Dã hương Tiên Lục

ANH CHI 22/06/2014 09:04

Không đồ sộ như nhiều đại thụ trong rừng quốc gia Cúc Phương hay cổ thụ ở Châu Phi, nhưng từ hơn trăm năm trước, các nhà lâm sinh học lớn của thế giới đã tôn vinh cây dã hương Tiên Lục (Lạng Giang, Bắc Giang) trong bộ Từ điển bách khoa Larousse của Pháp bởi giá trị đặc biệt của nó.

Gọi cây dã hương Tiên Lục là gọi theo địa danh làng quê đã sinh ra cây. Kể về mức độ to lớn đồ sộ, cây dã hương Tiên Lục có lẽ chưa bằng nhiều đại thụ trong rừng quốc gia Cúc Phương hay cây đa Lam Kinh ở Thanh Hóa, lại càng không bằng cổ thụ ở châu Phi, tiêu biểu là cây bao báp khổng lồ. Nhưng, từ hơn trăm năm trước, mục từ Champhrier (cây dã) trong bộ Từ điển bách khoa Larousse của Pháp đã in ảnh cây dã hương Tiên Lục, phía dưới ghi: Cây dã Tiên Lục, cây dã (lớn) thứ hai thế giới. Cây của Tiên Lục thuộc họ long não, nhựa rễ, nhựa lá có mùi thơm lâng lâng sảng khoái, nên người Việt gọi là dã hương. Dã hương Tiên Lục được vinh danh trong Bách khoa thư Larousse bởi giá trị đặc biệt của nó. Như các nhà lâm sinh học cho biết, dã hương là giống cây được liệt vào gốc nguyên sinh nguyên thủy hạt kín còn sót lại vô cùng ít sau trận hồng thủy biển tiến muộn. Giới khoa học có thể nghiên cứu lịch sử tiến hóa của thế giới thực vật trên hành tinh chúng ta, từ giống cây Tổ này…

Về phương diện kinh nghiệm dân gian, mọi người trong vùng quê này đều nói, từ xưa tới giờ chưa ai gieo hoặc ươm trồng được cây dã hương. Có được cây dã hương nào đều là trời cho. Thêm nữa, dã hương phun nhánh từ rễ mà thành cây non, hoặc cây con tự mọc ở đâu đó. Đặc biệt, giống này phát triển vô cùng chậm. Như trường hợp một cây dã hương mọc bên vệ đường trong khu vực chùa Lèo thuộc xã Phồn Xương, Yên Thế. Các cụ thượng thọ ở làng Mạc, làng Lèo, làng Gồ thường ta thán rằng, từ tấm bé đã thấy cây như vậy, đến giờ trông nó vẫn thế, như chẳng lớn. Hơn ba trăm năm tuổi, mà thân gốc còn nhỏ hơn cành nhánh của cây dã hương Tiên Lục.

Tiên Lục là làng, cũng là xã, xưa kia thuộc tổng Dào Quán, huyện Bảo Lộc, phủ Lạng Giang; nay là xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang, Bắc Giang. Đây là vùng quê trung du lô xô đồi bát úp nối nhau ven một khúc quanh của dòng sông Thương. Bên kia sông Thương là vùng rừng núi Yên Thế hun hút gió. Nơi mọc lên cây dã hương Tiên Lục lại là thân đất trung tâm của làng, xã. Cứ theo tán lá xòe đến đâu rễ cây vươn đến đó, thì bộ rễ dã hương chiếm hơn một sào Bắc bộ. Thân gốc dã hương to lớn đến sáu, bảy người nối tay nhau mới ôm xuể. Ngang thân dã hương đâm ra năm, sáu cành lực lưỡng, hai người ôm không xuể. Cũng có cành không biết đã gãy từ thuở nào, lớp vỏ ngoài đôi khi còn nảy nhánh lộc mới, dẫu trong ruột gỗ đã mục ruỗng, thông tâm với thân và rễ cây. Trẻ nhỏ trong làng rất thích chui vào đó mà chơi trò ú tim hoặc trèo lên cây bắt tổ chim chào mào, chim sáo… Một chiều mùa đông chừng mươi năm trước, trẻ chăn trâu vơ cỏ và lá khô đốt sưởi bên gốc cây, không may, chỗ lũ trẻ nổi lửa đúng vào đoạn rễ dã hương mục và khô nỏ. Trước khi ra về, lũ trẻ đã dập đống lửa, nhưng không ngờ lửa bén theo rễ cây ngún vào thân gốc. Đêm khuya, nhiều người thấy hơi khói thơm ngạt, biết dã hương bị cháy, liền hô hoán nhau dập lửa. Hai xe cứu hỏa chạy hơn hai mươi cây số từ thị xã Bắc Giang lên Tiên Lục chữa cháy cho cây. Dập được lửa, nhưng người làng buồn xỉu suốt hai tháng trời, vì lo cho sức khỏe của dã hương. Cho đến tiết xuân ấm, thấy cành cây, ngọn cây nảy lộc, người Tiên Lục mời thở phào, trút đi những lo lắng!

Tôi có người bạn là cán bộ nghiên cứu văn hóa, một lần từ Tiên Lục về chơi, anh nói là ngày xưa, người Pháp đã mở cả đường từ Cao Thượng, qua Bến Tuần, về Tiên Lục, thuận tiện cho người đi xe ô tô tới thăm cây dã hương. Ngày nay, khách du lịch có thể đi bằng nhiều ngả, qua Vôi, qua Dương Đức, về tham quan cây dã hương Tiên Lục. Anh bạn tôi còn kể: “… Rằng này nhé, cây dã hương làng tôi mọc ở nước Nam mà cành sang tận bên Tây cơ đấy - thì Toàn quyền Paul Dumer chả xin tay chủ đồn điền cưa cho một cành dã hương mang về Pháp làm kỷ niệm là gì! Rằng, cây dã hương làng tôi ở đất Bắc mà rễ vào tới tận Kinh đô Huế - thì một Khâm sai đại thần chẳng đã chặt một đoạn rễ cây để dâng vua Tự Đức là gì! Rằng dã hương thơm lắm, từ Tiên Lục mà thơm đến tận Tòa giám mục dưới Bắc Ninh - thì dân xóm đạo chả dâng Nhà thờ Bắc Ninh cây thánh giá làm gỗ dã hương là gì!”

ANH CHI