Phân hóa tam giác chiến lược Mỹ - Nhật - Hàn

Minh Nguyễn 01/07/2014 08:45

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ phá bỏ một truyền thống đối ngoại bất di bất dịch xưa nay khi tiến hành chuyến thăm cấp nhà nước tới Hàn Quốc (ngày 3-4.7) trước khi đặt chân tới CHDCND Triều Tiên. Một số chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh đang muốn tỏ thái độ với Bình Nhưỡng. Nhưng động thái này còn có ý nghĩa lớn hơn trong bối cảnh căng thẳng tại Biển Hoa Đông và Biển Đông chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Mặc dù mới thiết lập quan hệ ngoại giao được 20 năm (từ tháng 8.1992), nhưng quan hệ Trung - Hàn đã có những bước phát triển rõ rệt và vững chắc. Năm 1998, hai nước thiết lập quan hệ đối tác hợp tác và sau đó nâng lên thành quan hệ đối tác hợp tác toàn diện vào năm 2003. Dưới thời của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-park, quan hệ hai nước đã được nâng lên thêm một tầm cao mới - quan hệ đối tác hợp tác chiến lược. Khi bà Park Geun-hye đắc cử tổng thống Hàn Quốc cuối năm 2012, mối quan hệ này tiếp tục có những chuyển biến đáng kể.

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Băc Kinh tháng 6.2013 Nguồn: AP
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Băc Kinh tháng 6.2013
Nguồn: AP
Một số nguồn tin cho rằng Trung Quốc đang bàn thảo với Hàn Quốc về việc tặng cho Hàn Quốc một cặp gấu trúc - loài vật quốc bảo và là biểu tượng của Trung Quốc sau chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình lần này. Nếu ngoại giao gấu trúc được thực hiện, quan hệ Trung-Hàn sẽ bước vào thời kỳ trăng mật.

Chuyến thăm Seoul lần này của ông Tập Cận Bình bề ngoài là sự đáp lễ đối với chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye hồi tháng 6.2013, nhưng xét từ góc độ quan hệ Trung - Hàn, Bắc Kinh đang tìm cách lôi kéo Hàn Quốc ra xa khỏi tam giác quan hệ với Mỹ và Nhật Bản.

Sau Chiến tranh Thế giới II, Mỹ ra sức thúc đẩy tam giác quan hệ Mỹ - Nhật - Hàn ở khu vực Đông Bắc Á. Tuy nhiên, thời gian gần đây, tam giác quan hệ này xuất hiện khiếm khuyết do quan hệ Nhật - Hàn ngày một căng thẳng bởi tranh chấp lãnh thổ và vấn đề phụ nữ mua vui (phụ nữ Hàn Quốc bị ép làm nô lệ tình dục cho binh sỹ Nhật Bản trong thời chiến). Việc Nhật Bản gần đây định hủy bỏ đàm phán về vấn đề phụ nữ mua vui đã vấp phải phản ứng quyết liệt từ phía Hàn Quốc.

Ý đồ chiến lược tăng cường lôi kéo Hàn Quốc của Trung Quốc cũng rất rõ ràng. Để chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, từ cuối tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã có chuyến đi tiền trạm tới Seoul. Trong chuyến đi đó, ông Vương Nghị đã tổ chức tiệc chiêu đãi các đoàn thể và nhân sỹ hữu nghị Hàn Quốc ngay tại Đại sứ quán Trung Quốc ở Seoul và có bài phát biểu khẳng định: đứng trước những biến động mới về tình hình quốc tế và khu vực, Trung Quốc mong muốn Hàn Quốc trở thành đối tác hợp tác quan trọng hơn, làm phong phú và sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác chiến lược Trung - Hàn, đặc biệt là hai bên cần phải tiếp tục phát huy ưu thế bổ trợ cho nhau về chiến lược, nâng cao chất lượng quan hệ, coi trọng hơn việc tăng cường hợp tác giữa các ngành nghề chiến lược mới nổi, rót động lực mới vào sự phát triển của mỗi bên.

Điều đáng chú ý là ông Vương Nghị còn chỉ rõ Trung Quốc và Hàn Quốc cần bắt chặt tay nhau, vượt qua khuôn khổ mối quan hệ song phương, hướng ra châu Á và thế giới, mở ra không gian phát triển chung rộng lớn hơn. Động thái này của Bắc Kinh phải chăng là nhằm “đào chân tường” của tam giác quan hệ Mỹ - Nhật - Hàn?

Về phần mình, giới doanh nghiệp Hàn Quốc đặc biệt vui mừng trước chuyến thăm của ông Tập Cận Bình. Ngày 4.7 tới, ông Tập sẽ tham dự Diễn đàn thương mại Hàn - Trung tổ chức tại thủ đô Seoul với sự tham dự của hơn 2.000 quan chức, quản lý cấp cao của các doanh nghiệp lớn Hàn Quốc. Ông Tập Cận Bình sẽ có bài phát biểu chỉ rõ lập trường của Trung Quốc về các vấn đề kinh tế, thương mại giữa hai nước, trong đó có Hiệp định Tự do Thương mại Trung - Hàn.

Các cặp quan hệ Mỹ - Nhật, Mỹ - Australia, Mỹ - Hàn được ví như thế kiềng 3 chân, là nền tảng để Mỹ thực hiện chính sách xoay trục sang châu Á. Nếu Hàn Quốc ngả theo Trung Quốc, thế kiềng ba chân của Mỹ sẽ không còn vững chãi, quá trình điều hành quân Mỹ tại Hàn Quốc, trong tương lai, có thể gặp khó khăn.

Tuy nhiên, trên thực tế, Mỹ cũng không cần quá lo ngại về quan hệ Trung - Hàn, xuất phát từ quan hệ chính trị chặt chẽ của đồng minh Mỹ - Hàn hiện nay, đặc biệt là việc Mỹ vẫn đóng quân ở Hàn Quốc. Hơn nữa, Hàn Quốc và Trung Quốc cũng còn nhiều vấn đề tồn tại. Seoul luôn cảnh giác trước việc Bắc Kinh mở rộng quân bị và tranh chấp chủ quyền lãnh thổ của nước này với các láng giềng. Trong năm 2013, quan hệ hai nước cũng đã bị thử thách xung quanh việc Trung Quốc thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) mới trùng với vùng phòng không của Hàn Quốc ở biển Hoa Đông. ADIZ của Trung Quốc bao trùm lên một dải đá ngầm hiện đang tranh chấp Ieodo (Trung Quốc gọi là Tô Nham Tiêu) mà Hàn Quốc xây trạm nghiên cứu đại dương và sân bay trực thăng ở đó. Phía Hàn Quốc đã yêu cầu Trung Quốc phải điều chỉnh lại vùng ADIZ của họ để chừa ra bãi đá ngầm này nhưng phía Trung Quốc đã từ chối yêu cầu đó.

Minh Nguyễn