Chim le le lẻ bạn
Hoàng Việt Hằng
ĐBND giới thiệu bài viết của nhà thơ Hoàng Việt Hằng, phần vĩ thanh cho tập Nhật ký đi B của chồng chị, nhà văn Triệu Bôn (1938 - 2003). Nhật ký đi B do NXB Quân đội nhân dân ấn hành năm 2014.
Khi một mình một thuyền độc mộc ở nơi thẳm sâu nhất của hồ Ba Bể, tôi tự hỏi, giữa nước trong giữa thẳm xanh, hình như tôi có số phận, hình như số phận đã chọn tôi sinh ra để lăn lóc để gồng mình lên mới được sống. Rồi bây giờ quen lủi thủi đi, bộn bề, rồi không sao chợp mắt trên những chuyến xe khách chất đầy hàng hóa, chất đầy những câu chuyện gai góc trong bóng đêm. Đi - đã giúp tôi nhìn nhận thực tế khác. Đi để nhìn, và để chênh vênh mà run rẩy viết.
Chỉ có viết mới thấy mình đang tồn tại.
*
Tôi ngồi ở sân sau chùa Vạn Niên nhìn bầy chim le le lặn xuống Hồ Tây bắt cá và chợt nhận ra trong bầy, có một con chim đi lẻ, một con lẻ bạn không trở về. Trong giá rét dưới năm độ, ngước xem hàn thử biểu và chạnh lòng nhìn hàng cây cơm nguội trổ lá non. Năm tôi hai mươi tuổi, anh Việt - người yêu tôi, đã đưa tôi đi một vòng Hồ Tây xem le le trở về vào mùa xuân, xem cây cơm nguội ra quả tròn như hạt đỗ xanh. Có lần giấu mặt vào ngực anh tôi hỏi, anh sẽ sớm trở về từ nước Nga chứ. Nhưng anh đã nhìn xa xôi, ánh mắt buồn thăm thẳm. Anh mãi mãi đi xa sau một cơn nhồi máu cơ tim gục xuống trên bản vẽ máy diesel dang dở. Tôi không sao khóc được, mãi thời gian sau, lòng vẫn không tin anh mất, như một giấc mơ vậy.
Mất vài năm sau, học đại học năm cuối tôi đi thực tập ở biên giới Lạng Sơn, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Viết được một truyện ngắn rồi đem lên Tạp chí Văn nghệ Quân đội gửi bài.
Gõ cửa thì chỉ nghe im bặt. Tự nhiên theo thói quen vừa gõ vừa vặn thử nắm đấm cửa thì nghe một tiếng rơi đánh cạch, một viên đạn đồng lăn trên sàn gỗ, văng ra xa, còn nhà văn Triệu Bôn đang cầm khẩu súng ngắn, tay từ từ buông thõng xuống. Tôi hồn nhiên chào nhà văn mà không hay biết tý gì về phía sau câu chuyện súng ốëng của anh.
Triệu Bôn cười gượng gạo, tôi không rõ vì sao anh lại lúng túng và không mời tôi ngồi. Tôi đứng chôn chân nhìn anh. Tay anh ấn nhẹ vai tôi: Em ngồi đi.
Tôi đưa bản thảo truyện ngắn còn anh lúi húi pha trà.
Gương mặt thất thần của anh như vừa đi qua một trận bom rải thảm ở rừng Trường Sơn. Tôi mơ hồ nghĩ thế, sau vài tuần lễ, khi lên hỏi xem truyện ngắn tôi viết có được không, anh cười đỏ mặt như con gái, và cười rất lâu. Nói: Anh đọc rồi, lại cười. Tôi nhìn anh cười mà chỉ muốn chui xuống đất vì ngượng. Em ạ, anh nhỏ nhẹ, em không viết về chiến tranh được đâu, em làm ở đâu, ở Cung Văn hóa, nghề xây dựng? hay em viết về xây dựng đi, viết về bạn thợ, viết về những người em thuộc và hiểu họ. Nhưng viết phải có vấn đề. Em định nói cái gì nhỉ, ví như số phận bất hạnh của người phụ nữ chờ người yêu trở về, tỷ dụ thế, nỗi đau của thời bình cũng ghê gớm không kém nỗi đau trong chiến tranh. Tôi nhớ gửi anh tới chín truyện ngắn anh đều bỏ đi. Tôi rất buồn. Năm 1980 tôi được giải thưởng tập truyện ngắn ở hội Văn nghệ Hà Nội, hay tin anh còn lắc đầu cười nữa. Anh Triệu Bôn vốn rất ít cười, ít nói, nhưng hễ cười thì hay đỏ mặt.
![]() Nhà văn Triệu Bôn và nhà thơ Hoàng Việt Hằng, 1980. |
Có lần ở nhà số 4 Lý Nam Đế, nhà văn Nguyễn Trọng Oánh bảo tôi: Triệu Bôn gặp cô tôi thấy cậu ta vui lên, nó rất hay cười khi đọc truyện ngắn của cô. Tôi thì chưa đọc. Còn thông báo cho cô hay, thơ của cô in số này. Nhà văn Nguyễn Trọng Oánh nói vậy, tôi biết ông rất thương quý hai đứa chúng tôi. Rồi thời gian trôi qua, bẩy năm. Sau ngày cưới, anh đưa tôi về sống trong cái nhà giống như một chuồng chim, chênh vênh tầng hai ở 19 Hàng Buồm. Những năm Hà Nội sống trong thời bao cấp, anh Triệu Bôn có trên người tới bốn vết thương, một thương binh không có thẻ, nên quanh năm chỉ toàn rau héo cá nhi đồng ướp đá mua tem phiếu. Thời gian sống ngày ấy, xếp hàng mất nửa ngày mới mua được một cân cá ướp đá.
Đêm phố cổ, một thời của năm 1990 thì như sống trên sa mạc, đêm nào cũng hai giờ sáng dậy đi kéo dây bơm nước dài tới 67 mét, 67 mét dây điện. Bơm đến sáng mới được một phuy nước 200 lít. Sáu năm hai vợ chồng tôi không được ngủ đêm trọn giấc. Anh Bôn bắt đầu vắt kiệt sức về đêm. Cứ bơm nước xong, anh ngồi viết.
Nhà ở nhờ có tám mét vuông, của hội Văn nghệ Hà Nội, nhà ở trên một cái toa lét tập thể, mà là toa lét một thời Hà Nội còn dùng hố xí hai ngăn, phủ tro. Trời nồm không gian sống hôi nồng không sao tả hết nỗi nhọc nhằn ngày ấy. Tôi đã quên và vờ quên. Để sống. Tôi cũng không sao tả hết nỗi thèm ngủ, những năm tháng đó. Đêm nào cũng phải trở dậy từ hai giờ sáng vì một phuy nước 200 lít. Ngày nóng mất điện thì cho hết chậu chứa nước đặt quanh gầm giường, may ra đêm mới dịu đi cái oi ả của phố cổ.
Một buổi trưa anh Triệu Bôn ngồi gõ máy chữ viết báo vặt kiếm tiền thì ngã vật ra. Tôi đi làm về thấy anh nằm trên nền xi măng, chân trái và tay trái liệt hẳn.
Tôi ôm con mới ba tuổi đi gửi hàng xóm, rồi đưa anh đi viện 198. Hồi đó chị Hoàng Thị Minh Khanh làm ở hội Văn học Hà Nội, vợ anh Hoàng Tuấn, tiến sỹ khoa học, giám đốc bệnh viện đó. Chị Khanh nói anh Tuấn giúp đỡ anh Bôn. Bạn văn chương lạ thế.
Sáng sớm tôi bế con đi gửi chị Mỳ hàng xóm, cho con đi ăn chực từng ngày, rồi đạp xe vào tận Cầu Giấy. Đường xa không ăn sáng, lại nhịn đói cả trưa, nên vào đến viện đã thấm mệt, chưa nói gì đến việc phải học y tá để biết tự đo huyết áp, nghe nhịp tim và theo dõi truyền huyết thanh. Sẩm tối đạp xe về, thất thểu, nhìn đứa con thơ ba tuổi đang nhem nhuốc đứng ở gốc cây sấu già ê a: Bố ơi mẹ ơi, mẹ Cóc ơi. Tay nó cầm một mẩu bánh mỳ bẩn nhem nhếch. Tôi đã khóc nấc trong cay cực phía bên kia đường, rồi lau nhanh nước mắt, sang đón con về. Cổng hội Văn nghệ vào đến nhà phải mở tới ba lần khóa. Ban ngày hội Văn nghệ đông người, ban đêm lại vắng như chùa Bà Đanh. Tôi cho con ăn xong, mình chưa kịp ăn thì thiếp ngủ. Tỉnh dậy thấy đã hai giờ sáng, con nằm vắt qua bụng mẹ ngủ. Lại thấy cửa đã cài then, hôm sau hỏi thì con nói, con bắc ghế lên cài cửa.
Cứ thế hai năm trời trôi qua, anh Triệu Bôn học đi như đứa trẻ lên ba với cái nạng gỗ tập tễnh.
Anh bảo: Em viết báo nuôi con thay anh thôi, anh sẽ biên tập cho. Ngày đó, tôi chẳng có tý khôn ngoan nào. Những bài báo đầu tiên của tôi được nhà văn Hồ Anh Thái biên tập cho, biên tập rất kỹ, đưa in trang trọng trên tờ báo Quốc tế. Tôi thấy mình viết được trân trọng, sung sướng không sao tả xiết. Hiểu vợ, anh Bôn lại tập tễnh đi nhờ nhà báo Phạm Phú Bằng xin cho tôi viết báo ở tờ Sài Gòn tiếp thị mà chị Kim Hạnh làm chủ biên. Tôi lọ mọ suốt ngày ở các chợ, lấy thông tin cho mục đầu chợ cuối chợ mà nhà báo Vũ Kim Hạnh dành cho miếng đất bằng bao thuốc lá Vinataba trên báo Sài Gòn Tiếp Thị. Ít nhất cũng đủ tiền rau dưa qua ngày. Sau đó có sự kiện Bách hóa Tổng hợp Hà Nội phá đi xây lại. Tôi ngơ ngác với con số tiền tỷ của các nhà đầu tư, lơ ngơ viết như bò đội nón. Nhà báo Kim Hạnh đã dạy tôi cách lấy tư liệu, viết, bố cục ra sao, qua những tập tài liệu chị giảng dạy ở trường báo chí thành phố Hồ Chí Minh. Tôi đọc. Tôi tự học, dĩ nhiên người thầy này không đứng trên bục giảng dạy tôi. Chị Kim Hạnh dạy tôi gián tiếp qua các bài báo. Tôi có thực tế, học nhanh. Hai nhà báo như Trần Công Khanh, Phạm Hy Hưng hay biên tập bài cho tôi. Và nhiều đêm trắng tôi tự mày mò học. Nhưng đến năm có internet, tôi vẫn viết tay để gửi fax bài vào thì gặp rất nhiều trở ngại. Những người viết trẻ đã viết nhanh hơn tôi, và họ viết trên máy tính, tốc độ hơn tôi. Nhiều lần mở tờ báo ra thấy không có bài, lòng tôi buồn hiu hắt, có lần đi xe máy về nhà chỉ chực ngã, không tính được hôm đó ăn gì, chứ đừng nói đến tiền mua thuốc. Tôi hay dính đơn thuốc lên mũi, bỏ thuốc này thì sẽ… ra sao? Không rõ là bao nhiêu lần, trong tâm trạng đơn độc, không dễ sẻ chia, tôi cứ lùi lũi cam chịu. Tự hỏi sao ngày ấy mình chưa điên nhỉ?
Một chiều muộn, tôi gửi con bên nhà trẻ Sao Sáng, chạy ra chợ Đồng Xuân, nhận vác vải thuê, nặng è cổ, tối tăm cả mặt mũi. Vác xong sáu kiện vải có vài chục nghìn đồng tiền tươi thóc thật, thở phào. Lại ra hàng thịt mua hẳn hai cái đùi gà dành cho chồng cho con. Ngồi nói dối chồng, em đã ăn chán ở chợ rồi thì anh Bôn dùng cái kéo cắt nhỏ thịt, bảo anh nấu bát cháo để hai vợ chồng cùng ăn. Sau này hiểu ra những lần nói dối chồng khi mua thuốc giá đắt, anh đều biết cả. Nhưng chính anh lại tìm cách để giúp vợ giảm đi những toa thuốc không cần dùng đến. Lý do, anh không sao cả, anh đã bình phục. Nhưng trời ạ. Mười năm sống thiếu thốn, đầu óc tôi mẫn cảm với đủ thứ vật chất tối thiểu cần tiêu dùng. Được phân căn nhà tập thể, gia đình tôi chuyển về với không gian rỗng. Rỗng, nằm đất và trải chiếc chăn dạ, thứ chăn rẻ tiền của nhà máy dệt Nam Định dành cho người lao động. Sau này nhờ một bài báo in ở Sài Gòn, tôi mua được bộ bàn ghế.
Tôi sướng không sao ngủ được. Anh Triệu Bôn ôm tôi vào lòng thì thầm: Khổ cho em quá, thôi kiếp này anh nợ em thôi. Đúng ra anh không thể để vợ con khổ thế này. Nhưng anh sẽ sống tốt với bạn bè. Sau này anh đi trước, em và con sẽ được bạn bè anh giúp. Anh nói thật đấy. Bộ bàn ghế cũ, chỗ anh sống những ngày cuối đời, hay ngồi đọc sách và tiếp bạn, vừa nói xong đã quên. Nơi anh vừa ôm xoong nồi, lọ hoa, chạy quanh nhà, hô xung phong, có bom na pan, có đạn rốc két thả ở cánh đồng chết. Hơn hai năm có lẻ bộ óc của anh đã hồi lại toàn chuyện chiến trường. Hơn hai năm tôi ngồi viết những bài báo trong sự đập phá, và nụ cười hiền như trẻ thơ: Anh có đập vỡ gì đâu em? Anh đã quên mọi thứ trong chớp mắt. Anh đã nhớ chiến trường B2, B3 trong chớp mắt. Anh khóc như trẻ thơ. Và tôi ôm trong tay một người lính, nước mắt chan đẫm vào ngực. Đau đớn mà không sẻ chia với ai. Anh Triệu Bôn vẫn còn người anh trai, anh nhớ nhung người anh suốt ngày. Nhưng người anh làm khoa học này khó thấu hiểu sự sâu sắc của đứa em trai, nên thi thoảng ông mới ghé thăm chốc lát. Như gió thoảng. Anh ước ao được con trai, con riêng với vợ cũ, anh muốn được nó đèo đi một vòng quanh bờ Hồ Gươm cũng là ước mơ xa vời vợi.
Tôi đã từng viết như không viết thì ngày mai sẽ chết. Viết đủ thứ. Hai lần viết thuê cho một nhà báo có đời sống khá giả mà ngại viết. Nhuận bút thì tôi lĩnh, định mức thì nhà báo Z ấy hưởng. Tôi nghĩ đi viết thuê kiểu này lại hóa hay. Mình sẽ “hót” đúng giọng chim họa mi, chim gáy, chim ngũ sắc. Tôi “hót” đủ giọng. Miễn có tiền cho con đi học, miễn có tiền mua thuốc cho chồng.
Sau này những đêm anh ngồi độc thoại chiến trường, tôi ngủ gà ngủ gật trên ghế nghe anh nói. Rồi anh mãi mãi đi xa trong ngày mưa tầm tã, tìm về nơi chăn bò năm xưa gối đầu bên cha mẹ. Tôi đã lên Dốc Cun ở Hòa Bình, lên Cổng Trời ở Sìn Hồ Lai Châu, đứng khóc thỏa thuê rồi trở về lau khô nước mắt. Sẽ là hoạch định lịch những chuyến đi, những va đập của xe khách chạy đêm, những câu chuyện trên xe khách, trên tầu hỏa, nó ám ảnh và tôi không sao chợp mắt. Chỉ có viết thôi, mới đỡ bị giày vò.
Hơn hai mươi năm viết báo để sống và nuôi con, để làm thơ, và để viết tiểu thuyết. Tôi thấy mình chỉ cần tiết kiệm thời gian, để đi, để đọc và để viết.
Để thực hiện những chuyến đi xa gần với thực tế, tôi mới thấy mình được chia sẻ, mới thấy diệu vợi bao sầu muộn đã ủ ê trong lòng. Tôi đã từng lãng phí mất ba năm sống trong nặng nề, đau khổ quẩn quanh với những thứ vặt vãnh, lý ra đã phải ngộ ra sớm, phải vứt bỏ từ lâu những vụn vặn, tối tăm, mà tôi lại nhặt nhạnh ôm trong lòng để giày vò mình. Nhưng cũng nhờ một giải thưởng văn học, tôi đi một chuyến nước ngoài, lên một ngọn núi cao được gặp một hòa thượng. Vị sư phụ này đã giúp tôi một lời giải. Đó là sự buông bỏ nhẹ lòng. Đó là sự yêu thương và tha thứ.
Tôi lại tìm lên thác Dray Nu thác Dray Sáp ở Tây Nguyên, bên thác chồng và bên thác vợ, không thấy le le lẻ bạn đi bắt cá nuôi con. Mà thấy trời Tây Nguyên xanh. Tôi đã lao lực, đã viết đã đắm say và tìm ra một giá trị sống giản dị: viết, để có tiền thực hiện những chuyến đi. Và còn để chớp được những khoảnh khắc sáng tạo khác của nhiếp ảnh, để chia sẻ chuyến đi nghìn dặm xa của đời mình với trang viết. Tôi vẫn dậy sớm mỗi ngày. Có lần ngồi ở hồ Ba Bể (Bắc Cạn), thấy le le bay về, từng đôi, tôi thấy mình như con chim le le lẻ bóng, nhưng vẫn thầm thì cảm ơn cuộc đời đã cho tôi dâng hiến tình yêu cho một nhà văn chân chính. Anh đã ước mơ tôi cầm bút, và giữ gìn phẩm cách của người viết chân chính. Đó là - đi, nhìn, nghe và đọc đã rồi hãy viết. Anh, đã giúp tôi nhận ra rõ mình hơn. Thiên chức của nhà văn.