Trả hết (Phần 1)
Truyện của Đàm Huy Đông
1. Mười một giờ, điện thoại reo.
Lan chứ còn ai vào đây. Hôm qua, đang lúc loay hoay với bản vẽ thiết kế phải hoàn thành gấp thì Lan đến. Ào đến. Nhún nhẩy và sáng tươi.
Anh này, tuần sau nghỉ lễ dài dài, mấy ngày liền. Mình đi một chuyến xa xa đi.
Xa xa? Toàn hỏi lại bằng cái giọng giễu cợt trong lúc vẫn chăm chú vào công việc.
Nhé anh. Nàng vòng tay qua vai, ấp cái phần ấm áp đồi núi trung du trong thơ Vũ Cao lên Toàn. Đi Sapa. Mà không Sapa đi rồi. Đi Đà Lạt đi. Từ Nội Bài bay vào Liên Khương có một tiếng bốn lăm phút thôi. Từ Liên Khương vào trung tâm mất khoảng ba mươi phút. Nhanh hơn cả thời gian em từ cơ quan về nhà những hôm tắc đường. Đi. Chưa bao giờ anh cho em đi đâu xa xa một chút đấy.
![]() Minh họa của Thúy Hằng |
Lại ò e í ỏi. Liếc mắt qua màn hình. Anh. Thắng Hà đang gọi.
A lô. Có việc gì mà bác gọi em đấy. Tin mừng. Ủi xong nhà lão Hùng sủi rồi nhé. Oa. Ừ, tiền nong, giấy tờ xong cả rồi. Bái phục đại ca. Thế là hết đúng không. Ừ hết đấy. Ba mươi tháng tư giao nhà, đúng ngày giải phóng. Chú về. Phải uống một bữa cho tưng bừng. Đại hỷ đấy. Vâng vâng. Thế nhé. Anh ơi. Tắt máy.
2. Khói hương nghi ngút. Toàn thể gia đình con cháu, trai, gái, dâu, rể sắp hàng đứng trước bàn thờ. Bác Cả ngoài tám mươi, mắt nhòa lệ, chắp hai tay thành kính, giọng phều phào, thanh âm chơi vơi. Con lạy ông bà, hôm nay, hôm nay, lấy tay lau nước mắt. Sau mấy chục năm trời, cuối cùng chúng con đã chuộc lại được mảnh đất của tổ tiên. Mẹ Toàn lau nước mắt, dì Hậu lau nước mắt. Tuổi già giọt lệ như sương. Bác Cả run run chưa hết câu thì bát nhang bùng lên, cháy rần rật.
Con lạy ông bà. Ông bà về… Mấy người phụ nữ sụt sịt khóc. Lũ con cháu xanh mặt, vái lạy lia lịa.
Rồi thì khai cuộc. Cốc chén chạm nhau. Bác Cả tuổi cao, tay run nhưng vẫn đi từng bàn. Cạch. Cạch. Ông bà thiêng lắm. Cạch. Nhờ ông bà phù hộ. Cạch. Tôi chết nhắm mắt được rồi. Cạch.
Toàn ngồi cạnh anh Thắng. Làm thế nào bác ủi được lão Hùng sủi.
Cũng nhờ phúc ông bà. Mà cũng là trời giúp. Chuyện dài lắm. Uống đi. Ở nhà mấy hôm, anh kể cho chú nghe.
***
Hùng sủi. Hùng là tên, Sủi là biệt hiệu để phân biệt với ba ông Hùng khác là Hùng quý (bố ông Hùng này tên là Vàng), Hùng ỏm (bố ông này tên là Tỏi - ỏm tỏi), Hùng đỏ (bố ông Hùng này tên là Hồng). Nhưng khác với ba ông kia, bố ông Hùng này không tên là Sủi, biệt danh Sủi được đặt tên theo đặc điểm cơ thể, kiểu như Độc Giác Long Trâu Nhuận, Thanh diện thú Dương Chí, Xích Phát Qủy Lưu Đường trên Lương Sơn Bạc. Gọi là Hùng sủi bởi khắp mặt, cổ và gáy ông này toàn những cục với u, trông cứ như cả mâm bánh trôi trong tết Hàn thực, mà ví với nồi cơm đang sôi thì có lẽ đúng hơn bởi vì u cục nó to nhỏ không đều. Ông Hùng sủi có hai đứa con, đứa con gái cao ráo, eo nhỏ, lưng thon, mông nở, chân dài, chon von ngực, mỗi tội cái mặt u cục giống hệt ông. Thằng con trai thì thấp nhỏ, mặt mũi nhẵn nhụi trắng trẻo, mang nghi án là con người khác, nhưng đấy là chuyện về sau.
Nhà ông Hùng sủi là một trong ba nhà được chia đất từ cái khu đất của ông ngoại Toàn. Đúng ra là bố ông Hùng sủi được chia. Ngày trước, ông bà ngoại Toàn bị quy là địa chủ. Vợ chồng lão Bưởng - con nuôi của ông bà ngoại - có công lao đấu tố nhiều nhất được chia nửa phần đất và cái nhà, phần còn lại chia cho bố mẹ ông Hùng sủi, ít công lao hơn, một nửa và nhà mõ Lừng một nửa.
Nửa thế kỷ rồi, những dư âm về thời cải cách đã xa. Xa về không gian và thời gian, nhưng trong ký ức của một gia đình thì chuyện đó vẫn rất gần, như mới vừa hôm qua. Mẹ Toàn vẫn rưng rưng nước mắt khi kể lại ngày ông bị đem ra đấu tố. Mụ Tép, mẹ lão Hùng sủi tố ông ngoại hiếp dâm mụ ở chuồng trâu, còn lão Oạp tố ông định dìm chết nó khi cùng với nó đi lấy bèo nuôi lợn. Lão Bưởng, đứa không cha không mẹ được ông bà nhặt về nuôi thì tố cáo ông bà bóc lột nó từ ngày lọt lòng, bắt nó ăn cám trộn mùn cưa, trời rét bắt nó lội xuống ao bốc bùn, rồi thì ông sai bác Cả nhiều lần đè nó ra lấy dao định cắt chim.
Có cái câu ai đó nói đại loại là: nếu anh cho nó ăn, cho nó uống, vuốt ve và yêu thương nó thì không bao giờ nó cắn lại anh, đó là sự khác nhau giữa chó và người. Câu này đúng trong trường hợp lão Bưởng.
Ông, bà bị tố, bị giam, bị chửi bới lăng nhục, bị vu oan giá họa đủ điều. Cái nhà cùng ba sào vườn ao bị tịch thu. Cái sân gạch Bát Tràng bị dỡ tung, chia cho mỗi gia đình bần cố một ít, mang đi. Sau khi được giáo dục đủ điều, ông bà cùng bốn đứa con được đội cốt cán cho ra ở xó đất đầu làng, mảnh đất vốn của nhà Mõ Lừng để mà sám hối, để mà hướng thiện, để có cơ làm lại cuộc đời.
Uất quá, ông treo cổ tự vẫn. Một đêm cuối tháng tám. Ông chui vào mảnh vườn cũ của mình, treo cổ trên cây thị bố ông trồng cách đấy hai mươi năm. Mảnh vườn, cây thị giờ đã thuộc sở hữu nhà Oạp Tép. Đêm ấy, sau cơn nồng nàn với vợ, lão Oạp ra vườn đi tiểu, nhìn thấy cái xác đu đưa trên cây, lão sợ hết vía hết hồn, rú lên ầm ĩ. Người làng đến, đốt đuốc soi đèn, ông đã chết, phía dưới là chồng gạch Bát Tràng bị đạp đổ. Ngón tay cái của ông có vết cắn, trên mặt đất có mấy vệt máu tươi. Người ta đoán ông đã cắn ngón tay cho máu rơi vào đất. Chắc là trước lúc chết ông đã có một lời nguyền.
Người ta ai chẳng phải sống đến lúc chết? Chết là cái đích của đời người. Vội vội vàng vàng sống cũng có nghĩa vội vội vàng vàng lao về đích. Mỗi người cán đích một kiểu khác nhau. Nhưng về cơ bản chia thành hai loại: một là cố tình đánh đích, loại còn lại là không sẵn sàng đánh đích. Ông cố tình cán đích. Chui đầu vào cái thòng lọng buộc sẵn trên cây thị, quơ chân đạp đổ chồng gạch phía dưới. Thít thít, ặc ặc, giẫy giẫy, đu đưa. Mắt trợn ngược. Thõng thượt. Thôi. Tạch. Có ngay hai em quỷ cái xinh tươi xốc nách dẫn đi. Vừa đi vừa bảo, hồn ơi, mày chuẩn bị “giầu vỏ” chưa, tí nữa xuống tới nơi còn chào các bác, các anh mấy cửa.
Chết là xong đời ông, nhưng bà vợ và bốn đứa con ông thì lên bờ xuống ruộng. Con mất cha, vợ mất chồng. Đâu chỉ thế. Họ còn hành. Tại sao lại dám chết? Tại sao lại tự tử? Có kẻ nào xúi bẩy? Định chống phá phải không? Tại sao? Tại sao? Tại sao chưa có kẻng mà đã đòi đi chết? Ai cho chúng mày cái quyền được chết? Không thấy cuộc đời mới tươi đẹp ư. Rõ ràng là tiếc nuối quá khứ phong kiến thối nát. Tội lỗi ấy, chúng mày phải chịu. Còn đứa nào muốn chết nữa không? Khổ lắm. Nhưng đêm dài mấy thì rồi cũng qua, mấy mẹ con lầm lũi, chắt chiu, bòn mưa nhặt nắng, bấu víu, leo trèo, đánh đu cùng năm tháng. Thành người.
Mấy chục năm trôi. Người ta bảo giời có mắt. Người ta bảo oan oan tương báo, ngoa ngữ nó vận vào thân, trứng rồng thì nở ra rồng, liu điu lại nở ra dòng liu điu. Mẹ góa con côi nhưng cả bốn người con của ông bà ngoại Toàn đều trưởng thành, bác Cả theo nghề thợ mộc, tài hoa nổi tiếng khắp vùng, chữ Nho bác viết đẹp như tranh. Câu đối trên xà nhà, dòng chữ trên nóc cứ phải là chữ bác. Bác Cả có thể không bằng ông Đậu Yên Sơn ở bên Tàu vì bác chỉ có ba con trai Thắng, Thành, Thanh. Nhưng có lẽ bác cũng chẳng xấu hổ khi người ta ví bác là Đậu Yên Sơn của làng khi cả ba người đều học hành giỏi giang, thành đạt. Thành với Thanh giữ những chức vị quan trọng trong các công ty lớn của nước ngoài, lương cao ngất. Anh Thắng học xong đại học Nông nghiệp, đi làm nhà nước một thời gian thì xin nghỉ. Anh về làm trang trại, nuôi lợn, sản xuất thức ăn gia súc, kiếm cả đống tiền. Việc làng việc nước, sửa đình xây chùa, làm sân vận động, tổ chức hội hè, làm đường làm ngõ, hễ cứ hô một tiếng là mấy anh lại ủng hộ, công đức ầm ầm, bao giờ cũng đứng đầu danh sách bia đá bảng vàng. Vì thế người ta nể lắm.
3. Làng Cẩm Thượng của Toàn vốn nổi tiếng từ xưa về con gái đẹp. Triều Lê, triều Mạc hay triều nào đó, chẳng ai nhớ rõ, mỗi người nói một phách, ai cũng cho là mình có lý, có cô thôn nữ được tuyển vào cung làm phi. Phàm con gái đàn bà xưa nay hết đời hoa là qua đời rác. Thế nhưng, bà phi ấy được ân sủng của triều đình. Lúc nhụy rữa hương tàn, được vua ban cho trở về làng cũ thỏa lòng ước nguyện. Hàng tổng cấp ngay một khu đất cao đầu làng dựng nhà ở. Chết, chôn luôn tại đấy. Miếu thờ cũng xây ở đấy luôn. Người làng đời sau quen gọi khu đất ấy là Dinh Bà Chúa hoặc gọi vắn tắt là Nền Dinh, Miếu Dinh. Nhà ông ngoại của Toàn ngày trước, dựa lưng vào nền Dinh, nhìn sang Giếng làng, phía bên trái quanh co đường gạch vỉa nghiêng đỏ sậm, phía phải là doi đất hình cái bút thuôn dài, ghếch đầu lên Gò Nghiên. Thế đất khá hợp phong thủy, duy chỉ có điều gần khu đền miếu với lại trước nhà, cạnh cái giếng làng có một cái ao nữa. Thành ra phạm phải “Khốc trì”, sách phong thủy nói trong nhà sẽ có chuyện thương tâm, bệnh tật.
Nhà Mõ Lừng được chia khoảnh đất gần một sào. Vợ chồng Mõ Lừng có hai đứa con. Một trai, một gái. Vợ Mõ Lừng chết sớm. Con gái lấy chồng tít miền ngược. Con trai dắt díu vợ con vào khu kinh tế mới trồng hồ tiêu, cà phê. Về già, Mõ Lừng ở một mình, kiếm sống bằng nghề đánh củi thuê, bắt cóc làm ruốc. Mõ Lừng chết vì một lần ăn cóc. Lão chết rục xó nhà. Mắt trợn ngược, người co quắp. Không ai biết, chẳng ai hay. Bốn, năm ngày, cái xác đã thối rình mới có người phát hiện. Anh con trai về lúc bố đã nằm trong đất, dắt díu vợ con quỳ xuống bên mộ. Cô con gái cũng về. Gào. Bố bỏ chúng con đi vội thế. Con chưa kịp báo hiếu bố, bố ơi. Bố chết thảm quá, bố ơi.
Anh con trai quát: Câm mồm, thảm gì, bảy lăm bảy sáu tuổi rồi. Sống thế là thừa rồi.
Nhưng bố chết thảm quá.
Thảm cái cục cứt, Chết thế nào mà chả là chết. Anh con trai lại quát.
Đất này độc lắm. Không ở được. Vốn dĩ ngày xưa là của cụ nhà. Nhưng nhà cháu được chia. Bố, mẹ cháu cũng không có lỗi gì với cụ. Cháu cũng biết lúc còn sống, bố cháu nhờ ông bà với các bác bên nhà nhiều, nhờ ông bà với bác Thắng, bố cháu giờ mới có mồ yên mả đẹp. Ơn ấy cháu không dám quên. Anh em cháu không quay lại làng này nữa đâu. Dù Mõ hay gì cũng là bố mình. Bố cháu sinh thời cũng chưa làm gì xấu. Nhưng đi cho khuất mắt. Tiền đất, tiền nhà ông bà với các bác cho bao nhiêu cháu xin bấy nhiêu.
Cuộc mua bán diễn ra chóng vánh. Dĩ nhiên, anh Thắng cũng chẳng để người ta thiệt. Một phần ba đất cũ đã được thu về. Cái nhà tranh mái lá xiêu vẹo của vị Mõ cuối cùng ở làng bị du đổ. Mùa xuân năm sau, nơi ấy đã thành một vườn bưởi Diễn xanh mởn, lác đác báo những chùm hoa trắng muốt, thơm mùi quê kiểng.
4. Vui. Anh em, con cháu, bè bạn chúc tụng, quây quần, chén lên chén xuống. Người uống, kẻ ăn, ăn no uống say rồi thì hát. Karaoke đủ các thể loại xanh đỏ tím vàng, dân ca ba miền bốn tỉnh. Ầm ĩ, ồn ào.
Nó đi vào. Lùi lũi. Tóc dài và râu ria xồm xoàm, bết bê, vàng khẹt. Hai mắt đỏ quạch. Quần áo rách bươm, bẩn thỉu. Chim cò thì lòi cả ra ngoài, ngóc tớn lên, kiêu hãnh trong khi quần vẫn có dây lưng nghiêm ngắn. Ba cái răng cửa hàm trên vắng mặt. Mấy cái răng còn lại thì to quá khổ, vênh váo, ngược xuôi, bẩn bựa trông gớm chết. Lại thêm một vệt chó vá đen xì ngay trên má trái. Nước da thì đen bóng như tre đực gác bếp ngấm khói, ủ bồ hóng lâu ngày.
- Thằng điên, thằng điên. Mấy đứa nhóc con thành phố về quê, đang chí chóe ngoài ngõ, phát hiện ra cái sinh vật ấy đang lùi lũi tiến vào thì tung hê mọi thứ, chạy rẽ đất, hét om sòm, mặt cắt không ra hạt máu.
- Gì thế mấy đứa?
- Thằng điên. Kinh lắm.
- Hà ơi. Hà. Thắng gọi vợ. Giọng cũng đã có phần nhừa nhựa. Anh gọi vợ ngay tắp lự, không cần hỏi lại một câu, anh đã hiểu chuyện gì và có ngay cách xử lý, cứ như đã có kế hoạch sẵn, chỉ đợi sự việc xảy ra là giở cẩm nang ra mà thực hiện.
- Gì đấy sếp ơi. Hà đang ngồi với đám phụ nữ hát karaoke hỏi giọng trêu đùa.
- Xem có cái gì mang cho thằng Tưởng, bảo nó đi chỗ khác mà ăn.
- Rồi, có rồi. Anh không phải lo.
- Thằng Tưởng nó đến năm mươi chưa?
- Làm gì?
- Sao lại làm gì, tràn rồi.
- Thằng này thâm niên điên dễ đến hơn ba chục năm rồi ấy chứ.
- Cũng tài, nó ăn bờ ngủ bụi, phơi nắng phơi gió mà chẳng ốm đau bệnh tật gì.
- Ừ mà chẳng thấy già đi mấy.
- Thằng này là thằng thứ mấy?
- Thằng út. Hai thằng anh nó tạnh lâu rồi.
- Cả lò điên. Cứ bảo không duy tâm. Trời có mắt đấy. Quân ăn cháo đái bát.
***
Thằng Tưởng là con trai út của lão Bưởng. Lão Bưởng bán nhân tính cho quỷ, tố bố mẹ nuôi xong thì được chia cái nhà với một nửa phần đất. Vợ chồng lão có bốn đứa con. Thằng Tưởng út ít có con chị áp trên và hai thằng anh.
Chết kiểu lão Bưởng giở từ điển hoạt kê của bọn trẻ nghịch ngợm ra tra ta được từ: phân tử. Nghĩa là đang lúc thải phân thì chết, chết ngập trong phân. Lão Bưởng bị sét đánh chết. Một đêm tháng sáu, của cái năm cũng xa xa rồi, đêm ấy, Bưởng bị Tào Tháo đuổi, té re bét tè lè nhè. Nguyên do là lúc chiều lão xơi quá đà cái món ngóe nấu măng. Mưa gió, sấm chớp ùng oàng, nhưng Tào rượt mạnh quá, ngựa hý, quân reo sùng sục trong bụng. Lão không thể đừng được. Cấm có anh nào đừng được lúc ấy. Anh nào cũng nhanh nhanh chóng chóng mà phi, nếu không muốn lập tức sang tên đổi họ thành Quẫn Ra Bình. Sáu lần đi nhanh về chậm, lão mệt lử người. Lần thứ bảy, “thất cầm thất túng” lão đi không vững, mặt lão tái mét, người run bần bật, ruột đau như bào, cái đèn pin Trung Quốc vỏ sắt, có nắp dập nổi hình đầu hổ hắt ra thứ ánh sáng đỏ đỏ, yếu ớt, run rẩy, lảo đảo chui vào cầu tiêu. Cái cầu tiêu bẩn thỉu, chênh vênh, nhung nhúc giòi bọ, thối hoắc, nhưng bây giờ là thiên đường của lão, là điểm đến hạnh phúc, là tình yêu vẫy gọi. Ra được cái thiên đường ấy, lão tụt vội quần, thụp xuống. Và đúng lúc lão tóe ra phèn phẹt thì đánh xoẹt một cái. Lão làm gì có cơ hội nghe được tiếng sét lở trời long đất. Lão ngã lộn vào thùng phân. Đen nhẻm. Tóc tai dựng đứng, khét mù. Mái lá mía và hai bức vách đất nát bét của cái chuồng tiêu bay mỗi thứ một nơi không lời ước hẹn ngày tái ngộ. Mưa như trút. Vợ con lão Bưởng chẳng biết là sợ mưa sợ sấm hay là ngủ chẳng biết gì, cố thủ trong nhà. Xác lão Bưởng ngâm phân đến tận bảnh mắt ngày hôm sau. Người ta còn bảo, lão bị sét đánh rụng chim. Cũng có thể, bởi người cháy đen sì như con chó thui thì cái của ấy cũng có thể rụng hoặc cháy sạch dấu vết là chuyện thường.
Lão Bưởng chết được một quãng thì thằng con trai út, niềm hy vọng cuối cùng của lão ở chốn dương gian cũng hóa điên nốt. Đủ bộ tam điên Tướng - Sĩ - Tượng. Lạ. Cả ba thằng đứa nào cũng lực lưỡng cao to. Lúc mới đẻ đứa nào cũng khôn lanh nhanh nhẹn. Thế mà điên cả lượt. Hai thằng lớn chỉ hơn chục tuổi là bắt đầu ngây ngây dại dại, nói năng lảm nhảm, xé quần, xé áo, đi lang thang. Thằng Tưởng ngót hai mươi, IC vẫn khô ráo, tỉnh táo, tưởng trời cho qua kiếp nạn để nối tuần hương hỏa. Nào ngờ.
(Số sau đăng hết)