Đã bóng gió về việc Al-Maliki có thể ra đi

Thành An 25/06/2014 08:50

Chính quyền của Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki đang trải qua những thách thức lớn nhất từ trước đến nay khi vị trí vượt trội của cộng đồng Hồi giáo dòng Shiite trong thượng tầng kiến trúc chính trường Iraq kéo dài 8 năm qua bất ngờ bị thách thức bởi lực lượng nổi dậy. Nhiều ý kiến đã bóng gió về một cuộc thay máu ở vị trí lãnh đạo cao nhất.

Nhiều vùng đất của Iraq hiện đã rơi vào tay các lực lượng nổi dậy thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông (ISIL) theo dòng Sunni. ISIL đã chiếm thành phố Mosul và tiếp tục tiến tới thủ đô Baghdad mà không gặp bất kỳ sự phản kháng nào. Việc phiến quân có vũ trang ồ ạt kéo vào phía Bắc Iraq dưới sự chỉ huy của ISIL khiến ông al-Maliki phải đối mặt với búa rìu dư luận trong nước và quốc tế về những chính sách gây chia rẽ của ông. Việc các tay súng của ISIL nhận được sự ủng hộ từ các bộ tộc của người Sunni - những bộ tộc từng chống lại lực lượng này – là bằng chứng về sự không khéo léo của chính quyền al-Maliki. 

Các thành viên trong chính liên minh của ông al-Maliki cũng thừa nhận rằng nhà lãnh đạo Hồi giáo 64 tuổi có thể cần phải ra đi, nếu các nhóm đối địch của người Shiite, người Sunni và người Kurd tập hợp lại thành một liên minh cầm quyền mới. Trong khi đó, Mỹ, vốn được coi là cái ô bảo đảm an ninh cho Iraq sau khi phát động cuộc chiến lật đổ chính quyền của cố Tổng thống Saddam Hussein hồi năm 2003, đã bóng gió về sự cần thiết phải thay đổi chế độ tại Baghdad để tạo dựng một môi trường lành mạnh cho các tôn giáo và từng bước ổn định tình hình, lập lại trật tự. Iran - quốc gia có ảnh hưởng rộng lớn đối với các đảng phái của người Shiite ở Iraq - đang giữ bí mật những lá bài của mình song rõ ràng Tehran đã tránh công khai ủng hộ ông al-Maliki.

Song có vẻ như Thủ tướng al-Maliki khá vững vàng trong tình thế nước sôi lửa bỏng. Thứ nhất, ông vẫn có sự hậu thuẫn to lớn về mặt pháp lý. Trong cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua, liên minh Nhà nước Pháp quyền của ông dễ dàng trở thành đảng lớn nhất với 94 ghế trong tổng số 325 ghế trong Quốc hội. Hai đảng của người Shiite, vốn từng hy vọng lật đổ được ông al-Maliki, mỗi đảng chỉ giành được 30 ghế. Một số người có cùng quan điểm với bạn thân của ông Maliki là Sami Askari - cựu nghị sỹ Quốc hội - khi cho rằng Iraq không thể chấp nhận một sự thay đổi lãnh đạo trong thời điểm hiện nay. Askari nói: Mọi người đang ủng hộ ông al-Maliki bởi vì họ lo ngại ISIL. Cơ hội lớn vẫn ở phía trước. Thứ hai, tư tưởng bè phái trong chính trường khiến các chính đảng tại nước này khó có thể nhanh chóng tìm được tiếng nói thống nhất để đề cử một nhân vật đủ bản lĩnh kế nhiệm ông al-Maliki. Quốc hội Iraq, vốn bị chia rẽ bởi tư tưởng bè phái và chủ nghĩa cá nhân sẽ nhóm họp vào ngày 1.7 tới để bắt đầu tiến trình đàm phán về một chính phủ mới. Tiến trình này có thể mất nhiều tháng, do đó ông al- Maliki tiếp tục cầm quyền trong khi cuộc chiến chống ISIL vẫn đang tiếp diễn.

Cuối cùng, Thủ tướng al-Maliki không phải là một người dễ đầu hàng. Ông al-Maliki sẽ không muốn bị nhớ đến như người phải chịu trách nhiệm cho sự sụp đổ của Iraq.

Chính khách 64 tuổi này có một sự nghiệp không thật sự dễ dàng. Sau nhiều thập kỷ sống lưu vong tại nước ngoài, năm 2006, ông trở về Iraq khi Mỹ đã lật đổ Tổng thống Saddam Hussein và nhanh chóng khẳng định bản lĩnh, trở thành người đứng đầu chính phủ tạm quyền đầu tiên của Iraq giai đoạn hậu Hussein. Nhân vật hiếm khi cười này được đánh giá là một nhà lãnh đạo cứng rắn, người dùng sức mạnh quyền lực để ổn định tình hình trong nước. Trong cuộc bầu cử năm 2010, liên minh Nhà nước Pháp quyền của ông về thứ hai nhưng ông đã nhanh chóng liên minh với các chính đảng Shiite nhỏ hơn và giành quyền thành lập chính phủ. Ông nhanh chóng gây dựng lực lượng và củng cố vị thế. Tuy nhiên, những mâu thuẫn truyền kiếp, sự nghèo đói, nạn tham nhũng đeo đẳng đã đẩy Iraq vào vòng xoáy bạo lực hiện tại.

Thành An