Nguyên liệu thật sự của phồn vinh

Ngọc Điệp
Theo PS
31/08/2014 09:44

Các nước nghèo xuất khẩu nguyên liệu thô như hạt cacao, mỏ sắt và kim cương thô. Các nước giàu xuất khẩu - thường là cho chính những nước nghèo trên - những hàng hóa phức tạp hơn như socola, ô tô và trang sức. Nếu các nước nghèo muốn giàu hơn, họ nên ngừng xuất khẩu tài nguyên dạng thô và nỗ lực tăng giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu. Nếu không, các nước giàu sẽ luôn được phần bánh to hơn. Như vậy, phải chăng các nước nghèo nên thi hành chính sách hạn chế xuất khẩu tài nguyên dạng thô (thường được gọi là “làm giàu quặng”)?

Nguồn: livemint
Nguồn: livemint

Một số ý tưởng tồi tệ hơn cả sai bởi chúng hướng suy nghĩ vào các vấn đề thứ cấp - ví dụ, trữ lượng của tài nguyên - và che mắt chúng ta khỏi những cơ hội hứa hẹn hơn.

Hãy xem xét Phần Lan, quốc gia Bắc Âu có nhiều rừng. Sẽ có nhà kinh tế học nói rằng, vì lợi thế trên, nước này nên xuất khẩu gỗ, là điều Phần Lan đã làm. Ngược lại, cũng có nhà kinh tế học cho rằng Phần Lan không nên xuất khẩu gỗ, thay vào đó nước này nên tăng giá trị hàng xuất khẩu bằng cách biến gỗ thành giấy hay đồ gia dụng - điều Phần Lan cũng đã làm. Nhưng toàn bộ các sản phẩm từ gỗ chỉ chiếm chưa đầy 20% sản lượng xuất khẩu hàng năm của Phần Lan.

Vấn đề ở chỗ gỗ mở ra con đường phát triển khác hẳn và nhiều lợi nhuận hơn hẳn. Khi người Phần Lan chặt gỗ, rìu và các lưỡi cưa rất nhanh mòn và hỏng, chúng cần được sửa chữa hoặc thay thế. Điều này khiến người Phần Lan dần trở nên giỏi trong việc sản xuất máy móc để chặt và bổ gỗ.

Các doanh nhân Phần Lan nhanh chóng nhận ra họ có thể sản xuất máy cắt các nguyên liệu khác ngoài gỗ. Tiếp đó, họ tự động hóa máy cắt, bởi cắt mọi thứ bằng tay thật nhàm chán. Từ đó, họ chuyển sang sản xuất các loại máy tự động khác ngoài máy cắt. Từ sản xuất máy tự động, Phần Lan cuối cùng có Nokia. Giờ đây, các chủng loại máy móc khác nhau chiếm tới hơn 40% sản lượng xuất khẩu của Phần Lan.

Bài học từ câu chuyện này là tăng giá trị gia tăng vào nguyên liệu thô đúng là một con đường dẫn tới đa dạng hóa, nhưng chưa chắc là con đường có kết quả. Sản phẩm của các quốc gia không bị giới hạn bởi loại tài nguyên thô các nước có. Thụy Sỹ không trồng cacao, và Trung Quốc không sản xuất chip  máy tính. Nhưng điều này không ngăn cản 2 nước này chiếm vị trí hàng đầu trong sản xuất socola và máy tính.

Có nguồn nguyên liệu thô ở gần chỉ là một lợi thế nếu việc di chuyển nguyên liệu để sản xuất quá đắt đỏ, điều đúng hơn với gỗ nhưng không đúng với kim cương hay thậm chí cả mỏ sắt. Australia, bất chấp sự xa xôi của nước này, là quốc gia xuất khẩu quặng sắt hàng đầu, nhưng không sản xuất thép, trong khi Hàn Quốc là nhà xuất khẩu thép, mặc dù phải nhập khẩu sắt.

Câu chuyện của Phần Lan cho thấy con đường phát triển hứa hẹn hơn không hẳn nằm ở tăng giá trị gia tăng vào loại nguyên liệu thô bạn có - mà chính xác hơn là mở rộng các thế mạnh của bạn. Đó cũng có nghĩa là phối hợp giữa các thế mạnh (ví dụ, sản xuất máy tự động hóa) với điều bạn đang có (sản xuất máy cắt) để tạo nên mặt hàng với thị trường hoàn toàn mới. Để có nguyên liệu thô, bạn chỉ cần nhập khẩu.

Nếu chỉ dựa vào lợi thế rất nhỏ của nguồn nguyên liệu có sẵn, rồi chỉ sản xuất các mặt hàng dựa trên nguồn nguyên liệu đó tức là tự giới hạn năng lực quốc gia. Liệu nằm gần một nguồn nguyên liệu thô nhất định có khiến một quốc gia cạnh tranh tốt hơn trong sản xuất ô tô, máy in, thuốc kháng sinh hay phim ảnh? Hầu hết các sản phẩm đều cần nhiều loại hàng hóa đầu vào, và trong hầu hết trường hợp, một loại nguyên liệu thô sẽ không làm nên khác biệt lớn.

Chính sách “làm giàu quặng” buộc các doanh nghiệp khai thác quặng bán sản phẩm trong phạm vi nội địa với giá thường thấp hơn giá xuất khẩu. Vì thế, chính sách này tương tự loại thuế vô hình nhằm khuyến khích các hoạt động cuối chuỗi giá trị (hoạt động làm tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm). Về nguyên tắc, loại thuế hiệu quả đối với ngành khai khoáng phải là loại buộc doanh nghiệp tối đa hóa lợi ích thiên nhiên mang lại. Nhưng chẳng có lý do gì để đánh thuế hỗ trợ các hoạt động cuối chuỗi. Thực tế là rất ít quốc gia vừa xuất khẩu nguyên liệu thô vừa xuất khẩu dạng tinh chế, hay chuyển được sang dạng xuất khẩu có giá trị hơn. Phát triển hệ thống sản phẩm hóa dầu hay xây nhà máy thép, hay chuyển công việc cắt kim cương có mức lương thấp từ Ấn Độ sang là cách suy nghĩ thiếu trí tưởng tượng cũng như nông cạn. Sự sáng tạo thực sự có thể nhìn thấy ở Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE), quốc gia đã dùng doanh thu từ dầu mỏ để phát triển cơ sở hạ tầng, biến Dubai thành hình mẫu trung tâm thương mại và du lịch thành công bậc nhất thế giới.

Người ta thường cho rằng, tác động lớn nhất của ngành sản xuất than ở Anh cuối thế kỷ XVII là khuyến khích sự phát triển của động cơ hơi nước, bắt nguồn từ nhu cầu bơm nước ra khỏi mỏ than. Nhưng động cơ hơi nước đã châm ngòi cuộc cách mạng công nghiệp hóa và giao thông hóa, thay đổi lịch sử thế giới và vị trí của nước Anh - và đó mới là lợi ích đáng nói của việc sở hữu mỏ than.

Chính sách “làm giàu quặng” ở Mỹ, cụ thể là hạn chế bán dầu thô và khí thiên nhiên, được áp dụng từ năm 1973. Khi Mỹ ngày càng nhập khẩu nhiều năng lượng, các nhà cầm quyền chưa thấy lý do nào để từ bỏ chính sách này. Nhưng cuộc cách mạng khí đá phiến gần đây đã làm thay đổi chóng mặt sản lượng dầu khí trong 5 năm qua. Kết quả là giá dầu khí nội địa thấp hơn nhiều giá nếu xuất khẩu. Đây là loại trợ giá vô hình cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiều dầu khí và có thể thu hút một số nguồn đầu tư nước ngoài. Nhưng liệu nước Mỹ có giàu có hơn không nếu thay vào đó, dùng thuế để khuyến khích phát triển loại công nghệ có khả năng mang lại cuộc cách mạng tương đương với động cơ hơi nước?

Ngọc Điệp<br>Theo <i>PS</i>