước công dân và giữa tên Luật là Luật Căn cước công dân. Tôi tán thành giải trình của UBTVQH.

Điều tôi vẫn băn khoăn là quy định về cấp thẻ căn cước công dân cho các cháu dưới 14 tuổi. Theo giải trình ở đây, nếu cấp thì có một loạt cái lợi. Tuy nhiên, tôi không biết thực sự có lợi như thế hay không? Ví dụ thẻ cấp cho các cháu không ghi tên cha mẹ, tên cha mẹ vào trong dữ liệu, không hiện ra là cháu Nguyễn Văn A là con ông Nguyễn Văn Anh như cái giấy khai sinh hiện nay. Trong khi đó giao dịch của các cháu ở lứa tuổi đó luôn phải đi kèm với bố mẹ, sau khi qua 18 tuổi, tính độc lập cao lên thì mới không phải gắn với bố mẹ. Trong giải trình nói rằng thuận lợi, tôi không biết khi các cháu đi khám bệnh, các trạm xá có thiết bị để đọc ra rằng cháu Nguyễn Văn A là con ông Nguyễn Văn Anh và bà Trần Thị Em không? Lúc đó có thuận tiện không, cơ sở vật chất hiện nay của chúng ta có lẽ chưa thể thuận tiện được. Bên cạnh đó, luật này chúng ta quy định như thế nhưng các văn bản khác, các quy định khác nhiều khi vẫn đòi giấy khai sinh. Ví dụ con gái tôi năm nay vào đại học, hôm trước về bảo phải photo hơn chục cái giấy khai sinh, cháu 18 tuổi rồi vẫn phải làm giấy khai sinh để đi nộp. Tôi rất băn khoăn, tôi sợ rằng, cấp cái này rồi chúng ta vẫn không thay thế được thì cũng phải cân nhắc. Nếu ta không thay hoàn toàn được thì sẽ lại tốn một khoản tiền không nhỏ để cấp hàng chục triệu thẻ căn cước này. Tôi đề nghị chúng ta cân nhắc, giải trình thêm cho thuyết phục hơn.

ĐBQH Hồ Trọng Ngũ (Vĩnh Long): Xử lý bài toán cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ngay trong Luật này là tốt

Tôi nhớ, khi xem xét dự án Luật Căn cước công dân và dự án Luật Hộ tịch đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH thì chúng ta thấy cần phải tính toán thêm một bước để nhân xử lý bài toán về quản lý căn cước công dân thì xử lý luôn bài toán về hộ tịch để giảm bớt giấy tờ cho công dân, kết hợp rất nhuần nhuyễn giữa vấn đề quốc phòng, an ninh với phát triển KT – XH. Vì thế mới có thêm một chế định về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. UBTVQH đã yêu cầu Chính phủ phải làm một dự án như thế để kết nối 2 lợi ích này. Như một số đại biểu đã nêu, rất có thể không cần cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong luật này, mà làm riêng một đạo luật về nó. Nhưng xét trong điều kiện hiện tại, tôi nghĩ chưa cần thiết phải làm riêng một đạo luật cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, mà kết hợp xử lý trong Luật Căn cước công dân để xử lý được bài toán cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là rất tốt. Bởi vì có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì sau này khi phát triển cơ sở dữ liệu các chuyên ngành, chúng ta kết nối các lợi ích quốc gia về KT - XH, quản lý hành chính Nhà nước... chứ không chỉ phục vụ mục tiêu quốc phòng, an ninh. Tôi thấy hoàn toàn không có gì phải lo lắng về điểm này.

Cũng có đại biểu nêu là có cần thiết có thẻ căn cước công dân hay không? Tôi nghĩ đến lúc này không nên đặt vấn đề có cần thiết hay không. Tôi thấy không có nước nào nói là không cần. Để quản lý công dân, không dùng thẻ này thì thẻ khác, đặt tên thế nào thôi. Lâu nay chúng ta dùng chứng minh nhân dân, thực ra chính là thẻ căn cước nhưng ở mức độ thủ công hơn, ít thông tin hơn và không phù hợp với việc quản lý dân cư trong điều kiện hiện nay nên phải thay đổi. Trước đây, nếu không có chứng minh nhân dân chúng ta không thể quản lý được xã hội. Bây giờ phải quản lý ở trình độ mới, hiện đại hơn thì phải có một phương thức mới để quản lý công dân kết hợp với những lợi ích KT - XH nên phải có thẻ căn cước công dân là hoàn toàn đúng. Liên quan đến giấy khai sinh, tôi tham gia nghiên cứu và cũng suy nghĩ rất nhiều về vấn đề này. Theo tôi, giấy khai sinh với quyền khai sinh là hai vấn đề khác nhau. Việc bảo đảm quyền khai sinh như công ước quốc tế đã được bảo đảm bởi việc công dân vẫn làm thủ tục khai sinh ở cơ quan chính quyền địa phương. Còn cơ quan nào giúp chính quyền làm việc này là công an, tư pháp, cơ quan chuyên môn giúp chính quyền làm đăng ký khai sinh, ghi nhận một sự kiện rất quan trọng với một con người là sinh ra trên trái đất này và là công dân của một quốc gia. Tôi nghĩ thủ tục về hộ tịch đã làm việc ấy và công dân hoàn toàn bảo đảm thực hiện quyền khai sinh.

Việc tiếp theo, chính quyền quản lý công dân thông qua việc cấp số định danh. Vậy thẩm quyền cấp số định danh nên giao cho ngành tư pháp hay ngành công an? Về kỹ thuật, tôi cho rằng, xử lý như trong dự thảo Luật lần này là xác đáng. Bởi vì sau sự kiện khai sinh thì những thông tin khai sinh được chuyển về trung tâm quốc gia, không qua một cơ quan nào. Một số đại biểu lo là nhiều thẩm quyền, nhiều nơi cấp là chưa chính xác. Sau khi khai sinh xong, thông tin khai sinh được chuyển về trung tâm ở Hà Nội và trung tâm xử lý thông tin tại cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ xử lý bằng những chương trình phần mềm tự động và số định danh cá nhân là được cấp tự động, không ai can thiệp vào đây. Chúng tôi nghiên cứu rất kỹ và khảo sát rất kỹ những cơ sở này, rất hiện đại, chuẩn xác và không có sự nhầm lẫn nào.

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận): Số định danh cá nhân 9 số hay 12 số - phải có lý lẽ về mặt khoa học, toán học để giải trình thuyết phục hơn

Về số định danh cá nhân, cụ thể là sử dụng số chứng minh nhân dân 9 số hay 12 số. Báo cáo về một số vấn đề lớn của dự thảo Luật này có nói việc sử dụng số chứng minh nhân dân 9 số hiện nay không bảo đảm yêu cầu quản lý. Nhưng yêu cầu quản lý ở đây là gì thì chưa được nói rõ. Chúng ta mới nêu cần phải sử dụng phương pháp cấp số mới thì 12 số hay 9 số cũng vẫn là số mới. Ngay cả trong bản dự thảo tiếp thu, giải trình dự án Luật cũng mới nói một câu là: việc cấp số định danh cá nhân 12 số để bảo đảm không trùng lặp và là dãy số tự nhiên duy nhất cấp cho mỗi công dân. Tuy nhiên, nhiều ĐBQH tại Kỳ họp thứ Bảy cũng đã nêu rõ: chỉ cần 9 số thì cũng không trùng lặp, cũng là dãy số tự nhiên duy nhất và cũng bảo đảm 4, 5 năm không bị trùng; đồng thời, ĐBQH còn chỉ ra rất nhiều dẫn chứng về việc tiết kiệm, hiệu quả nếu dùng số định danh cá nhân 9 số. Báo cáo một số vấn đề lớn của dự án Luật cũng nhấn đi nhấn lại việc xác định số định danh cá nhân 12 chữ số đã được các cơ quan chức năng nghiên cứu nhưng đối với số định danh cá nhân 9 số thì không thấy có ai nghiên cứu. Tôi đề nghị nghiên cứu việc này. Nếu như trong trường hợp không tiếp thu ý kiến của ĐBQH thì phải có lý lẽ về mặt khoa học, về mặt toán học. Chúng ta phải giải trình thuyết phục hơn vấn đề này.

Về việc khai thác các dữ liệu ở trong thẻ căn cước, dần dần, chúng ta sẽ bổ sung rất nhiều dữ liệu thông tin vào thẻ này. Nhưng tôi thấy dự thảo Luật vẫn thiếu các quy định liên quan đến việc khai thác thẻ căn cước hay giấy chứng minh nhân dân mới, không có quy định cụ thể về việc ai được khai thác những thông tin trong thẻ và khai thác ở mức độ nào. Tôi nghĩ, không phải ai, cơ quan nào cũng có thể được phép đọc, khai thác và sử dụng các dữ liệu thông tin cá nhân của công dân được thể hiện trong thẻ đó. Phải có sự phân cấp. Đơn vị cấp xã được khai thác, sử dụng thông tin đến mức độ nào? Cấp huyện đến mức độ nào? Cấp tỉnh đến mức độ nào? Phải bổ sung quy định này vào Luật.

Liên quan đến điều 23, điểm e, khoản 1 quy định về việc công dân có quyền yêu cầu đổi thẻ căn cước công dân. Tôi nghĩ không nên có quy định này. Tại sao lại có chuyện cứ công dân có bất cứ yêu cầu nào là cấp thẻ, đổi thẻ được? Nếu thẻ bị hỏng, bị mờ hay lý do nào đó thì đã được quy định tại khoản 1, điểm a; còn trong trường hợp có thay đổi thì đã được quy định tại khoản 1, điểm b, điểm c. Vậy yêu cầu ở điểm e là như thế nào? Tôi nghĩ, trong công tác quản lý phải bảo đảm thẻ căn cước công dân mỗi người chỉ có 1 cái. Lâu nay, ngay cả chứng minh nhân dân bên công an cấp có nhiều người xin cấp nhiều chứng minh nhân dân rất dễ dàng vì chỉ cần khai là bị mất, không biết mất ở đâu là được cấp lại cái mới, cuối cùng một người có thể dùng 2,3 chứng minh nhân dân. Vì thế, tôi đề nghị không có điểm e là công dân có yêu cầu đổi thẻ căn cước công dân. Yêu cầu của công dân phải rơi vào trường hợp nào và trường hợp đó đã được quy định ở bên trên, chứ không thể quy định chung chung là dân cứ yêu cầu là cơ quan quản lý nhà nước lại cấp lại thẻ được.

Nguyễn Vũ <i>ghi</i>