Diễn đàn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các ngân hàng châu Phi và các nước ASEAN khối Pháp ngữ

Theo TTXVN 25/06/2014 16:36

Sáng 25/6, tại TP Hồ Chí Minh đã khai mạc Diễn đàn thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa các ngân hàng châu Phi và các nước ASEAN khối Pháp ngữ. Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh đến dự.

Phát biểu tại diễn đàn, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, diễn đàn được tổ chức tại Việt Nam lần này, thể hiện sự nỗ lực phát triển hơn nữa mối quan hệ trực tiếp giữa các ngân hàng, nhằm hỗ trợ trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước châu Phi, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác Nam – Nam trong không gian kinh tế khối Pháp ngữ. Về trao đổi thương mại, đầu tư giữa ASEAN, châu Phi với khối Pháp ngữ đã có những bước tiến quan trọng, trong đó trao đổi thương mại Việt Nam và châu Phi năm 2013 đạt 4,29 tỷ USD (tăng trên 22% so với năm 2012), nhưng chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của các thành viên trong khối.

Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh  khẳng đinh, là một thành viên tích cực, xây dựng và có trách nhiệm của khối Pháp ngữ, Việt Nam luôn ủng hộ chủ trương phát triển chiến lược kinh tế trong khuôn khổ hợp tác kinh tế của không gian Pháp ngữ năng động. Đồng thời phát triển ngày càng mạnh mẽ hơn mối quan hệ với các thành viên khác trong khối Pháp ngữ nói chung cũng như những bạn bè châu Phi, ASEAN truyền thống nói riêng. Với triển vọng hoàn tất 14 Hiệp định thương mại tự do trong giai đoạn 2015 - 2020, Việt Nam sẽ trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới liên kết kinh tế rộng lớn ở khu vực châu Á –Thái Bình Dương cũng như đóng vai trò cầu nối Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ hình thành vào năm 2015.

Tốc độ tăng trưởng thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các nước châu Phi tăng liên tục, riêng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường này tăng bình quân 30% - 40%. Tuy nhiên, theo đại biểu dự diễn đàn, quan hệ thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và các nước châu Phi vẫn còn nhiều trở ngại, trong đó có thể kể đến đầu tiên là khâu thanh toán và các rủi ro thanh toán, do các ngân hàng châu Phi khó tiếp cận cũng như chưa ứng dụng các phương thức thanh toán thông dụng hiện đại. Ngoài ra, còn một số vấn đề khác như chi phí vận tải lớn, thiếu hụt thông tin. Cần thực hiện cơ chế để tạo điều kiện cho sự chuyển động của các dòng tài chính; tăng cường thúc đẩy văn hóa cũng như phát triển sự tin tưởng lẫn nhau giữa các nhà quản lý của ngân hàng và tổ chức tính dụng, tạo điều kiện cho quá trình thanh toán của tổ chức kinh tế tương ứng.

Theo <i>TTXVN</i>