Nghiên cứu lịch sử Việt Nam tại Mỹ
Theo Gs Peter Zinoman, Đại học California, ngành nghiên cứu lịch sử Việt Nam tại Mỹ đang mạnh, bởi có nhiều học giả trẻ với khả năng ngôn ngữ tốt, đề tài nghiên cứu đa dạng; tuy vậy, có sự mất cân bằng giữa nghiên cứu các đề tài thời kỳ hiện đại và tiền hiện đại…
![]() Gs Peter Zinoman |
Gs Peter Zinoman giảng dạy bộ môn Lịch sử và bộ môn Nghiên cứu Nam Á và Đông Nam Á tại Trường Đại học California (Mỹ), là người đồng sáng lập và nguyên là Tổng biên tập tạp chí Nghiên cứu Việt Nam (The Journal of Vietnamese Studies). Lĩnh vực nghiên cứu của ông gồm lịch sử văn hóa, xã hội, chính trị của Việt Nam cận đại, cùng lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ XX. Trò chuyện với giảng viên, sinh viên Trường ĐH KHXH và NV, ĐHQG Hà Nội, Gs Peter Zinoman cho biết, quá trình phát triển của ngành nghiên cứu lịch sử Việt Nam tại Mỹ ngắn và rắc rối. Trước chiến tranh thế giới 2, các nhà sử học Mỹ tập trung nghiên cứu về lịch sử Mỹ và châu Âu cũng như dành sự quan tâm đến một số quốc gia lớn ở châu Á. Những năm cuối 1940, với vai trò ngày càng tăng của châu Á, Mỹ đẩy mạnh nghiên cứu về lịch sử văn hóa, xã hội của các quốc gia thuộc châu lục này, trong đó có Việt Nam. Để tạo điều kiện cho việc nghiên cứu, chính phủ Mỹ và các quỹ tư nhân đã đầu tư vào các trung tâm nghiên cứu. Thời kỳ đó, những trung tâm Đông Nam Á học lớn nhất được thành lập tại các trường đại học như Cornell, Yale, Michigan... Ngành nghiên cứu lịch sử Việt Nam xuất phát từ chính các trung tâm này.
Cùng với sự can thiệp của Mỹ vào chiến tranh Việt Nam giữa những năm 1950, nguồn tài trợ của chính phủ và các quỹ tư nhân cho nghiên cứu lịch sử Việt Nam tăng lên nhanh chóng. Làn sóng nghiên cứu lịch sử Việt Nam ở Mỹ trong giai đoạn này được định hình mạnh mẽ. Gs Peter Zinoman nhận định: chiến tranh có ảnh hưởng tích cực tới lịch sử ngành nghiên cứu Việt Nam tại Mỹ vì đã mang đến nhiều nguồn lực cho ngành này. Tuy nhiên, chiến tranh cũng ảnh hưởng tiêu cực trên 4 vấn đề. Thứ nhất, nghiên cứu lịch sử Việt Nam thời kỳ này được coi là công cụ trợ giúp đắc lực cuộc chiến của Mỹ tại Việt Nam. Do đó, các học giả tập trung vào các đề tài về lịch sử hiện đại, lịch sử kinh tế và chính trị, lịch sử phong trào cộng sản, lịch sử nông thôn (miền Nam Việt Nam) - nơi cuộc chiến đang diễn ra. Họ đã bỏ qua nhiều đề tài quan trọng khác, hầu như không có đề tài nghiên cứu nào tập trung vào thời kỳ tiền hiện đại, cận đại hay nghiên cứu lịch sử văn hóa, xã hội, lịch sử tri thức, đô thị. Điều đó có nghĩa là các nghiên cứu sau đó được xây dựng trên một nền tảng hẹp, yếu và mong manh. Thứ hai, các sử gia được khuyến khích làm việc nhanh, do đó, họ không đủ thời gian làm chủ ngôn ngữ của đất nước họ nghiên cứu, thay vào đó, họ sử dụng các nguồn tiếng Pháp hoặc phiên dịch, nên tài liệu tiếp xúc được khá nghèo nàn, cũng phần nào gây tổn hại cho nền móng của ngành. Thứ ba, chiến tranh khiến nhiều vùng ở Việt Nam trở nên nguy hiểm, các sử gia chủ yếu làm việc tại các thư viện và lưu trữ địa phương. Thứ tư, bất đồng gay gắt về sự tham chiến của Mỹ ở Việt Nam khiến việc nghiên cứu lịch sử Việt Nam tại Mỹ thời kỳ đầu bị chính trị hóa. Rất ít nghiên cứu sử học có cái nhìn khách quan, bởi lập luận lịch sử được đưa ra nhằm phục vụ nhiệm vụ chính trị. Khi ấy, ngành nghiên cứu lịch sử Việt Nam tại Mỹ bị chia rẽ thành phe Diều hâu và Bồ câu, hai phe này dùng phần lớn thời gian để công kích nhau thay vì tập trung nghiên cứu.
![]() Cuốn sách về lịch sử Việt Nam của Gs Peter Zinoman |
Sau khi chiến tranh kết thúc, nghiên cứu lịch sử Việt Nam tại Mỹ có tiến bộ, nhưng phải đến giữa những năm 1980 mới được cải thiện đáng kể, bởi thời điểm đó các nhà sử học Mỹ đã được sống và làm việc ở Việt Nam trong thời gian dài để nghiên cứu; nhiều học giả Mỹ tham gia phong trào phản chiến nhận được những vị trí hàng đầu tại các tổ chức học thuật và các trường đại học, đã duy trì mối quan tâm tới Việt Nam và hỗ trợ tài chính cho ngành này. Bên cạnh đó, thời kỳ này xuất hiện nhiều học giả Mỹ gốc Việt, với nhiều hướng nghiên cứu mới. Nhiều vấn đề mới do các nhà nghiên cứu sử học ở Việt Nam đưa ra cũng khuyến khích các học giả Mỹ...
Theo Gs Peter Zinoman, ngành nghiên cứu lịch sử Việt Nam tại Mỹ đang mạnh nhất so với các thời kỳ trước. Có nhiều học giả trẻ, nghiên cứu nhiều đề tài khác nhau và khả năng ngôn ngữ tốt. Hầu như các học giả có thể làm việc với tài liệu tiếng Việt, một số học giả có thể nghiên cứu tài liệu chữ Hán và chữ Nôm. Một số học giả thể hiện quan điểm chính trị trong nghiên cứu nhưng họ có cái nhìn đa chiều hơn. Nhiều học giả có quan điểm thoáng hơn, để tư liệu tự nói lên những gì đã xảy ra… Tuy vậy, có sự mất cân bằng giữa những nhà nghiên cứu đề tài hiện đại và tiền hiện đại. Hiện ở Mỹ có khoảng 45 nhà sử học về Việt Nam, trong đó 7 sử gia nghiên cứu về lịch sử tiền hiện đại, 17 sử gia nghiên cứu về thời kỳ sau chiến tranh thế giới 2 và cuộc chiến Việt Nam, 13 sử gia tập trung vào thời kỳ Pháp thuộc...
Ngành nghiên cứu lịch sử Việt Nam ở cả Việt Nam và Mỹ đã có bước phát triển, nhưng Gs Peter Zinoman cho rằng, dường như các nhà sử học Mỹ và Việt Nam ít biết tới và không dành đủ thời gian để đọc công trình nghiên cứu của nhau. Rất ít học giả Mỹ tìm cách xuất bản tác phẩm ra tiếng Việt, hoặc giới thiệu nghiên cứu trên tạp chí chuyên ngành của Việt Nam, và ngược lại, khiến các công trình sử học không được công bố rộng rãi, trong khi Tôi tin rằng cả hai phía có nhiều điều cần học hỏi nhau.