Một lần lưu lạc
Hồi ức của NSƯT Ngọc Hiền
Ghé vai gánh vác
Cha tôi là một ông giáo nghèo. Mười tám tuổi ông đã đi dạy học ở miệt vườn lục tỉnh Nam Kỳ và nếu như không có ông bà nội đánh dây thép gọi về thì ông đã thành con rể quê xứ Bắc của miền đất xa xôi đầy nắng gió phương Nam.
Từ giã miền đất vừa mới kịp làm quen, ông trở về Kinh Bắc dạy học và vâng theo sự sắp đặt chọn lựa kỹ càng của song thân, ông lập gia đình với một thiếu nữ con nhà gia giáo, đồng hương Đáp Cầu. Mẹ cả hơn cha một tuổi và sớm qua đời sau chín năm chung sống. Nghe các bà cô tôi kể lại, mẹ cả nom phúc hậu, đẹp người đẹp nết và buôn bán đảm đang. Chín năm làm vợ ngắn ngủi, khi ra đi, bà để lại năm người con côi cút, bốn trai một gái, lớn nhất lên tám tuổi, còn nhỏ nhất vừa qua cữ ba tháng.
Không hình dung được hết những bầm giập của cha sau sự ra đi đột ngột của mẹ cả. Ngày ấy, nếu không có sự đùm bọc của ông bà nội, sự tận tâm chăm sóc cháu của các bà cô tôi, chắc cha không vượt qua nổi biến cố kinh khủng ấy. Một nách năm đứa con thơ, cha chẳng dám tính đến chuyện tục huyền. Nhưng năm năm sau đó, như một định mệnh, cha đã gặp và lấy mẹ tôi, một cô đào chèo quê gốc thành Nam. Hai mươi tám tuổi và đã lỡ một lần đò, mẹ rũ bỏ xiêm áo phấn son đàn nhạc, ghé đôi vai mảnh mai đỡ đần cha chăm sóc bầy con nhỏ. Giã từ cánh màn sân khấu, mẹ tần tảo gồng gánh góp công sức mẹ gà con vịt. Mười bảy năm sau (1941-1958) thêm bảy anh chị em chúng tôi nữa được ra đời để “hậu duệ” cha mẹ có vừa tròn một tá...
![]() Minh họa của Thúy Hằng |
Hồi ức tuổi lên năm
Trước tháng 7 năm 1949, tôi là đứa nhỏ nhất trong nhà và là đứa con đầu tiên sau cuộc hôn nhân của cha mẹ tôi. Mũm mĩm và ngộ nghĩnh, tôi được các anh chị học trò của cha tôi yêu quý lắm. Kỷ niệm về một dĩ vãng xa xôi, bên mái tam quan của ngôi chùa Chợ Nội, nơi cha tôi dạy học, tôi thường theo các anh chị học trò của cha đi nhặt những quả cau non rụng dưới gốc, chơi trò xếp anh bộ đội điểm binh. Gặp buổi trời mưa, lấy những lọ mực đặt trong hốc tròn trên mặt bàn học, hứng dưới giọt gianh mái ngói, nước bắn tung tóe, để lại những vệt rỗ màu tím trên mặt và lấm tấm hoa trên vạt áo nhà nghèo. Còn nữa là nỗi lo thảng thốt sẽ bị chị gái lấy ngón tay cốc vào đầu vì tội dầm mưa.
Gia đình tôi được chính quyền địa phương và thầy trụ trì chùa Chợ Nội xếp ở một gian lợp ngói ngay sát chính điện được dùng làm lớp học. Ký ức quá xa khiến những hình ảnh hiện về không còn rõ nữa, nhưng trong mờ mờ nhân ảnh, tôi vẫn nhìn thấy một bé gái năm tuổi, mặc chiếc quần đùi mầu nâu đã cũ, le te xách liễn cơm trưa đem ra chợ giúp cô bán thịt hàng xóm cạnh nhà. Liễn cơm đặt trên một chiếc quang treo nhỏ bằng mây, dài xấp xỉ chiều cao nấm lùn lũn cũn, khiến một bên vai của tôi phải cố xếch lên giữ cho chiếc quang treo không bị kéo lê dưới đất. “Trả công” mỗi lần như vậy, tôi được dúi cho một miếng gan lợn luộc nho nhỏ. Bây giờ trên đầu hai thứ tóc, chao ôi, tôi vẫn còn nhớ hương vị thơm thơm bùi bùi ngon lành miếng gan luộc của tuổi thơ nghèo. Ngày nay, chả mấy ai còn ăn cái thứ mà nhà giàu chỉ dành cho mấy con cún, nhưng miếng gan lợn luộc mềm mềm hơn sáu mươi năm về trước vẫn để lại dư vị rưng rưng trong nỗi nhớ.
Gà con lạc mẹ
Hai giờ sáng...
Mẹ sinh em gái tôi vào sáng sớm ngày 13 tháng 7 năm 1949. Xa xa đã nghe tiếng súng Tây từ mạn Bắc Ninh dội về. Chợ Nội, nơi cha dạy học, nơi gia đình tôi sống đang nằm trong vùng kiểm soát của Việt Minh. Cha gửi tôi và một anh nữa hơn tôi ba tuổi theo một gia đình hàng xóm thân thiết, gia đình ông ký Đĩnh, chạy sang sông trước để cha có thời gian thu xếp cho mẹ và em bé sơ sinh cùng các anh chị lớn đi sau. Ông ký Đĩnh làm ký nhà thương, là một người hàng xóm tốt bụng. Ở Chợ Nội lúc đó, cùng với cha tôi làm nghề dạy học, cùng được gọi là thầy, thầy giáo và thầy ký nhà thương, các ông là những trí thức vùng quê được dân quanh vùng vì nể.
Qua bên sông là vùng hậu phương, cũng do chính quyền Việt Minh quản lý. Thời gian này lực lượng Pháp cậy đông quân lắm súng, liên tục tiến hành những trận càn quét để mở rộng vùng tề. Anh em tôi líu ríu theo chân gia đình ông ký Đĩnh chạy xuống thuyền đi trước, chẳng kịp nhìn ngó xem em bé mới đẻ xinh xắn thế nào.
Vì mẹ mới sinh, em bé còn non bấy nên gần ba tiếng sau, cha mới kịp đưa đại gia đình chạy đến bến đò. Nhưng không kịp nữa. Để bảo toàn lực lượng và cản đường tấn công của quân Pháp, chính quyền ta đã ra lệnh đánh chìm đò trên khắp tuyến sông Cầu.
Quân Pháp tràn vào vùng Chợ Nội. Cha mẹ, em bé và các anh chị lớn phải nằm lại, còn hai anh em tôi đã ở bên kia sông. Quân Pháp thắng thế, vượt qua sông, mở rộng vùng kiểm soát, liên tục là những trận càn. Ông ký Đĩnh cũng có con nhỏ, cũng phải chạy Tây và cũng không lường được là phải quản lý hai đứa trẻ nhà hàng xóm lâu đến thế nên anh em tôi phải lo dắt díu bảo nhau chạy theo gia đình họ mỗi khi nghe tiếng súng nổ ở rìa làng. Trong nỗi nhớ kinh hoàng của tuổi thơ là những lần rúc vào đống rơm khi nghe quân Pháp đã sục vào đến giữa làng, bị tóm vào mông lôi ra, đối diện với những lính Tây đen rạch mặt đang cười nhăn nhở và nhận một cái đá đít: “Alê! Pêti cusoong”(1). Còn nữa là những bữa cơm trộn muối vừng, hay sang hơn là được ăn với một muỗng nhỏ đường kính. Đây là vùng trồng dâu nuôi tằm nên thi thoảng anh em tôi được ăn cơm với nhộng tằm. Những con nhộng tằm đang còn bọc trong kén vàng ươm, được vớt ra từ nồi nước đặt trên bếp lửa. Đấy là những miếng ăn ngon lành nhất của “gà con lạc mẹ” còn hằn trong nỗi nhớ của tuổi thơ tôi sáu mươi lăm năm về trước.
Hội ngộ trong nước mắt
Không biết anh em tôi đứt liên lạc với cha mẹ bao nhiêu ngày, chỉ nhớ rằng đó là một chuỗi ngày dài khắc khoải.
Quân Pháp đã mở rộng vùng chiếm đóng đến bên này sông.
Anh tôi vốn là một cậu bé tinh nghịch và hiếu động, đã chạy đi chơi đánh khăng đánh đáo với lũ trẻ trong làng từ lúc nào, mặc em gái khóc hết nước mắt vì nhớ mẹ cha. Ngày nào tôi cũng một mình thui thủi men theo những bờ ruộng khúc khuỷu, ra khỏi lũy tre đầu làng, nước mắt lưng tròng, dõi tìm từ rất xa bóng dáng cha tôi.
Hôm ấy, trời đột ngột đổ mưa rào, tôi vội vã chạy về làng. Mưa trơn trượt khiến tôi ngã sóng soài ngay trên bờ ruộng. Ở nông thôn Việt Nam sáu bẩy mươi năm trước, bờ ruộng là một trong những nơi để nhiều người giải quyết nỗi buồn. Đương nhiên đứa trẻ năm tuổi là tôi bị dính đòn.
Thấy trời đổ mưa anh tôi cũng biết đi tìm em. Nhưng khi gặp tình cảnh dở khóc dở cười của tôi, anh đã bưng miệng khúc khích dù sau đấy cũng biết bắt em lột đồ đem đi giặt. Tôi vẫn còn như nhìn thấy anh tôi cầm một cành tre dài lòa xòa những lá, vừa cười, vừa bịt mũi và gột sạch đồ cho em bằng cái dụng cụ ấy. Sáu mươi lăm năm qua rồi, anh em mỗi người một phận số, nhớ lại những chuyện ngày xưa lại thấy cay cay sống mũi.
Qua bao nhiêu thập kỷ với bao nhiêu thay đổi thăng trầm của cuộc đời, cha tôi ra đi cũng đã gần bốn mươi năm, nhưng những kỷ niệm của ngày xưa đến hôm nay vẫn còn tươi nguyên trong ký ức.
Cái ngày trời mưa ấy đánh dấu một cung điệu thổn thức trong nỗi nhớ của tôi. Mặc mỗi chiếc áo cánh nâu, vạt áo trước có hai túi xinh xinh mẹ khâu cho, tôi đứng ở lũy tre đầu làng, nước mắt nước mũi đầm đìa, phần vì lạnh, phần tủi thân, dõi nhìn ra xa, thật xa, hòng nhìn thấy bóng cha. Tôi biết, mẹ vừa ở cữ nên dù xót xa hai đứa con lớn đến đâu cũng chẳng thể bỏ em bé ở nhà để cùng cha đi tìm đón chúng tôi.
Từ phía tỉnh lộ tít tắp trên đê, bóng một người đàn ông, vận một chiếc quần soóc ka ki, đầu đội mũ cát trắng, tay chống batoong, đang rảo những bước đi mạnh mẽ hướng thẳng đến lũy tre làng (hình ảnh này đã đóng đinh vào trong trí nhớ của tôi). Tôi dụi dụi mắt như không thể tin nổi. Cha tôi... cha tôi đấy, cha tôi đã đến... Cứ thế tôi chạy lao vào vòng tay cha, khóc như mưa, khóc như chưa từng được khóc... Một chút mừng rỡ, một chút tủi thân, một chút nũng nịu vì gặp được cha rồi... Cha ôm lấy tôi, miệng cười nhưng giọng lạc đi:
“Lêu lêu xấu chưa, Bá(2) đây rồi mà, còn khóc gì nữa nào…”
Trước khi mẹ sinh em bé, tôi nhỏ nhất nên tuy nhà nghèo, tôi vẫn được cưng chiều lắm. Anh tôi từ một đám chơi khăng chơi đáo nào đó, mãi sau nghe mọi người gọi mới chạy đến bên cha. Do phải chạy Tây, cha tôi lần tìm hỏi mãi mới biết được chỗ ở của gia đình ông ký Đĩnh để đón các con về. Chị gái tôi năm ấy mười bẩy tuổi cũng cùng cha đi đón các em. Một lúc sau chị mới đến nơi, trên đầu đội một cái thúng, chất chân nến, chậu thau, mâm đồng... những thứ dân tản cư chạy loạn vứt lại dọc đường đi cho nhẹ. Tiếc rẻ, cha bảo chị nhặt đem về.
Cha dẫn chúng tôi vào làng cảm ơn bà con, cảm ơn gia đình ông ký Đĩnh đã cưu mang con mình. Tưởng chỉ gửi con sang sông sớm một chuyến đò, ai ngờ cuộc “ly biệt” đã kéo dài hơn thế. Một số người dân địa phương đã từng có con qua sông theo học cha tôi thì hể hả lắm vì đã góp phần giúp được ông giáo ít nhiều. Năm ấy, cha tôi tròn bốn mươi tuổi và có tám đứa con.
Líu ríu bước thấp bước cao, tôi túm chặt tay cha hớn hở vì sắp được trở về nhà. Tôi sẽ được gặp mẹ và được chơi với em bé. Tôi sẽ được rúc vào lòng mẹ, hít hà mùi thơm nồng nàn tình mẫu tử, nơi trú ẩn tuyệt vời êm dịu của tuổi thơ tôi.
Hôm quân Pháp tấn công vào Chợ Nội, nơi cha dạy học, vì mẹ vừa ở cữ nên gia đình lấn bấn. Ra đến bờ sông thì có lệnh đánh đắm đò để cản đường quân Pháp, cha đành dẫn vợ con quay trở lại trú tạm trong một mái đình nhỏ. Suốt đêm hôm ấy, cha không thể chợp mắt, thao thức không rõ số phận hai đứa con nhỏ gửi đi trước như thế nào. Mẹ cũng không ngủ được, khóc suốt vì thương nhớ hai anh em tôi. Chấn động tâm lý khiến sữa mẹ không về, em bé mới sinh bị khát sữa, khóc theo. Mẹ và chị gái phải thay nhau đổ cho em từng muỗng nước đường pha loãng.
Những viên đạn lạc vu vơ trong đêm thi thoảng lại xẹt qua. Nghe cha kể, có một chú lợn xổng chuồng lạc chủ nuôi đã trúng một viên đạn khi chạy ngang qua chỗ gia đình tôi trú ẩn. Ơn trời, nếu không có chú lợn xấu số ấy, chắc chắn gia đình tôi đã hứng trọn viên đạn.
Viên quan hai người Pháp đi tuần tra, gặp mẹ tôi ôm em bé mới sinh, thêm nữa, khi nghe cha tôi trả lời thẩm vấn bằng thứ tiếng Pháp chuẩn mực của một ông giáo được nhà nước bảo hộ đào tạo cẩn thận, đã lệnh đưa cả gia đình tôi về Đáp Cầu, quê nội của tôi. Thời gian đầu, họ quản thúc gia đình tôi tại đền Ông Thượng bên sườn núi Đáp Cầu thoai thoải. Một lô cốt cho đơn vị lính lê dương đồn trú đóng chốt trên đỉnh núi. Họng súng của đồn bao quát suốt một chu vi rộng lớn quanh đấy. Gia đình tôi nằm trong tầm kiểm soát của họ. Một thời gian sau, nhận thấy ông giáo học nói tiếng Tây như người Pháp, có một người vợ xinh đẹp, mấy đứa con nhỏ và một bé sơ sinh, không thể gây nguy hiểm nên họ đã nới lỏng quản thúc và còn cho phép cha mẹ tôi mở một quầy nhỏ bán lặt vặt bia, nước ngọt, thuốc lá... phục vụ lính trên đồn. Chị gái tôi được cha giao trông nom quầy hàng ấy. Trước đấy, các anh lớn con mẹ cả đã tìm cách trốn ra ngoài vùng tự do.
Mẹ xuống tận chân núi Đáp Cầu ngóng hai anh em tôi. Nhìn thấy bóng mẹ bồng em từ rất xa, chúng tôi chạy như bay về phía mẹ. Cha và chị gái đi chậm lại, dường như chuyến đi khứ hồi tìm con trong ngày đã lấy đi quá nhiều sức lực của ông.
Mẹ choàng tay ôm lấy chúng tôi, nước mắt như mưa, mếu máo: “Các con ơi... thế là sống rồi...” Anh trai tôi luồn khỏi vòng tay mẹ, hớn hở chạy vượt lên đền Ông Thượng. Trong cái đầu sẵn những trò tinh quái của một cậu con trai tám tuổi hiếu động, chắc hẳn lại đang nghĩ ra những trò nghịch ngợm ở khung cảnh mới này. Tôi vươn tay đòi bế em. Mẹ cười: “Con chưa bế được em đâu, ngã mất. Đi lên trên nhà đã”. Từ nhỏ, tôi là đứa trẻ mập mạp và hay bị vấp ngã (cho đến tận bây giờ). Tôi nghển cổ thích thú ngắm em, một bé gái xinh xắn có mái tóc tơ mềm nhạt màu và làn da trắng hồng mịn màng đang thiêm thiếp ngủ trên tay mẹ.
Ít ngày sau, người ta cho cha tôi tiếp tục đi dạy học ở Bắc Ninh. Vì đông con và để có thời gian đỡ đần mẹ, ít lâu sau, cha chuyển về làm văn phòng ở Học khu Gia Lâm - Bắc Ninh (hồi đó Gia Lâm thuộc tỉnh Bắc Ninh). Cha không dạy học nữa nhưng từ ngày tôi còn nhỏ, sống ở đâu cũng thấy hàng xóm gọi cha là ông giáo.
Ngày ấy, ở Bắc Ninh có hai ông giáo nổi tiếng là ông giáo Hồ và cha tôi. Những người dân vùng Kinh Bắc xưa thường nhắc đến hai thầy giáo với lòng kính trọng. Một số học sinh của cha, khi trưởng thành đã trốn ra vùng tự do đi bộ đội. Năm 1954, giải phóng thủ đô, các anh về đóng quân trong Thành (Cột Cờ) kéo đến thăm cha tôi đông lắm. Đến bây giờ, tôi chỉ còn nhớ tên hai người trong số các anh: anh Điều và anh Chánh. Một trong hai anh suýt nữa trở thành anh rể tôi. Chị gái tôi năm ấy đã hăm hai tuổi, xinh đẹp, đảm đang nhưng nhút nhát nên việc không thành.
Cuối năm 1949, cha đưa cả nhà về Hà Nội, ở thuê trong căn nhà của ông tham Mẫn cuối phố Bà Triệu, ở đấy mấy chục năm. Bốn đứa em nữa, một gái, ba trai, hai năm một, theo nhau ra đời từ ngôi nhà ấy. Vật đổi sao dời, ngôi biệt thự cổ thay đổi chủ nhiều lần. Bây giờ, mặt tiền của nó được sửa sang thành một cửa hàng lộng lẫy bán sản phẩm của các nhãn hiệu thời trang nổi tiếng thế giới. Nhiều lần tôi đã về lại đây, ngước nhìn biển ghi số nhà 179, dĩ vãng tuổi thơ chầm chậm trở về...
_______________
1. “Con lợn con”
2. Các anh chị lớn của tôi gọi cha là Cậu. Chúng tôi, mấy đứa nhỏ hơn, gọi cha là Bá.