Lưu ý trong giám sát ngân sách địa phương của HĐND
Để đạt được mục tiêu, hiệu quả cao trong giám sát ngân sách nhà nước (NSNN) tại địa phương, đại biểu HĐND, đặc biệt là thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND cần được trang bị đầy đủ kỹ năng giám sát đối với lĩnh vực này.
HĐND giám sát ngân sách địa phương là theo dõi, kiểm tra việc tuân thủ pháp luật, các quy định hiện hành về quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước ở địa phương, từ đó đưa ra các kiến nghị nhằm chấn chỉnh các hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách và hoàn thiện các cơ chế chính sách, phương thức quản lý, điều hành ngân sách địa phương một cách phù hợp và hiệu quả. Mục tiêu giám sát ngân sách của HĐND nhằm phát hiện và xử lý những vấn đề nảy sinh trong quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước, xem xét trách nhiệm pháp lý đối với những đối tượng bị giám sát; đánh giá hiệu quả trong sử dụng ngân sách nhà nước; đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách về quản lý và sử dụng ngân sách nhà nước; chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, điều hành ngân sách nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương. Nội dung giám sát ngân sách địa phương gồm: giám sát việc lập dự toán ngân sách địa phương; phân bổ ngân sách địa phương; việc chấp hành ngân sách địa phương; quá trình lập, thẩm định, xét duyệt và phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương.
Để đạt được mục tiêu, hiệu quả cao trong giám sát ngân sách địa phương, đại biểu HĐND, đặc biệt là thành viên Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND cần được trang bị đầy đủ kỹ năng giám sát. Trong đó, cần quan tâm một số vấn đề sau:
Trước tiên, phải chọn đúng vấn đề cần giám sát. Thực tiễn cho thấy, ngân sách địa phương luôn gắn với tất cả hoạt động KT - XH, QP - AN trên địa bàn, nhiệm vụ giám sát ngân sách địa phương cũng rất rộng, dàn trải trên tất cả các lĩnh vực. Chính vì vậy, phải lựa chọn vấn đề cần giám sát để bảo đảm tính tập trung, trọng điểm, có hiệu quả. Theo kinh nghiệm, đại biểu thường xem xét, lựa chọn các vấn đề nhạy cảm trong quản lý tài chính, ngân sách, những vấn đề được nhiều cử tri quan tâm như: quản lý, sử dụng ngân sách trong đầu tư XDCB, các chương trình mục tiêu; bố trí ngân sách cho các chương trình, đề án trọng tâm; vấn đề thu ngân sách gắn với quản lý đất đai, tài sản; tình trạng thất thu thuế ở một số lĩnh vực...
Khi chuẩn bị giám sát nội dung gì, đại biểu HĐND cần xác định được các thông tin liên quan, cần thiết phải thu thập. Trong thực tế, một nội dung giám sát thường có rất nhiều tài liệu, thông tin cần thiết như: các văn bản pháp lý (luật, các văn bản dưới luật, quy định) của Nhà nước; các cơ chế chính sách, văn bản chỉ đạo thực hiện của địa phương; báo cáo thực hiện của các cấp chính quyền; ý kiến của cử tri; các thông tin phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng, dư luận trong nhân dân... Thông tin phải được thu thập từ nhiều phía... Đồng thời với việc thu thập đầy đủ thông tin, đại biểu phải kiểm chứng, phân tích và xử lý thông tin. Bởi, không phải mọi thông tin thu được đều chính xác, đầy đủ, nếu không kiểm tra, đối chiếu lại, hoặc không có sự phân tích ở những góc độ khác nhau thì sẽ dẫn đến có thể hiểu sai lệch vấn đề.
Thứ ba, dành thời gian hợp lý cho các hoạt động TXCT, khảo sát, giám sát tại các cơ sở; phân tích các báo cáo; tổng hợp, viết báo cáo. Do đại biểu HĐND chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm không có nhiều thời gian để tham gia hoạt động giám sát của HĐND, hoạt động giám sát ngân sách chủ yếu do Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thực hiện. Trong khi đó, đại biểu chuyên trách của Ban chỉ có 2 người, lại phải tham gia nhiều hoạt động khác, nếu đại biểu chuyên trách không sắp xếp, dành thời gian thỏa đáng cho các hoạt động trên thì rất khó có điều kiện nắm bắt tình hình thực tế để giúp công việc thẩm tra, giám sát ngân sách đạt hiệu quả.
Thứ tư, phải nghiên cứu, sử dụng ý kiến chuyên gia trong lĩnh vực tài chính, ngân sách. Vì đại biểu HĐND không phải ai cũng am hiểu sâu về lĩnh vực tài chính, ngân sách nên khi giám sát về ngân sách địa phương phải rất chú trọng ý kiến của những chuyên gia trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí chi cho hoạt động của HĐND còn hạn hẹp nên việc tham khảo ý kiến chuyên gia cũng cần phải có cách thức. Kinh nghiệm cho thấy, những vấn đề chưa rõ, hay còn ý kiến khác nhau thì nên hỏi ý kiến của những người công tác lâu năm trong lĩnh vực tài chính, ngân sách ở các địa phương, các ngành, đơn vị khác nhau. Ý kiến này chỉ là trao đổi công việc thường ngày, không đặt vấn đề thuê chuyên gia.
Thứ năm, sử dụng hiệu quả các công cụ giám sát như: báo cáo kiểm toán của các cơ quan Kiểm toán Nhà nước và kiểm toán độc lập; báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra tài chính, thuế của các cơ quan có thẩm quyền... Đây là những tài liệu rất quan trọng, vì nó đã được tiến hành tương đối khách quan, có tính pháp lý và độ tin cậy khá cao. Tuy nhiên, quá trình sử dụng những tài liệu này cần lưu ý đến những ý kiến, kiến nghị của cơ quan được kiểm toán, thanh tra, bảo đảm không có sự áp đặt của cơ quan Kiểm toán, thanh tra.
Thứ sáu, thường xuyên học hỏi kinh nghiệm hoạt động giám sát ngay trong cơ quan, đơn vị mình, thậm chí cả các đơn vị trong và ngoài tỉnh bạn. Bên cạnh đó, tích cực nghiên cứu các văn bản pháp luật, các chính sách, văn bản của Trung ương, địa phương về lĩnh vực ngân sách; tham gia tập huấn, bồi dưỡng ký năng hoạt động của đại biểu HĐND.