Đại biểu của dân - bạn của dân - công bộc của dân hay, hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước của dân, do dân, vì dân
Nghề làm báo, ít khi có thể thẳng thắn mà không e ngại ràng buộc; Ít khi được nghe nói cho đúng, cho hay mà không sợ quá đà. Người được hỏi hay e ngại, rào trước chắn sau – một chút e ngại cấp trên, một chút e ngại cấp ủy, e ngại dư luận... Thế mà, các phóng viên ĐBND đã có được sự thẳng thắn nhiệt thành, có cả cái nhìn bản chất nữa mà không phải ở nơi đô hội. Cái có được nằm ở Đắk Nông nơi mọi người ít tới. PHÓ CHỦ TỊCH HĐND TỈNH ĐẮK NÔNG TRƯƠNG VĂN HIỂN đã đối mặt với cái khó và đôi khi chủ động hỏi lại người hỏi. Hỏi lại để xác định một chân lý thôi: Có không một hệ thống cơ quan quyền lực nhà nước? Bỏ HĐND à, bố láo!
Đắk Nông sáng tạo từ tầm nhìn của Nghị quyết Trung ương 4
- Thưa Phó chủ tịch, được biết vừa qua, Đắk Nông lần đầu tiên tổ chức Hội nghị có tính chất đánh giá, kiểm điểm về công tác HĐND của địa phương từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Đây có lẽ là hoạt động không có trong chương trình công tác của HĐND và cũng không phải là bắt buộc vì chưa được quy định tại văn bản pháp luật nào. Xin Phó chủ tịch có thể cho biết, vì đâu mà Đắk Nông có sáng kiến tổ chức Hội nghị này?

- Đắk Nông lần đầu tiên tiến hành hình thức này xuất phát từ thực tế quá trình hoạt động của HĐND tỉnh. Tính từ đầu nhiệm kỳ đến tháng 4 vừa qua, HĐND tỉnh đã hoạt động được gần 3 năm. Trong quá trình ấy, Thường trực HĐND tỉnh nhận thấy, đầu nhiệm kỳ, dẫu rằng có đại biểu lần đầu trúng cử, có đại biểu tái cử, nhưng hoạt động khá đều tay, sôi nổi, bắt nhịp nhanh với hoạt động của cơ quan dân cử. Các đại biểu HĐND tỉnh thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn. Nhưng đến giữa nhiệm kỳ thì hình như một số đại biểu không còn duy trì được phong độ. Một số đại biểu tham gia không đầy đủ các phiên họp của HĐND. Nhiều đại biểu không tham gia phát biểu ý kiến tại các phiên thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường các Kỳ họp HĐND. Hoạt động chất vấn của đại biểu tại Kỳ họp ngày càng trầm lắng, có rất ít đại biểu thực hiện quyền chất vấn tại các kỳ họp và chất vấn giữa hai kỳ họp theo quy định. Số lượng đại biểu tham gia các đợt tiếp xúc cử tri thời gian gần đây vắng khá nhiều, có xu hướng giảm rõ rệt... Trong quá trình hoạt động, thực tế Thường trực HĐND cũng không nhắc nhiều mà thể hiện thông qua các bảng biểu cụ thể theo dõi, đánh dấu các hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh. Ví dụ như Biểu danh sách đại biểu HĐND tỉnh tham gia các kỳ họp HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016; Biểu danh sách đại biểu tham gia tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016; Biểu danh sách đại biểu HĐND tỉnh tham gia chất vấn tại các kỳ họp HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016; Biểu theo dõi hoạt động của từng đại biểu là thành viên các Ban của HĐND tỉnh... Kết quả cho thấy, có những đại biểu từ đầu nhiệm kỳ đến nay chưa tham gia cuộc giám sát hay họp thẩm tra nào...
Trước tình hình như vậy, Thường trực HĐND tỉnh nhận thấy cần có động thái nào đó để chấn chỉnh, xốc lại đội hình, chủ yếu tập trung vào nội bộ việc thực hiện nhiệm vụ của HĐND, đại biểu HĐND tỉnh. Sau khi họp và thảo luận, Thường trực HĐND tỉnh nhất trí chọn hình thức là tổ chức Hội nghị mang tính chất trao đổi kinh nghiệm, đánh giá tình hình hoạt động của đại biểu HĐND tỉnh từ đầu nhiệm kỳ đến nay (chứ không phải Hội nghị sơ kết) do Đảng đoàn HĐND triệu tập và có mời thêm Thường trực HĐND các huyện và xã dự. Tại Hội nghị, chúng tôi đã đánh giá, kiểm điểm lại toàn bộ các công việc của đại biểu HĐND tỉnh trong từng lĩnh vực, từ tiếp xúc cử tri, thảo luận ở tổ, ở hội trường, chất vấn tại kỳ họp đến tinh thần, trách nhiệm của từng đại biểu. Các tồn tại, hạn chế được đưa ra mổ xẻ, thảo luận rất sôi nổi. Có đại biểu nói bận công tác chuyên môn nên không thể tham gia đủ hoạt động của HĐND. Chúng tôi trao đổi lại rằng vậy tại sao Chủ tịch tỉnh và nhiều Chủ tịch huyện đều tham gia đầy đủ các buổi tiếp xúc cử tri, thảo luận tại tổ, tại hội trường cũng như các cuộc giám sát... Nếu các đại biểu này tham gia đầy đủ các hoạt động của HĐND có nghĩa không ai có thể có lý do bận hơn được, nhất là những đại biểu làm việc ở các cơ quan đoàn thể hoặc cơ quan chuyên môn khác. Chúng tôi trao đổi nhiều về tinh thần trách nhiệm của đại biểu HĐND cũng như về nghiệp vụ, cách lựa chọn chuyên đề giám sát ra sao, làm thế nào để đeo bám đến cùng các chuyên đề giám sát; đồng thời kiểm điểm lại việc thực hiện các Nghị quyết của HĐND, những nghị quyết nào đã vào cuộc sống, những nghị quyết nào chưa và tại sao lại chưa vào được cuộc sống...
- Tiến hành một hoạt động không bắt buộc và chưa được quy định trong Luật với mục đích chấn chỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND, đại biểu HĐND – đây nên được nhìn nhận là sáng tạo, tìm tòi của Đắk Nông…, thưa Phó chủ tịch?
- Thực ra trước khi tiến hành Hội nghị, chúng tôi cũng rất băn khoăn. Vì ý kiến này thì bảo Thường trực HĐND không có quyền triệu tập một kỳ họp như vậy, song ý kiến khác lại cho rằng, nếu triệu tập dưới danh nghĩa Ban cán sự Đảng đoàn HĐND tỉnh là phù hợp, đúng luật. Cuối cùng chúng tôi quyết định không gọi là triệu tập một Kỳ họp (bất thường) của HĐND mà chỉ là tiến hành một Hội nghị có tính chất nội bộ do Đảng đoàn HĐND tổ chức. Như vậy sẽ không vướng về luật và thuận lợi là đa số đại biểu HĐND là đảng viên. Riêng với đại biểu ngoài Đảng, chúng tôi gửi giấy mời và những đại biểu này có thể tham dự hoặc không. Thực tế, HĐND tỉnh Đắk Nông nhiệm kỳ 2011-2016 có 2 đại biểu ngoài đảng: một luật sư và một đại diện của doanh nghiệp trên địa bàn. Hình thức như vậy chưa biết là hay hay dở, nhưng sau Hội nghị, chúng tôi nhận thấy công việc của HĐND, đại biểu HĐND tỉnh có chuyển biến hơn, đại biểu tham dự các cuộc giám sát, tiếp xúc cử tri, các phiên thảo luận ở tổ, hội trường Kỳ họp HĐND, hoạt động của các Ban HĐND... đầy đủ và có trách nhiệm hơn. Đại biểu HĐND cũng ý thức rõ hơn những trách nhiệm đối với cử tri, những người đã bầu ra mình.
Từ những chuyển biến tích cực như vậy, chúng tôi yêu cầu, các huyện, xã cũng tiến hành đánh giá, kiểm điểm lại các hoạt động của HĐND, của từng đại biểu HĐND huyện, xã và hoạt động của từng Ban HĐND huyện như thế nào.
Tham dự Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy của chúng tôi đánh giá cao hoạt động này của Đảng đoàn HĐND và cho rằng đây là hoạt động thiết thực nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay. Không ai yêu cầu và luật cũng chưa quy định về kiểm điểm hoạt động HĐND giữa nhiệm kỳ, nhưng tự HĐND thấy rằng cần phải kiểm điểm, đánh giá hoạt động của mình để xem HĐND, từng đại biểu HĐND, kể cả Thường trực HĐND, các Ban của HĐND đã thực hiện chức năng, nhiệm vụ trong từng lĩnh vực như thế nào; công tác phối hợp giữa các lĩnh vực, lựa chọn vấn đề để thảo luận, giám sát... ra sao. Và nếu có kiểm điểm hoạt động, rút kinh nghiệm thì thường tiến hành vào cuối mỗi nhiệm kỳ... Thực tế, với hình thức sinh hoạt mang tính chất nội bộ của HĐND như vậy, chúng tôi nói với nhau được nhiều hơn, thẳng thắn hơn. Hơn nữa, cũng đã qua nửa nhiệm kỳ 2011-2016 rồi, chúng tôi đã có cơ sở dữ liệu để đánh giá xem HĐND, đại biểu HĐND, các Ban của HĐND tỉnh hoạt động như thế nào.
Thực tế, với Đắk Nông, chúng tôi đặt vấn đề này ra có lẽ cũng khá mạnh. Bởi lẽ, về nguyên tắc, Thường trực HĐND không phải là cấp trên của HĐND, các Ban HĐND. Thường trực HĐND là người chủ trì, điều hành các phiên họp, Kỳ họp HĐND. Vậy nên không thể lấy lý do gì mà triệu tập các đại biểu HĐND để chỉ đạo, kiểm điểm. Nhưng nếu bám vào cương vị Đảng đoàn HĐND để tổ chức một Hội nghị với tính chất như một cuộc sinh hoạt chuyên đề của đảng viên là đại biểu HĐND sau khi xin ý kiến của Tỉnh ủy. Chứ còn nếu dở lý là thì phức tạp. Nhưng rõ ràng hiệu quả là thực và được các đại biểu HĐND chấp nhận, đồng tình.
Trước khi là đại biểu của dân, phải là bạn của dân
- Cụ thể hiệu quả và chuyển biến trong hoạt động của HĐND, đại biểu HĐND tỉnh Đắk Nông thể hiện cụ thể ở những lĩnh vực nào, thưa Phó chủ tịch?
- Sau Hội nghị, qua theo dõi, chúng tôi thấy chuyển biến ở tất cả các lĩnh vực, hoạt động. Đại biểu HĐND tham gia đầy đủ các hoạt động tiếp xúc cử tri trước và sau Kỳ họp, ghi chép, lắng nghe ý kiến của cử tri, phát hiện và chắt lọc ra nhiều vấn đề cần điều chỉnh từ thực tế của cuộc sống để tổng hợp, chuyển HĐND trả lời, giải quyết tại Kỳ họp. Đại biểu HĐND là thành viên Ban Kinh tế, Ban Văn hóa – Xã hội, Ban Pháp chế tham gia đầy đủ các cuộc giám sát của Ban với tinh thần trách nhiệm, tự giác, chứ không phải áp đặt...
Rõ ràng, những trao đổi tại Hội nghị, nhất là góp ý của Bí thư Tỉnh ủy với các đại biểu HĐND đã được các đại biểu tiếp nhận và thể hiện thành các hành động, hoạt động cụ thể. Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy chúng tôi đề nghị đại biểu HĐND thực hiện chế độ ưu tiên, nghĩa là trong tất cả các giấy mời gửi tới đại biểu, nhất là đại biểu kiêm nhiệm, thì công việc của HĐND phải được ưu tiên. Đã là đại biểu HĐND thì phải tiếp xúc cử tri, phải tham dự đầy đủ các phiên họp, hoạt động của HĐND. Tham gia tiếp xúc cử tri, dự các Kỳ họp, phiên họp, các cuộc giám sát của HĐND, các Ban của HĐND không phải cho cá nhân đại biểu A, đại biểu B mà là đại diện cho cử tri đã bầu ra mình.
Bí thư Tỉnh ủy nói rất hay là bây giờ cơ chế của chúng ta phải làm sao để HĐND tỉnh giám sát hoạt động của UBND tỉnh một cách đúng nghĩa, nếu không UBND sẽ đi trong tình trạng không có ai đánh giá, giám sát. Hay đại biểu HĐND không chỉ dừng ở ghi nhận, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của cử tri, mà phải biết được bức xúc của cử tri để đề xuất, kiến nghị với chính quyền và các cơ quan có trách nhiệm. Hay nói cách khác trước khi là đại biểu dân cử thì đại biểu phải là bạn của dân, của cử tri, sau đó làm đại biểu cho họ. Để nắm bắt được tâm tư, bức xúc của cử tri thì không nhất thiết chỉ có tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp HĐND. Hình thức tiếp xúc không nhất thiết lúc nào cũng phải có đầy đủ bàn ghế, khẩu hiệu hay ngồi tại Hội nghị tiếp xúc mà qua các đám giỗ, đám hỏi, hay công việc ở làng xã..., đại biểu có thể tiếp xúc, có thể nghe ý kiến của cử tri. Đại biểu có thể tiếp xúc với cử tri ở mọi nơi, mọi lúc và chắt lọc lại ý kiến của cử tri phản ánh. HĐND phải là cơ quan quyền lực nhà nước thực quyền ở địa phương, quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương.
Qua những trao đổi mang tính chất gợi mở gắn với kiểm điểm tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 tại Hội nghị như vậy, chúng tôi thấy đại biểu trách nhiệm với cử tri hơn, thực hiện nhiệm vụ một cách tự giác, chứ không phải một cách hành chính như trước.
- Từ thực tế hoạt động HĐND ở Đắk Nông, có khó khăn, vướng mắc nào về luật cần tháo gỡ hay không, thưa Phó chủ tịch?
- Luật hiện hành quy định HĐND cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã có vị trí độc lập với nhau, mỗi cấp có cơ chế hoạt động riêng. Nhưng thực tế trong quá trình hoạt động thấy rất nhiều những cái vướng mà HĐND cấp huyện hỏi HĐND tỉnh để xin ý kiến chỉ đạo. Chúng tôi hiểu đây là hướng dẫn về mặt nghiệp vụ thôi, hay nói cách khác là HĐND tỉnh bằng hiểu biết, kinh nghiệm của mình có thể chia sẻ, trao đổi với HĐND cấp huyện trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, còn HĐND huyện nghe hay không thì tùy, chứ không phải là bắt buộc mang tính chất chỉ đạo. Cơ chế này khác với bên UBND, tất cả các ý kiến, yêu cầu phải thể hiện thành công văn, trả lời bằng văn bản. Đây là ngành dọc trao đổi với nhau. Khi chúng tôi xuống cơ sở thì phải dựa vào HĐND huyện, còn HĐND huyện có khó khăn thì lại dựa vào Thường trực HĐND tỉnh và các Ban của HĐND tỉnh, từ xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo đến các vụ việc cần phải theo đuổi đến cùng chúng tôi đều giúp nhau, hướng dẫn nghiệp vụ và phối hợp thực hiện. Bởi thực tế là hoạt động của HĐND tỉnh nhưng đều diễn ra trên địa bàn cấp huyện, tỉnh không thể tách rời các huyện. Đây là một điểm cần nghiên cứu trong quá trình sửa luật về tổ chức chính quyền địa phương. Nếu tổ chức HĐND các cấp thành một hệ thống thống nhất thì sẽ thuận lợi hơn cho hoạt động của cơ quan dân cử ở địa phương. Hiện nay, nhiều ý kiến tranh luận Thường trực HĐND có phải là một cơ quan không, hay là một cấp? Thực tế hiện nay, Thường trực HĐND chỉ là người điều hành họp thôi, chưa rõ về vị trí, vai trò. Như nhiều ý kiến đề xuất, nếu sửa luật về tổ chức chính quyền địa phương thì nên sửa theo hướng Thường trực HĐND gồm Thường trực HĐND như hiện nay và các thành viên chuyên trách của Ban HĐND – như vậy sẽ rộng hơn, cơ quan thường trực của HĐND theo đó cũng có chức năng, nhiệm vụ rõ hơn. Nói Thường trực HĐND như một cấp thì có vẻ to tát. Nhưng nên nhớ UBTVQH là cơ quan thường trực của cơ quan quyền lực nhà nước tối cao, có con dấu, hoạt động có chức năng, nhiệm vụ rõ ràng. Thường trực HĐND cũng nên như thế.
- Thực ra QH và HĐND có phải là cấp trên - cấp dưới không và có nên tổ chức cơ quan dân cử thành một hệ thống từ Trung ương xuống địa phương không phải là vấn đề mới. Về mặt pháp luật hiện hành thì không phải là cấp trên, cấp dưới và đã là đại biểu dân cử thì các đại biểu đều có quyền ngang nhau. QH, HĐND hoạt động theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số. Tuy nhiên, hiện nay, tại Hội nghị Thường trực HĐND các khu vực, nhiều ý kiến đề nghị nên cơ chế hướng dẫn đối với HĐND các địa phương để HĐND hoạt động trôi chảy hơn, gắn bó và thuận lợi hơn giữa cơ quan dân cử Trung ương và địa phương. Ở đây có lẽ không phải đề nghị mang tính chất quyền anh, quyền tôi…, thưa Phó chủ tịch?
- Đúng là về văn bản pháp luật là không có, không quy định mối quan hệ giữa HĐND các cấp. Nhưng từ kinh nghiệm và thực tế hoạt động của chúng tôi, thứ nhất là so sánh giữa Thường trực HĐND tỉnh với Thường trực HĐND huyện, thì ở cấp tỉnh lực lượng cán bộ bao giờ cũng được đầu tư, quan tâm hơn. Lãnh đạo các sở, ban, ngành được trưởng thành từ cơ sở, có trình độ lý luận, nghiệp vụ, khi sang HĐND thì mức độ tiếp cận với công việc cũng nhanh hơn. Song thực tế giữa Thường trực HĐND tỉnh và Thường trực HĐND các huyện cũng chỉ trao đổi về kinh nghiệm hoạt động, nghiệp vụ và chỉ cho nhau trên tinh thần tình cảm và hiểu nhau, chứ nếu cứ căng thẳng tôi cấp trên, anh cấp dưới thì thậm chí chẳng có phối hợp. Phối hợp công tác hiện nay giữa hai cơ quan này hoàn toàn do mối quan hệ, cụ thể là bằng uy tín và nghiệp vụ, Thường trực HĐND tỉnh giúp được Thường trực HĐND các huyện, chỉ cho huyện tháo gỡ được những cái đang vướng. Có như vậy thì Thường trực HĐND huyện mới cảm thấy gắn bó với Thường trực HĐND tỉnh, từ chuyện công việc đến cuộc sống, mặc dù anh không phải là cấp trên của người ta. Và bản thân đại biểu HĐND tỉnh ứng cử trên địa bàn huyện, khi kiểm tra, giám sát, trao đổi kinh nghiệm trên địa bàn huyện thì đại biểu HĐND cấp huyện cũng học hỏi được nhiều, đồng thời cũng giúp đại biểu HĐND tỉnh trong quá trình kiểm tra, giám sát trên cơ sở tự nguyện, nương vào nhau. Để thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi phải tạo được mối quan hệ với huyện, xã - tự nhiên như vậy là vô tình thành một hệ thống cơ quan dân cử trên dưới giúp nhau. Nhiều cuộc họp của HĐND huyện mời chúng tôi dự. Chúng tôi cũng dự và liều mạng phát biểu, nhưng phát biểu xong thì cũng tự thấy chẳng giống ai. Vì cấp trên không phải mà đây là tình cảm tự phát với HĐND cấp huyện, chẳng nhẽ họ mời mình lại không phát biểu mà phát biểu thì chỉ góp ý về nghiệp vụ, vị trí, vai trò của HĐND nói chung thôi. Nếu am hiểu về tình hình địa phương, thì với tư cách cá nhân góp ý thêm về phương hướng... Nhiều khi cũng phải rào trước đón sau đây là phát biểu với tư cách đại biểu HĐND ứng cử tại địa bàn, chứ không phải với tư cách Phó chủ tịch thường trực HĐND tỉnh (mặc dù huyện không để ý mình phát biểu với vai nào). Nhưng thôi, tất cả là vì công việc chung, để công việc trôi chảy và có hiệu quả. Trong quá trình hoạt động cũng thấy lấn cấn chỗ này, chỗ kia, nhưng cũng chưa ai bắt bẻ. Vẫn êm đẹp.
- Luật chưa quy định mối quan hệ giữa HĐND các cấp, nhưng thực tế sự xuất hiện của HĐND tỉnh tại các Kỳ họp hay hội nghị của HĐND cấp huyện là nhu cầu có thật. Và khi có sự tham dự của Thường trực HĐND tỉnh thì dường như HĐND cấp huyện cũng thấy yên tâm hơn, đỡ chênh vênh, nếu không nói là tự tin hơn trong công việc. Ở đây nhu cầu này có lẽ không đơn giản là tình cảm mà là nhu cầu về một chỗ dựa …, thưa Phó chủ tịch?
- Cơ chế hiện nay của chúng ta còn có điểm khó. Đại biểu HĐND tỉnh thực hiện nhiệm vụ giám sát, nhưng có khi lại là cấp dưới của người được giám sát. Cho nên, trong mỗi đại biểu HĐND đòi hỏi một yêu cầu là phải dũng cảm, bản lĩnh, vì quyền và lợi ích của nhân dân thì mới dám đặt vấn đề giám sát, mới dám lật ngược vấn đề để trở thành đúng vai trò là cơ quan giám sát, thực hiện đúng quyền quyết định và dám chất vấn. Và mục đích cuối cùng của giám sát, chất vấn là sửa sai, chứ không phải chê bôi, hạ bệ người này, người kia. Mục đích cuối cùng là để cho công việc tốt hơn và trôi chảy, còn cách làm có thể có nhiều. Thực tế là vậy, chứ nhiều khi không cứ nhất thiết phải giở luật lệ ra, mục đích cuối cùng là được việc, không ai có ý kiến phản đối.
Giá mà hệ thống cơ quan dân cử thống nhất từ Trung ương xuống địa phương thì chúng tôi cũng có chỗ đi về
- QH và HĐND không phải cấp trên, cấp dưới. Nhưng có lẽ không riêng HĐND tỉnh Đắk Nông mà HĐND 62 tỉnh, thành còn lại hoạt động như những nghị trường QH thu nhỏ. Có thể dễ dàng nhận ra ngay từ cách trang trí Kỳ họp, điều hành các phiên họp… Và hoạt động của QH có tác động lan tỏa tới HĐND các tỉnh, thành?
- Chính vì thực tế đó mà chúng tôi băn khoăn: giá mà hệ thống cơ quan dân cử thống nhất từ Trung ương xuống địa phương thì chúng tôi cũng có chỗ đi về, chứ bây giờ toàn đi ngang. Ví dụ bên cơ quan hành pháp, các bộ, ngành và UBND các địa phương có Chính phủ, hàng năm đều có tổng kết, họp hành.
Còn chúng tôi nói vui với nhau là cũng rất may mắn vì được ở trong nhóm G20 (gồm 20 địa phương), bây giờ mở rộng là G30 của Ủy ban Tài chính – Ngân sách trong khuôn khổ Dự án Tăng cường năng lực quyết định và giám sát ngân sách của các cơ quan dân cử Việt Nam. Chúng tôi được học hỏi và tập huấn từ các hội nghị của dự án này. 30 tỉnh, thành giao lưu, học hỏi, mỗi lần theo một chuyên đề. Như tôi, bạn nhìn trên bàn làm việc thì thấy, báo chí có bài nào hay tôi cắt và để riêng làm tư liệu. Vì thực tế, từ trước đến nay, có ai dạy tôi làm đại biểu đâu, chưa có trường đào tạo đại biểu dân cử. Chúng tôi chỉ có hai cái là Luật Tổ chức HĐND và UBND, Quy chế hoạt động của HĐND...
Nếu cơ quan dân cử được tổ chức thành một hệ thống, thì chúng tôi chắc chắn sẽ học được rất nhiều, từ cách điều hành, lựa chọn vấn đề, thậm chí từ công tác tổ chức...
- Hiến pháp năm 2013 có nhiều quy định mới và mở về chính quyền địa phương. Sắp tới đây, QH sẽ xem xét dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp. Có nên nhìn nhận làm luật về chính quyền địa phương lần này là cơ hội để hoàn thiện hệ thống dân cử từ Trung ương đến địa phương để các cơ quan dân cử này hoạt động hiệu quả hơn hay không?
- Bây giờ Báo Đại biểu nhân dân của chúng ta mỗi năm họp cộng tác viên toàn quốc một lần. Chúng tôi nói vui với nhau đây là họp Thường trực HĐND của 63 tỉnh, thành nếu các tỉnh, thành dự đủ. Thực tế, chúng ta chưa bao giờ tổ chức được một cuộc họp của HĐND có đủ 63 tỉnh, thành, mới chỉ là Hội nghị Thường trực HĐND theo khu vực. Thực tế ra đây không phải cái gì to tát về nghiệp vụ, nhưng nếu có sự liên hệ với nhau, trao đổi kinh nghiệm hoạt động, thông báo khi có tình hình mới thì tốt hơn, chứ cũng không yêu cầu phải cấp trên, cấp dưới. Chúng tôi cũng không đòi hỏi quyền lợi, hay đòi hỏi phải có thông tư, nghị định hướng dẫn để bắt phải làm cái này, thực hiện cái kia. Và thực tế, vừa rồi cũng đã làm, ví dụ UBTVQH ra Nghị quyết hướng dẫn triển khai về lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do HĐND bầu hoặc phê chuẩn thì chúng tôi chấp hành nghiêm túc.
Cũng có ý kiến cho rằng, bây giờ không cần HĐND cấp huyện nữa, vì nó không thực quyền. Thực tế những năm công tác, bây giờ đã gần về hưu, tôi thấy rằng thiết chế HĐND là phải có, nếu không có HĐND lấy ai để giám sát hoạt động của UBND cùng cấp? Qua theo dõi, giám sát, chúng tôi biết từng con đường, từng dự án... Vừa rồi chúng tôi có vượt chi 47 tỷ đồng. Giám đốc Sở Tài chính báo cáo HĐND đây là có doanh nghiệp xin về cho địa phương. Chúng tôi trả lời là không biết chuyện đó. Chỉ biết rằng, tỉnh đang khó khăn về vốn, trong khi lại vượt chi bốn mấy tỷ đồng mà toàn phân bổ trồng cây xanh. Chúng tôi cũng thích đẹp lắm chứ, nhưng có bao nhiêu cái cần hơn, đường sá một số nơi nát như tương, một số trường học các cháu chưa có chỗ đi vệ sinh... Cho nên, dẹp không cần. Chúng tôi yêu cầu phải ưu tiên. Cuối cùng phải chịu thôi. Ví dụ như thế để nói rằng vai trò của HĐND nếu làm đúng, bố trí đúng người thì rất giá trị. Có như thế mới giám sát, kiểm soát được bên UBND theo đúng vị trí, vai trò. Có phân chia quyền lực thì phải có sự giám sát lẫn nhau. Bây giờ HĐND có làm được thế không?
Nếu HĐND làm đúng chức năng thì UBND chỉ là cơ quan thi hành, phải theo quyết định của HĐND, UBND đâu có quyền quyết định. Quyền quyết định các vấn đề quan trọng ở địa phương là của HĐND. Ví dụ về đầu tư xây dựng cơ bản, UBND chỉ là cơ quan trình, nếu HĐND xem xét và thấy rằng trong danh mục cái này không cần thiết thì UBND phải làm lại. Đâu có chuyện lúc nào cũng để dành, chờ phân bổ vài chục tỷ đồng để coi như trong năm đổ tiền theo kiểu xin cho. HĐND chúng tôi yêu cầu chia hết từ đầu năm, chỉ để lại rất ít thôi. Mình có phải thừa tiền đâu, để lại như thế thậm thà, thậm thụt, như của để dành, không công khai. Đây là tiền của Nhà nước, của nhân dân. Phải minh bạch như vậy thì mới hết xin cho.
Thế nên cứ bảo là phải bỏ HĐND vì hoạt động hình thức là bố láo. Đặt ra từng cơ quan, từng bộ máy như vậy, nhưng cứ không làm được ở đâu thì đẩy sang HĐND. HĐND như thùng chứa, thì cuối cùng thành cái bị thịt thôi, làm cái gì nữa, HĐND không có vai trò gì, không biết làm gì nữa hết. Trong khi đó, HĐND nhiều tỉnh vẫn làm được. HĐND mạnh vì am hiểu đúng vị trí, vai trò của HĐND. Chứ còn bây giờ cán bộ nào bố trí về UBND, về các sở, ngành thì nhanh lắm, nhưng về HĐND thì có vẻ muốn xin thôi, hoãn không về HĐND, thành ra tự nhiên làm giảm vai trò của HĐND.
- Từ thực tế hoạt động, Phó chủ tịch có đề xuất giải pháp nào để nâng cao hiệu quả, hiệu lực của HĐND đúng nghĩa như vị trí, vai trò là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương?
- Sắp tới, muốn nâng cao vị trí, vai trò, chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND phải tăng cường cán bộ cho HĐND, phải nhìn nhận lại vai trò, vị trí của HĐND một cách đúng đắn hơn, nhất là bây giờ có vấn đề lợi ích nhóm. Ngay như Ban Pháp chế, ví dụ các sở, ngành còn sợ UBND vì nó là cấp trên trực tiếp, thế bây giờ Viện kiểm sát sợ ai, thi hành án sợ ai? Chỉ Ban Pháp chế của HĐND mới có quyền sờ đến Viện kiểm sát, tòa án, chứ UBND làm gì có quyền sờ đến Tòa án với Viện Kiểm sát. Vậy thì bây giờ vị trí, vai trò của Ban Pháp chế như thế nào? Phải xem xét, vì nếu buông nốt thì coi như tòa án, viện kiểm sát ở địa phương một mình một vương quốc. Như vậy thì ai giám sát việc xét xử, chậm thì sao, bao nhiêu án treo xử lý thế nào... toàn liên quan đến tính mạng con người. Phải nhìn nhận như vậy mới thấy được vai trò giám sát của HĐND.
Nếu bạn hỏi là có nên nơi để có HĐND nơi không, thì phải khẳng định rằng: HĐND là cơ quan giám sát của nhân dân đúng nghĩa. Bây giờ nhiều cơ quan giám sát, như MTTQ cũng có vai trò giám sát, nhưng những cơ quan này không thành cơ cấu được, vì không phải là cơ quan quyền lực nhà nước. HĐND giám sát là giám sát đúng nghĩa của cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, đặc biệt nếu Phó bí thư làm Chủ tịch HĐND thì càng hay. Bên Đảng là nói theo Nghị quyết, bên HĐND là thể chế hóa thành cụ thể. Cho nên cơ cấu đại biểu dân cử mình phải sắp xếp lại đi, bớt các đại biểu đại diện cho hành chính nhà nước, giữ lại đại diện các đoàn thể... thì tự nhiên đúng nghĩa HĐND ngay. Đương nhiên, dân chủ phải đi đôi với người cầm trịch, chứ không thả ra thì dễ lại rối loạn. Dân chủ quá lại thành nói năng lung tung, dân chủ quá trớn. Còn có nên thiết lập thành quan hệ trên – dưới hay không thì không nhất thiết cứ phải hành chính quá. Nhưng phải xác định rõ hơn địa vị pháp lý của HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương và mối quan hệ của HĐND với QH như thế nào thì cần phải rõ hơn. Hiện nay, về nghiệp vụ HĐND hỏi UBTVQH thì UBTVQH đang dẫn dắt cực kỳ tốt.
- Xin cám ơn Phó chủ tịch!