Nghịch dị trong tiểu thuyết (Kỳ cuối)
Huỳnh Thu Hậu
>> Nghịch dị trong tiểu thuyết (Kỳ 1)
![]() Cuốn tiểu thuyết SBC là săn bắt chuột xuất bản năm 2012 |
Nếu Mạc Ngôn xây dựng những hình tượng nghịch dị chủ yếu là những nhân vật biểu tượng của những điều tốt đẹp và tích cực, dù phải sống trong hiện thực đen tối của đất nước Trung Hoa thì Hồ Anh Thái lại khác. SBC là săn bắt chuột là một trong những cuốn tiểu thuyết hay nhất của Hồ Anh Thái. Văn chương Hồ Anh Thái mê hoặc và dẫn dụ chúng ta nhờ những nỗ lực cách tân và đổi mới không ngừng. Chúng ta bắt gặp ở SBC là săn bắt chuột những chân dung biếm họa tuyệt vời, nó là sản phẩm của sự kết hợp những yếu tố, những hiện tượng lệch pha cao độ. Và đó cũng là một trong những biểu hiện của yếu tố grotesque.
Thế giới nghịch dị trong SBC là săn bắt chuột của Hồ Anh Thái được thể hiện qua trạng thái không trọng lượng của bảy nhân vật, Đại Gia, ông Cốp, Chàng, Nàng, Thư Ký của Cốp, Luật Sư, Giáo Sư. Đó còn là thế giới nửa người - nửa chuột. Hai cô hầu phòng trong khách sạn vì nhìn phải Chuột Trùm nên người thì có thói quen gặm nhấm như chuột, người thì suốt ngày không nói chỉ biết kêu chin chít và sợ mèo. Điểm qua những bức chân dung biếm họa của thế giới nhân vật trong tác phẩm, chúng ta bắt gặp sự kết hợp hài hước. Đại Gia là một tay buôn ma túy, quen biết và đi lại như người nhà với các ông Cốp. Nhân vật này được xây dựng bởi nhiều thủ pháp, nghệ thuật trần thuật đa điểm nhìn, motif lời đồn, và chi tiết thích gái già trai trẻ. Giáo Sư được miêu tả vừa dâm vừa bạo ngược, chim to không lo chết đói. Chân dung biếm họa của Giáo Sư còn khủng khiếp hơn khi ông ta chết vì bị si đa do ham muốn tình dục với hàng trăm phụ nữ. Không kể là sinh viên, học viên cao học, nữ tiến sĩ mà cả người phụ nữ xa lạ trong vườn chuối khi ông trên đường đi thỉnh giảng. Theo thang giá trị truyền thống, giáo sư là người đức độ, phẩm chất thanh cao, như cây tùng cây bách, hiểu biết sâu rộng. Nhưng trong tiểu thuyết này, Giáo Sư lại là người vô đạo đức. Phát ngôn sặc mùi háo danh, rỗng tuếch. Hai đứa con trai của Giáo Sư lại là tướng cướp. Nòi nào giống ấy. Bức chân dung biếm họa của Giáo Sư lột tả tận cùng sự đảo lộn mọi giá trị. Bên cạnh chân dung Giáo Sư, Hồ Anh Thái còn khắc họa chân dung Luật Sư. Luật Sư thì thích tốc độ, tuổi thơ thích chơi xử trảm búp bê, chặt đầu đem chôn. Và “đặc biệt có ấn tượng với những đám tang, nghe nói đi đám tang ai là lòng bỗng rạo rực, ai rủ đi sinh nhật bạn bè, đi đám cưới cũng không hào hứng thế. Nhưng nghe nói có người chết là linh hoạt hẳn, năng động hẳn, tâm lý phấn chấn hẳn” [5, 239]. Chơi với những đám tang búp bê và trạng thái tâm lý dạt dào hưng phấn khi chứng kiến đám tang là một kiểu nghịch dị rất mới tạo nên bức tranh biếm họa về nhân vật. Nếu Luật Sư thích đám tang, thì bức chân dung nghịch dị của ông Cốp là thích ăn đất, môi tô đỏ trước khi diễn thuyết hay xuất hiện trước đám đông, còn Thư Ký có sở thích làm rào làm giậu, không giống tất cả trẻ nhỏ khác thích leo trèo. Nghịch dị kết hợp với nghệ thuật mờ hóa. Không phải ngẫu nhiên mà Hồ Anh Thái đã không gọi tên nhân vật mình mà viết hoa: Chàng, Nàng, Cốp, Đại Gia, Thư Ký, Giáo Sư, Luật Sư, Tướng Bà, Chuột Quang, Chuột Trùm… Hiệu quả nghệ thuật của mờ hóa là làm cho hình tượng trở nên huyền thoại và khái quát hơn. Có biết bao nhiêu người ngoài đời sẽ tìm thấy mình qua nhân vật. Đông đúc lắm. Hỗn loạn lắm.
Đồng thời, nghịch dị trong xây dựng nhân vật còn biểu hiện ở hồn ma chú bộ đội. Hồn ma này luôn sóng đôi với nhân vật Luật Sư - chủ nhân ngôi biệt thự đã bán để xây tòa nhà cao tầng. Hồn ma xuất hiện khắp nơi: “Có một anh bộ đội đến tất cả các công ty, văn phòng đại diện, các hộ gia đình. Triệu tập đi họp” [5, 263]. Hồn ma là quá khứ tươi đẹp ám ảnh những nhân vật thời hậu chiến. Ta thấy chú bộ đội trở nên lạc lõng với thời cuộc đảo điên này. Trên mảnh đất mà ngày xưa trung đoàn chú hy sinh để bảo vệ, hậu sinh các cháu đối xử tàn nhẫn mất hết tính người. Chúng chỉ biết có tiền.
SBC là săn bắt chuột ám ảnh chúng ta vì một thế giới chuột. Chuột Trùm, dòng sông chuột, Chuột Quang… Chuột Trùm trả thù thế giới con người không bằng truyền dịch hạch mà bằng cách làm cho con người mất hết trọng lượng. Trôi lơ lửng. Chênh vênh. Đây là một sáng tạo của Hồ Anh Thái. Nếu Dịch hạch của Albert Camus miêu tả bi kịch con người chống lại trận dịch hạch, thì ở đây Hồ Anh Thái đặc tả bi kịch mất trọng lượng của con người. Sự tha hóa của con người thật kinh khủng. Con người tham lam chiếm đoạt tất cả, tay Đại Gia đầu cơ đất, kinh doanh trên lãnh địa của Chuột Trùm. Một cuộc trả thù đã diễn ra giữa người - chuột. Bên cạnh đó, nghịch dị trong tác phẩm này còn kết hợp hai hình tượng người - chuột.
![]() Nhà văn Hồ Anh Thái |
Như vậy kiểu hình tượng nhân vật nghịch dị của Hồ Anh Thái khắc họa sự tha hóa của con người và sự đổ vỡ của những giá trị truyền thống.
Có thể thấy trong hai tiểu thuyết, cả Mạc Ngôn và Hồ Anh Thái đều sử dụng ngôn ngữ nghịch dị, sự kết hợp giữa ngôn ngữ văn chương và ngôn ngữ đường phố, chửi thề, nói tục. Trong Báu vật của đời, đó là khi chị Tư chửi xối xả vào mặt bọn đàn ông cậy thế cậy quyền khi mời chị đến gian triển lãm giáo dục giai cấp: “Thế nào, ớn rồi hả, ỉu xìu như con c. sau khi xuất tinh ra? Nghe chị Tư chửi như tát nước vào mặt, cánh đàn ông Cao Mật cách đó ít phút mắt còn sáng lên, giờ đây vội cúi gằm mặt. Chị Tư ưỡn ngực, ngạo ngược bảo bí thư Hồ: Thưa quan lớn tôi đếch tin rằng ông không muốn…” [5,842]. Ông bí thư là người phát ngôn của dân mà lời ăn tiếng nói cũng chẳng khác gì bọn giang hồ: “Đ. mẹ mày! Dám hành nghề nhà thổ ngay tại triển lãm! Đ. mẹ mày mày nói bóc lột người nghèo như thế nào? Trong khi bí thư Hồ chửi rủa, các cán bộ xã thi nhau quát tháo để tỏ ra mình có lập trường vững vàng…” [5,840]. Hay chi tiết: “Mẹ trông thấy bố chồng cũng quẳng cái chàng nạng xuống đất chửi con trai: Đ. mẹ mày! Mày không làm ông cũng không làm nữa” [5,792]. Qua những diễn ngôn nghịch dị trên, Mạc Ngôn muốn vạch rõ mặt trái của những người cầm quyền lúc bấy giờ, những hiện thực đau lòng và xót xa. Mà nói như Kim Đồng, Trung Quốc là mảnh đất này thấm đẫm máu người. Máu của những người dân thấp cổ bé họng, của những phận người dưới đáy xã hội.
Ở SBC là săn bắt chuột, nghịch ngữ giọng nhại là một trong phương diện tạo nên sự hấp dẫn người đọc:
Hà Nội mùa này, phố cũng như sông
Cái rét đầu đông, chân em thâm vì ngâm nước lạnh
Hoa sữa thôi rơi, em tôi bơi cả chiều trên phố
Đường Cổ Ngư xưa ngập tràn nước sông Hồng
Hà Nội mùa này chiều không có nắng
Phố vắng nước lên thành con sông
Quán cóc nước dâng ngập qua mông
Hồ Tây giờ không thấy bờ… [6,56]
Nhạc chế, thành ngữ chế, thơ chế, ngôn ngữ phố phường thân thuộc và bình dân của thời đương đại nhan nhản trong tác phẩm: “Ngôn ngữ bình dân gọi có ết có hát. Công thức bình dân đúc kết triệu chứng: người nở hoa, miệng thì la, đít thì ca, ắt si đa…” [6, 277], “Sáu mươi thì mới trưởng thành/ bảy mươi thì mới tập tành ăn chơi/ Tám mươi mới bước vào đời/ Chín mươi thì mới tìm nơi dạt vòm” [6, 284], “Sống trong đời sống/ cần có một cái vòng/ Để làm gì, em biết không?/ Để tránh có thai/ Để tránh bế con…” [6, 201] Tất cả đã góp phần tạo ra diễn ngôn mới, mà linh hồn của nó là sự khai tử những khuôn sáo ngôn ngữ. Điều đó cũng đồng nghĩa với sự thừa nhận cái nhìn tự do, bình đẳng. Giọng nhại còn thể hiện qua nghệ thuật xây dựng nhân vật. Nhại để cười nhưng sao ta vẫn thấy đớn đau. Qua đó, hiện thực trở nên thực hơn, nghiệt ngã hơn. Hà Nội không chỉ lãng mạn, đẹp, linh thiêng. Hà Nội còn láo nháo, lẫn lộn vàng thau. Hà Nội như mê cung mà các nhân vật lạc lối trong cuộc mưu sinh bon chen, mua bán. Vật chất lên ngôi và thiếu vắng những giá trị vĩnh cửu muôn đời. Ai mua bằng, mua chức, mua danh, ai buôn bán hàng quốc cấm… Tất thảy đều có ở đây.
Nếu Vũ Trọng Phụng sử dụng grotesque trong đám tang cụ cố Hồng để tạo ra một kết hợp những yếu tố tưởng chừng không thể kết hợp được: cái chết, sự đau thương và tiếng cười niềm vui hân hoan của những người thân đi đưa tiễn thì Hồ Anh Thái cũng đã vẽ một bức biếm họa đám tang mẹ của Luật Sư: “Đám ma to thật là to, ò e í e ò. Cán sự sáu bằng gỗ loại tốt. Com lê đỏ phủ vải điều thêu chim công. Đội kèn thuê từ Sài Gòn ra. Mẹ già như chuối chín cây. Bọn hàng xóm xuyên tạc bài hát. Mẹ già như chuối chín cây. Gió lay mẹ rụng lăn quay ra vườn”. Một đám tang hoành tráng cũng là một đám tang không niềm thương xót. Luật Sư đã dối gạt mẹ mình để bán ngôi biệt thự, đã làm trái với ước nguyện của bà. Cái chết của bà hóa giải được mọi xung đột giữa hai người. Sự gian dối đó còn ở bức tranh biếm họa buổi triển lãm tranh về mẹ của Luật Sư. Những bức tranh do Luật Sư vẽ, mẹ trong vườn xưa, nhà xưa. Cõi người đã tận thế khi tình mẫu tử thiêng liêng được thay bằng công nghệ làm giàu một cách có văn hóa. Với trái tim chưa từng dùng đến, Luật Sư là một chân dung biếm họa sâu sắc về sự tán tận lương tâm của con người.
Cả hai nhà văn dù ở hai đất nước khác nhau, nhưng cùng có điểm tương đồng là tài năng và những dự cảm. Gặp gỡ nhưng vẫn khác biệt, vẻ đẹp nghịch dị trong hai tiểu thuyết đã làm cho hiện thực càng trở nên thực hơn và nghiệt ngã hơn. Hai nhà văn đã kiến tạo một hiện thực mà ở đó sự kết hợp những yếu tố không thể kết hợp cái xấu - cái đẹp, cái thiện và cái ác, cái thiêng liêng và cái thấp hèn, trang nghiêm và hài hước… thông qua hệ thống hình tượng nhân vật nghịch dị và phương thức nghịch ngữ, giễu nhại. Tất cả tạo nên bước phát triển về phương thức phản ánh hiện thực, đó không chỉ là hiện thực của những gì được nói ra mà còn là hiện thực của những điều không thể nói ra. Họ phản ánh những cái quái đản, kỳ dị nhưng lại rất hiện thực.
_____________________
Tài liệu:
1. M. H. Abrams, A glossary of literary terms, Harcourt Brace college Publisher.
2. Lại Nguyên ân, 150 thuật ngữ văn học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 1999.
3. M. Bakhtin, Lý luận và thi pháp tiểu thuyết, Trường viết văn Nguyễn Du, 1992.
4. Harold Bloom, The Grotesque, Infobase Publishing, 2009.
5. Mạc Ngôn, Báu vật của đời, NXB Văn nghệ, 2007.
6. Hồ Anh Thái, SBC là săn bắt chuột, NXB trẻ, 2011.
7. Hồ Anh Thái, Cõi người rung chuông tận thế, NXB Đà Nẵng, 2004.