Ngô Vương Quyền trên đất Cổ Loa

Cao Sơn 03/07/2014 08:40

Ngô Quyền (898 - 944) là vị vua khai sáng vương triều Ngô thế kỷ thứ X, đặt nền móng cho một nhà nước độc lập, tự chủ. Sau chiến thắng quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng, ông chọn đất Cổ Loa làm kinh đô, mở đầu cho kỷ nguyên mới của dân tộc. Tuy nhiên, hiện chưa có công trình nào ghi lại công tích vị vua có công tái tạo lịch sử nước nhà, trên chính nơi ông dựng nghiệp và chọn làm kinh đô.

Vị Tổ trung hưng của nước

Ngô Quyền quê ở Đường Lâm, nay thuộc thị xã Sơn Tây, Hà Nội. Cha ông là Ngô Mãn, châu mục Đường Lâm thời Tiết độ sứ Khúc Hạo. Buổi đầu Ngô Quyền theo cha giúp họ Khúc, sau làm tướng cho Dương Đình Nghệ, được Nghệ yêu mến gả con gái cho và cử cai quản Ái Châu (Thanh Hóa). Năm 937, Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ cướp quyền, ông kéo quân từ Ái Châu ra, Tiễn hoảng sợ cầu cứu nhà Nam Hán. Vua Nam Hán cử con là Lưu Hoằng Thao đem binh thuyền sang. Ngô Quyền chỉ huy quân đóng cọc bịt sắt ở sông Bạch Đằng đón đánh. Quân Nam Hán thua to, Lưu Hoằng Thao tử trận. Sau chiến thắng, Ngô Quyền lên ngôi vua, đóng đô tại Cổ Loa, sáng lập triều đại mới, mở đầu thời kỳ phát triển quốc gia độc lập, tự chủ của dân tộc, xóa hẳn ách nạn Bắc thuộc hơn 1.000 năm. Chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền (938) là mốc son lịch sử ghi dấu trận quyết chiến chiến lược đầu tiên của dân tộc ta.

Pgs, Ts Chương Thâu (Viện Sử học) cho biết, các tác giả của Đại Việt sử ký Đại Việt sử ký toàn thư đều đưa ra nhận định về Ngô Quyền: Vua mưu tài đánh giỏi, làm nên công tái tạo, đứng đầu các vua : Tiền Ngô Vương nổi lên không chỉ có công chiến thắng mà thôi, việc đặt trăm quan, chế định triều nghi phẩm phục, có thể thấy quy mô của bậc đế vương. Nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu (1867 - 1940) đã viết trong cuốn Việt Nam quốc sử khảo về công trạng của Ngô Vương Quyền: … Bỗng có người biết xắn tay áo vùng dậy, mạnh mẽ chấn chỉnh cơ đồ, đứng lên giành lại quốc quyền, thì chính gọi là vị Tổ trung hưng nước ta đó. Vị Tổ ấy là Ngô Vương Quyền… là người mà giặc ngoài tấn vào, đã đuổi đi được, quyền thống nhất của nước bị đứt mà biết nối lại được, thì không ai hơn được Ngô Vương Quyền. Phan Bội Châu đã nhận định căn cứ vào công lao giành lại quốc quyền, phục hồi quyền thống của người Nam chứ không phải sự phục hưng một triều đại, một dòng họ. Đó là hành động nêu cao chủ quyền quốc gia, lòng tự tôn dân tộc.

Khu di tích Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội
Khu di tích Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội

Ngô Vương Quyền với Cổ Loa

Ngày 2.7, Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long phối hợp với UBND huyện Đông Anh, Hà Nội tổ chức hội thảo khoa học Ngô Vương Quyền với Cổ Loa, nhằm góp phần làm sáng rõ hơn vai trò, vị trí, công trạng của Ngô Quyền đối với sự nghiệp dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Theo Pgs, Ts Chương Thâu, việc chọn Cổ Loa làm quốc đô để nối lại kinh đô cũ của nước Âu Lạc thời An Dương Vương là nét đặc thù tư tưởng tự lực, tự cường của Ngô Quyền mà ít ai nghĩ tới. Thường mỗi vị thủ lĩnh sau khi thu phục giang sơn thường về dựng đô ở quê hương như Trưng Trắc đóng đô ở Phong Châu, Đinh Tiên Hoàng đóng đô ở quê nhà Hoa Lư... riêng Ngô Quyền đóng đô ở Cổ Loa hẳn là một tư duy đổi mới đáng ghi nhận, sau khi đắn đo hơn thiệt về địa điểm một trung tâm văn hóa, có vị trí địa chính trị, quân sự quan trọng lúc bấy giờ.

Dẫn ra các cứ liệu lịch sử tin cậy, Pgs, Ts Nguyễn Duy Mền (Viện Sử học) khẳng định, tiền Ngô Vương trị vì đất nước trong khoảng thời gian 6 năm, từ tiền Ngô Vương đến hậu Ngô Vương gồm 26 năm đều đóng ở Cổ Loa. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu hoạt động của triều đình Cổ Loa chắc chắn phải có dinh thự, thành quách, cùng các công trình kiến trúc khác được dựng lên. Song quy mô của các công trình đó thế nào không thấy sử sách ghi chép. Mặt khác, thời gian trải qua hơn 1.000 năm, có chăng thì công trình chắc cũng đã đổ nát, hoặc bị vùi lấp, những nghiên cứu khảo cổ chưa đủ để hình dung một vóc dáng Cổ Loa thời Ngô Vương. Cùng bàn thảo về vấn đề này, Phó trưởng Phòng VH, TT và DL Đông Anh Nguyễn Thị Hạnh trăn trở, dẫu người Cổ Loa hiện còn lưu giữ, truyền tụng về một số di tích, dấu tích của triều Ngô như cây đa nghìn tuổi, giếng nước Ngô Quyền, đôi câu đối trên đền Thượng… nhưng các dấu tích, chứng tích về Ngô Quyền và triều đại của ông ở Cổ Loa thật ít ỏi, chủ yếu là thần tích hoặc chuyện trong dân gian chứ không có đền thờ hoặc công trình tưởng niệm nào. Thiết nghĩ, xây dựng đền thờ Ngô Vương trên vùng đất Cổ Loa để cháu con thờ phụng là hoàn toàn xứng đáng với công đức của vị vua có công tái tạo đất nước, đứng đầu các vua - bà Nguyễn Thị Hạnh đề xuất.

Họa sỹ Ngô Quang Nam cho rằng, có thể dựng tượng đài Ngô Quyền ở công viên huyện Đông Anh, tuy nhiên nên coi đây là kế hoạch lâu dài vì việc dựng tượng đài rất khó. Trước mắt, nên đặt long ngai, bài vị thờ Đức Ngô Vương Quyền tại đình Cổ Loa, để khách thập phương về được thắp hương tưởng niệm ông. Tiếp đó, có thể xây đền thờ ngài trên nền tam tòa, ngay cạnh đền An Dương Vương. Nếu có đền thờ Ngô Vương sát cạnh đền Thục Phán càng tăng thêm vẻ uy nghi cho khu di tích Cổ Loa, tăng thêm ý nghĩa đất có hai vua đóng đô. Cổ Loa là sự chắp nối của khoảng cách 1.000 năm giữa một vị vua do mất cảnh giác để mất nước và một vị vua có công lấy lại nước, mở đầu nền độc lập tự chủ dân tộc.

Sau hội thảo, trên cơ sở những luận cứ khoa học và đề xuất của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, Viện Nghiên cứu văn hóa Thăng Long sẽ có văn bản kiến nghị với các cơ quan hữu quan nhằm sớm xây dựng công trình tôn vinh Ngô Vương Quyền trên vùng đất Cổ Loa.

Cao Sơn