Bộ tài liệu về du lịch homestay

Lê Thủy 22/07/2014 08:32

Lần đầu tiên, bộ tài liệu hướng dẫn làm du lịch homestay (lưu trú tại nhà dân) đã được xây dựng dựa trên nghiên cứu tâm lý khách du lịch quốc tế, tâm lý và khả năng tiếp cận của đồng bào dân tộc. Bộ tài liệu đang triển khai giảng dạy tại một số tỉnh miền núi phía Bắc.

Giao tiếp bằng thẻ ngôn ngữ

Tài liệu được Dự án Đào tạo du lịch tạo tác động lớn về thu nhập và việc làm (HITT), Tổ chức Phát triển Hà Lan (SNV), Trường CĐ Du lịch Hà Nội nghiên cứu xây dựng từ năm 2011. Trước khi kết thúc năm 2013, dự án đã kịp triển khai giảng dạy tại một số địa phương ở miền núi phía Bắc. Lào Cai là một trong những tỉnh đầu tiên áp dụng bộ tài liệu này trong các lớp dạy làm du lịch homestay tại các bản Tả Phìn, Tả Van, Lao Chải... Giám đốc Sở VH, TT và DL Lào Cai Trần Hữu Sơn nhận định: bộ tài liệu là sáng kiến đột phá về đào tạo nhân lực du lịch cho vùng nông thôn, miền núi. Đây là lần đầu tiên có giáo trình về du lịch homestay cho đồng bào dân tộc, trước kia chỉ dạy theo kiểu cầm tay chỉ việc. Chỉ trong 12 ngày, đồng bào người Mông, người Dao, người Giáy... đều có thể làm du lịch, dù không biết tiếng nước ngoài, bởi họ có thể giao tiếp với khách du lịch bằng thẻ ngôn ngữ. Các chuyên gia của dự án đã nghiên cứu nhu cầu cụ thể của khách du lịch khi ở tại nhà dân và viết lên các tấm thẻ, qua đó khách du lịch và đồng bào dân tộc có thể giao tiếp với nhau dễ dàng.

Nguồn: dulichvietnam.com.vn
Nguồn: dulichvietnam.com.vn

Sau các lớp học làm du lịch homestay tại Lào Cai, đồng bào nhiệt tình hưởng ứng. Anh Giàng A Tú, dân tộc Mông tại Lào Cai chia sẻ: tháng 8.2013 tôi học lớp dạy về du lịch, được nghe giảng, tham quan các hộ gia đình homestay, thực hành cách chào đón, phục vụ khách du lịch, bảo đảm an toàn cho khách... Sau đó, tôi đầu tư 70 - 80 triệu đồng xây nhà đạt tiêu chuẩn và ngày 15.2 bắt đầu đón tiếp khách du lịch. Đến nay, gia đình tôi đã đón và phục vụ hơn 300 khách quốc tế, thường mỗi đoàn khách ở 1 - 2 đêm. Du lịch đã làm thay đổi cuộc sống bởi gia đình tôi có thu nhập khá hơn trước.

Không chỉ Lào Cai, đến nay đã có 15 lớp với khoảng 300 nhân lực tại nhiều tỉnh được đào tạo theo tài liệu này, tiến tới đào tạo cho 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng. Ông Trần Hữu Sơn cho biết: từ kinh nghiệm của mình, Lào Cai đang giúp các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn, Lai Châu đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, dịch vụ du lịch, tạo thế liên hoàn phát triển du lịch của vùng.

Nghiên cứu tâm lý khách và khả năng của đồng bào

Theo ông Ngô Trung Hà, Trường CĐ Du lịch Hà Nội, thành viên nhóm biên soạn tài liệu hướng dẫn làm du lịch homestay, ở miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, miền Trung hay đồng bằng sông Cửu Long đều làm du lịch homestay, nhưng mỗi vùng mỗi khác nhau. Trước đây, mỗi đơn vị hỗ trợ homestay có tài liệu riêng. Đây là lần đầu tiên các chuyên gia trong nước và quốc tế về homestay xây dựng tài liệu tổng quát về đào tạo một gia đình kinh doanh du lịch tại nhà. Mỗi miền khi áp dụng tài liệu này, nếu chỉnh sửa cho phù hợp sẽ cho kết quả cao hơn.

Tài liệu hướng dẫn làm du lịch homestay được xây dựng dựa trên nghiên cứu tâm lý của khách du lịch quốc tế, cũng như đặc điểm tâm lý và khả năng tiếp nhận của đồng bào dân tộc. Trong tài liệu có hướng dẫn cách tiếp đón khách quốc tế ra sao, khẩu phần ăn của họ như thế nào, cách giao tiếp, bán sản phẩm... được trình bày cụ thể, dễ hiểu. Các bài thực hành khá nhiều, ví dụ để đồng bào tự nói về ngôi nhà của mình, chuyên gia đóng vai khách du lịch để hướng dẫn họ cách chào đón, cách để ba lô, để dép, chuẩn bị đồ ăn uống, phòng nghỉ cho khách hay tự làm card giới thiệu về homestay của gia đình... Các đào tạo viên đều được trải qua khóa tập huấn về cách giao tiếp, sử dụng ngôn từ để bà con dễ hiểu. Chương trình không mang tính chất học thuật, phù hợp với nhiều đối tượng người học, thậm chí cả về thời gian tổ chức lớp học.

Ông Trần Hữu Sơn khẳng định: bộ tài liệu dạy làm du lịch homestay rất hữu ích, tạo ra sinh kế cho cho đồng bào dân tộc. Khi người bản địa được hưởng lợi từ du lịch, du lịch mới có thể phát triển bền vững.

Lê Thủy