Mỹ mở lại chiếc hộp Pandora ở Iraq?
Sau một thời gian khá dài cân nhắc có nên can thiệp quân sự trực tiếp để giải quyết khủng hoảng Iraq hay không, cuối cùng ngày 8.8, Tổng thống Mỹ đã ra lệnh cho không quân mở chiến dịch oanh kích ngăn chặn bước tiến của lực lượng phiến quân Hồi giáo về thành phố Erbil, thủ phủ vùng tự trị của người Kurd ở miền bắc Iraq. Sự can thiệp trở lại của Mỹ vào Iraq khiến nhiều chuyên gia lo ngại về chiếc hộp Pandora một lần nữa được mở ra.
Mục tiêu của chiến dịch là bảo vệ lợi ích của Mỹ, cứu vớt cộng đồng thiểu số Yazidi và những người theo Thiên chúa giáo đang bị lực lượng nổi dậy thuộc Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (trước là Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông) đe dọa tàn sát. Quyết định của ông Obama buộc phải mở lại trang sử can thiệp quân sự tại Iraq mà chính ông đã muốn khép lại đang gây không ít hoài nghi về hiệu quả của chiến dịch không kích cũng như khả năng quân Mỹ trở lại chiến trường Iraq.
![]() Nguồn: Cagle cartoons |
Tổng thống Obama với cương vị tổng tư lệnh quân đội Mỹ, khẳng định sẽ không để Mỹ bị lôi vào một cuộc chiến tranh mới tại Iraq. Nhưng ngay sau ngày đầu tiến hành liên tiếp ba đợt không kích, không ai có thể nói trước được quy mô và thời hạn của chiến dịch can thiệp quân sự này sẽ như thế nào. Nhất là trong thông điệp hàng tuần đọc tối ngày 8.8, Tổng thống Obama khẳng định chiến dịch quân sự sẽ còn kéo dài chừng nào còn thấy cần thiết tuy ông vẫn quả quyết sẽ không đưa quân tham chiến trên bộ.
Giáo sư sử thuộc đại học Princeton, ông Julian Zelizer nhận định là một khi Mỹ lao vào một chiến dịch như thế này, tình hình tại chỗ sẽ trở nên tồi tệ hơn dẫn đến sức ép ngày càng tăng khiến người Mỹ sẽ phải cuốn theo diễn tiến phức tạp của tình hình và Tổng thống Mỹ không thể giữ lời hứa về một chiến dịch hạn chế.
Trước thảm họa nhân đạo đang diễn ra tại miền bắc Iraq, phe đối lập thuộc đảng Cộng hòa đã khen ngợi quyết định can thiệp quân sự có mục tiêu của Tổng thống Mỹ. Nhưng họ cũng gần như đồng thanh kêu gọi Tổng thống Mỹ phải đi xa hơn nữa.
Hai thượng nghị sỹ có tên tuổi của đảng Cộng hoà là John McCain và Lindsey Graham bày tỏ mong muốn ông Obama không dừng lại ở chiến dịch nhân đạo, một chính sách mà họ cho là “nửa vời”. Nhiều tiếng nói chỉ trích cho rằng việc lực lượng Hồi giáo cực đoan phát triển mạnh mẽ trước sự bất lực của chính phủ Iraq và nay đe dọa vùng tự trị của người Kurd là do chiến lược thoái quân của ông Obama ở Trung Đông.
Phát ngôn viên Nhà trắng khẳng định Tổng thống không nghĩ đưa quân đội vào tham chiến với quân nổi dậy của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo trong các thành phố làng mạc ở Iraq sẽ là có lợi cho an ninh quốc gia của Mỹ. Còn nhớ, sau khi tham chiến hạn chế hay có thể nói là gián tiếp cùng với liên quân Anh và Pháp ở Lybia năm 2011 và hủy bỏ vào phút chót quyết định tấn công các mục tiêu tại Syria cho dù khẳng định chế độ Bachar al Assad đã vượt qua ranh giới đỏ về việc sử dụng vũ khí hóa học, lần này Tổng thống Barack Obama dường như đã bị quá nhiều sức ép, buộc phải động binh.
Tối hôm 7.8 trước khi thông báo chiến dịch quân sự tại Iraq. Tổng thống Mỹ đã cố gắng giải thích: “Tôi biết là nhiều người trong quý vị lo ngại khi nghe nói đến hành động quân sự ở Iraq, cho dù là những cuộc tấn công hạn chế như lần này”. Để thuyết phục dư luận rằng nước Mỹ sẽ không lao vào một cuộc chiến tranh kéo dài, ông Obama chốt lại: “không có giải pháp quân sự của Mỹ cho khủng hoảng tại Iraq”. Nhưng dưới con mắt của các nhà quan sát chính trị tại Mỹ thì tổng thống Obama rất vướng mắc trong quyết định can thiệp quân sự tại Iraq.
Hình ảnh một vị Tổng thống Mỹ vừa lên nhậm chức đã được trao giải Nobel Hòa bình và sau đó đã thành công trong việc rút quân Mỹ ra khỏi vũng lầy chiến tranh ở Iraq và Afghainstan sẽ không còn là lưu lại như một dấu ấn hai nhiệm kỳ lãnh đạo nước Mỹ của ông Barack Obama, nếu như một lần nữa, quân Mỹ lại phải trở lại chiến trường Iraq.