Về mẫu chuẩn mực Quốc huy Việt Nam

18/07/2014 08:10

Vừa qua, báo Đại biểu nhân dân nhận được thư của nhóm tác giả Nguyễn - Nông thuộc Trung tâm Kỹ thuật Tài liệu Nghiệp vụ, Bộ Công an, trao đổi về vấn đề mẫu Quốc huy Việt Nam, trong đó nhấn mạnh, Quốc huy là biểu tượng chính thức và thiêng liêng của mỗi quốc gia, phải được sử dụng chuẩn xác, trang trọng và nhất quán.

Quốc huy Việt Nam chuẩn mực được trình bày trang trọng trên Báo ĐBND từ ngày 1.1.2014
Quốc huy Việt Nam chuẩn mực
được trình bày trang trọng trên Báo ĐBND
từ ngày 1.1.2014
Trước thực trạng mẫu Quốc huy Việt Nam bị tam sao thất bản, sai lệch phổ biến, nhóm tác giả Nguyễn - Nông đã đi tìm lại bản gốc mẫu Quốc huy Việt Nam có giá trị pháp lý ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III. Tháng 7.2011, nhóm tác giả đã gửi đến báo Đại biểu nhân dân các tư liệu gốc mẫu Quốc huy Việt Nam và mẫu Quốc huy Việt Nam chuẩn được phục dựng trên máy tính từ bản gốc các mẫu Quốc huy Việt Nam. Bài viết Tìm lại mẫu chuẩn mực Quốc huy Việt Nam của nhóm đăng trên báo Đại biểu nhân dân số 194, ngày 13.7.2011 nêu rõ: Trong thực tế, nếu chú ý quan sát sẽ thấy hình Quốc huy Việt Nam trên nhiều văn bản, tài liệu như bằng huân huy chương, các chứng chỉ, bằng khen, trên báo chí, trang thông tin điện tử, trên các trụ sở cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương... từ trước đến nay thường không giống nhau, mỗi hình Quốc huy mỗi vẻ, không đồng nhất theo một mẫu. Điều đó cho thấy hình Quốc huy Việt Nam đã bị “tam sao thất bản”. Nhiều hình Quốc huy bị sai và xấu. Những sai sót phổ biến như: hình Quốc huy chưa đúng hình tròn, bố cục thiếu cân đối, vị trí tỷ lệ và các hình tượng trong Quốc huy chưa chính xác; vị trí, hình dáng, đường nét các bông lúa, lá lúa, hạt lúa chưa đúng; bánh xe răng cưa sai hình và chỉ có 5, 7, 9 răng (bánh xe Quốc huy chuẩn có 10 răng)… Nhóm tác giả cho rằng, phải chuẩn mực lại mẫu Quốc huy Việt Nam trong đời sống chính trị, xã hội. Trước hết, cần phổ biến lại mẫu Quốc huy Việt Nam chính thức (đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh công bố năm 1956, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh ký Nghị quyết Quốc hội Khóa VI năm 1976 với một mẫu Quốc huy chuẩn tên nước là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) trên Công báo, trên trang thông tin điện tử của cơ quan có trách nhiệm và một số phương tiện thông tin khác, kèm theo có quy định chặt chẽ về việc sử dụng hình Quốc huy.
Măng - sét Báo ĐBND với mẫu Quốc huy cũ Măng - sét Báo ĐBND hiện nay
Măng - sét Báo ĐBND với mẫu Quốc huy cũ

Măng - sét Báo ĐBND với mẫu Quốc huy cũ Măng - sét Báo ĐBND hiện nay
Măng - sét Báo ĐBND hiện nay

Măng - sét Báo ĐBND với mẫu Quốc huy cũ Măng - sét Báo ĐBND hiện nay

Các bài viết về nội dung này của nhóm tác giả Nguyễn - Nông còn được đăng trên Tạp chí Mỹ thuật số 222 (6.2011), báo Văn nghệ Công an số 161 (03.10.2011), báo Thanh niên số 240 (28.8.2011). Dịp đó, nhóm tác giả cũng gửi thư đến Bộ trưởng Bộ VH, TT và DL, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cùng các tài liệu nêu trên, những mong các vị Lãnh đạo quan tâm và chỉ đạo khắc phục tình trạng hình Quốc huy Việt Nam trên các văn bằng, chứng chỉ nhà nước, trên báo chí, trên các trụ sở cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương… hầu hết bị sai và xấu, làm mất đi ý nghĩa thiêng liêng, trang trọng và chuẩn mực của Quốc huy Việt Nam. Tuy nhiên, tình hình hầu như không được cải thiện. Ngày 25.12.2013, nhóm tác giả tiếp tục gửi thư và các tư liệu gốc mẫu Quốc huy và mẫu Quốc huy Việt Nam chuẩn cùng những hình Quốc huy sai trên bằng Huân chương, bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh, trên báo chí, trên một số trụ sở Cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương... lên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc và kính đề nghị các vị Lãnh đạo chỉ đạo khắc phục tình trạng này.

Mẫu Quốc huy trên trụ sở Văn phòng Quốc hội 22 Hùng Vương, Hà Nội được đánh giá khá chuẩn
Mẫu Quốc huy trên trụ sở Văn phòng Quốc hội 22 Hùng Vương, Hà Nội được đánh giá khá chuẩn

Trong thư gửi báo Đại biểu nhân dân vừa qua, nhóm tác giả viết: Việc khắc phục hình Quốc huy sai trong đời sống chính trị, xã hội sẽ tốn công sức và thời gian nhất định nhưng có ý nghĩa tốt đẹp về chính trị, văn hóa và cũng là sự tôn trọng với sắc lệnh và nghị quyết do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Trường Chinh đã ký… Vừa qua, chúng tôi được biết báo Đại biểu nhân dân đã sử dụng mẫu Quốc huy Việt Nam chuẩn (do chúng tôi gửi giúp Tòa soạn). Măng sét báo Đại biểu nhân dân đã trang trọng, nghiêm túc. Chúng tôi vui vì trách nhiệm và công sức của mình đã có kết quả bước đầu. Chúng tôi thấy không thể để mãi tình trạng Quốc huy Việt Nam - biểu tượng chính thức và thiêng liêng của Nhà nước CHXHCN Việt Nam bị sai và xấu. Chúng tôi rất mong báo Đại biểu nhân dân với chức năng và vị thế là Cơ quan ngôn luận của Quốc hội - Cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, sẽ quan tâm và góp phần vào việc chuẩn mực lại mẫu Quốc huy Việt Nam trong đời sống chính trị, xã hội hiện nay.

                             Hà Nội, ngày 25 tháng 12 năm 2013

Kính gửi: Ông Hồ Anh Tài
              Tổng biên tập Báo Đại biểu nhân dân

Đầu tiên, tôi xin cám ơn ông đã cho đăng bài báo Tìm lại mẫu chuẩn mực Quốc huy Việt Nam của chúng tôi trên Báo Đại biểu nhân dân số 194 ngày 13.7.2011. Khi đó, tôi cũng đã cung cấp cho Tòa soạn đầy đủ các tư liệu pháp lý và bản mẫu Quốc huy Việt Nam chuẩn mực. Nếu so sánh với bản mẫu Quốc huy chuẩn mực thì hình Quốc huy trên măng sét Báo Đại biểu nhân dân được vẽ rất cẩu thả, sai và xấu.

Thật đáng tiếc, hơn hai năm đã trôi qua (2011 - 2013) hình Quốc huy sai và xấu trên măng sét Báo Đại biểu nhân dân - Cơ quan ngôn luận của Quốc hội - Cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất vẫn không được sửa chữa, thay đổi. Khi đó, chỉ cần ông cử cán bộ chuyên môn đến Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III là có đầy đủ các văn bản pháp lý và mẫu Quốc huy Việt Nam chuẩn mực, từ đó làm lại Quốc huy trên măng sét, trình cấp chủ quản phê duyệt là xong.

Với trách nhiệm công dân và cử tri, một lần nữa, tôi trân trọng đề nghị Ông Tổng biên tập sớm thay đổi hình Quốc huy Việt Nam sai và xấu, không nghiêm túc trên Báo Đại biểu nhân dân thành mẫu Quốc huy Việt Nam đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Quốc hội Trường Trinh ký ban bố năm 1956 và 1976.

Người đề nghị
Nguyễn Lê Vinh

__________

                             Hà Nội, ngày 17 tháng 7 năm 2014

Kính gửi: Đại tá Nguyễn Lê Vinh
              Nguyên Bí thư Đảng ủy, 
              Phó Viện trưởng E17 Bộ Công An

Thay mặt Báo Đại biểu nhân dân - Tiếng nói của Quốc hội; Diễn đàn của Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và cử tri - xin gửi tới Đại tá và nhóm tác giả Nguyễn - Nông lời cám ơn cao nhất về sự nhiệt thành đầy trách nhiệm cũng như sự thẳng thắn mà Đại tá đã dành cho Báo Đại biểu nhân dân và cá nhân tôi.

Nhân đây, tôi cũng thành thật xin lỗi Đại tá và nhóm tác giả Nguyễn - Nông về sự chậm trễ của mình - sự chậm trễ có độ lùi tương đối để nghe ngóng thêm dư luận của cán bộ, nhân dân và cử tri về một việc làm lớn và hữu ích mà Đại tá dành quyền cho Đại biểu nhân dân được điều chỉnh, sửa chữa, từ đó lấy làm chuẩn mực cho mẫu Quốc huy của Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Về việc này, Báo Đại biểu nhân dân cũng đã được Chủ tịch QH động viên, khuyến khích.

Hiện nay mẫu Quốc huy trên măng sét Báo Đại biểu nhân dân đã đẹp và chuẩn mực như mong muốn của nhân dân và cá nhân Đại tá.

Vinh dự này thuộc về Đại tá và nhóm tác giả phục dựng Nguyễn - Nông.

Vinh dự này cũng thuộc về Báo Đại biểu nhân dân mà Đại tá gửi gắm.

Chân thành biết ơn và chúc Đại tá khỏe, vui!

T/M Báo Đại biểu nhân dân
Tổng biên tập     
Hồ Anh Tài