Luật minh bạch, chặt chẽ, quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp sẽ nhiều hơn

Ngọc Điệp thực hiện 10/07/2014 08:30

Điều 33, Hiến pháp năm 2013 quy định: mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm. Triển khai thi hành Hiến pháp, nhiều dự án Luật trình QH tại Kỳ họp thứ Bảy vừa qua đã kịp thời cụ thể hóa tư tưởng, quan điểm này. Tuy nhiên, cụ thể hóa quyền tự do kinh doanh theo hướng nào, thoáng hay chặt, thì ý kiến còn khác nhau. Theo ĐB TRẦN XUÂN HÒA (QUẢNG NINH) các quy định của luật dù thoáng hay chặt thì phải phù hợp với trình độ quản lý của nước ta. Khi các quy định của Luật minh bạch, chặt chẽ thì tự nhiên mức độ tự do kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm của doanh nghiệp sẽ nhiều hơn.

- Thưa, đại biểu đánh giá như thế nào về Kỳ họp thứ Bảy?

- Đây là một trong những Kỳ họp có tầm quan trọng đặc biệt của QH, diễn ra ngay sau khi Hiến pháp năm 2013 được thông qua. Tại Kỳ họp, QH đã xem xét, thông qua và thảo luận lần đầu nhiều dự án luật quan trọng nhằm cụ thể hóa những tư tưởng, quan điểm của Hiến pháp mới. Đối với giới doanh nghiệp, Kỳ họp thứ Bảy còn ý nghĩa đặc biệt hơn nữa vì một loạt những dự án luật điều chỉnh những vấn đề cơ bản nhất trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp như dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh... đã được QH thảo luận, cho ý kiến hoặc thông qua.

- Hiến pháp 2013 có khá nhiều quy định mới về quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp. Là ĐBQH đại diện cho giới doanh nhân, các dự án luật có liên quan trình QH cho ý kiến hoặc thông qua lần này đã đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa Hiến pháp chưa, thưa Đại biểu?

- Về cơ bản, các dự án luật đã thể hiện được tinh thần của Hiến pháp tại Điều 33: Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm và Điều 14: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Vì thế, tôi đánh giá rất cao nỗ lực của các cơ quan soạn thảo trong việc thiết kế các quy định theo hướng khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia sản xuất, giảm thiểu các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tất nhiên, tinh thần là như vậy, nhưng có nhiều dự án luật mới được QH xem xét lần đầu tại Kỳ họp thứ Bảy nên không tránh khỏi còn nhiều điểm cần được hoàn thiện để cụ thể hóa tốt hơn nữa tinh thần của Hiến pháp mới. Ví dụ, dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) quy định: doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh các ngành, nghề mà luật, pháp lệnh và nghị định không cấm. Nhiều ĐBQH không đồng tình với cách quy định như vậy, bởi Hiến pháp chỉ hạn chế doanh nghiệp kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm, dự thảo Luật lại quy định thêm chỗ... pháp lệnh và nghị định là không cần thiết. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị nên quy định thẳng vào Luật những ngành, nghề kinh doanh bị cấm. Như vậy mới tránh được tình trạng tồn tại nhiều năm nay là Luật đã ban hành lại phải chờ Nghị định, Thông tư hướng dẫn. Không chỉ đối với dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) mà khi thảo luận các dự án luật khác, ĐBQH đều đề nghị như vậy để hạn chế tình trạng nêu trên.

Có thể nói, các dự thảo Luật lần này đều cơ bản đáp ứng được yêu cầu thoáng về thủ tục cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, tôi cho rằng tồn tại lớn nhất trong các dự thảo luật vẫn là hệ thống thủ tục hành chính chưa thực sự gọn nhẹ. Ví dụ về việc nộp thuế. Mới đây, báo cáo của Ngân hàng Thế giới tổng kết Việt Nam là quốc gia có thời gian tiêu tốn cho nộp thuế gần như cao nhất khu vực với 872 giờ mỗi năm, gấp 4 lần mức trung bình của các nước châu Á – Thái Bình dương. Tuy nhiên, tôi cho rằng đây không phải là vấn đề một sớm một chiều có thể giải quyết ngay được. Hiện nước ta vẫn đang trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường, hội nhập đầy đủ với thế giới. Nước ta mới đang trong giai đoạn bắt đầu, trình độ phát triển còn thua nhiều năm so với các nước khác nên không thể nào không gặp vướng mắc trong tư duy pháp lý về thủ tục hành chính. Tuy nhiên, tôi tin rằng với tinh thần chỉ đạo của Đảng, sự quyết tâm, nghiêm túc, sự cầu thị và trí tuệ tập thể của QH thì chúng ta sẽ ban hành được những dự án Luật hoàn thiện, đáp ứng kỳ vọng của cử tri, nâng cao được năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Điều đặc biệt hơn nữa là Kỳ họp vừa qua diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị đang có những diễn biến phức tạp, do Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta. Sự việc này càng khiến chúng ta nhận rõ yêu cầu tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, đáp ứng nhu cầu nội tại của thị trường gần 100 triệu dân, tránh để cái gì cũng phụ thuộc vào bên ngoài, nhất là phụ thuộc vào thị trường của một nước. Hoàn cảnh khó khăn làm chúng ta quyết tâm hơn. Theo tôi đó là một nguyên nhân khiến cho các phiên thảo luận tại Kỳ họp vừa rồi đều đặc biệt sôi nổi.

- Bên cạnh những ý kiến cho rằng các quy định trong các dự án luật lần này khá thoáng, nhưng cũng có ý kiến cho rằng các luật chung thì thoáng, nhưng các luật con lại đang được quy định theo hướng hạn chế quyền của doanh nghiệp?

- Tôi cũng quan tâm đến vấn đề này. Ví dụ dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cho phép doanh nghiệp tự do kinh doanh trong những ngành, nghề pháp luật không cấm. Nhưng dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), liên quan đến hoạt động của nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án đầu tư lại quy định theo kiểu liệt kê nhà đầu tư có những quyền gì. Như vậy vô hình trung lại hạn chế quyền của nhà đầu tư – doanh nghiệp. Một vấn đề nữa ở đây là trong nhiều dự án luật có những điểm trùng nhau. Do đó, QH còn cần bàn bạc kỹ hơn để xác định xem nên gộp những phần nào, và quy định ở đâu cho phù hợp, tránh chồng chéo.

Xung quanh quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, có nhiều ý kiến cho rằng nên quy định thoáng nhưng cũng có ý kiến cho rằng nên quy định chặt hơn. Tôi nghĩ sự khác nhau về quan điểm trong quá trình làm luật như thế là bình thường. Vấn đề là xem anh phát biểu dưới giác độ của ai, giác độ nhà quản lý hay giác độ doanh nghiệp? Để có những quy định hợp lý, tối ưu thì cần tìm được tiếng nói chung. Các quy định của luật phải phù hợp với trình độ quản lý hành chính của nước ta. Khi các quy định của ta minh bạch chặt chẽ thì tự nhiên mức độ tự do của doanh nghiệp sẽ nhiều hơn. Không thể lấy mô hình quản lý của bất kỳ nước nào áp vào thực tiễn nước ta.

- Như vậy, theo Đại biểu các luật liên quan đến đầu tư, doanh nghiệp nên quy định theo hướng thoáng hay chặt hơn?

- Trong nền kinh tế thị trường, đi đôi với mở rộng quyền kinh doanh thì chắc chắn phải có chế tài để tránh những mặt trái của nền kinh tế thị trường. Đó là chạy theo lợi nhuận, sẵn sàng kinh doanh lừa đảo, làm hàng giả, tàn phá môi trường, không quan tâm đến lợi ích chung của toàn xã hội... Về điểm này chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu học hỏi để bảo đảm cân đối cả hai mặt. Một mặt là mở quy định theo hướng thoáng để phát huy hết tiềm năng trong nhân dân. Nhưng mặt khác, bên cạnh việc khuyến khích, ưu đãi để phát huy tiềm năng và sự sáng tạo thì cũng phải có chế tài xử phạt nghiêm khắc những hành vi không có lợi cho nhà nước, cho nhân dân. Tôi đồng tình với nhiều quan điểm cho rằng chế tài của pháp luật chưa đủ mạnh để làm người có ý định vi phạm pháp luật chùn bước, chùn tay. 

Tuy nhiên tôi cho rằng quy định sao cho cân bằng là bài toán khó của QH. Vì thế không nên đặt nặng việc Luật vừa ban hành đã lại bổ sung, sửa đổi. Luật ban hành ra không phải là bất biến mà QH phải thường xuyên cập nhật, bàn bạc thảo luận để bổ sung hoàn thiện luật đó. Ngay nước Mỹ, quốc gia có nền khoa học pháp lý phát triển các bộ luật của họ rất dày và thường xuyên được cập nhật cho phù hợp với thực tiễn. Với một nước đang trong quá trình chuyển đổi cơ chế như nước ta thì càng khó mà yêu cầu luật hoàn thiện ngay từ khi mới ban hành. Thực tiễn luôn luôn biến đổi, và nền kinh tế nước ta lại rất năng động.

- Cũng có nhiều ý kiến băn khoăn là khi quy định thoáng thì sẽ rất khó để quản lý các doanh nghiệp nước ngoài. Trong khi đó, thời gian qua truyền thông phản ánh khá nhiều về tình trạng vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp này, cũng như lo ngại về khả năng doanh nghiệp nước ngoài lấn sân doanh nghiệp trong nước, bởi họ đã có sẵn nhiều lợi thế?

- Thời gian qua, tình trạng doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng việc nước ta ưu đãi nhằm thu hút vốn để tham gia vào nhiều dự án, rồi lại mua đi bán lại dự án kiếm lời, hay lợi dụng ưu đãi để trục lợi... là có thật. Vì thế, trong các phiên thảo luận, QH thể hiện thái độ rất thận trọng để vừa tận dụng được các nguồn vốn bên ngoài, vừa phát triển được các ngành nghề nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm. Chúng ta đã có những bài học kinh nghiệm đắt giá khi ưu đãi quá nhiều cho doanh nghiệp nước ngoài để phát triển các ngành sắt thép, sản xuất ô tô, nhưng cuối cùng các ngành này vẫn dừng lại ở mức cung cấp nguyên liệu cho thị trường nước ngoài, tỷ lệ nội địa hóa thấp. Chúng ta không thể trông chờ mãi vào lợi thế lao động rẻ. Với sự phát triển của nền kinh tế khu vực, lợi thế này đang mất dần. Thêm nữa, nền kinh tế nước ta sẽ trở nên phụ thuộc và trì trệ. Tại Kỳ họp vừa qua, tôi và nhiều ĐBQH đã đóng góp nhiều ý kiến để quy định theo hướng vừa tự do cho doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp nước ngoài, vừa có tính định hướng dòng vốn vào những ngành, nghề cần phát triển.

- Rất nhiều dự án luật nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp liên quan đến quyền tham gia hoạt động kinh tế của người dân sẽ còn được QH tiếp tục xem xét tại các Kỳ họp tới. Đại biểu có đề xuất gì nhằm nâng cao chất lượng chuẩn bị và ban hành các dự án luật này không?

- Các dự án luật về kinh tế đòi hỏi ĐBQH phải am hiểu sâu rộng cả về lĩnh vực kinh tế và lập pháp. Vì thế, lâu nay có nhiều ý kiến cho rằng cần có cơ chế nâng cao kiến thức của ĐBQH về các mặt này. Tại Kỳ họp vừa qua, QH đã thảo luận về dự án Luật Tổ chức QH (sửa đổi), trong đó tôi rất tán thành với quan điểm phải nâng số ĐBQH chuyên trách và bổ sung nhiều điều kiện để hoạt động của ĐBQH được thuận lợi hơn. Ngoài tiếp xúc cử tri, các ĐBQH sẽ có thêm cơ hội để có thêm nhiều kiến thức và trải nghiệm, cũng như được cập nhật về mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Như vậy, ĐBQH mới đóng góp được những ý kiến xác đáng, nhiều chiều, đáp ứng được mong đợi của cử tri cả nước.

- Xin cám ơn Đại biểu!

Ngọc Điệp <i>thực hiện</i>