Đôi mắt gấu trúc (Phần cuối)
Truyện ngắn của Mạc Can

26/08/2014 08:33

>> Đôi mắt gấu trúc (Phần 1)

Có những câu hỏi. Hỏi chỉ để chờ câu trả lời,
                                                   rồi chờ

Nhiều khi phải chờ một phút, chờ hai hai phút,
                                          chờ một ngày

Hai ngày, một năm, nhiều năm, chờ suốt đời

Thì mình vẫn chờ, chờ nhé!

Một hôm Dị Tưởng đọc bài thơ nầy trên cái bục giao lưu ở quán Niết Bàn, khi nhìn xuống khán giả, ông thấy người phụ nữ có đôi mắt gấu trúc. Đúng là Trong nhà ngoài phố. Vì không có ai hẹn hay chờ mà ông lại gặp trong hoàn cảnh đắc địa. Dị Tưởng vẫn lỳ đòn, khi thấy dung nhan tiều tụy của người trong mơ, ông... chờ. Bài thơ con cóc, đáng lý người Sài Gòn cũ viết là nha, chờ nha, nhưng Dị Tưởng viết là chờ nhé, ăn theo âm điệu của chim sáo.

Đúng là rách việc và buồn cười. Nhưng hiện nay người rách việc khá nhiều, họ cũng buồn. Cho nên xem xét lại thì chuyện của Dị Tưởng quả nhiên là vui cười và nhiều chất kịch. Nghệ thuật ca nhạc, với kịch nghệ nữa, nhìn chung xuất phát từ đời sống thực tế chung quanh. Chứ còn ở đâu mà có, có nguyên liệu rồi và chỉ cần phịa ra, thêm râu ria, hoa lá cành. Vì ông Dị Tưởng là nghệ sĩ lớn tuổi, chuyện của ông lan truyền trong bạn bè ở đài truyền hình, người ta nhìn ông khẽ lắc đầu khâm phục già còn yamaha.

***

Năm giờ sáng trời đất mờ mờ. Đèn đường tắt, khổ thay đèn đường tắt sớm, lúc đó màn trời còn tôi tối. Hân chở con đi học, con bé ngồi yên sau chiếc xe tay ga của mẹ, đầu nó dựa vào lưng mẹ ngủ gục. Hân với con gái nhỏ ăn hủ tiếu ở gần trường, đến lúc bé vào cổng trường thì đã sáu giờ hơn, bầu trời đã sáng hẳn. Mai Hân chạy vội tới đường Bùi hữu Nghĩa, nơi Hân làm kế toán cho tiệm sửa vi tính nầy thì đã gần tám giờ.

Minh họa của Thúy Hằng
Minh họa của Thúy Hằng
Hân vào quét dọn, rồi ngồi trước bàn làm việc, ngủ gật cho tới gần giờ mở cửa tiệm. Ngày nào cũng cứ như thế suốt bảy năm trời. Sau ngày ly dị người chồng ham chơi hơn làm việc kiếm tiền, Hân rất sớm đi vào hoàn cảnh khó nhiều điều. Hân trở thành người mẹ đơn thân sầu muộn.

Cha Hân quê Đồng Tháp, thời kháng chiến chín năm, người anh ruột của ông bị quân Pháp bắn chết. Năm mười bốn tuổi ông liền theo Việt Minh, làm giao liên. Ông lại bị lính Pháp bắt, chúng tra khảo ông bằng báng súng và đế giày đinh. Ông trốn thoát rồi cầm súng chống Pháp. Sau đó ông tập kết ra Bắc, ở tuổi thanh niên. Chàng thanh niên miền Nam sống ở Hà Nội. Do nội thương vì bị tra tấn, sức khỏe yếu, nên làm việc nhẹ. Có yếu tố nầy ít người miền khác biết, cũng có lợi cho ông, là tài ca hát ra bộ, gọi là đờn ca tài tử, sau đó là sân khấu cải lương, mà người Nam Bộ nào cũng có dòng máu cải lương. Ông xuống sáu câu vọng cổ mùi rệu, lại còn biết đàn guitar phím lõm ông được phân công vào đoàn cải lương Nam Bộ ở Hà Nội, sau đó nhờ thêm tướng tá cao ráo khá đẹp trai, thỉnh thoảng ông còn có vai diễn ở Đoàn kịch nói Hà Nội. Chàng trai Đồng Tháp ngày nào còn có hoa tay vẽ tranh, vẽ phim hoạt hình, làm thơ, duyên may lại được đóng phim, một vai nhỏ trong phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”. Vì chuyện phim cần một diễn viên nói rặt giọng Nam Bộ.

Những tưởng ra Bắc hai ba năm rồi trở về Nam. Nhưng ông ở Hà Nội khá lâu, gần nửa đời người. Có một cô văn công, con gái miền Bắc hẳn hoi, khoái nghe vọng cổ, thích chàng trai làng bây giờ là nghệ sĩ mộc mạc, cô gái nói:

- Anh ấy nói chuyện linh tinh, mà lại có duyên ra phết. Em thích nghe giọng nói của người miền Nam, nhất là anh ấy ca vọng cổ nghe thế nào ấy. Mà anh ấy lại vui tính, hài hước nhé. Nghe hay mà tim cứ đập suốt í nhé.

Chàng trai Đồng Tháp cũng thích nghe cô Bắc Kỳ nói và hát chèo. Vọng cổ với hát chèo cả hai phối hợp thành vợ thành chồng. Họ có cô con gái đầu giống cha, cô thứ hai giống mẹ như khuôn đúc, nghĩa là đẹp như con gái Hà thành. Cả hai cô đều nói giọng miền Bắc không khác mẹ tí nào.

***

Năm 1976 cả nhà vào Nam. Mai Hân với người chị theo cha mẹ về Đồng Tháp. Người giao liên của mặt trận Việt Minh năm xưa nay là nghệ sĩ về làng cũ. Ông đã già, thích ở lại vùng quê yên tĩnh. Hai cô gái trở lên thành phố Hồ Chí Minh. Người chị lớn có chồng cũng êm ấm. Mai Hân tốt nghiệp đại học theo ngành kiến trúc, nhưng cô lại thích toán và giỏi toán. Khoa kiến trúc có học hội họa. Người bạn trai cùng học cũng giỏi toán, lần nầy những con số khô khan có tình cảm với nhau, và họ kết hôn. Hai người có một đứa con gái. Mai Hân và chồng làm nghề dán đề can cho xe máy, công việc mới nầy khá giả. Hân còn tự vẽ những mầu đề can, tự sản xuất bỏ mối cho người ta, người vợ chăm chỉ làm ăn, đầu bù tóc rối lo cho cửa hàng, lo cho con. Anh chồng ham chơi hơn làm ăn. Anh có lý do chính đáng:

- Hân à, em biết anh là học trò khó, nhà nghèo chịu khó học, không biết ăn chơi là gì. Hôm nay mình học xong rồi, vợ chồng cũng có cơ sở làm ăn khấm khá. Anh xin em cho anh... đi chơi cho biết với người ta.

Thì anh đi.

Hân yêu và tin chồng, đó là mối tình đầu của cả hai người. Hân quán xuyến cửa hàng đề can. Anh chồng về lấy tiền đi chơi cho biết. Anh chàng lọt vào ổ bi-a toàn là các cô gái chân dài lượm banh ghi số. Anh sáng đi tối về và... đi luốn không về nhà. Hân ôm con gái nhỏ đi tìm, người phụ nữ nầy có tài suy đoán. Hân tìm ra đúng cái nhà thuê của anh chị kia làm tổ. Hân không nói gì nhiều, làm đơn xin lỵ dị, anh chồng... bằng lòng. Hân là người mẹ đơn thân đau đớn, héo khô và không còn biết yêu. Mười lăm năm một thân một mình nuôi con Hân nhường cả cửa hàng đề can cho anh chàng kia và cô vợ mới của anh ta.

Hân mở quán cà phê, hùn vốn với một cậu trẻ trẻ, và cậu trẻ nầy yêu Hân mê mệt. Mẹ của cậu trai tân không bằng lòng, vì Hân là đàn bà một con. Hân phải dụng kế làm thân với một khách cà phê hay tới quán của mình, để cho bà mẹ của chàng trai tân kia không lo cậu trẻ kia lái máy bay bà già. Thực ra Hân chưa già. Buồn cười là anh chàng khách cà phê lại phải lòng Hân. Anh ta có một tiệm sửa chỉnh máy vi tính và buôn bán mực in. Hân về làm kế toán cho anh ta, với số lương ít ỏi để nuôi con. Anh chủ tiệm cũng đã ly dị vợ và có một con gái trạc tuổi con của Hân.

Hân không muốn bước thêm bước nữa. Hân không tin đàn ông, và lâu dần trở nên lãnh cảm. Với lại anh cha dượng chưa già, chung sống một nhà có thể dòm ngó bé Ngọc, cô bé đời mới, tuổi teen đang phổng phao. Con bé còn thương cha ruột của nó cho nên ai tới gần Hân nó cũng cau mày khó chịu. Hân mới bốn mươi tuổi tướng thanh mảnh, nói chuyện qua điện thoại giọng miền Bắc nghe thánh thót có duyên. Anh chàng chủ tiệm lại ghen mỗi khi Hân nói chuyện với khách hàng. Thật là lắm mối tối nằm không. Anh ta chủ tiệm laptop tánh khí khá lạ, vật gì trong cửa tiệm vi tính mà anh ta sở hữu thì anh đều muốn là của mình, kể cả con người là Hân. Hân chạy xe đón đưa con gái đi học, anh ta tẩn mẩn tỉ mỉ trừ lương Hân, tình yêu của anh lạ lùng thật. Hân khẳng khái cho anh ta biết là hai người chỉ là bạn, hơn vậy nữa Hân là người làm việc kế toán cho anh ta, ngoài ra thì không có gì.

Sự việc đó kéo dài tới bảy tám năm. Hân không đủ sống với đồng lương làm kế toán trông tiệm laptop. Hân còn phải len lén bán hóa đơn đỏ, hay thẻ điện thoại. Anh chàng giao thẻ lại mê tít thò lò cái cô Bắc Kỳ. Hân không đẹp lắm nhưng tánh thật thà ngay thẳng, có chút ngây thơ lại có duyên ăn nói. Nhiều người muốn rổ rá cạp lại với Hân. Nhưng bé Ngọc con Hân không bằng lòng.

Ngay lúc đó nhà biên kịch Dị Tưởng ôm cái laptop của ông ta, bạo phổi bước thẳng vào cửa hàng. Ông ta nói rằng ngoài kia mưa lớn nên ông vào trú mưa, nhân tiện chỉnh sửa laptop. Vì đứng ngồi mãi ở cà phê ga xăng xem không giống ai. Chính cô mập bán bánh mỳ kiểu Úc cũng nói vậy.

***

Bàn kế toán của Hân chỉ cách bàn ông chủ tiệm trong gang tấc. Hàng ngày tiệm khá vắng khách, phần nhiều thời gian, hầu như chỉ có hai người, suốt từ sáng tới chiều. Ai nhìn vào cũng có suy nghĩ, lửa gần rơm không trèm cũng trụi. Họ nói với nhau cho dù Hân có dùng binh pháp Tôn Tử gì đó, lúc còn bán cà phê thì anh chàng chủ tiệm laptop cũng có dụng ý dụng tâm, nhiều lúc còn áp lực khống chế.

 Trưa tan tầm Hân đi đón con, không về nhà kịp mà phải tới tiệm laptop. Cô học trò nằm ngủ trên hàng ghế dành cho khách ngồi. Ông chủ tiệm râu ria ngồi cạnh cô bé, va chạm phần đùi của cháu gái, còn miệng thì la mắng Hân.

Dị Tường thấy ngay tính cách anh ta. Hân ngồi cạnh nhẫn nại chịu đựng. Đúng là đôi mắt gấu trúc thiếu ngủ thâm quầng, loài gấu trúc hiếm muộn, vợ chồng gấu có nhiều nhất là chỉ một con, lại nuôi khó, điều đó nhiều người biết. Trước mặt Hân là cái máy vi tính để bàn cũ kỹ. Gấu trúc nhìn vào đó nhẫn nhịn làm việc, còn anh chàng kia quát tháo, đập bàn, đá ghế. Dị Tưởng khẽ nhìn lên màn hình chiếc máy cũ. Ông ta thảng thốt trố mắt nhìn bài thơ Chờ của mình. A chắc hôm ông diễn ngâm ở quán Niết Bàn, Hân thích nên chép lại. Ông kịch tác gia Dị Tưởng quá vui. Nhưng đồng thời chính ông thấy chim sáo hay gấu trúc khóc nhẫn nhịn. Hân nhìn Dị Tưởng như muốn nói điều gì đó mà ông cũng hết sức muốn nghe. Những ngày sau đó dù mưa hay nắng Dị Tưởng cũng mang cái laptop không hư hao gì tới tiệm nơi gấu trúc khóc. Ông làm quen với tay chủ tiệm hầm hố và… trở thành bạn của anh ta. Do vậy mà nhà biên kịch biết nhiều hơn về Hân.

Từ chuyện ly dị, cho tới cửa hàng bán dán đề can. Và chuyện bé Ngọc là con của Hân, nó buồn không chịu học như con gái anh chủ tiệm, nhỏ Vi nầy cũng là bạn của Ngọc. Dị Tưởng hình thành tuyến kịch mà ông có một vai sau nầy, trong hoàn cảnh của mẹ con Hân. Cho tới khi ông lại tới sửa cái laptop không hư nữa. Thì Hân đã bị đuổi việc.

***

Quán Niết Bàn vắng lặng. Giờ trưa, chung quanh đó cũng vắng lặng. Còn ngoài đường kia lại mưa mưa buồn buồn. Dị Tưởng thấy Hân bước vào quán. Áo Hân ướt, mái tóc ướt, Hân ăn mặc giản dị cử chỉ dè dặt khiêm tốn. Dị Tưởng ngồi đối diện Hân, trước mặt ông là một chồng kịch bản truyền hình và cái máy laptop bụi.

- Cảm ơn chú, cháu ngồi một tí rồi phải về làm việc ạ.

- Lương cháu trong tiệm đó đủ sống không. Chú hỏi thật đừng giấu chú. Mà sao lại nghỉ việc, rồi lấy gì mà sống, còn bé Ngọc nữa.

Nhà biên kịch nói một hơi khá dài. Hình như nếu không nói thì ông sẽ nghẹn lời. Bên kia chiếc bàn Hân khẽ nhìn qua anh chàng phục vụ. Không nhìn Dị Tưởng nhưng lắng nghe.

- Cháu bị đuổi việc, như chú thấy đấy. Ông ấy cứ thế nhiều lần rồi, cháu định về nhà ra sao cũng đành chịu. Nhưng ông ấy lại điện thoại xin lỗi, gọi cháu đến làm lại, nhiều lần lắm rồi. Chú ạ cháu cũng có nghĩ nhờ bạn bè, hay mua bán gì, còn hơn là cứ nuốt nhục. Muốn thế nhưng cháu không có nghề chính thức. Lương ở tiệm ấy không nhiều mà còn bị trừ khi cháu đi đón con…

- Như vầy nha. Chú làm nghề viết kịch hài ở đài truyền hình, cũng đang làm chưa nghỉ hưu, nghề của chú còn viết được thì viết. Cháu có thể… làm nghề viết kịch được không.

- Cháu làm kế toán, viết kịch ấy à, làm sao cháu biết mà viết chứ chú.

- Đây là cái laptop bụi đời của chú... tặng cháu.

- Ơ kìa, không, không, cháu không nhận đâu, cháu có quen biết chú nhiều lắm đâu ạ.

Dị Tưởng nhìn thấy gấu trúc mỉm cười, vì ông Dị Tưởng nầy buồn cười. Hàm răng Hân đều như hạt bắp, trắng muốt. Ông kịch tác gia cũng cười rồi nói nhanh sợ người phụ nữ bên kia bàn từ chối.

- Còn đây là những kịch bản chú viết đã thu hình rồi. Mai Hân về nhà coi lại, rồi viết thử một vở, làm tàm tạm kiếm chút cháo thử coi, may đâu rủi đâu có cái nghề văn nghệ bèo bèo sống với người ta, khỏi đi làm công không bị người ta xài xể. Chừng nào xong rồi gởi qua email cho chú: dituong@gmail.com nha nha.

- Chú, chú gì ơi.

Gấu trúc hay chim sáo kêu lên. Nhà biên kịch đã bước ra ngoài hiên, dù mưa hay nắng, ông cũng đi mau như ngượng nghịu vì lời nói giúp người cùng khổ, một phụ nữ, một người mẹ đơn thân. Ông đạp chiếc xe điếc chạy thẳng trong làn mưa, không phải mưa mà chút sương khói làm cho cảnh tình nhòe đi như trong mắt ông bây giờ. Ông chợt nhớ rằng mình quên trả tiền buổi tiệc trà đá. Không sao quán quen mà.

***

Thế mà Hân cũng ngồi viết được mấy vở kịch dài ngắn, vài vở được dựng ở các đài truyền hình địa phương. Ông biên kịch làm thư ký chép lại, nhuận sắc, biên tập cẩn thận rồi gởi hàng cho các đài. Hiện bé Ngọc phần nào bớt bạn bè rong chơi. Ngọc đang học lớp mười hai, còn Hân ngồi trong ngôi nhà mối mọt không có đàn ông miệt mài viết kịch dài. Cũng mong sống được được với cái nghề văn nghệ bèo bèo. Rồi sau hẵng tính, miễn là sống...