Viễn giao cận công

Huỳnh Vũ 27/07/2014 08:47

Song hành với chiến lược ngoại giao nước lớn và đặt nước nhỏ trong vòng kiềm chế, Bắc Kinh đang triển khai sách lược viễn giao cận công trong chính sách đối ngoại, nhằm phục vụ tham vọng Giấc mộng Trung Hoa. Sách lược này thể hiện qua thái độ trịnh thượng, hiếu chiến với các nước láng giềng và một gương mặt tươi cười, thân thiện với các đối tác ở Mỹ Latin.

“Viễn giao” khi trong chưa đầy hai năm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Mỹ Latin tới hai lần, một điều khá hiếm hoi trong quan hệ quốc tế. Các chặng dừng chân của nhà lãnh đạo này cũng rất đáng lưu ý. Trong chuyến thăm lần đầu hồi năm ngoái, Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến CH Trinidad và Tobago, quốc gia lớn ở vùng Caribe. Tiếp đến là Costa Rica, quốc gia duy nhất ở khu vực Trung Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Chặng dừng chân thứ ba là Mexico, một quốc gia rộng lớn ở khu vực Mỹ Latin và tiếp giáp với Mỹ. Tới Mỹ Latin năm nay, nhà lãnh đạo Bắc Kinh chọn Argentina, Brazil, Venezuela, đều là những đại gia trong khu vực, cùng với Cuba làm điểm dừng chân trong chuyến công du của mình.

Nguồn: Cagle Cartoon
Nguồn: Cagle Cartoon
Nếu như trọng tâm chuyến thăm lần trước của Chủ tịch Tập Cận Bình là các nước vùng Caribe, thì chuyến thăm lần này lại chú trọng xây dựng quan hệ hữu nghị với các quốc gia Nam Mỹ. Về hướng hợp tác cụ thể, các chuyên gia cho rằng, trước mắt các lĩnh vực ưu tiên vẫn là phát triển cơ sở hạ tầng, khai thác dầu mỏ, khí đá phiến, nông nghiệp… Nói ngắn gọn là thúc đẩy hợp tác vì lợi ích kinh tế của mỗi nước.

Trước khi hướng tới các đối tác ở Mỹ Latin, sách lược viễn giao của  Trung Quốc còn thể hiện qua các chuyển động ngoại giao hướng các đại gia châu Âu là Nga, Anh và Đức. Đầu tháng 7, Thủ tướng Đức Angela Merkel có chuyến công du thứ bảy tới Trung Quốc, nhằm làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác thương mại và đầu tư giữa hai cường quốc xuất khẩu hàng đầu của châu Âu và châu Á. Kim ngạch song phương hàng năm lên đến hơn 200 tỷ USD, chiếm 1/3 tổng kim ngạch của Liên minh châu Âu (EU) với Trung Quốc. Nửa tháng trước đó, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc đã tới châu Âu với điểm đến quan trọng là nước Anh. Theo học giả quan hệ quốc tế Uông Tân Sinh của Trung Quốc, Bắc Kinh đang đi về hướng Tây, mở ra tuyến đường ngoại giao và kinh tế mới, đột phá vòng vây của Mỹ. Việc Trung Quốc tăng cường quan hệ với các nước châu Âu, thúc đẩy xây dựng “con đường tơ lụa mới” với các nước Âu - Á cho thấy rõ tư duy này.

Trong khi đó, ở vế còn lại của sách lược này là cận công, Bắc Kinh đã tỏ rõ thái độ ngạo mạn, bá quyền trong quan hệ với các nước láng giềng ở Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Trước tiên là Nhật Bản, Trung Quốc cho rằng mình cần hành xử như một đại cường và hệ quả là Bắc Kinh đòi Tokyo phải đứng thấp hơn trong quan hệ song phương, cũng như trong địa chính trị khu vực. Việc lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) trên biển Hoa Đông nhằm tạo sức ép liên tục và cảm giác cô lập cho Nhật Bản. Thậm chí, tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn khi họp báo với người đồng nhiệm Mỹ Chuck Hagel đã kêu gọi Mỹ phải giữ Nhật Bản “trong vòng kiềm chế, không dễ dãi và ủng hộ”.

Tương tự, trong quan hệ với Triều Tiên, chính quyền Tập Cận Bình muốn nói với Bình Nhưỡng rằng quan hệ đặc biệt trong quá khứ không còn và được thay bằng quan hệ bình thường giữa nhà nước với nhau.

Với các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), chính quyền Tập Cận Bình thể hiện sự hung hăng ở Biển Đông, với quyết tâm giành ưu thế tại khu vực có tuyến hàng hải quốc tế quan trọng này. Đặc biệt, vụ Bắc Kinh hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 trong Vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, với hàng trăm tàu bè hộ tống, thách thức, khiêu khích các tàu thừa hành công vụ của Việt Nam là một bằng chứng hùng hồn về tham vọng bá quyền của Trung Quốc tại các vùng biển. Bắc Kinh còn nói Philippines là giả vờ làm nạn nhân khi nộp đơn kiện Trung Quốc về tranh chấp biển đảo.

Rõ ràng trong nỗ lực hiện thực hóa Giấc mộng Trung Hoa của mình, Bắc Kinh đang mở một mặt trận ngoại giao mới theo kiểu kích Tây dẹp Đông và hướng tới các đối tác tại khu vực Trung, Nam Mỹ từng được coi là sân sau của Mỹ. Đi sâu phân tích các đường hướng ngoại giao này, giới phân tích nhận định, Washington là đối tượng chính mà Bắc Kinh muốn hướng tới, cũng là đối thủ lớn số một của Trung Quốc. Châu Âu giúp Bắc Kinh triển khai trận tuyến hợp tác giữa đại lục Âu - Á, hóa giải xu thế lấn át của Mỹ trong vấn đề của khu vực Âu  - Á. Sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama đề ra chiến lược xoay trục sang châu Á, vòng vây đối với Trung Quốc ngày càng siết chặt. Việc Mỹ công khai phản đối cách hành xử ngang ngược của Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh hải, lãnh thổ tại Biển Đông và Hoa Đông, hay việc thúc đẩy Hiệp định Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã khiến Bắc Kinh cảm thấy bất an. Trong khi đó, với Mỹ Latin, Trung Quốc đưa ra thông điệp sẽ tìm kiếm lợi ích lớn hơn ở Tây Bán cầu, lấn sân Mỹ tại đây. Với các láng giềng gần, thái độ trịnh thượng, bề trên của Trung Quốc là đòn giáng trả trước việc Mỹ không ngừng hậu thuẫn Nhật Bản, Phillipines và Việt Nam trong các vấn đề liên quan tới lãnh hải.

Cần phải có thời gian để đánh giá chính xác hiệu quả của những sách lược ngoại giao này. Tuy nhiên, trên hành trình trở thành một cường quốc thực sự, Trung Quốc có lẽ không nên ảo tưởng rằng có thể áp đặt ý chí chủ quan lên khách quan mà tất cả các mối quan hệ trong thế giới toàn cầu hóa này đều vận hành trên nền tảng hài hòa lợi ích của các bên. Ý thức sâu sắc điều này Bắc Kinh mới có thể tránh được thế cô lập trên trường quốc tế như thời gian vừa qua, sau khi hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển của Việt Nam.

Huỳnh Vũ