Thủ tướng Ấn Độ chạm đến thượng tầng kiến trúc
Tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, người luôn tự nhận là một “kẻ ngoại đạo” khi không xuất thân trong một vương triều chính trị nào, tiếp tục đánh bóng hình ảnh của mình khi chỉ trích mạnh mẽ những thất bại của tầng lớp lãnh đạo tại New Delhi.
Trong bài phát biểu nhân Ngày Độc lập, ông Modi khẳng định vẻ đẹp của Ấn Độ là khi một người con trai sinh trưởng trong một gia đình nghèo khổ ở một thành phố nghèo có thể vươn lên và được phép vẫy cờ trên Thành Đỏ - biểu tượng của quyền lực tại New Delhi. Ông nhấn mạnh không phải các chính trị gia hay những người cầm quyền xây dựng đất nước, mà đó là công sức của những người công nhân, nông dân, phụ nữ, thanh niên, các nhà khoa học. Nói cách khác, đó là công sức của mọi tầng lớp dân cư trong xã hội.
Bài phát biểu khá ấn tượng của vị chính khách 63 tuổi luôn tự hào vì có một người cha làm công việc bồi bàn tại một nhà ga xe lửa này cũng đề cập tới các vấn đề nhức nhối trong xã hội Ấn Độ đương đại, đó là nạn hiếp dâm, là tình trạng hàng trăm triệu người dân Ấn Độ phải sống chung với khái niệm nhà vệ sinh công cộng - phản ánh tình trạng dân trí thấp kém và đời sống lạc hậu của nhiều vùng miền, điều mà Thủ tướng Modi cho là không thể chấp nhận được trong thế kỷ XXI. Theo ông, nhiều người có thể sẽ chỉ trích ông khi đề cập tới vấn đề nhạy cảm này tại Thành Đỏ, nhưng với tư cách là con của một gia đình nghèo, ông đã chứng kiến sự nghèo đói và giờ đây, trên cương vị nhà lãnh đạo đất nước, ông không cho phép mình thờ ơ.
Theo giới phân tích, với bài phát biểu này có tiếng vang này, tân Thủ tướng Modi đã có cú va chạm trực diện với ban lãnh đạo tiền nhiệm, những người mà ông cho rằng có nghĩa vụ đưa đất nước tiến lên, song dường như đã không hoàn thành nhiệm vụ cao cả này.
Ông Modi là Thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ sinh ra sau khi nước này giành độc lập năm 1947 và phong cách lãnh đạo của ông mang màu sắc đoạn tuyệt với quá khứ. Trong khi các nhà lãnh đạo New Delhi thường sử dụng tiếng Anh trong các diễn văn quan trọng, thì ông Modi không che giấu tư tưởng chủ nghĩa dân tộc khi lựa chọn tiếng Hindi. Trước khi đắc cử, ông từng có gần 13 năm lãnh đạo bang miền Tây Gujarat và chưa từng có văn phòng tại New Delhi. Sau khi lên nắm quyền, chính khách này có nhiều va chạm căng thẳng với giới chức tại thủ đô, những người hoàn toàn xa lạ với phong cách lãnh đạo mà theo họ là cơ bắp của ông. Trước thực tế này, ông Modi tự nhận mình là kẻ ngoại đạo trong giới chóp bu ở thượng tầng kiến trúc xã hội Ấn Độ. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh là một kẻ ngoại đạo có cái nhìn của người bên trong và ông bị sốc trước những gì mình tận mắt chứng kiến. Theo ông, sự trì trệ, ganh đua giữa các sở, ban, ngành trong chính phủ đang kiềm chế sự phát triển của Ấn Độ.
Ông Modi nhậm chức Thủ tướng mới của Ấn Độ trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang bị suy giảm. Nếu như trong công cuộc tự do hóa nền kinh tế từ năm 1991, dưới sự lãnh đạo của đảng Quốc đại, đất nước Ấn Độ đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, thì hai thập niên sau đó, do ảnh hưởng tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính toàn cầu và các yếu tố trong nước, nền kinh tế lớn thứ ba châu Á chững lại trong vài năm trở lại đây và chỉ đạt tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2013; đồng Rupi bị mất giá kỷ lục so đồng USD; tỷ lệ lạm phát tăng vọt lên ngưỡng gần 10%. Nền kinh tế Ấn Độ được dự báo tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn trong năm 2014.
Vì vậy, trên cương vị Thủ tướng, ông Modi đã xác định, thúc đẩy cải cách kinh tế sẽ là chìa khóa để tăng GDP của Ấn Độ. Đây là một nhiệm vụ không dễ dàng, đòi hỏi ông phải có được sự hậu thuẫn của cả bộ máy lãnh đạo, đồng nghĩa với những cải tổ sâu rộng về phong cách, lề thói làm việc, cải cách về tư duy và nhận thức, trước tiên từ chính giới. Điều này cũng đồng nghĩa với chính sách này phải ngoại đạo hóa những nhân vật thủ cựu trên chính trường để họ trở thành những người đồng đạo với ông.